Nữ sĩ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

“Như tháng năm dài nhen ủ mật thơm”

Thứ Sáu, 29/07/2016, 15:55
Được biết, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã được xét đề nghị truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này cho các tập thơ "Lời ru trên mặt đất" và tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng” và đã qua vòng xét duyệt. Nữ sĩ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn khi biết tin đã khẳng định: Xuân Quỳnh hoàn toàn xứng đáng vì là top đầu những nhà thơ chống Mỹ tiêu biểu. Bà không chỉ viết về chiến tranh và thơ của bà không chỉ có ý nghĩa khi đất nước còn chiến tranh, mà còn có ý nghĩa trong đời thường, khi đất nước đã hòa bình, vì chất thơ tổ ấm. Có lẽ bởi vậy, thơ Xuân Quỳnh có sức cảm hóa và ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của những người yêu thơ nhiều thế hệ...

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, một người bạn thân thiết của cố nhà thơ Xuân Quỳnh, nói với giọng hồ hởi: "Biết tin Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm nay tôi rất vui mừng cho nhà thơ yêu quý, thân thiết của mình.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Tôi vẫn nhớ như in năm 1969, khi tôi gửi chùm ba bài dự thi Báo Văn nghệ, Xuân Quỳnh đã đọc và sửa cho tôi câu thơ: "Cô gái như chùm hoa nhỏ bé" thành "Cô gái như chùm hoa lặng lẽ"... Những chi tiết như vậy chúng tôi có khá nhiều và nay đã thành kỷ niệm. Trong tình yêu và hôn nhân, Xuân Quỳnh cũng gặp nhiều trắc trở. Nhưng chính điều đó dường như đã cho chúng ta có được những bài thơ rất hay của nhà thơ.

Có lần, viết chân dung Xuân Quỳnh, tôi đã ghi nhận: "Các cô gái chẳng may có chút nghi ngờ sự chung thủy của người yêu mình thì Xuân Quỳnh đã nói hộ: "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay"... Còn các đôi lứa đã yêu nhau đến những ngày đầu bạc răng long thì cũng đã được Xuân Quỳnh bày tỏ: "Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa bão tố/ Tình ta như dòng sông/ Đã qua mùa thác lũ/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại".

Cuộc đời của nhà thơ Xuân Quỳnh đã nhiều thiệt thòi, đau đớn. May sao, nhà thơ đã được đánh giá chính xác về tài năng, về sự đóng góp không nhỏ của mình vào nền văn học nước nhà. Xuân Quỳnh, nếu ai hiểu và thân thiết chị đều có thể thấy rằng, chị là một nhà thơ nữ đáo để, trào lộng trong cuộc sống.

Cách đây mấy hôm, chúng tôi có buổi gặp gỡ những người bạn cùng thời, chúng tôi còn đùa: Nếu Xuân Quỳnh còn sống, thì chưa chắc nàng đã có đủ số phiếu cần thiết để đạt được giải thưởng này!? Bởi vì, như các bạn biết, Xuân Quỳnh là người sống thẳng thắn, bộc trực và cứ ý mình mà ghét, mà yêu.

Hồi còn sống, Xuân Quỳnh thường kể những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh làm chuyện vui với chị em chúng tôi mỗi khi gặp nhau: "Hôm qua tao nói thẳng với lão X là: Ông viết nhạt như nước ốc, làm mặt lão ấy cứ đỏ ửng lên”. Hôm khác, nàng lại kể: "Cái lão S. mà mày cứ khen lấy khen để ấy, tao cũng không chịu được. Đàn ông gì mà cứ rửa tay ở vòi nước này xong lại ra tráng tay ở vòi nước khác”.

Xuân Quỳnh và con trai Tuấn Anh.

Rồi nàng bảo, mặt ông này như quả thị rụng, mặt bà kia như cái lưỡi cày... Ấy vậy nhưng vượt qua tất cả những đáo để, trào lộng ngoài đời, thơ Xuân Quỳnh lại rất đắm say, dịu dàng, chân thành và sâu lắng. Tôi đã muốn rơi nước mắt vì nhà thơ Xuân Quỳnh đã nhận được sự đánh giá đúng đắn và minh triết từ Hội đồng giải thưởng".

Nhớ về mẹ, anh Lưu Tuấn Anh, thạc sĩ quản trị kinh doanh, người con ruột của nữ sĩ Xuân Quỳnh và người chồng đầu tiên, nghệ sĩ Violin Lưu Tuấn chia sẻ: "Những gì thuộc về mẹ luôn còn trong ký ức của tôi. Từ dáng hình, nụ cười, giọng nói, cách dạy dỗ, bảo ban, chăm sóc. Mỗi lần nhắc đến mẹ, tôi thường không cầm được nước mắt. Tôi buồn và nhớ mẹ nhiều. Lúc nào tôi cũng ước ao rằng mẹ còn sống để trả ơn bà.

Bà là một người phụ nữ luôn nhận phần hy sinh, thiệt thòi về mình. Con cái, đối với bà là thứ quan trọng nhất trên đời này và bà luôn khiến chúng tôi vui vẻ, yêu thương nhau. Tôi, Lưu Minh Vũ và Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí) luôn coi nhau là anh em một nhà. Tấm lòng hiền từ, nhân ái của mẹ đã khiến những thằng con trai nghịch ngợm như chúng tôi, quậy phá như chúng tôi trở thành những đứa con ngoan, tử tế, biết sống vì người khác".

Xuân Quỳnh là một người mẹ hài hước và đầy tình yêu thương các con. Anh Tuấn Anh nhớ lại: "Ở nhà với mẹ tôi, luôn đầy ắp nụ cười. Mẹ dạy chúng tôi trong cả những câu chuyện đầy hài hước của mẹ. Bà không bao giờ nghiêm trọng hóa vấn đề cũng chẳng bao giờ đánh đập con, rất ít khi phải mắng mỏ, vậy mà anh em chúng tôi đứa nào cũng vâng lời. Mỗi khi có gì sai, mẹ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở và khéo léo để gợi ý cho chúng tôi nên chúng tôi luôn thấy mình sai chỗ nào và tự sửa chữa để không bao giờ lặp lại lỗi lầm ấy nữa. Trẻ con cũng cần được tôn trọng và hỏi ý kiến, mẹ tôi luôn nghĩ như thế và bà thường dạy con những điều quan trọng ngay khi con còn bé và chưa chắc đã hiểu được những gì bà nói.

Ví dụ, tôi vẫn nhớ, khi tôi mới chỉ là cậu bé 10 tuổi, mẹ tôi đã căn dặn: Cuộc sống của con người muốn có giá trị thì phải có niềm đam mê một thứ gì đó, phải có cảm hứng với cuộc sống, nếu không sẽ như một cái cây khô, vô hồn và buồn tẻ. Với linh cảm của một người mẹ và sự nhạy cảm của một nhà thơ, mẹ cũng có những suy nghĩ rất hợp thời. Khi tôi học lớp 7, mẹ khuyên nên chịu khó học tiếng Anh, vì tiếng Anh mới là ngôn ngữ của thế giới. Đấy, ngay cả trong thời kỳ mà tiếng Pháp và tiếng Nga đang thịnh hành thì mẹ đã nghĩ ra việc cho con học tiếng Anh. Mẹ gửi tôi và Lưu Minh Vũ đến nhà thầy giáo Bùi Ý. Thầy là một người có kiến thức sư phạm tuyệt vời vì đã truyền niềm cảm hứng cho tôi, khiến tôi yêu môn tiếng Anh và có phương pháp học tốt.

Hết cấp III tôi thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, mẹ tiếp tục định hướng để tôi vào làm trong môi trường báo chí là Thông tấn xã Việt Nam (Ban Đối ngoại). Làm được ở đấy 3 năm thì tai nạn xảy ra với mẹ. Từ đó mọi thứ đối với tôi thực sự không còn bình thường nữa, dù những gì mẹ dạy tôi đều khắc ghi, nhưng không có mẹ, cuộc đời của đứa con non nớt, lớn chậm hơn so với chúng bạn, ít giao du với thế giới bên ngoài như tôi, thực sự bị hoảng loạn. Phải mất rất nhiều năm sau đó, cuộc sống của tôi mới có thể bình thường trở lại...".

Anh Lưu Minh Vũ, con trai riêng của nhà thơ Lưu Quang Vũ và diễn viên Tố Uyên cũng có thời gian dài sống với nhà thơ Xuân Quỳnh. Thời thơ ấu, họ cùng sống ở 96A phố Huế (Hà Nội), tập thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Anh ở cùng mẹ và bố dượng tại tầng hai. Tuấn Anh và bố, nghệ sĩ violin Lưu Tuấn ở tầng bốn. Còn nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Lưu Quang Vũ và con trai chung của hai người - Lưu Quỳnh Thơ (sinh năm 1975) - thì ở tầng ba. Tuy nhiên, ba anh em họ cực kỳ thân thiết, không khác nào anh em ruột thịt.

Minh Vũ kể, thời gian sống với “má Quỳnh” nhiều hơn thời gian anh sống với "mẹ Uyên". Diễn viên Tố Uyên, mẹ anh, thường phải đi xa, bận bịu với công việc diễn xuất, việc chăm sóc Minh Vũ gần như do Xuân Quỳnh đảm nhận.

Ký ức thời thơ ấu của anh tràn ngập hình ảnh một gia đình hạnh phúc: Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và ba con trai. Cả ba anh em cũng đã là khuôn mẫu ngoài đời cho rất nhiều nhân vật trong các truyện ngắn dành cho tôi. Mẹ tôi có viết cho tôi một cuốn nhật ký riêng. Nhưng tôi thậm chí còn chưa đọc hết cuốn nhật ký ấy, vì mỗi lần nhìn thấy nó tôi buồn lắm, nhớ và thương mẹ. Mẹ tôi là người sống thế nào thì viết thế ấy, giản dị lắm.

Mẹ viết về tôi thì cũng kể những chuyện ngày bé tôi thế nào, ăn ngủ, ốm đau ra sao, mẹ lo lắng cho tôi như thế nào... Nó như một thước phim về thời thơ bé của tôi, tôi trân trọng và cất giữ nó như một vật báu của riêng mình. Những kỷ niệm đẹp về mẹ đã là một bài thơ đẹp đối với tôi. Ngày bé, tôi không ý thức việc mẹ là một nhà thơ nổi tiếng, chỉ thấy mẹ là một người mẹ tuyệt vời, một người bạn có thể chia sẻ nhiều chuyện. Tất nhiên, với con nào thì mẹ mình chả tuyệt vời, nhưng mẹ, đối với tôi là cả một thế giới đủ đầy và trọn vẹn".

Nữ nhà thơ Ý Nhi, một người bạn thân thiết từ Sài Gòn, biết tin nhà thơ Xuân Quỳnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã nghẹn ngào: Xuân Quỳnh rất xứng đáng được vinh danh. Tôi quen Quỳnh từ mùa hè 1969. Dịp đó, từ chỗ sơ tán của Viện Nghiên cứu Văn học tại Hà Bắc, tôi đã đọc và viết bài phê bình đầu tay về tập thơ “Hoa dọc chiến hào” của Quỳnh. Tôi gửi bài cho Quỳnh. Quỳnh viết thư trả lời ngay, mừng vì có người hiểu thơ mình. Tiếc rằng tôi không còn giữ bức thư mà bài của tôi cũng đã thất lạc.

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Tôi nhớ rõ buổi tối đầu tiên đến 96 phố Huế thăm Quỳnh. Nhà Quỳnh chật lắm, tôi lại đang có mang cháu đầu lòng. Quỳnh kéo tay rủ tôi lên sân thượng ngồi chơi cho mát. Quỳnh lúc này đã nổi tiếng trong làng văn cả về thơ và nhan sắc nhưng Quỳnh không có chút gì điệu hạnh, kiểu cách. Trái lại, Quỳnh rất ân cần, vồn vã. Biết tôi hồi đi học có làm thơ, Quỳnh dặn tôi viết rồi chuyển cho Quỳnh. Sau này, khi rời khỏi Viện Văn, tôi làm thơ nhiều hơn và có thơ in trên Báo Văn nghệ, nơi Quỳnh làm việc.

Năm 1976 tôi về làm biên tập thơ tại NXB Tác phẩm mới. Ít lâu sau thì Lê Minh Khuê về tổ văn xuôi và Quỳnh về tổ văn học thiếu nhi. Chúng tôi thường tụ tập ở phòng của tổ thơ. Ba chúng tôi khá thân nhau, chia sẻ được với nhau nhiều điều trong công việc, trong đời sống. Hồi đó đứa nào cũng nghèo, chưa hết tháng đã hết tiền. Cứ thấy tôi và Quỳnh loanh quanh chỗ phòng tài vụ, cô Thoa thủ quỹ liền hỏi: các chị có cần ứng lương không? Những khi rủng rỉnh một chút, chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh rán, ăn chè, sang nữa thì ăn phở chỗ đầu đường Nguyễn Du, giáp với phố Huế.

Quỳnh thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, ví von sắc sảo. Ở đâu có Quỳnh là ở đó có tiếng cười. Quỳnh nhận xét chân xác, ngôn ngữ tinh diệu, chỉ một câu nói, đôi khi chỉ một từ đã có thể làm rõ tính cách một người. Những điều tưởng khó khăn, phức tạp, lý luận dài dòng, được Quỳnh “giải mã” lại thành ra giản dị, sáng sủa. Và bao giờ cũng mang khí vị hài hước. Nào là chuyện mua được nửa ký đường, vài mét vải ngoài tiêu chuẩn, nào là việc mua phải chiếc tủ lạnh dỏm, nước chẳng chịu đông, Quỳnh gọi nó là tủ mát. Nào là chuyện hai vợ chồng vừa mua chiếc xe Mobilet “cá ươn”. Nó ươn thật. Vũ cưỡi xe ngoài phố, gặp bạn đi xe đạp, vẫy tay chào đi trước. Nửa đường xe hư, sửa mãi, đến nơi thì mọi người họp đã gần xong...

Rồi chuyện Vũ đập muỗi. Thấy muỗi bay, Quỳnh bảo Vũ đập. Vũ đập nhẹ quá, muỗi bay mất. Hôm sau thấy ruồi, Vũ quyết lập công, đập thật mạnh, be bét cả hai tay... Rồi chuyện nhà Quỳnh trồng hành trong chiếc chậu men cũ. Lúc hành nảy lá, Vũ kêu lên: hành kìa. Lũ trẻ con xúm lại, cùng kêu lên: hành kìa. Ông Đoàn Dũng bên phố Trần Nhân Tông nhìn qua, lại kêu: hành kìa. Quỳnh cười: nhà tao giồng hành để kêu...

Quỳnh thích hoa cúc. Thơ Quỳnh rất nhiều hoa cúc. Tôi còn nhớ như in hình ảnh Quỳnh một chiều thu trên đường Trần Bình Trọng, quãng gần giáp đường Trần Hưng Đạo. Vũ chở Quỳnh trên chiếc xe đạp cũ, nét mặt Vũ hiền hòa. Quỳnh ngồi sau, tay ôm một bó cúc đại đóa, vẻ rất vui. Quỳnh thích màu vàng.

Mùa hè 1973, khi tôi sinh cháu thứ hai, Quỳnh đến thăm. Quỳnh mặc một chiếc áo phin nõn màu vàng nhạt, Quỳnh khoe mới mua được. Quỳnh đem cho tôi một chục ổi chín, thơm phức, ngượng nghịu bảo: "Thay vì mang trứng thì tao lại mang ổi”. Tôi nhớ bấy giờ Quỳnh nghèo lắm, như tất cả chúng tôi. Quỳnh ngồi chơi rất lâu, nói rất nhiều chuyện. Quỳnh đang rất buồn vì chuyện tình cảm đổ vỡ. Quỳnh có đôi mắt rất đẹp và buồn. Hôm ấy tôi nhìn thấy ngấn nước trong đôi mắt đen tuyệt đẹp ấy. Tôi vào Sài Gòn một năm thì Quỳnh mất. Sau khi Quỳnh mất, có lần tôi nằm mơ gặp Quỳnh. Quỳnh vào một căn nhà, tôi đi theo Quỳnh. Quỳnh bước qua cánh cửa rồi khuất hẳn. Bài thơ “Chiêm bao gặp Xuân Quỳnh” được viết sau giấc mơ này.

*Câu thơ “Như tháng năm dài nhen ủ mật thơm” trích trong bài “Chiến thắng hôm nay”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.