Những bí ẩn sau sự kiện tràn dầu: BP núp bóng Washington như thế nào?

Thứ Hai, 14/06/2010, 20:05
Vụ tràn dầu tại dàn khoan Deepwater Horizon thuộc sự quản lý của Hãng BP ngày càng nghiêm trọng. Tạm gác qua tấn bi kịch sinh thái ập đến Mỹ mà trước mắt đang tạo ra cuộc khủng hoảng xử lý trong Nhà Trắng, sự kiện tràn dầu còn cho thấy nhiều chi tiết hậu trường ít được biết…

Làm ăn bê bối

Tháng 9/2009, BP dò ra một mỏ dầu mới, được đặt tên Tiber, có sản lượng ít nhất 3 tỉ thùng dầu thô (tương đương 6 tháng sử dụng tại Mỹ). Hệ thống siêu máy tính của BP cho thấy mỏ dầu nằm ở độ sâu hơn 9,5km dưới đáy vịnh Mexico. Để có thể khai thác mỏ dầu, BP cùng Transocean (nhà thầu khoan dầu lớn nhất thế giới) phải thiết kế một dàn khoan có thể khoan sâu nhất từ trước tới nay.

Thế là dàn khoan 365 triệu USD được đặt tên Deepwater Horizon ra đời, với tiền thuê hơn nửa triệu USD/ngày trả cho Transocean. Được xem là kỳ tích của lịch sử công nghiệp khai thác dầu, Deepwater Horizon lại trở thành nguyên nhân dẫn đến thảm họa tràn dầu kinh khủng nhất thế giới.

Ngày 20/4/2010, Deepwater Horizon bỗng phát nổ (nguyên nhân đến nay chưa được biết), khiến 11 công nhân chết mất xác và 3 người bị thương nặng, trong tổng số 126 người làm việc trên dàn khoan khổng lồ, gây thiệt hại môi trường cực kỳ nghiêm trọng với mức độ hơn hẳn vụ tràn dầu từ tàu Exxon Valdez năm 1989 (11 triệu gallon dầu). Chỉ tính riêng chi phí khắc phục sự cố, BP đã tốn đến 930 triệu USD, tính đến đầu tháng 6/2010.   

Tại sao BP không thể bít được giếng dầu Tiber? Sự kiện cho thấy BP, dù là hãng dầu lớn thứ tư thế giới với doanh thu 246,1 tỉ USD (năm 2009) và tổng giá trị tài sản lên đến 236 tỉ USD (cùng 92.000 nhân công), đã không hề có kế hoạch ứng chiến hoàn hảo nhằm xử lý một vụ tràn dầu ở độ sâu - như được thuật từ cây bút Ian Yarett trên Newsweek (28/5/2010).

Một trong những bằng chứng cho thấy sự thiếu chu đáo của BP trong kế hoạch đối phó là bản báo cáo phản ứng khẩn cấp mà họ soạn theo yêu cầu Luật liên bang Hoa Kỳ. Tập báo cáo dày cộm 583 trang gần như không bàn đến cách làm thế nào chặn đứng một vụ tràn dầu ở độ sâu. Ed Overton - chuyên gia về khoan dầu và là nhà hóa môi trường, người đang phân tích trầm tích và mẫu nước cho Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) trong khuôn khổ chương trình xử lý sự cố Deepwater Horizon - nói rằng người ta không thể giải quyết hữu hiệu trong khi chẳng chuẩn bị trước.

Tổng Giám đốc điều hành BP Tony Hayward.

"Những gì mà họ (BP) đang làm trông hệt như việc ráp một chiếc xe cứu hỏa sau khi ngôi nhà đang bốc cháy. Rõ ràng đó là quy trình sai" - nhận xét thêm của Rick Steiner, nhà sinh học biển chuyên tư vấn xử lý các sự cố tràn dầu, từng là giáo sư Đại học Alaska.

Điều mỉa mai ở chỗ, báo cáo xử lý tình huống khẩn cấp của BP lại có không ít phần đề cập những chuyện đâu đâu, chẳng hạn sự cần thiết bảo vệ hải sư, rái cá biển hoặc hải cẩu - trong khi những động vật trên không hề có mặt ở vùng vịnh Mexico. Tất cả cho thấy báo cáo của BP dường như chỉ được thực hiện chiếu lệ, theo yêu cầu Luật liên bang Hoa Kỳ, chứ không là bản kế hoạch tác chiến thật sự nhằm xử lý hậu quả một khi xảy ra sự cố...

Sự lợi hại của những đồng tiền lobby

Trong bài báo khác, Newsweek (17/5/2010) cho biết, BP đã sử dụng chiêu vận động hành lang (lobby) để giới chức nước sở tại, trong trường hợp này là Mỹ, bớt săm soi hoạt động kinh doanh của họ. Với tài ngoại giao và quen biết rộng, Tony Hayward (Tổng giám đốc điều hành BP), hãng dầu này đang cố để làm sao từng xu trong 15,9 triệu USD mà họ chi cho các chiến dịch lobby đạt hiệu quả. Một trong những nỗ lực của Hayward là làm dịu bớt sự nghiêm khắc gay gắt của những điều luật mới liên quan phòng chống ô nhiễm dầu ban hành năm 2009.

Những "bạn thân" của BP tại Washington đều là dân máu mặt: từ Leon Panetta (Giám đốc CIA), George Mitchell (công sứ Trung Đông của Tổng thống Barack Obama), Christine Todd Whitman (nguyên Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ-EPA), Tom Daschle (nguyên thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện)... Đó là những người từng ngồi các vị trí khác nhau trong ban cố vấn "độc lập" của BP.

Huffington Post (2/6/2010) cho biết thêm, lực lượng "đánh thuê" chuyên nghiệp của BP tại các hành lang Quốc hội hiện gồm ít nhất 27 tay "mặt rô", vốn từng làm việc ở Quốc hội hoặc các cơ quan hành pháp Mỹ, có nhiệm vụ ngày đêm chạy chọt để giúp giảm thiểu tổn thất tiền của từ các án phạt mà chắc chắn họ phải chi một khi tiến trình điều tra Deepwater Horizon kết thúc. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, BP đã chi hơn 3,8 triệu USD lobby cho Washington.

Số tiền trên được phân phối cho 7 hãng lobby nằm ngay ở Washington DC, với tổng cộng 39 tay vận động hành lang chuyên trợ giúp BP giành được những lợi thế pháp lý trong kinh doanh lẫn xử lý sự cố. Vài gương mặt trong đó phải kể: Hewitt Strange (cựu Tùy viên thượng nghị sĩ Mary Landrieu); Andrew Lewin (nguyên Giám đốc pháp lý của dân biểu Dennis Moore); Bob Brooks (nguyên Chánh Văn phòng cựu dân biểu Jim McCrery); Ken Duberstein (nguyên Đổng lý Văn phòng Nhà Trắng thời Ronald Reagan)...

Tổng cộng, theo CBS News (1/6/2010), trong hai năm trước khi xảy ra vụ Deepwater Horizon, BP đã thuê 12 công ty lobby và chi ra 32 triệu USD để gây ảnh hưởng tốt cho kinh doanh của  họ tại Quốc hội, Nhà Trắng và ít nhất 14 cơ quan liên bang (không chỉ BP, Transocean - nơi cho BP thuê dàn khoan Deepwater Horizon - cũng vừa thuê hãng lobby vào ngày 10/5/2010; đó là Hãng Capitol Hill Consulting Group hiện được điều hành bởi cựu dân biểu Bill Brewster). --PageBreak--

Quan hệ Washington của BP đã được phát huy vào trung tuần tháng 5/2010, khi người ta thấy sếp Hayward lúc xách cặp đến tường trình Quốc hội Hoa Kỳ đã đi cặp kè với một cựu tùy viên của cố Thượng nghị sĩ Ted Kennedy hiện làm cho Brunswick Group, hãng quan hệ công chúng (PR) gần đây được BP thuê để chải chuốt và "chà rửa" lại hình ảnh hoen ố bởi vụ khủng hoảng tràn dầu.

Tiền lobby chẳng bao giờ như đổ sông đổ biển mà không mang lại lợi ích cụ thể. Đơn cử là sự cố nổ Nhà máy Lọc dầu BP (lớn thứ ba tại Mỹ) tại Texas City năm 2005, một trong những thảm họa kinh khủng nhất lịch sử công nghiệp dầu Mỹ. Vụ nổ và trận hỏa hoạn sau đó đã làm chết 15 người, khiến bị thương 180 nạn nhân và làm 43.000 người địa phương sơ tán...

Cơ quan điều tra nguy hiểm và an toàn hóa học kết luận nguyên nhân vụ nổ là sự thờ ơ vô trách nhiệm "ở mọi cấp điều hành trong Tập đoàn BP" trong đó có việc giảm liên tục chi phí bảo trì. Bộ Tư pháp xắn tay áo vào cuộc, cùng nhóm điều tra viên EPA, và kết quả là án phạt 50 triệu USD. Chưa hả giận và cho rằng mức phạt 50 triệu USD chẳng bõ bèn so với hàng tỉ đôla lợi nhuận của BP, EPA kêu gọi mở rộng điều tra và truy tố giới chức lãnh đạo chóp bu tập đoàn dầu này. Tuy nhiên, ý định trên bị chặn đứng bởi những viên chức cấp cao của bộ phận tội phạm môi trường thuộc Bộ Tư pháp!

Năm 2006, EPA và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thực hiện cuộc điều tra nữa liên quan đến 2 vụ rỉ dầu nghiêm trọng tại Alaska gây ra bởi hệ thống ống dẫn mục nát (1 trong 2 vụ rỉ đã làm tràn 200.000 gallon dầu). Một lần nữa, EPA muốn đưa những gương mặt chóp bu BP lên "giàn thiêu"; nhưng một lần nữa, họ cũng thất bại, bất chấp sự thật rằng có nhiều nhân chứng, trong đó có công nhân và viên chức quản lý bậc trung, nói rằng giới chức điều hành cấp cao BP đã nhiều lần phớt lờ cảnh báo về nguy cơ rò rỉ hệ thống ống dẫn.

Theo Scott West (thanh tra đặc biệt EPA) cùng đồng nghiệp Bob Wojnicz, nhóm đặc trách pháp lý của BP - đứng đầu là luật sư Carol Dinkins (nguyên Thứ trưởng Tư pháp thời Tổng thống George H. Bush và trước đó là sếp bộ phận môi trường thuộc Bộ Tư pháp) - đã chơi trên cơ EPA bằng cách đi cửa sau "thương lượng" với "các anh" to nhất trên Bộ Tư pháp!...

Không chỉ có thể "qua phà" những vụ nghiêm trọng trên, BP còn chặn đứng được kế hoạch EPA trong việc yêu cầu loại BP khỏi các hợp đồng nhà nước với Chính phủ Mỹ. Cần mở ngoặc, BP là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho Lầu Năm Góc vài năm gần đây, đặc biệt cho các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông. Năm 2009, BP bán lượng dầu trị giá 2,2 tỉ USD cho Lầu Năm Góc, trở thành hãng dầu số một, xét về doanh số, trong giao dịch với quân đội Mỹ. Tổng cộng, BP đã bỏ túi ít nhất 8,6 tỉ USD từ các hợp đồng với Chính phủ Mỹ kể từ năm 2000...

Liệu lần này có thoát chết?

Đến nay, BP - từ chữ viết tắt "British Petroleum" (Dầu nhớt Anh) được đổi thành "Beyond Petroleum" (Không chỉ là dầu nhớt) vào năm 2001, với mục đích nhấn mạnh yếu tố không chỉ kinh doanh mà còn gìn giữ môi trường trong tôn chỉ hoạt động - lại là hãng dầu chiếm kỷ lục về vi phạm an toàn lao động và gây hại môi trường nhiều nhất, như nhận xét của Yulia Reuter, người đứng đầu nhóm nghiên cứu năng lượng tại Hãng Tư vấn RiskMetrics.

Năm 2009, Cơ quan Quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) cho biết họ phát hiện đến 700 trường hợp vi phạm quy định an toàn tại Nhà máy Lọc dầu Texas City của BP và quyết định "mời" đóng phạt đến 87,4 triệu USD (hơn gấp 4 mức phạt trong vụ nổ 2005). Một nhà máy lọc dầu khác của BP tại Toledo (Ohio) cũng bị phạt 3 triệu USD vào tháng 3/2010 với tội "cố tình vi phạm luật an toàn". Tuy nhiên, phạt cứ phạt, liều vẫn liều.

Tháng 1/2010, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi BP bức thư với nội dung về "những sự cố sản xuất và an toàn nghiêm trọng" trong 2 năm qua ở vịnh Prudhoe (Alaska), nơi có mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ mà BP khai thác. Tháng 10/2009, khí từ nhà máy xử lý trung tâm của mỏ dầu Prudhoe đã xì ra bởi một van bị kẹt (!); và viên chức điều hành Prudhoe không hề biết vụ xì khí bởi khu vực trên không được bật đèn và camera không chĩa đúng hướng - bức thư Ủy ban Hạ viện viết.

Với mức độ cực kỳ nghiêm trọng trong hậu quả vụ Deepwater Horizon (cư dân Mỹ khu vực duyên hải bị ảnh hưởng đang biểu tình đòi đưa Tony Hayward lên "đoạn đầu đài"), liệu lần này BP có thể thoát nạn bằng án tiền phạt nhờ chiến dịch lobby? "Tôi chắc rằng nó (lobby) sẽ không giúp được gì" - phát biểu của thủ lĩnh phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell.

Tuy nhiên, cần để ý chi tiết rằng, ít nhất 4 ông nghị hiện có mặt trong các ủy ban thuộc Quốc hội liên quan tiến trình điều tra vụ tràn dầu đều có cổ phiếu trong BP cũng như hai công ty đối tác khác trong dự án Deepwater Horizon (Halliburton và Transocean) - theo hai tác giả Alan Fram và Sharon Theimer viết trên AP (10/5/2010).

Cụ thể, người nhà Thượng nghị sĩ John Kerry hiện có cổ phiếu trị giá 15.000USD trong BP và 65.000-150.000USD trong Transocean; dân biểu Fred Upton có cổ phiếu trị giá 16.000-65.000USD trong BP; Thượng nghị sĩ Sam Brownback có cổ phiếu 15.000-50.000USD trong BP; Thượng nghị sĩ Ted Kaufman có 23.385USD cổ phiếu trong BP và 13.202USD trong Transocean... Nói chung, BP vẫn xây dựng tốt mối quan hệ với giới chức Washington.

Nếu có điểm gì ở BP có thể gây phiền lòng thì đó là chuyện họ cãi lời Washington khi gián tiếp giao du với Iran: BP có cổ phần và là nhà khai thác hai giếng dầu cùng một hệ thống ống dẫn bên ngoài lãnh thổ Iran mà Công ty Dầu quốc gia Iran có chân trong đó...

Mạnh Kim (tổng hợp)
.
.