Những bí mật về tòa án truyền hình Mỹ

Thứ Tư, 20/01/2021, 07:20
Khi nguyên Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, thuộc nước Mỹ, tuyên bố mình sẽ trở thành thẩm phán trong một chương trình tòa án truyền hình, nhiều người đã tự đặt câu hỏi: Tại sao một quan chức cấp cao từng có thời điểm tranh cử chức Phó Tổng thống lại muốn trở thành một diễn viên trên màn ảnh nhỏ?

Theo những người thân cận với bà Palin, câu trả lời thật đơn giản: Làm thẩm phán trên truyền hình Mỹ  kiếm được nhiều tiền và danh tiếng hơn là làm Thống đốc một bang ngoài đời thực. Các chương trình tòa án truyền hình từ lâu đã là "món ăn" ưa thích của khán giả Mỹ.

Kể từ khi chương trình tòa án truyền hình đầu tiên mang tên "The People's Court" khởi sóng năm 1981 thuộc thế kỷ trước, hàng triệu hộ gia đình Mỹ hằng tuần lại bật ti vi lên để theo dõi từng tình tiết của những vụ kiện. Đây chính là cơ hội để các thẩm phán truyền hình lại trở thành triệu phú. Đơn cử như Đài Truyền hình Fox sẵn sàng trả thẩm phán Judy Sheindlin khoản lương 47 triệu USD để bà đóng 52 tập chương trình mang tên mình.

Chuyện những cặp vợ chồng tranh chấp khi li dị luôn là đề tài ưa thích của các chương trình tòa án truyền hình.

Chuyện thật hay màn kịch?

Nhiều khán giả nghĩ rằng,  những vụ án được phán xử trên truyền hình đều không có thật. Nhưng cả nguyên đơn bị đơn lẫn tranh chấp đều có thật. Chương trình toà án truyền hình thực chất giống như một hội đồng hoà giải các tranh chấp dân sự. Nhà sản xuất đánh lừa khán giả ở chỗ họ chọn bối cảnh giống hệt một phòng xử thật để khiến người xem tưởng là mọi chuyện đang diễn ra ở toà án.

Tại sao khán giả không đến toà án thật để xem những phiên xét xử bằng chính mắt mình? Điểm mấu chốt ở đây là đạo diễn chương trình biết cách đẩy cao kịch tính từng vụ kiện. Nhà sản xuất truyền hình Dave DiVerniero giải thích: "Chúng tôi lựa chọn những vụ kiện lố bịch nhất, ví dụ như "Bạn trai cũ đập vỡ bồn cầu lúc chia tay" hay, "Bố chồng ngoại tình với con dâu rồi gạt con trai ra khỏi di chúc"… Không thiếu gì những lý do để người ta đem nhau ra toà cả".

"Các chuyên gia "săn tìm" của chúng tôi đi đến từng toà án địa phương và xem xét tất cả những đơn kiện họ nhận được. Sau khi đã nhận được sự đồng ý của cả hai bên trong việc đem vụ kiện lên sóng truyền hình, chúng tôi còn phải "tác động"; "gợi ý" họ tự mình "dâng cao" tình hình. Những chuyện như cãi nhau, hay thậm chí "động chân động tay" một chút hoàn toàn chấp nhận được. Thậm chí nếu bất kỳ bên nào muốn thay đổi một vài chi tiết của vụ án sao cho ly kỳ hơn cũng được", Dave DiVerniero nói.

Ngay cả bản thân các thẩm phán cũng hiểu được điều này. Theo thói thường, họ là những thẩm phán đã nghỉ hưu và có kiến thức lẫn kinh nghiệm xét xử. Nhưng đây chỉ là điều kiện "cần" mà thôi. Điều kiện "đủ" của một thẩm phán truyền hình thành công là có tài diễn xuất và kể chuyện. Trên một khía cạnh nào đó, họ cũng giống như những người dẫn chương trình đưa khán giả đi từ tình tiết này đến tình tiết khác của vụ kiện, khiến người xem cảm thấy như mình thật sự có phần trong mối bất hoà này.

Thẩm phán Judy Sheindlin là một "bậc thầy" trong việc này. Bà được mệnh danh là người có "cái lưỡi bọc gai", sở hữu tài năng mỉa mai hay khiến người khác vừa phát sợ, vừa nổi giận. Thẩm phán Judy dùng cái "tài" này để gây tình huống trong vụ xử, thu hút sự thích thú của khán giả.

Ở chiều ngược lại, động cơ của những người đem nhau ra toà án truyền hình để kiện là gì? Theo lời của Dave DiVerniero, ban sản xuất chương trình thường chỉ nhận được lời từ chối kể cả khi có được cho tiền đi nữa. Dave vẫn còn tiếc một vụ kiện giữa hai nghệ sỹ múa rối câm có cùng nghệ danh và đặt tên con rối trùng nhau. "Chúng tôi đã làm mọi thứ. Từ việc đề nghị trả gấp ba lần mức "hoa hồng" bình thường đến trả toàn bộ chi phí cho hai người sống trong một khách sạn năm sao, nhưng họ đều từ chối vì không muốn đưa chuyện của mình ra giữa thiên hạ".

Có hẳn những trường quay dành cho chương trình tòa án truyền hình.

Đối với những trường hợp đồng ý, tiền bạc và các lợi ích vật chất khác chỉ là thứ phụ. Điều quan trọng nhất với họ là danh tiếng. Người ta sẵn sàng trở thành trò hề, miễn làm sao trở thành nổi tiếng bởi vì tại Mỹ, danh tiếng là thứ kiếm ra tiền có khi còn hơn cả tài năng. Có những trường hợp đi xa đến mức "dàn dựng" tranh chấp giả để được lên ti vi.

Một chuyên gia quay phim giấu tên kể lại thế này: "Có lần tôi quay một chương trình xét xử vụ kiện giữa bốn anh em trai. Họ tranh chấp về việc chịu trách nhiệm tu sửa ngôi nhà do bố mẹ để lại. Tôi bắt đầu có cảm giác nghi ngờ khi họ bất ngờ đánh nhau giữa buổi ghi hình. Bình thường khi nguyên đơn và bị đơn đánh nhau, họ đánh thật vì ghét nhau. Ấy thế nhưng bốn anh em này thi nhau "ra đòn"  đấm đá cứ như là tập thể dục. Sau này nhà sản xuất mới phát hiện ra rằng, chẳng có chuyện gì xảy ra giữa anh em nhà này hết, tất cả chỉ là họ dựng chuyện để được xuất hiện trên… ti vi mà thôi".

Những chuyện chưa kể

Khi những chương trình toà án truyền hình đầu tiên lên sóng, có nhiều luồng ý kiến trái chiều cho rằng, quyền lực của toà án là một vấn đề nghiêm túc. Do đó, không nên để các đài truyền hình lợi dụng hình ảnh của cơ quan thi hành pháp luật để hút khán giả. Nhưng kỳ lạ là chính các thẩm phán lại là những người đứng ra bảo vệ cho những chương trình này. Theo cách lý giải của họ thì do thói quen đem nhau ra toà của người dân Mỹ nên các toà án địa phương ở nước này đang chịu quá tải. Cho phép các chương trình toà án truyền hình làm việc hoà giải là một cách để giảm áp lực lên các toà án thật.

Hàng triệu hộ gia đình Mỹ theo dõi thẩm phán Judy phán xử trên sóng truyền hình mỗi tuần.

Một số bang ở nước Mỹ có những quy định riêng để đảm bảo tính công bằng trong các chương trình toà án truyền hình. Như tại bang California, bất kỳ chương trình nào cũng phải có ít nhất một cố vấn là luật sư hay công tố viên với kinh nghiệm hành nghề hơn 10 năm. Bất kỳ vụ kiện nào trước khi lên sóng truyền hình cũng phải nhận được sự chấp thuận của các vị cố vấn này. Trong trường hợp bất kỳ bên nào tham gia tranh chấp có đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, vị cố vấn phải chứng minh được tính hợp lý trong phán quyết của thẩm phán.  Tuân thủ theo các quy định này mà thường thì, kết quả vụ kiện đã được các bên xác định ngay từ trước khi phiên xét xử diễn ra.

Tuy nhiên, đôi khi chính các thẩm phán là người "phá lệ". Jack Morton, đạo diễn của chương trình toà án truyền hình nổi tiếng "Judge Maria Lopez", từng hơn một lần chia sẻ: "Thẩm phán Maria Lopez không ít lần đã khiến chúng tôi phát hoảng . Có một vụ án tranh chấp tài sản giữa cha và con được lên sóng truyền hình. Chúng tôi đã mặc định ngay từ đầu là thẩm phán sẽ xử cho người con thắng kiện, thậm chí còn xây dựng kịch bản theo trường hợp đó. Nhưng khi đến giây phút quyết định, thẩm phán Maria lại xử cho người cha thắng kiện. Vậy là cả đoàn làm phim có một phen hoảng hồn lo mà dựng lại chương trình từ đầu để kịp giờ phát sóng".

Giống như ở toà án thật, quyền quyết định đúng sai tại toà án truyền hình cũng hoàn toàn thuộc về thẩm phán. Bao giờ trong biên bản thoả thuận ký kết với nguyên đơn và bị đơn cũng có một điều khoản rằng: người ký chấp nhận mọi phán xét được thẩm phán đưa ra. Tất nhiên là bất kỳ vị thẩm phán truyền hình nào cũng phải chịu một số giới hạn nhất định. Theo đó, họ không được đưa ra bất kỳ hình phạt phi tiền bạc nào (như bỏ tù) hay viết vào mục "tiền án tiền sự" trong nhân thân của người nhận phán quyết. Thậm chí trong nhiều trường hợp, bản thân người thua kiện không phải trả một đồng nào, mà đài truyền hình sẽ thay họ "bồi thường" cho người thắng. Đây là một cách vừa để né tránh các hậu quả pháp lý sau này, vừa giúp hai bên thoải mái hơn mà làm "trò hề" trên sóng truyền hình.

Không phải một sự lựa chọn tốt

Nhiều người Mỹ nuôi mộng một ngày nào đó sẽ đem tranh chấp của mình ra toà án truyền hình để được giải quyết nhanh chóng, vừa có thêm tiền và một khoảnh khắc ngắn ngủi được có cơ may xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng không phải lúc nào toà án truyền hình cũng là sự lựa chọn tốt đối với các tranh chấp dân sự. Trong trường hợp bên nguyên cho rằng, thiệt hại mình phải chịu cao hơn 5.000 USD, họ không nên chấp nhận lời mời lên sóng truyền hình do hầu hết các chương trình toà án đặt giới hạn chi trả là 5.000 USD.

Một số vụ án mang tính "nhạy cảm" như việc tranh chấp quyền nuôi con hoàn toàn không nên được đưa lên sóng. Vào năm 1999, toà án thành phố New York đã bác bỏ phán quyết của thẩm phán Judy trong một vụ tranh chấp về nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già vì lý do "không tính đến các tổn thương về tinh thần do bị phán quyết gây ra". Gia đình đó đã hoàn toàn tan vỡ mọi hy vọng sau khi tham gia chương trình toà án truyền hình.

Các phán quyết của thẩm phán không phải lúc nào cũng đúng người, đúng tội. Cũng như các diễn viên, những viên thẩm phán truyền hình cũng phải tìm cách chiều lòng khán giả. Trước khi phiên toà diễn ra, đạo diễn và thẩm phán sẽ bàn bạc với nhau xem khán giả sẽ đồng cảm với bên nào nhất để mà "nhẹ tay" hơn với họ. Thậm chí họ còn sử dụng những nhóm khán giả đại diện cho từng nhóm tuổi, giới tính, tầng lớp,… để kiểm tra trước xem mình nên ưu tiên cho bên nào hơn. Có những trường hợp đối tượng rõ ràng đã phạm lỗi, nhưng vì có hoàn cảnh éo le hay cách biểu cảm lấy được lòng cảm thông của khán giả mà nhận được phán quyết ít "gắt gao" hơn.

Chỉ cách đây mấy năm, thẩm phán Judy nhận được đơn kiện từ một số gia đình khiếu nại việc trường tiểu học phạt con cái họ bằng việc nhốt các em vào trong tủ quần áo suốt mấy tiếng đồng hồ. Mục tiêu của các bậc phụ huynh không chỉ là tìm bồi thường mà còn cảnh báo xã hội về tình trạng bạo hành trong nhà trường.

Trong một phiên toà gây xúc động cho cả nước Mỹ, thẩm phán Judy đã buộc được ban giám hiệu phải hoàn trả tiền học và bồi thường tổn thương tâm lý cho các em học sinh. Dưới sức ép của công luận, chính quyền đã phải vào cuộc và phát hiện các giáo viên giảng dạy ở nơi đây hoàn toàn không có bất kỳ bằng cấp nào. Chính sự kiện động trời đó đã buộc ngôi trường phải đóng cửa. Đây là một ví dụ hiếm hoi cho thấy: nếu mọi người thật sự hiểu rõ bản chất của mô hình toà án truyền hình, họ hoàn toàn có thể biến nó trở thành một công cụ đắc lực trong việc bảo vệ công bằng và lẽ phải ngoài đời thật.

Vũ Lê (Tổng hợp)
.
.