Giám định pháp y thương tích xếp hạng tỉ lệ % tổn hại sức khoẻ:

Những bức xúc cần phải nói...

Thứ Ba, 29/06/2010, 19:40
Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên ủy ban tư pháp của quốc hội cử đoàn cán bộ đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an và Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế khảo sát về lĩnh vực giám định pháp y. Đây là lĩnh vực giám định đặc thù, nhạy cảm, liên quan nhiều đến đời sống - xã hội và cũng đang là "điểm nghẽn" của công cuộc cải cách tư pháp cần có sự tháo gỡ ở tầm vĩ mô...

Hiện nay, trong thực tế điều tra, xử lý các vụ án gây thương tích thường xảy ra trường hợp có sự chênh lệch tỉ lệ % tổn hại sức khỏe, giữa các lần giám định khiến cơ quan tố tụng lúng túng. Thậm chí, cả người bị hại lẫn người gây thương tích cũng đều thắc mắc, khiếu nại. Người bị hại bao giờ cũng kêu giám định viên sao cho tỉ lệ  % thấp thế. Người gây thương tích thì luôn kêu trời: "Tôi đánh... nhẹ thôi mà!".

Tuy nhiên, việc có "xung đột" kết quả giám định giữa các lần khám thương tích ở những thời điểm khác nhau hoàn toàn là chuyện... bình thường trong nghề bởi khám thương tích là khám di chứng chấn thương sau khi nạn nhân bị đánh. Về mặt y học, diễn biến của chấn thương có thể nặng lên hoặc nhẹ đi theo thời gian và quá trình điều trị, thậm chí có thể tử vong hoặc khỏi hẳn. Theo logic khoa học  y học, thì rõ ràng ở mỗi thời điểm giám định kết quả xếp hạng tỉ lệ % thương tích nhiều trường hợp sẽ khác nhau. Đừng nghĩ sự khác nhau này là "xung đột" giám định để rồi đổ oan cho giám định viên...  tiêu cực.

Xin đơn cử trường hợp sau: Tháng 1/2009, tại lễ khánh thành đình làng xã Phú Cường, huyện Ba Vì, TP Hà Nội xảy ra vụ xô xát giữa hai anh em ruột ông Lê Ngọc Lương, do mâu thuẫn gia đình. Hậu quả ông Lương bị em trai là Lê Văn Chương túm cổ áo đập mặt vào vô lăng xe ôtô gây thương tích môi trên, bầm tím đầu gối... Kết quả giám định thương tích của Trung tâm Pháp y TP Hà Nội xếp hạng cho ông Lương tổn hại sức khỏe 12%.

Căn cứ kết quả này Công an huyện Ba Vì đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Lê Văn Chương tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 1, điều 104 Bộ Luật Hình sự. Thế nhưng bị can Lê Văn Chương khiếu nại đề nghị giám định lại thương tích ông Lê Ngọc Lương vì tỉ lệ 12% là... cao quá (!).

Đến tháng 6/2009 (6 tháng sau) Viện Pháp y Quốc gia - Bộ Y tế giám định lại kết luận tỉ lệ  % tổn hại sức khỏe của ông Lê Ngọc Lương là... 4%. Rõ ràng tại thời điểm giám định 6 tháng sau các vết thương ở môi và đầu gối ông Lương không còn như hồi tháng 1/2009 nữa mà nó đã liền sẹo, hết bầm tím. Như vậy tỉ lệ thương tích chỉ còn 4% hoàn toàn đúng. Nếu so sánh đơn thuần tỉ lệ 12% - 4% thì cho rằng "xung đột".

Nhưng về chuyên môn y học kết quả đó là... bình thường! Sử dụng kết luận  giám định nào là quyền của cơ quan  tố tụng trên cơ sở bảo vệ lợi ích người bị hại. Ngày 1/6/2010, Tòa án nhân dân huyện Ba Vì đã đưa vụ án này ra xét xử công khai. Các  cơ quan tố tụng quyết định sử dụng  kết luận giám định lần đầu (12%) truy tố Lê Văn Chương tội "cố ý gây thương tích".

Trong giám định thương tích xếp hạng tỉ lệ  % tổn hại sức khỏe các trường hợp có tổn thương cụ thể như gãy, vỡ xương, dập vỡ phủ tạng, rách phần mềm để lại sẹo v.v... thì giám định viên ít phải suy nghĩ, đắn đo bởi nó... quá rõ. Nhưng, đối với các chấn thương vào đầu, mặt hoặc vào các vị trí khác trên cơ thể nạn nhân mà bên ngoài không nhìn thấy dấu vết gì giám định viên luôn phải thận trọng, khám kỹ để phát hiện di chứng.

Xin nhớ, nhiều chấn thương bên ngoài tưởng là nhẹ nhưng bên trong có khi lại gây hậu quả nặng nề. Mới đây hồi tháng 5/2010, tại Trại giam Vân Hòa, Thường Tín, Hà Nội xảy ra vụ 1 can phạm bị một số can phạm khác đá vào ngực dẫn đến tử vong. Khi khám nghiệm tử thi vùng ngực không hề có dấu vết bầm tím, sây sát nào? Nạn nhân chết do bị ngừng tim đột ngột bởi hậu quả của những cú đá mạnh tác động vào xương ức!  Rất may là có nhiều nhân chứng chứng kiến nạn nhân bị nhóm can phạm kia đá vào ngực, nếu không Cơ quan điều tra cũng... "mệt" bởi lý luận: "Không thấy dấu vết gì tại sao... nặng thế?". Các can phạm đánh chết người hiện nay đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố theo quy định của pháp luật.

Nhân trường hợp này, chúng tôi cũng xin giải thích rõ thêm về chấn thương trong pháp y. Chấn thương do tác động ngoại lực vào cơ thể gây đau, gây bầm tím tụ máu, sây sát, dập rách da, dập vỡ phủ tạng bên trong, thậm chí làm gãy, vỡ xương v.v.... Tuy nhiên, không phải lúc nào chấn thương cũng có dấu hiệu "tuần tự" như thế. Khá nhiều chấn thương tuy không để lại dấu vết gì bên ngoài mà hậu quả thì khôn lường. Đặc biệt là chấn thương đánh vào vùng đầu - mặt!

Có 2 điểm cần chú ý: Thứ nhất,  não bộ thực sự "lơ lửng" trong hộp sọ bởi dịch não tủy (cơ chế bảo vệ của não). Với cú đánh vào đầu, mặt khiến đầu bị dịch chuyển gây ra tổn thương gia tốc. Đầu bị dịch chuyển vận động của não bộ thì không theo kịp. Ngoài ra, vì cuống não cố định ở bên dưới nên khi đầu dịch chuyển do bị đánh thì tất nhiên xảy ra chuyển động xoay và va đập của các bán cầu não làm cho nạn nhân  choáng váng, hoa mắt, tối sầm mặt, buồn nôn, mất ý thức thoáng qua... thậm chí có thể làm chảy máu.

Thứ hai, do các bán cầu não bị xoay nên bề mặt não sẽ va đập vào những lồi xương trong hộp sọ, va đập cả vào các nếp của màng cứng gây ra hàng loạt  triệu chứng và di chứng thần kinh về sau. Chấn thương vùng đầu, mặt, ngay cả những tác động nhẹ - khó tập trung, giấc ngủ không yên... Hội chứng này là phổ biến, nó thường được gọi bằng cụm từ y học.

Các bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Giám định pháp y.

Hội chứng sau chấn động não, suy nhược thần kinh do chấn thương hoặc hội chứng thần kinh bất ổn sau chấn thương. Những di chứng này có thể dai dẳng hàng tuần, hàng tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn. Pháp y Bộ Công an đã giám định nhiều vụ nạn nhân chỉ bị tát một cái cũng gây hậu quả chảy máu não dẫn đến tử vong. Có trường hợp chỉ một cái tát vào mặt khi giám định thương tích, giám định viên của Viện Y học Tư pháp TW (nay là Viện Pháp y Quốc gia) đã xếp hạng tỉ lệ tổn hại sức khỏe cho nạn nhân là 36% (Bản giám định số 50/02/2002). Đặc biệt, đối với trẻ vị thành niên, hộp sọ và não bộ đang trong thời kỳ phát triển, chưa ổn định nên chỉ cần tác động nhẹ vào đầu, mặt cũng có thể gây chấn thương sọ não tiên lượng khó lường.--PageBreak--

Một trong những bức xúc hiện nay, đối với giám định thương tích đó là sự quá cũ, quá lạc hậu của Bảng xếp hạng tỉ lệ thương tật ban hành kèm theo Thông tư số 12/TTL Bộ Y tế - Lao động ngày 26/7/1995. Bảng xếp hạng thương tật này chỉ được dành cho các trường hợp khám xếp hạng sức khỏe thương binh hoặc khám mất sức lao động, khám bệnh nghề nghiệp để có chế độ, chính sách... Thế nhưng từ lâu nó lại được sử dụng trong giám định pháp y mặc cho các giám định viên... kêu trời!

Đến nay pháp lệnh giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành trên 5 năm nhưng không đáp ứng được thực tế và có nhiều điểm không phù hợp - Dự buổi làm việc của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại Viện Pháp y Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính thẳng thắn nhận định: sở dĩ hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng đang trở thành "điểm nghẽn" của công cuộc cải cách pháp y xuất phát từ vấn đề nhận thức chưa đúng tầm. Bởi thế mới có chuyện "Bảng xếp hạng tỉ lệ tổn hại sức khỏe ban hành từ năm 1995 dùng cho thương binh  và tai nạn lao động lại được áp dụng cho cả pháp y  trong suốt thời gian dài mà chẳng ai quan tâm.

Bức xúc nhất đối với giám định viên khi khám giám định thương tích các trường hợp di chứng sau chấn thương sọ não thường rất khó khi áp dụng các điều khoản ở mục 2a "Hội chứng suy nhược nhẹ" (Chương IV phần III mục 2a). Ở mục 2a này xếp hạng tỉ lệ  % tổn hại sức khỏe từ 21 đến 25% tạm thời. Vì bảng xếp hạng ban hành năm 1995 chỉ dùng cho thương binh với quan điểm Nhà nước ưu tiên, đền ơn đáp nghĩa nên thương binh bị chấn thương vào đầu, mặt xu hướng vận dụng cho tỉ lệ cao là phù hợp. Nhưng, đối với giám định pháp y nếu tính 21-25% thì bị hại... "ca tụng" giám định viên còn đối tượng gây thương tích thì "oán trách", kiện cáo.

Đã có một đề tài nghiên cứu phân chia xếp hạng "hội chứng suy nhược nhẹ sau chấn thương sọ não" trong giám định pháp y có các tỉ lệ 5,10,15 rồi mới đến 21-25%. Song, rất tiếc chẳng ai đoái hoài nên không thể thực hiện. Được biết 3 cơ quan giám định pháp y của Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tham gia vào dự thảo Bảng xếp hạng tổn hại sức khỏe dùng cho pháp y. Các giám định viên đang rất mong chờ bảng xếp hạng mới này với đủ các mục tổn thương.

Chẳng hạn: các trường hợp xâm hại tình dục hiện nay xảy ra nhiều nhưng chưa có quy định xếp hạng thương tích nên Cơ quan điều tra khá bức xúc, ngay cả giám định viên cũng băn khoăn  không biết giải thích thế nào với nạn nhân  và gia đình họ. Trong một lần đi kiểm tra, Viện Pháp y Quốc gia phát hiện thấy một kiểu tính tỉ lệ % hiếp dâm của tuyến dưới thật "độc nhất vô nhị": giám định viên ở đó đã... sáng tạo lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% rồi cho ra tỉ lệ tổn hại sức khỏe.

Còn một vấn đề nữa liên quan đến Pháp lệnh giám định tư pháp mà thực tế giám định pháp y ở nước ta, chúng tôi thấy không hợp lý và máy móc. Đó là việc giao, nhận đối tượng giám định (Điều 29) -  Nếu như giám định kỹ thuật hình sự toàn lấy mẫu có thể bao gói, niêm phong thì đối tượng của pháp y lại là người sống và tử thi không thể bao gói, niêm phong được nên việc tiếp nhận giám định cần phải có cơ chế khác. Từ trước tới nay (tháng 6/2010) - chưa bao giờ Cơ quan điều tra lập biên bản bàn giao... tử thi cho giám định viên.

Đối với giám định thương tích, phần lớn vụ việc cán bộ công an đưa đối tượng đến khám trực tiếp mang theo giấy giới thiệu và trưng cầu. Cơ quan giám định kiểm tra chứng minh thư nhân dân của bệnh nhân xem có đúng là người cần giám định không? Việc kiểm tra chứng minh thư còn bảo đảm chắc chắn hơn là ghi vào biên bản một cái tên mà không biết có phải đúng là họ không? Giám định pháp y mang tính đặc thù liên quan đến con người cụ thể nên chúng tôi thấy cách giao nhận cũng phải dựa vào tình hình thực tế, giảm phiền hà cho nhân dân.

Mặc khác tại Nghị định 67/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp  Điều 18 khoản 3 nêu rõ: Thủ tục giao nhận đối tượng giám định khi trưng cầu giám định và thủ tục giao nhận lại đối tượng giám định được thực hiện theo quy chuẩn chuyên môn của từng lĩnh vực giám định do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Thế nhưng hiện nay pháp lệnh giám định tư pháp đã có hiệu lực quá 5 năm rồi mà chưa có quy chuẩn chuyên môn nào về lĩnh vực giám định pháp y được ban hành? Các cơ quan giám định pháp y buộc phải làm theo quy định của cơ quan mình. Bởi thế mới có chuyện bị hại tự cầm  giấy tờ đến khám thương tích chẳng cần công an đưa tới (công an chỉ liên hệ trước, hẹn ngày).

Cũng vì Pháp lệnh giám định tư pháp chỉ quy định chung chung, pháp y thuộc ngành y tế khi xếp hạng tỉ lệ % tổn hại sức khỏe họ không hề viện dẫn chương, khoản, mục nào của bảng tiêu chuẩn thương tật mà vẫn... "khỏe re". Pháp y Bộ Công an đã từng phải giám định lại nhiều trường hợp tòa án phải trả hồ sơ chỉ vì cơ quan giám định trước khi cho tỉ lệ % tổn hại sức khỏe không viện dẫn áp dụng, chương, khoản, mục nào của Bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật.

Điểm cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này là các cấp chủ quản, quản lý giám định tư pháp cần tổ chức tập huấn pháp luật và nghiệp vụ định kỳ cho đội ngũ giám định viên bởi có nhiều giám định viên ngay ở cấp trung ương cũng chưa một lần được nghe trình bày về Pháp lệnh giám định tư pháp, thậm chí, còn chưa được đọc bao giờ!

Hy vọng sắp tới bảng xếp hạng tỉ lệ % tổn hại sức khỏe dành riêng cho giám định pháp y sẽ được ban hành cùng các quy trình giám định chuyên môn phù hợp với thực tế Việt Nam

Công Lý
.
.