Những cạm bẫy mùa thi

Thứ Ba, 10/07/2012, 15:15

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu tháng 7 hàng năm là hàng ngàn thí sinh lại ùn ùn kéo nhau lên TP Hà Nội tham gia 2 kỳ thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng (ĐH - CĐ). Trong đó có không ít những sĩ tử (cùng người thân) lần đầu lên thủ đô, và những bỡ ngỡ là khó tránh khỏi. Nếu không cảnh giác, rất có thể họ sẽ trở thành những con "gà béo" cho đám lừa đảo tha hồ "vặt lông".

I. Hoàng Trung Hiệu (quê ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, hiện đang là sinh viên Trường CĐ Bách Nghệ). Đến giờ này Hiệu vẫn còn rất ấm ức trước chuyện năm ngoái Hiệu đã trở thành miếng mồi ngon cho một nhóm đối tượng hành nghề xe ôm ở bến xe như thế nào.

Mùa thi ĐH 2011, sau khi đưa em gái là Hoàng Huyền Trang (19 tuổi) đi thi xong tại ĐH Văn hóa, Hiệu dẫn em ra bến xe Mỹ Đình bắt ôtô khách về quê. Vừa mới thò mặt vào bến xe, Hiệu đã bị một đám xe ôm lẫn lơ xe bu vào chào mời. Lòng vòng một lúc không tìm được xe về Tuyên Quang, Hiệu và em gái đành ngồi chờ ở một góc bến xe.

Lúc này có hai người xe ôm lại gần, mời mọc rằng xe về Tuyên Quang vừa xuất bến cách đây 10 phút thôi. “Hai em muốn đi thì lên xe tụi anh chở”. Do đã có kinh nghiệm từ trước, Hiệu hỏi giá. Một trong hai tên trả lời: "Bọn em là thí sinh vừa thi ĐH về đúng không? Bọn anh lấy rẻ mười ngàn một người thôi". Thấy giá cả dễ chịu, Hiệu đồng ý.

Chẳng ngờ, khi chiếc xe lên đến giữa cầu vượt Mai Dịch thì hai chiếc xe ôm dừng lại. Hai gã tài xế hiện nguyên hình là bọn lừa đảo khi bắt Hiệu phải đưa cho chúng 500.000 đồng thì mới chở đi tiếp. Nếu không thì chúng sẽ "nói chuyện" bằng nắm đấm. Sợ quá, Hiệu vội vét hết ví được 400.000 đồng đưa cho chúng. Hai tên tiếp tục chở Hiệu cùng em gái thêm vài km nữa thì lại đòi phải đưa cho chúng thêm 200.000 nữa. Vì chỗ 400.000 kia chạy từng ấy đường là hết rồi!

Sợ quá, nhân lúc chiếc xe chạy chầm chậm tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, Hiệu đánh liều nhảy từ trên xe xuống. Lập tức hai tên dừng xe, quây Hiệu lại. Chúng sừng sộ định lao vào đánh. May lúc ấy có nhiều người dân xung quanh xúm lại hỏi chuyện, hai gã xe ôm mới bỏ đi.

Hai đối tượng hành nghề xe ôm đang chèn ép, trấn lột tiền của hành khách trên cầu vượt Mai Dịch.

Một số người dân sống bên cầu vượt Mai Dịch bức xúc cho biết, mỗi mùa thi có một số lái xe ôm bất lương chuyên trấn lột thí sinh lại xuất hiện. Chúng có khoảng gần chục tên hành nghề ở bến xe Mỹ Đình, tác oai tác quái trên cầu vượt Mai Dịch. Không chỉ nhắm vào đối tượng sĩ tử "lạ nước lạ cái" bọn chúng còn trấn lột cả những người ở quê xuống Hà Nội cũng vẫn bằng cách thức đốn mạt trên.

Cũng theo những người này, có trường hợp hai bố con đi bốc vác thuê được 1 triệu đồng, đem về bị bọn chúng lột sạch không còn lấy một xu, phải nhờ người dân giúp mỗi người vài nghìn đồng mới có tiền đi ôtô về quê.

Chị Nhung, một người bán hàng nước dưới chân cầu kể với chúng tôi: Sáng hôm 2/7/2012, có hai mẹ con một chị quê từ Vĩnh Phúc xuống làm thủ tục đăng ký dự thi. Sau khi đã thỏa thuận giá cả từ bến xe Mỹ Đình về nhà trọ, mẹ con chị này cũng bị đám xe ôm lừa đảo chở lên cầu vượt Mai Dịch rồi vứt ở đấy. Chúng đòi thêm 300.000 đồng tiền công nữa. Mẹ con chị này chả biết làm thế nào đành phải móc tiền đưa cho chúng rồi dắt díu nhau đi bộ. Biết sự tình, chị liền chỉ bến xe buýt cho hai mẹ con đi, và dặn phải thật cảnh giác trước mấy tay xe ôm lừa đảo.

Bến xe thường là nơi cánh xe ôm lừa đảo chực chờ hại hành khách.

II. Không chỉ có đám xe ôm bến xe mà nhiều đối tượng chuyên lừa đảo mùa thi dịp này lại tha hồ tung hoành. Và sau mỗi mùa thi thì các chiêu trò của chúng cũng được thay đổi một cách "linh hoạt" hơn để dễ bề hành động.

Mấy năm trước, bọn lừa đảo thường mạo danh nhân viên phòng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ để tiếp cận phụ huynh và thí sinh. Thông qua đó, chúng mời chào vào học những "trường tốt" mà không phải thi cử gì cả. Nhưng năm nay, nhiều "cò tuyển sinh" đã chuyển sang đóng vai người nhà thí sinh. Các chiêu trò cũng được nâng cấp lên hẳn.

Ban đầu, chúng sẽ tiếp cận phụ huynh, rủ vào các quán nước gần trường trò chuyện. Sau một vài câu xã giao thông thường, chủ đề đang nói sẽ được lái theo hướng: "Nếu không đỗ ĐH, bác cứ cho đi học khoa X của các trung tâm đào tạo liên kết với những trường như ĐH Kinh tế, ĐH Thương mại. Phí đầu vào chỉ khoảng 20 triệu. Nếu kết quả thi từ 15 điểm trở lên, con bác sẽ được nhận học bổng cả kỳ là 3 triệu…". Nếu phụ huynh nào tỏ ra nghi ngờ, chúng sẽ tiếp tục tạo lòng tin bằng tờ thông tin tuyển sinh thi ĐH 2012 có đóng dấu đỏ hẳn hoi và địa chỉ, số điện thoại người cần liên hệ.

Mạnh dạn hơn, có tờ rơi còn ghi là "Viện nghiên cứu kinh tế công nghệ liên kết với một số trường ĐH, CĐ mở lớp đào tạo chính quy…". Chỉ cần đạt 12 điểm trở lên và chồng mức phí từ 15-25 triệu là các sĩ tử nhà ta đã được gắn mác sinh viên. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhiều phụ huynh đã tin sái cổ để rồi "sập bẫy".

Năm ngoái chị Hoàng Kim Anh, quê Thái Nguyên do nhẹ dạ cả tin đã đưa hàng chục triệu đồng cho chúng để đăng ký ứng tuyển cho con em. Nhưng đến khi con mình trượt ĐH, gọi điện cho "cò" thì thấy tắt máy. Lặn lội đến "Viện nghiên cứu" như chúng nói thì không thấy địa chỉ đâu. Còn đến hỏi trường ĐH - CĐ liên kết thì ngã ngửa người, cán bộ tuyển sinh thông báo: "Không hề có chương trình đào tạo nào như thế".

Bên cạnh đó, một số người mạo danh mình là thành viên của CLB Khuyến học, CLB Hỗ trợ cộng đồng… để "bòn hầu bao" người nhà thí sinh. Họ tiếp cận phụ huynh bằng chiêu thu thập tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của sĩ tử, lập thành một danh sách và bảo rằng sẽ có những hỗ trợ đặc biệt cho thí sinh nào "vượt vũ môn" thành công hay những tấm gương nhà nghèo vượt khó.

Tranh thủ lúc người nhà kê khai, họ nhỏ nhẹ đưa ra một đề nghị các bậc phụ huynh ủng hộ từ 10 - 20 ngàn đồng để thí sinh nhận được sự hỗ trợ này. Thấy số tiền đóng góp không đáng là bao và lý do nghe khá "xuôi tai", nhiều phụ huynh đã rất vui vẻ "rút ví" mà chẳng chút nghi ngờ.

Một đối tượng móc túi trên xe buýt bị bắt giữ.

III. Phụ huynh và thí sinh tham dự kỳ thi ĐH - CĐ năm nay cũng cần hết sức cẩn trọng trong khi di chuyển về nơi trọ hoặc đến địa điểm thi. Đặc biệt là cảnh giác tại các trạm xe buýt, thậm chí trên từng chuyến xe. Vì đây thường là những nơi các đối tượng xấu tập trung hoạt động.

Các đối tượng này hầu hết là những con nghiện hoặc dân móc túi chuyên nghiệp. Một chiêu bài mà chúng mới sử dụng là ăn mặc rất giống sinh viên, mang một bộ mặt hết sức ngây thơ, sau khi lân la trò chuyện thì sẽ kể lể hoàn cảnh, hoặc là cần tiền về quê, hoặc là cần tiền nộp học, hết tiền ăn nên muốn… bán một số vật dụng như máy ảnh, đồng hồ, điện thoại di động.

Chỉ cần thấy được chú ý, bọn chúng ra giá rẻ hơn so với hàng thật đến 10 lần, ví như một chiếc máy ảnh nhãn hiệu Sony trông khá mới chỉ có giá 200.000 đồng, mặc cả xuống 150.000 đồng là sẽ trở thành chủ sở hữu ngay.

Anh Bùi Văn Thái, quê ở Bắc Giang cho chúng tôi biết: Trong khi chờ con trai làm thủ tục tại Hội đồng thi ĐH Thủy Lợi, anh được một cậu thanh niên đến gạ mua chiếc điện thoại di động với giá chỉ 300.000 đồng. Thoạt nhìn thì vỏ của chiếc điện thoại này giống hệt với điện thoại Nokia N72 còn mới nên anh đồng ý mua. Mặc dù anh cũng không được thử vì chiếc điện thoại này đang trong tình trạng "hết pin". Đến khi về nhà trọ cắm sạc mãi không thấy lên, anh mở ra xem thì hóa ra ruột chiếc điện thoại đã chết cứng.

Cũng do ham rẻ một số thí sinh khi ngồi đợi xe buýt đã mua những món hàng này, kết quả máy ảnh là loại máy chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, hoặc máy không chụp được, điện thoại hay đồng hồ đều là loại hàng nhái của Trung Quốc chỉ dùng một lần là hỏng. Cá biệt có người khi hỏi mua, trả giá xong lại không mua liền bị các đối tượng đe dọa.

Ngoài ra, khi lên xuống xe hoặc đi trên xe buýt, các đối tượng xấu sẽ trà trộn tìm cách chen lấn, xô đẩy để móc túi lấy trộm tài sản.

Để tránh tình trạng trở thành miếng mồi ngon cho bọn lừa đảo, thí sinh và người nhà trước khi về Hà Nội dự thi nên tìm hiểu qua thông tin về đường phố, các tuyến đường dẫn đến nơi ở trọ hoặc đến trường định dự thi, các tuyến xe buýt đi qua các tuyến phố này qua Internet hoặc tổng đài 1080. Đặc biệt, tại các bến xe lớn như nêu trên, túc trực thường xuyên tại đây là các sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ "Tiếp sức mùa thi", tất cả những thông tin về đường phố, trường học, nhà trọ… cũng đã có sẵn, thí sinh và người nhà nên tìm đến đúng các bàn hướng dẫn này để được tư vấn cụ thể và chính xác. Lưu ý, nếu gặp phải tình trạng lừa đảo, chèo kéo đe dọa của các đối tượng xấu, nên nhanh chóng liên lạc với các trạm cảnh sát bến xe, các trạm này thường đặt ngay gần cửa bán vé xe.

Trước tình trạng bọn tội phạm trộm cắp, móc túi trên xe buýt lộng hành, đồng thời để tập trung đấu tranh trấn áp loại tội phạm này trên các tuyến vận tải hành khách công cộng, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt gọi tắt là "Tổ công tác 142".

Đã có 10 tổ công tác 142 được thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 20/10/2011. Đây thực sự là một biện pháp mạnh mà Công an TP Hà Nội áp dụng nhằm bắt giữ, xử lý, răn đe các đối tượng phạm tội, mang lại lòng tin, sự yên tâm đối với các hành khách tham gia trên các tuyến vận tải hành khách công cộng, lập lại kỷ cương giao thông, uy tín cho các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật, nhất là Lực lượng Công an.

6 tháng đầu năm 2012, các tổ công tác 142 đã bắt giữ 104 vụ, 145 đối tượng, trong đó bắt giữ trên các tuyến xe buýt và tại các điểm đỗ xe buýt 87 vụ - 123 đối tượng; tại các bệnh viện 8 vụ - 10 đối tượng; tại siêu thị Big C 8 vụ - 9 đối tượng; tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 1 vụ - 3 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 20 triệu đồng tiền mặt, 64 điện thoại di động, 3 máy ảnh, 11 thẻ ATM, 3 dao nhọn, 1 kìm sắt v.v. Cơ quan công an cũng đã lập hồ sơ truy tố 16 vụ - 16 đối tượng

Minh Tiến
.
.