Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Những câu thơ định mệnh

Thứ Năm, 30/08/2018, 10:33
Ngày định mệnh 29-8-1988, đôi vợ chồng tài danh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nữ sĩ Xuân Quỳnh cùng con trai nhỏ Lưu Quỳnh Thơ ra đi sau một tai nạn thảm khốc bất ngờ cách nay tròn 30 năm. Khi ấy Lưu Quang Vũ đang ở tuổi sáng tạo sung sức nhất với trên 50 kịch bản xuất sắc mang đầy tính triết lý, nhân văn và thời sự.

Còn người bạn đời của ông, nữ sĩ Xuân Quỳnh có ngọn lửa đam mê cháy bỏng, lúc nồng nàn da diết, lúc khắc khoải vật vã mong chờ như sóng cao, biển sâu chứa đầy giông bão. Hai con người của kịch bản và thi ca đã hành trình cùng nhau, nương vào nhau để sống, để yêu và ngay cả khi đột ngột từ giã cõi đời lại cùng dắt tay nhau sang thế giới bên kia như duyên phận đã an bài.

Trên tầng hai của ngôi biệt thự cổ 51 Trần Hưng Đạo là Tạp chí Sân khấu nơi mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ công tác từ năm 1978 đến lúc mất 1988. Mười năm đó là quãng thời gian  ông thăng hoa sáng tạo, viết như thể không có ngày mai, lao động quần quật như trâu cày bất kể ngày đêm để cho ra một khối lượng đồ sộ với hơn 50 kịch bản sân khấu và đã có nhiều vở trở thành hiện tượng như: “Nàng Si ta”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Tôi và Chúng ta”, “Người trong cõi nhớ”, “Ngọc Hân công chúa”, “Lời thề thứ chín”, “Ông vua hoá hổ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Điều không thể mất”, “Người tốt nhà số năm”, “Bệnh sĩ”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”…

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Quả thực đó cũng là thời kì hoàng kim của sân khấu. Và sân khấu đích thị là một thánh đường. Con người có số phận của con người. Sân khấu có số phận của sân khấu. Những con chữ li ti trên khổ giấy đen vậy mà có sức quyến rũ ghê gớm. Hôm nay vẫn bức tường đây, căn phòng đây, mà người xưa giờ đã đi cả.

Cách đây mấy hôm trong buổi họp báo, tổ chức ở Tạp chí Sân khấu, NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rưng rưng nhớ lại: Chính căn phòng này cách đây ba mươi năm là nơi đặt ba quan tài và làm lễ truy điệu nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nữ sĩ Xuân Quỳnh và bé Lưu Quỳnh Thơ.

Câu chuyện đã đi qua một thời gian dài nhưng tưởng như vừa mới hôm qua, NSƯT Lê Chức kể: Hôm đó tôi mặc một cái quần mới tinh rất là quý, do chị gái Lê Mai nói với một người bạn của chị là nữ nghệ sĩ Bích Thuỷ, phu nhân của ngài Đại sứ Hungary mua trong một cửa hàng quốc tế, diện quần mới vừa được vài tiếng đồng hồ thì đến bữa cơm cuối ngày.

Lúc đó trời chập choạng tối, tôi cùng gia đình đang ăn tối ở số 27 Bà Triệu thì nghe Ngọc Thụ (tác giả sân khấu - PV) hét lên từ xa: “Cả nhà Vũ chết rồi!” sét đánh ngang tai, choáng váng, tôi bỏ dở bữa cơm và đi luôn. Cái tin đến quá đột ngột và ai cũng bị sốc, không ai muốn tin đấy là sự thật. Lúc đấy Vũ mới có 40 tuổi. Quỳnh 46 tuổi. Bé Thơ 13 tuổi. Mấy anh em văn nghệ sĩ chạy thông báo cho nhau và chúng tôi ngồi đợi ở trước cổng Bệnh viện Việt Đức.

Cảnh trong Vở “Tôi và chúng ta” do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng.

Lúc ấy rất khuya, tôi cùng với Ngọc Thụ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, anh Văn Toàn và một vài người nữa đón xe  từ Hải Dương lên Hà Nội đưa ba quan tài bằng gỗ thông trở vào nhà tang lễ của Bệnh viện. Vừa lúc ấy thì thấy NSND Đình Quang chạy xe Lada đến hớt hải bảo: “Tôi đã trao đổi với giám đốc Bệnh viện Việt Xô, chúng ta đưa nhà Vũ về đấy”.

Chúng tôi lại sang Bệnh viện Việt Xô, dùng búa, dùng tròng mở ba quan tài ra, cùng nhau bế ba người Vũ, Quỳnh, cháu Thơ đặt vào khay ở nhà lạnh của của bệnh viện. Tôi bế Vũ trong trạng thái người thì vô cùng cứng nhưng cảm giác còn một chút hơi ấm. Sau khi bế Vũ, tôi bế cháu Thơ, đặt cháu thơ ở trên đùi, quần của tôi có chút máu của Thơ. Cái quần ấy tôi mới mặc có mấy tiếng đồng hồ và giữ làm kỉ niệm. Chúng tôi đặt Quỳnh và Vũ nằm ở khay trên. Bé Thơ xếp cùng với một người nhà chùa mặc áo vàng nằm ở khay dưới…

Câu chuyện xưa cứ ùa về trong tâm khảm của người bạn cố tri. Khu tập thể Văn nghệ sĩ số 96 phố Huế, Vũ và Quỳnh ở trên căn gác tầng ba, bé như chuồng chim bồ câu rộng chừng 7m2. Sau này đua thêm ra được một tí vừa đủ để đặt mấy cái chậu giặt quần áo.

Từ ngày về làm dâu, 15 năm Quỳnh sống trong căn phòng bé chẳng kê nổi cái giường. Vũ viết kịch bản không có bàn ghế gì mà viết trên một cái kệ. Cạnh Vũ là cái điếu cày. Thỉnh thoảng Vũ dừng bút, rít thuốc lào nhả khói rồi lại say sưa miên man viết. Vũ về Tạp chí năm 1978 đến năm 1980 là NSND Phạm Thị Thành dựng kịch bản đầu tiên của Vũ: “Sống mãi tuổi 17” dựa trên cái sườn của ông Đào Duy Kì, Vũ viết lại.

Lúc đó, Lê Hùng vào vai anh hùng Lý Tự Trọng; Tú Mai vào vai bạn gái của Lý Tự Trọng; Lê Chức vào vai Thiết - Xứ ủy Nam Kì. Cả một dàn diễn viên sáng giá như anh Minh Ngọc, chị Thuỳ Chi, anh Đức Trung, chị Tuệ Minh cùng với tốp trẻ Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền… tham gia vở diễn đầu tay của Vũ.

Những ngày tập kịch, tôi, Đức Trung, Vũ, Tất Bình tập trung ở căn buồng bé tí của Lê Hùng cạnh ngay rạp Tuổi Trẻ ở phố Ngô Thì Nhậm. Lúc đấy chúng tôi chia cho nhau cái nghèo và lòng thiết tha sân khấu, chứ lúc bấy giờ chúng tôi đã là ai đâu? Mọi người vẫn thường bảo với nhau: “Ai có bao nhiêu tiền thì bỏ ra đây?”.

Cả hội nghèo đến độ ăn cái gì cũng chẳng đủ tiền mua. Không có tiền mua thịt chó, chúng tôi mua đầu chó ở chợ Nguyễn Cao, bảo họ phanh cái đầu chó ấy ra rồi mang về căn phòng bé của Lê Hùng nhấm nháp. Để nấu được một bữa ăn, người thì mang mấy quả cà chua, người thì xách mấy gói mì, đói khổ nhưng mà vui, ấm áp tình người.

Tổ ấm nhỏ của Quỳnh và Vũ trên căn gác tầng 3 bé như chuồng chim đấy lại là chỗ thường xuyên lui đến của anh chị em nghệ sĩ. Có những ngày tôi đưa con gái mới 5 tuổi qua nhà Vũ chơi, bắt gặp Quỳnh đang ngồi bên mấy thau giặt đồ. Tôi bảo: “Quỳnh ơi, cho xin ăn với”. Quỳnh cười tươi bảo: “Thế anh ăn gì?”.

Tôi trả lời: “Chỉ một món thôi, một nồi cà bung thật ngon”. Quỳnh dặn: “Ừ, hai bố con đi đâu cứ đi xong trưa về đây ăn cơm nhé”. Nhìn thấy bé gái nhà tôi, Quỳnh còn đùa bảo: “Anh có bé gái 5 tuổi hay chúng mình thông gia đi”.

Sau này, sức sáng tạo của Vũ khủng khiếp, cứ mê mải đắm chìm trong dòng suy tưởng của kịch bản, làm đến độ lao lực. Có lần tôi qua nhà Vũ thì thấy Vũ chạy ra nói nhỏ nhưng rất dứt khoát, “Đi, tôi với Chức đi cầu thang khác. Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đang lên đòi kịch bản kia kìa”.

Hai anh em đi trốn. Ngày ấy có hiện tượng, người ta hay ngồi đợi ở cửa nhà của Vũ. Vũ viết xong kịch bản nào là các đoàn chầu trực mang đi ngay. Nhà văn Ngô Thảo sau này cũng thường nói: “Vũ là thiên tài, là thiên sứ được cử xuống đây thôi, xong việc thì về trời”.

Có mấy sự việc xảy ra gây hoang mang cho mọi người, đó là chuyến đi nghỉ mát của hai vợ chồng Vũ và Quỳnh hoãn đi hoãn lại rất nhiều lần, chẳng biết duyên cớ làm sao, trời xui đất khiến thế nào mà họ lại chọn đi đúng sau ngày rằm tháng 7. Sau chuyến ra Đồ Sơn, Hải Phòng trên đường về, hai gia đình, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, hoạ sĩ Doãn Châu và Bích Thu đi xe com măng ca, ở sau kê ghế dọc.

Cảnh trong Vở “Tôi và chúng ta” do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng.

Trước khi xảy ra tai nạn Bé Thơ con của Quỳnh thì gối đầu lên bác Thu nằm, cháu Vinh con anh Châu chị Thu lại gối đầu lên Quỳnh nằm. Lúc đi đoạn đường từ Hải Phòng về đến Hải Dương thì cả hai đứa trẻ đều buồn ngủ. Quỳnh bảo: “Thôi, buồn ngủ thì ai về nhà nấy đi”. Thơ lại về gối đầu lên mẹ Quỳnh. Vinh lại về gối đầu lên mẹ Thu.

Và rồi, ngay lúc sau sự cố xe ôtô đằng trước dừng đột ngột, xe ôtô chở hai nhà Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, hoạ sĩ Doãn Châu và Bích Thu xảy ra tai nạn. Vụ tai nạn đẩy cả nhà Vũ, Quỳnh, và bé Thơ bay ra khỏi xe gây nên cái chết thương tâm, vô cùng đường đột.

Nữ đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành là người đầu tiên dựng kịch của Lưu Quang Vũ và cũng là người chị thân thiết với nhà viết kịch tài năng nhớ lại: Sau vụ tai nạn chừng ít ngày sau thì hoạ sĩ Doãn Châu cùng bà đi từ Hà Nội xuống Thái Bình xem vở kịch của Vũ. Trên đường đi thì xe lại gặp tai nạn, cả hoạ sĩ Doãn Châu và NSND Phạm Thị Thành đều bay ra khỏi ôtô rơi xuống ruộng. Cũng may, họ thoát chết trong gang tấc.

Cũng không kì lạ bằng một sự việc nữa, sau tai nạn xe ôtô của Vũ và Quỳnh được ít lâu thì hai cậu bé Tuấn Anh con riêng của Xuân Quỳnh với người chồng đầu, và Lưu Minh Vũ là con của Lưu Quang Vũ và Tố Uyên, người vợ đầu của ông chở nhau bằng xe Peugeot 103 màu đỏ của Lưu Quang Vũ để lại. Hai cậu bé bị một tai nạn chui vào gầm một chiếc xe ôtô quân sự. Xe hỏng nát nhưng cả hai đứa trẻ đều không sao.

Có những câu chuyện buồn liên quan đến gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mà chỉ thi thoảng lắm những người bạn nhớ nhau mới nhắc lại. Sau  cái chết đường đột của những người trong gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, người ta mới nghiệm đến những câu như “sinh có hạn, tử bất kì”, hay “chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh”.

Ông nội của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một hôm trời mưa gió vô tình ông bị cành cây rớt trúng rồi mất. Bố của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch quân đội Lưu Quang Thuận khi đang xem vở kịch trong rạp thì ông bị cao huyết áp người lảo đảo, yếu dần.

Diễn viên Đỗ Kỉ, chồng của NSND Lan Hương, thấy có khán giả bị mệt như vậy liền bế ra xe gọi ôtô đưa vào bệnh viện. Ông mất ngay sau đó. Sau đấy diễn viên Đỗ Kỉ mới biết người khán giả mình bế trên tay hôm đó chính là nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Thuận.

Đến Lưu Quang Vũ rồi Quỳnh và Thơ cũng mất rất đường đột như vậy. Hai tháng trước ngày nữ sĩ Xuân Quỳnh tử nạn, tháng sáu năm ấy, những ngày dài trong bệnh viện, nữ thi sĩ đã làm bài thơ: “Thời gian trắng”. Bài thơ ấy sau lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của hai con người tài hoa sân khấu và thi ca ra đi, NSƯT Lê Chức đã đọc những câu thơ chắt lọc từ gan ruột của nữ thi nhân Việt Nam, và phải chăng cái chết đã được dự cảm, báo trước trong thơ: “Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết/ Ngày với đêm có phân biệt gì đâu/ Gương mặt người nhợt nhạt như nhau/ Và quần áo một màu xanh ố cũ/ Người ta khuyên “lúc này đừng suy nghĩ/ Mà cũng đừng xúc động, lo âu”/ Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu/ Dường như trong suốt một màu vô tận trắng…”.

Còn Lưu Quang Vũ thì có những câu thơ với những dự cảm định mệnh mà ngay chính ông cũng chẳng thể ngờ: “Những xe hơi điên cuồng/ Tay chắp lại như đòi cầu khấn/ Điệu dân ca mềm mại đau đớn/ Bây giờ/ rừng đen mặt nạ sắt/ Vắng hoang trong mưa rào/ Nằm sóng soài cô gái nước da nâu/ Hoa cúc xuyên qua miệng/ Bây giờ/ Em trần trụi dưới vòm cây tối đen/ Ngực đồi trăng ướt đẫm/ Tay chập chờn lửa sáng/ Nhưng đã muộn rồi ôi muộn lắm/ Vực sâu đã mở ra/ Chôn cả lời trăng trối của mùa thu/ Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm”.

30 năm qua đi, ba cái chết như là sự giằng díu định mệnh, là duyên số đã an bài. Những con người sinh ra để cho nhau rồi họ nắm tay nhau đi về nơi tận cùng tuyệt đối. Dường như với riêng họ, những cái chết mãi thành bất tử.

Trần Mỹ Hiền
.
.