Những chú lùn, trẻ khuyết tật làm nghệ sĩ

Thứ Năm, 23/08/2012, 18:55

Cuộc sống đôi khi có những phép màu kỳ lạ. Đứa trẻ mồ côi lang thang đi xin ăn vất vưởng ngày nào giờ đã trở thành cô chủ nhỏ. Mấy cô bé câm điếc ngơ ngác hồi nào nay đã tự tin múa trên sân khấu trong nền nhạc dìu dặt du dương của những bản tình ca. Những cô bé tí hon thì gặp được “chàng hoàng tử” trong mơ và xây nên tổ ấm chứa chan hạnh phúc. Các chú lùn thì gặp được “cô tiên” hiền từ và cũng bắt đầu một cuộc sống gia đình đầm ấm.

Chúng, trẻ cơ nhỡ không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật bẩm sinh từ khắp mọi miền đất nước đã lớn lên trong mái ấm tình thương của người thầy Đỗ Trắc Lộc. Cùng với thời gian ông đã rèn giũa, nuôi dưỡng những đứa trẻ, rồi một ngày chúng đã trở thành những nghệ sĩ đích thực. Những công dân có ích cho cuộc đời.

Đường Bà Triệu (Hà Nội) ngày cuối tuần dường như đông hơn. Tại ngã năm cắt Bà Triệu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hôm nay có sân khấu ca nhạc. Khá nhiều người dừng lại để xem. Họ quây thành một vòng hình cánh cung khá trật tự. Tiếng hát trầm bổng thiết tha: "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, làm tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô…".

Bị tiếng hát quyến rũ dẫn dụ, tôi cũng dừng xe lại để xem. Khi tôi chưa kịp định thần thì một cháu bé chừng 6 tuổi đứng ngay bên cạnh hỏi người phụ nữ đỗ xe cạnh tôi: "Mẹ ơi! Tại sao anh ca sĩ kia lại chỉ cao bằng con thôi?". Chị nhẹ nhàng giải thích: "Anh ấy ở thế giới khác. Thế giới của những người lùn, con ạ!". Tôi nhìn lên sân khấu mới thấy buổi ca nhạc hôm nay thật đặc biệt. Nó khác hẳn những sân khấu biểu diễn ngoài trời mà tôi đã từng xem từ trước tới giờ. Đó là buổi ca nhạc của những đứa trẻ bị chất độc da cam và trẻ khuyết tật.

Cách sân khấu 5-7 mét là một cái hòm kính nhỏ đựng tiền từ thiện. Người đến xem hát khá đông nhưng không phải ai cũng bỏ tiền vào hòm. Thi thoảng cũng có người đến cho tiền vào hòm. Một cụ già chống gậy  đi  đến thả 10 nghìn. Một cô gái thả 50 nghìn. Một người phụ nữ hào phóng khác thả 200 nghìn. Có lẽ, vì ca sĩ trên sân khấu là trẻ khuyết tật và trẻ bị nhiễm chất độc da cam nên khiến mọi người động lòng trắc ẩn, người đến xem hát cũng vì thế mà trật tự hơn các tụ điểm âm nhạc khác.

Sau cậu bé lùn là một cậu bé mù lên hát bài "Tình cha". Tiếng hát trong trẻo của cậu bé khiến nhiều người cảm động. Lòng tôi se lại. Tôi đi đến đằng sau cánh gà để tiếp cận các em nhỏ trong đoàn. Cậu bé lùn vừa hát trên sân khấu thấy người lạ tỏ vẻ hơi mắc cỡ, nhưng rồi chính cậu cũng chủ động nhờ người xin số của tôi. Mấy ngày sau, chúng tôi khá thân với nhau. Cậu bé lùn ấy tên Điều. Thỉnh thoảng Điều lại điện thoại cho tôi hỏi có rảnh không thì đến xem đoàn biểu diễn. Tại sao Điều cậu bé người dân tộc Mường ở tít tận trên núi cao lại về thủ đô, và các em trẻ khuyết tật kia lại có mặt ở đây là một câu chuyện rất dài mà có nguồn gốc từ một người mà bọn trẻ ở trong đoàn nhất mực gọi là thầy Lộc xưng con. Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1996.

Thầy Lộc là dân văn chương. Ông là hội viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam và hội viên CLB Văn học Tháp Bút, Hà Nội, yêu nghề văn nghệ và báo chí. Năm đó, sau khóa tốt nghiệp sáng tác văn học, thầy Lộc đi dạo để ngắm không khí đường phố thì thấy 3 đứa trẻ đi xin ăn, áo quần chúng rách rưới tả tơi vừa đi vừa hát. Chúng hát bài "Tình mẹ". Ông đi theo và mời bọn trẻ ghé vào một quán nước. Chúng nhìn nhau lạ lẫm vì có mấy khi được một người mời nước thế này đâu. Sau khi trò chuyện với bọn trẻ xong ông cho mỗi đứa chục nghìn. Thế rồi, tối đó ông trằn trọc nghĩ làm thế nào để tụ hội những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ này lại, chúng có năng khiếu ca hát, ông sẽ dạy chúng tập hát để đi diễn.

Và, trong đầu ông lại váng vất hình ảnh của người đồng đội năm xưa sau chiến trận trở về đã mang trong mình mầm bệnh và lần lượt sinh ra những đứa con không lành lặn. Chúng là gánh nặng cho gia đình nhưng chẳng nhẽ lại hết hy vọng rồi sao. Cái con bé kia vừa bị câm lại bị điếc nhưng nó rất thông minh, thân thể phát triển bình thường. Đứa trẻ kia bị mù, bù lại có năng khiếu về âm thanh thật tuyệt. Và, ông đã tự mình thốt lên: "Nhất định phải làm thôi". Phải đưa những đứa trẻ từ trong bóng tối ra ánh sáng.

Bọn nhỏ đầu tiên đến với ông chính là mấy đứa ăn xin hát bài "Tình mẹ" mà ông gặp hồi cuối năm 1996. Giờ đứa trẻ hát bài hát năm đó đã trở thành cô chủ, có nhà lầu, xe hơi. Cũng đã 16 năm trôi qua rồi còn gì. Đó là một câu chuyện đặc biệt mà tôi sẽ kể ở số báo sau. Còn bây giờ là những đứa trẻ của ngày hôm nay. Những đứa trẻ có thân phận đặc biệt mà tôi đã gặp ở trên phố Bà Triệu vào tối ngày hôm ấy.

Thầy Đỗ Trắc Lộc và em Đặng Tú Tài.

Cậu bé lùn tên Điều không biết đích xác tuổi của mình. Khi tôi hỏi tuổi thì Điều tự nhận mình 20. Nhưng thầy cậu bảo cậu chỉ 15. Quê cậu ở xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngày thầy trò gặp nhau cách đây 7 năm. Năm 2005, lúc đấy Điều mới lên 7, lên 8. Nó chỉ cao ngang đùi của thầy. Đen đúa, áo quần rách rưới và chỉ nặng có 13 cân. Khi đoàn văn nghệ của thầy Lộc về đến Lương Sơn, người ta kéo đến thị trấn để xem buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt do trẻ khuyết tật biểu diễn. Một người mách thấy ở cái làng heo hút trên núi cao ấy có cậu bé 8 tuổi không biết chữ, nhà nghèo đến độ chẳng có cái ăn, nhưng đứa bé rất tinh nghịch. Bố cậu đang ốm nặng, còn mẹ mắc bệnh ngẩn ngơ.

Ông Lộc lặn lội tìm về đến nhà cậu bé. Đúng là nó bé thật. Trông như người tí hon trong chuyện cổ tích. Ông đón nó đi. Nó khóc dấm dứt với mẹ nó. Nó ú ớ bằng tiếng dân tộc mà ông không hiểu. Người ta phiên dịch cho ông: "Ông bắt tôi đi đâu. Ông bắt tôi đi làm thịt à? Mệ ơi! Ông ấy bắt con đi làm thịt đấy!". Nó cứ khóc mãi như vậy không chịu đi. Ông phải bế bổng nó lên. Nó vẫn cứ ngằn ngặt khóc cho đến khi khuất bóng ngôi nhà…

Đón cậu bé con về đoàn vừa lúc hay tin bệnh của bố Điều ngày càng trầm trọng. Mười ngày sau ông lại đưa thằng bé về nhà nó tặng quà cho gia đình. Hai bố con gặp nhau được một hôm thì bố Điều mất. Bệnh tình của mẹ Điều cứ tái đi tái lại nhiều lần. Điều được ở hẳn lại với đoàn nghệ thuật. Lúc mới đầu nó yếu ớt và nhìn cái gì cũng lạ lẫm, sợ sệt. Sau này được học hát với các bạn, lại được các nghệ sĩ chuyên nghiệp dạy dỗ, được may quần áo, nó tỏ ra thích thú vô cùng.

Những mảnh đời bất hạnh, những số phận trớ trêu đưa đẩy bọn trẻ lại gần nhau. Đồng điệu. Xót xa. Những đứa bé câm. Những đứa trẻ mù. Những cô lùn, cậu bé tí hon. Chúng có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của trẻ nghèo. Thầy Lộc nói với tôi: "Tôi nghiệm ra một điều, đến với tôi chỉ có những đứa trẻ nghèo. Vì những đứa trẻ nhà khá giả chúng sẽ không chịu được khổ đâu. Để có được như bây giờ tôi đã biết bao lần không có một xu dính túi, đành phải bán xe máy, đặt điện thoại di động…".

Nghe thầy kể chuyện, Điều khúc khích cười khoe với tôi, cậu đã có sổ tiết kiệm hơn 10 triệu đồng mà thầy Lộc làm cho sau những lần đi hát. Trong đoàn cũng có nhiều bạn được thầy làm cho sổ tiết kiệm. Ngoài nuôi ăn ở trong đoàn như bao bạn khác, Điều mỗi tháng còn được 1 triệu 800 nghìn tiền lương. Mỗi tháng Điều gửi về cho mẹ ở quê 1 triệu còn 800 nghìn dành lại để tiêu vặt. Thỉnh thoảng đoàn đi hát Điều lại được thưởng tiền, lúc vài ba chục, khi vài ba trăm. Có khán giả yêu quý lại dúi vào tay chú lùn ít tiền. Em cảm thấy thoải mái lắm.

Đang nói Điều ngẩn người, vừa mới tháng trước Liên đoàn Xiếc Việt Nam đến đón anh lùn Minh Thu ở trong đoàn nghệ thuật của Điều đi rồi. Anh lùn Minh Thu lấy được người đẹp chân dài cao trên 1,6m. Chị ấy cũng là diễn viên trong đoàn nhưng bị câm điếc. Gần chục năm thân thiết với nhau, anh Minh Thu đi rồi, Điều thấy nhớ anh và ngơ ngẩn nghĩ đến phận mình.

Cậu bé mù hát bài "Tình mẹ" làm cho tôi nao lòng là Đặng Tú Tài. Nhà em ở cụm dân cư số 9, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Cha em chạy xe ôm. Mẹ em có gánh hàng rau. Nhà em có 3 anh em đều bị mù và tàn tật. Tài là con út năm nay lên 8 tuổi. Khuôn mặt em sáng sủa, thông minh. Tài hát rất có hồn. Nghe em hát, nhiều người ngậm ngùi lau nước mắt. Cậu bé đứng lò dò trên sân khấu. Mắt hướng vào không gian vô định. Em hát réo rắt: "Mẹ sinh con ra cũng muốn như bao người. Còn ai thương con như cha mẹ ở trên đời này. Còn ai thương con như cha mẹ đã thương bao người. Tình thương cho con đá quý như sông dài, mắt con đã mù không thấy được mẹ cha. Ôi! đôi mắt của con! Đôi mắt của con sao không nhìn thấy mẹ già, không thấy thầy cô, không thấy ánh sáng chỉ còn lại ánh đêm đen…".

Cơ duyên để đón Tài về đoàn là do cách đây hơn một năm đoàn về phường nơi em sống để biểu diễn. Cha mẹ em biết có đoàn nhận những đứa trẻ khuyết tật nên đã viết đơn gửi về đoàn, thiết tha xin đoàn nhận con mình. Tài có năng khiếu. Giọng em trong trẻo, véo von. Những câu em hát như chắt từ gan ruột, từ tình cảm mênh mông sâu thẳm em dành cho cha mẹ, cho cả hai người anh không may mắn của mình.  

Thầy Lộc bảo: "Ông trời không lấy của ai hết cái gì. Những đứa trẻ bị mù thì có thính giác cực tốt, thẩm âm cũng rất tốt. Những cô lùn tí hon thì lấy được những anh chàng cao to. Những anh lùn lại lấy được những cô vợ xinh gái, chân dài. Những cô bé vừa câm lại vừa điếc thì lại rất xinh xắn, thông minh…".

Theo tay ông chỉ hai cô gái đang trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ hình thể, mà chỉ có họ mới hiểu. Đó là Hồng Hạnh và Thanh Nhàn, hai em vừa tròn 18. Những bạn múa ở trong đoàn đều là trẻ câm điếc. Hạnh và Nhàn đều bị câm và điếc nhưng tôi đã được xem hai em múa rất uyển chuyển và nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Hồng Hạnh là con thương binh. Nhà em ở xóm 5, xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Cha em chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, ông về, lần lượt sinh ra 4 người con đều bị câm điếc và dị tật. Hồng Hạnh bị nhẹ nhất. Nghĩa là em là trẻ khuyết tật nhưng còn có khả năng lao động. Còn ba người chị của Hạnh không may mắn được như cô em út, bị câm điếc lại còn bị khoèo… Nhìn họ thấy ngay tội ác của chiến tranh. Những mất mát, đớn đau, niềm đắng cay, cả nỗi tủi nhục… tất cả những phần đời đen tối của những người chị không may mắn của người cha bất hạnh, Hạnh có khuôn mặt thánh thiện đến không ngờ. Và em quên mình say sưa trong điệu múa.

Bài múa của Hồng Hạnh và Thanh Nhàn, cả hai đều bị câm điếc.

Thầy Lộc kể để múa được một bài như vậy có khi phải tập kiên trì cả hai năm. Có những đứa trẻ khi được nhận vào đoàn gần như không biết tí gì về nghệ thuật nhưng rồi kiên trì tập. Trẻ mù biết hát, biết đàn, thổi kèn, đánh trống. Trẻ câm điếc biết múa. Chú lùn, cô lùn biết làm xiếc, tung hứng. Cuộc đời của các em, những cô bé, cậu bé với nghị lực phi thường và tình thương nhân ái bao bọc của người thầy, các em đã đứng vững trước xô đẩy của cuộc đời dâu bể. Dù có khó cũng không sờn lòng, nản chí. Các em vô tư. Sự vô tư, hồn nhiên đó đã nâng giấc các em, đưa các em đến một miền đất đẹp. Mà ở đó một tương lai tươi sáng đang vẫy gọi…

Cả đoạn đời 16 năm đằng đẵng gắn bó với đoàn nghệ thuật do tự tay mình gây dựng nên. Lớp nọ nối lớp kia. Em này ra em khác vào, cả thảy dễ đến hơn 400 học sinh. Thầy Lộc đã tự tay tổ chức cho 30 đôi học sinh của mình nên vợ nên chồng. Thật chẳng ai ngờ, đứa trẻ nghèo chẳng có ăn vạ vật ngày nào giờ đã thành bà chủ. Chú lùn tí hon lấy "người mẫu" chân dài. Cô gái mù lấy thầy giáo… Cho đến giờ, thi thoảng có dịp đến thăm những học trò cũ, thầy rất mừng vì chúng rất hạnh phúc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện về số phận của những mảnh đời bất hạnh trên số báo tiếp theo

Trần Mỹ Hiền
.
.