Những dấu lặng ở thiên đường đá Kà-pư

Thứ Bảy, 02/11/2013, 06:20

Hàng ngàn và cũng có thể hàng triệu năm trước, những biến động địa chất phức tạp với sự trào dâng, trồi sụt của núi lửa và đại dương đã ban tặng cho huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) hệ thống núi non ẩn chứa những hang động tuyệt mỹ như quần thể núi Moso, Hòn Chông... và đặc biệt là hang Cá Sấu gọi theo tiếng người Khmer bản xứ là... Kà-pư.

Nằm cách thị xã Rạch Giá gần 30km, hướng về Hà Tiên, tiếng là hang cá sấu nhưng Kà-pư chẳng có dáng dấp gì của loài ngạc ngư (cá sấu-PV) và tiếng là hang đá nhưng kỳ thực Kà-pư là khối đá vôi lộ thiên khổng lồ. Không như danh thắng Hòn Chông và Moso nằm sát biển và ở nơi tách biệt với thế giới bên ngoài, Kà-pư nằm trên trục lộ chính nối thị xã Rạch Giá với Hà Tiên. Ai muốn ghé thăm các thạch động kia đều phải đi qua trình lộ trên.

Và ở tại khối đá được du khách xem như đại diện cho "thiên đường đá" ở Kiên Lương vốn được ví như động Phong Nha ở biển trời Tây Nam, chúng tôi không chỉ lặng người trước vẻ đẹp thiên tạo mà còn lưu cả những câu chuyện buồn đến tê tái với nỗi lo "thiên đường" rồi sẽ bị... khai tử bởi sự thờ ơ và nhẫn tâm của con người.

1. Trước khi dừng chân ở Kà-pư, chúng tôi đã có cuộc thám hiểm tại hầu hết các núi đá vôi danh tiếng có những thạch động huyền hoặc ở huyện Kiên Lương, và cứ mỗi điểm đến chúng tôi lại ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kiều diễm chẳng bút mực nào có thể miêu tả trọn vẹn về những thạch động ở nơi đây. Ví như khi chúng tôi đến chân núi Moso - "thành viên" của cụm hang - núi gồm núi Mây - núi Quỷnh - núi Voi là núi Moso (được công nhận Di tích quốc gia năm 1995), khi đi sâu vào hang động như mê cung, chúng tôi có cảm giác lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với ngàn vạn thạch nhũ muôn hình vạn trạng buông thõng từ trên những vòm vách của thạch động ánh đủ sắc màu đẹp đến vô ngần.

Nhờ nằm trong vùng di tích nên núi Moso được bảo vệ nghiêm ngặt, đôi khi xuất hiện khỉ và chim muông tại thung lũng Moso, một thiên đường đúng nghĩa - một tình khúc ngọt ngào của trăm vạn vách đá hùng tráng trông như thành chông dày đặc.

Theo những gì tôi biết thì trước đây, chim, khỉ, dơi... xuất hiện rất nhiều ở Moso. Đặc biệt có những đàn sếu đầu đỏ - loài chim nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới bay về đây kiếm ăn và sinh hoạt bầy đàn vào mùa khô. Có thời điểm như năm 2002, sếu đầu đỏ về thành bầy đến hơn 200 con, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.

Không chỉ Moso, khu danh thắng Hòn Chông (thuộc địa bàn xã Bình An) cũng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp trước danh thắng này cùng quần thể các tiên cảnh khác như hang Giếng Tiên, chùa Hang... Cảnh trí trong các hang động này cũng huyền hoặc chẳng khác gì trong hang núi Moso. Có chiều cao 221m, là ngọn núi chính trong quần thể Khu văn hóa lịch sử Hòn Chông (được Bộ VH-TT công nhận vào năm 1986), theo giải thích của người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi núi Hòn Chông vì ngọn núi này có nhiều góc nhọn chĩa lên trời trông như bàn chông...

Và theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với "danh hiệu" hệ núi đá vôi có đa dạng sinh học nhất thế giới với nhiều loài sinh vật đặc hữu, nổi bật là loài voọc bạc và sếu đầu đỏ, càng ấn tượng hơn khi biết núi non ở nơi này từng lưu dấu bước chân của Chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy kích và từng là căn cứ của anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng những nghĩa quân kháng Pháp của mình vào năm 1876...

Phía sau khung cảnh tuyệt trần là những núi đá vôi bị tàn phá hoang tàn.

2. Không được hoành tráng, diễm lệ và được phong Di tích quốc gia như khu quần thể danh thắng-văn hóa như Moso và Hòn Chông, thiên đường đá Kà-pư mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chỉ là khối đá vôi khổng lồ nằm lộ thiên bên đường. Tuy chỉ là một khối đá nhưng Kà-pư có nhiều điều để nói, trước tiên là về "nhan sắc" của khối đá hàng triệu năm tuổi này.

Theo nhận định của người dân địa phương, tuy ít được khách du lịch biết đến và chẳng được ngành du lịch địa phương xem trọng nhưng kỳ thực, Kà-pư chính là huyền động nổi bật nhất vùng đất cổ xưa này. Bậc nhất bởi như đã nói, Kà-pư có lợi thế là nằm sát đường lộ, lại lộ thiên, được ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp rất thuận lợi cho khách khám phá mê trận thành quách cùng hàng ngàn hang động ăn sâu, được sóng gió bào mòn với những hình dạng mê hoặc.

Hoang sơ gần như tuyệt đối, để khám phá hệ thống hang động ở hang cá sấu Kà-pư, đòi hỏi khách nhàn du phải dấn thân, có máu phiêu lưu. Mỗi hang động ở nơi này gắn liền với từng huyền tích của một thuở hồng hoang, đậm chất liêu trai. Và trên từng hành trình khám phá, khách nhàn du sẽ phát hiện sức mạnh, sự bào mòn của sóng gió, dòng chảy của một thuở hồng hoang để lại trên những vòm hang. Đừng quá ngạc nhiên khi thấy trên những vòm hang sâu hun hút, cao hơn mặt đất hàng chục mét kia nếu không là rừng thạch nhũ là những vỉa vỏ sò khổng lồ đã hóa thạch.

Điều này chứng tỏ hàng trăm triệu năm trước, khối đá này nằm dưới lòng biển sâu. Qua quá trình biến đổi và nạn xâm thực, biển rút sâu, khối đá được đẩy lên trên, nên vết tích của sóng gió mới kỳ ảo đến lạ! Có hang khuôn viên nhìn như thành quách, như cung điện và có những hang ngồn ngộn hình thù của những đàn thủy quái khổng lồ...

Bà Huỳnh Thị Út, 67 tuổi, nhà ở đối diện hang cho biết, gọi là "hang cá sấu" chẳng phải vì hang có hình dáng giống cá sấu mà theo truyền thuyết được truyền miệng bao đời của người Khmer ở vùng này, từ ngàn xưa, hang là nơi cư trú của loài thuồng luồng cùng cá sấu, gọi theo ngôn ngữ của dân bản xứ là Kà-pư: "Hồi trước dân ở đây gọi hang bằng tiếng địa phương là Kà-pư thôi. Sau này mới gọi bằng tiếng Việt là cá sấu" - bà Út, giải thích.--PageBreak--

3. Theo hồi ức của bà Út, ngày trước bao quanh hang cá sấu Kà-pư là bạt ngàn rừng. Trong ký ức của bà Út thì hang nằm trong quần thể núi đá vôi trùng điệp xanh ngắt được tô điểm bởi rừng đại thụ ngút ngàn với nhiều loài chim thú, rắn rùa: "Có khỉ, có voọc, có sếu đầu đỏ nữa kia. Nói chung có nhiều loài lắm chứ không như bây giờ chẳng thấy con nào".

Hỏi căn nguyên, bà Út rời chiếc võng, bước ra phía trước nhà, chỉ tay về phía núi, nơi phía sau Kà-pư, nơi có vô số núi đá vôi nham nhở bị người ta nổ mìn để lấy nguyên liệu làm xi-măng và giải thích rằng: "May mà họ chừa mỏm núi này nói là để dành làm du lịch chứ không nó bị san bằng luôn rồi".

Đâu chỉ có nỗi niềm của những cư dân bản địa, trên những diễn đàn của dân lữ hành và những người yêu vẻ đẹp thiên tạo của thiên đường thạch nhũ ở Kiên Lương nói chung, hang cá sấu Kà-pư nói riêng, rất nhiều du khách quặn lòng khi phải thốt lên cụm từ "thiên đường bị biến thành bình địa". Hồi còn hoàng kim, thị trường bất động sản ở các thành phố lớn, đặc biệt tại TP HCM quá sôi động với vô số công trình, cao ốc, cần lượng xi-măng khổng lồ để xây dựng đã khiến thiên đường đá ở Kiên Lương quặn mình.

Hang cá sấu nhìn từ quốc lộ và một góc biến tấu mê ảo của thạch động được dòng chảy bào mòn qua hàng triệu năm.

Muốn làm xi-măng thì người ta phải triệt hạ các núi đá vôi để làm nguyên liệu chính cho các chất kết dính để tạo nên các công trình đồ sộ. Điều này đồng nghĩa với hoạt động bắn mìn khai đá nổ ầm ĩ ngày đêm. Kéo theo đó là hoạt động sôi động của các nhà máy pha trộn xi-măng, các đội xe khổng lồ ầm ầm đổ về chở hàng... đã khiến "thiên đường đá" náo động. Muôn thú lớp bị săn bắn bừa bãi, lớp vì thế khiếp sợ bỏ đi nơi khác nên hao hụt rất nhiều. Đó là lý do mà những đàn khỉ, voọc họa hoằn lắm mới thấy lác đác vài con. Và những đàn chim trời, đặc biệt là sếu đầu đỏ ngày càng... hiu quạnh.

Cùng với nạn người dân tự do cất hàng quán lập võng bên trong hang động, nạn du khách bẻ thạch nhũ hay khắc vẽ lên các hang động, nạn cư dân địa phương lấn rừng nuôi tôm, nhiều cơ sở mộc câu kết với kẻ xấu đốn nhiều loại danh mộc để làm nhà đóng ghe thì... nạn san bằng các núi đá vôi đã là tác nhân hủy hoại khủng khiếp nhất khiến thiên đường đá ở Kiên Lương nói chung, hang cá sấu Kà-pư nói riêng tan tác đến thê thảm…

Nhưng đó chưa phải là đã hết chuyện. Rời hang cá sấu, trên đường về lại Hà Tiên, chúng tôi đi qua nhiều điểm mà người ta bày trước nhà những đống thạch nhũ cho khách đường xa mua về làm lưu niệm. Chúng tôi dừng lại một trong những điểm như thế và được người bán hàng là một thanh niên thản nhiên tiết lộ những tảng thạch nhũ đẹp lạ kỳ kia được anh ta bẻ từ một số mỏm núi đá vôi bị xẻ thịt, và một số được khai thác từ hang núi Kà-pư. Hỏi bẻ thạch nhũ như thế không sợ bị bắt giữ hay sao, anh ta trả lời bằng nụ cười tươi rói. Đau lòng khi biết Kà-pư chỉ là khối đá nằm trơ trọi, chẳng có ai bảo vệ, chẳng phải là di tích nên... người ta mặc sức hành xác nó mà chẳng lo bị bắt tội.

Đó là những gì chúng tôi ghi nhận ở thiên đường đá với chốn bồng lai nổi bật là Kà-pư. Với cái điệu này, nếu không được khoanh vùng bảo vệ, và nếu nạn phá núi lấy vật liệu làm xi-măng kể trên vẫn còn tiếp diễn thì tin rằng vài năm nữa, khi chúng tôi về đây, chốn bồng lai này sẽ chẳng còn gì còn cái xác thân tàn tạ!

Thành Dũng
.
.