Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng

Thứ Năm, 22/09/2011, 09:40

Khi mắc phải bệnh TCM, đầu tiên trẻ sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi rồi sau đó là đau trong họng. Một hoặc hai ngày sau khi sốt, nếu vạch miệng trẻ ra xem, có thể nhìn thấy các chấm đỏ nhỏ ở lưỡi, nướu răng, bên trong má.

Cho đến nay, đã có hơn 40 nghìn người tại 59 tỉnh, thành trong cả nước mắc phải bệnh tay, chân, miệng (TCM), hầu hết là trẻ sơ sinh và trẻ em, và đã có gần 100 trường hợp tử vong. Dự báo cho đến cuối năm, tình hình mắc bệnh TCM có thể vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra những triệu chứng điển hình của bệnh TCM, cũng như cách phòng tránh để bạn đọc có thêm kinh nghiệm, ngõ hầu giảm bớt khả năng lây nhiễm trong gia đình cũng như cộng đồng.

Bệnh TCM (tiếng Anh gọi là Hand - Foot - Mouth Disease - HFMD) là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đôi khi cũng thấy xuất hiện ở người lớn. Biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước.

Khi mắc phải bệnh TCM, đầu tiên trẻ sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi rồi sau đó là đau trong họng. Một hoặc hai ngày sau khi sốt, nếu vạch miệng trẻ ra xem, có thể nhìn thấy các chấm đỏ nhỏ ở lưỡi, nướu răng, bên trong má. Những chấm đỏ này sẽ nhanh chóng biến thành các bóng nước hình bầu dục, màu xám, có đường kính từ 2 đến 4mm và thường dẫn đến lở loét. Tuy nhiên, khó thấy các bóng nước trên niêm mạc miệng vì nó vỡ rất nhanh, tạo thành vết loét. Những vết loét ấy khiến trẻ rất đau khi ăn, hoặc khi nước bọt tiết ra nhiều.

Tiếp theo là ban da với các tổn thương màu đỏ, nằm phẳng trên da hoặc có thể cộm lên ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân nhưng không gây ngứa, ấn không đau. Bên cạnh đó, ban còn có thể xuất hiện ở mông nhưng một số trường hợp, ban chỉ thấy ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.

Nguyên nhân gây bệnh và cơ chế lây truyền

Trước đây, virus Coxsackie được coi là tác nhân gây bệnh TCM. Tuy nhiên, theo các khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, TP HCM, cho thấy ngoài virus Coxsackie A16, thì còn có sự hiện diện của Enterovirus 17. Các tài liệu về dịch tễ học cho thấy một số virus đường ruột như Poliovirus, Echovirus và một số Enterovirus khác cũng có khả năng gây ra bệnh TCM.

TCM là một bệnh có khả năng lây lan rất nhanh. Trong những đợt dịch, bệnh lây từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết ra ở mũi, miệng, phân hoặc nước bọt của trẻ bệnh. Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, nắm tay, chân, ôm đùa, sờ mó vào sàn nhà mà trước đó đã dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.

Các chấm đỏ ở lưỡi, quanh miệng trong bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu. Tuy nhiên, bệnh TCM không phải là bệnh lây từ động vật sang người và thời gian lây lan mạnh nhất là tuần lễ đầu tiên kể từ khi trẻ phát bệnh.

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus TCM gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Đầu tiên virus thường cư trú ở niêm mạc má hay niêm mạc hồi tràng nên phụ nữ có thai dễ nhiễm bệnh - nhất là nếu nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh thì có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Đa số những trẻ này chỉ biểu hiện bệnh khá nhẹ nhàng nhưng một số có thể cực kỳ trầm trọng, dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan và tử vong. Nếu bệnh xuất hiện trong hai tuần đầu sau sinh thì nguy cơ xảy ra bệnh nặng cao hơn.

Bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở người đã trưởng thành. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều phát bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ em và thiếu niên là những đối tượng dễ bị nhiễm và phát bệnh vì cơ thể chúng chưa có kháng thể chống lại bệnh này.

Các khảo sát cho thấy nhiễm bệnh TCM có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh,  nhưng  bệnh vẫn có thể tái diễn do một hay nhiều loại   virus khác gây nên.

Diễn tiến bệnh TCM và cách phòng ngừa

Bệnh TCM thường diễn tiến qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các trường hợp ít bóng nước thường có biến chứng.

Giai đoạn 2, các biến chứng thường gặp là: viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Bên cạnh đó, các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể trong 24 giờ.

Giai đoạn 3, chức năng co bóp của thất trái (tim) giảm, phù phổi cấp. Giai đoạn 4, bệnh nhân hoặc là hồi phục, hoặc có di chứng hoặc tử vong.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh TCM là viêm màng não, mà biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng quấy khóc, ngủ nhiều, hoảng hốt hay giật mình, run, yếu tay, chân,  đứng không vững, đi loạng choạng. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh đến co giật, khó thở, suy hô hấp, rối loạn vận mạch, sốc thần kinh. Các khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cho thấy ngay cả khi các nốt phỏng nước trên da trẻ đã khô và đóng vảy, biến chứng viêm não màng não vẫn có thể xuất hiện

Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc đặc hiệu. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là chữa các triệu chứng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện như vừa nêu ở trên, nên đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế. Trong trường hợp trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, thì cần phải thường xuyên vệ sinh răng miệng và thân thể, không tự ý cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu như: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Nếu thấy những dấu hiệu này, thì đừng chần chừ mà nên đưa ngay trẻ vào bệnh viện. 

Để đề phòng bệnh TCM, cần phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu chăm sóc trẻ bị bệnh thì người chăm sóc ngoài việc phải đeo khẩu trang, còn phải rửa tay sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%.

Người chưa mắc bệnh - nhất là trẻ em nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh. Trường hợp người bệnh được cho điều trị tại nhà, thì cần cách ly họ với những người chung quanh...

Cuối cùng là chuyện điều trị. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là đã có những đóng góp tích cực vào phác đồ điều trị bệnh TCM, thì: "Năm 2008, phác đồ điều trị TCM rất đơn giản và mang tính cục bộ chứ không nằm trong chương trình hành động quốc gia. Chỉ có tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì phác đồ được làm chuyên sâu hơn. Hơn nữa, việc phổ biến phác đồ, tập huấn cũng cần có thời gian…".

Vẫn theo bác sĩ Khanh: "Năm nay, số ca mắc nhiều nên số tử vong cũng tăng cao. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm từ trước thì chắc chắn sẽ phải trả giá lớn. Cũng như 7, 8 năm trước, trẻ nhập viện rồi chết mà chúng ta có biết gì đâu"…

Xuân Hòa
.
.