Những điều không bình thường tại XN MTĐT số 2 Hà Nội

Thứ Bảy, 17/11/2007, 09:45
Cho đến thời điểm này, khi mức lương tối thiểu sắp tăng lên 540 nghìn đồng/ tháng thì tại Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công nhân vẫn phải nhận lương tối thiểu 350 nghìn đồng! Không những thế, tất cả những người lao động thắc mắc về quyền lợi đều bị lãnh đạo xí nghiệp "dằn mặt" bằng một lối hành xử thô bạo.

Đã sang tuần thứ 2 chị Phạm Thị Hương phải chầu chực tại Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2 (Xí nghiệp 2) thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị tại số 18 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để làm cái việc mà lãnh đạo xí nghiệp gọi là “giải trình”.

“Chẳng có ai được phân công làm việc với tôi. Gặp được ai thì làm việc với người ấy. Có khi họ phát cho tôi một tờ giấy và bắt tôi ngồi tường trình đúng nội dung mà hôm trước tôi vừa trình bày với người khác.

Lãnh đạo xí nghiệp bảo cho tôi tạm nghỉ việc ăn lương thời gian để làm rõ một số vấn đề liên quan”, chị Hương phẫn uất nói. Còn những công nhân biết chuyện thì than: Tại vì cái Hương nó “dám” gửi những thắc mắc về chế độ tiền lương lên Ban giám đốc đấy mà...

Một đại diện khác của Tổ 10 thuộc Xí nghiệp 2, chị Hoàng Thị Huệ khẳng định lương của công nhân liên tục bị giảm trong những tháng gần đây. “Giá cả leo thang không ngừng. Lương công nhân đã không được tăng, lại còn giảm nữa thì cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao đây?”, chị Huệ rơm rớm nước mắt.

Tổ 10 của Xí nghiệp 2 được giao phụ trách địa bàn phường Đồng Xuân. Đây là một địa bàn trọng điểm, có nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ và dịch vụ nên khối lượng công việc dọn vệ sinh môi trường rất nhiều. Từ tháng 7/2007, lương của công nhân bắt đầu sụt giảm trong khi khối lượng công việc, theo như chính lời ông giám đốc xí nghiệp trong một lần báo cáo thành phố mới đây, thậm chí còn tăng trưởng từ 15 đến 20%(!)

Cụ thể, theo chị Huệ và các công nhân Tổ 10, thì từ tháng 6/2006 đến tháng 6/2007, tổng lương cả tổ xấp xỉ 39,5 triệu đồng một tháng (lương khoán quản) trên tổng số 27 người. Sang tháng 8, xí nghiệp rút 3 người của tổ, tổng lương giảm xuống 32 triệu đồng trên 24 lao động.

Đến tháng 9, nhân sự của tổ lại tiếp tục có sự thay đổi. 4 công nhân bậc cao bị điều chuyển sang các tổ khác, thay vào đó là 4 nhân viên hợp đồng ăn lương ngày. Kéo theo đó là lương khoán quản của cả tổ giảm xuống còn khoảng 29,6 triệu đồng/tháng...

Lương của từng cá nhân vì thế cũng giảm theo. Tháng 7, tính 24 ngày công, chị Huệ nhận lương 1 triệu 828 nghìn đồng. Tháng 8, 27 ngày công lương rút xuống còn 1 triệu 628 nghìn đồng.

Sang tháng 9, nhiều ngày nghỉ hơn và mặc dù đã có sự thay đổi về nhân sự giảm (như đã nói ở trên, thực chất số lao động hưởng lương khoán giảm của Tổ 10 tháng 9 chỉ còn 22 người) với 22 ngày công chị Huệ chỉ còn 1 triệu 542 nghìn đồng...

Ở các tổ sản xuất khác việc rút người, rút lương cũng xảy ra tương tự. Chị Đào Thanh Hương, Tổ trưởng sản xuất Tổ 15 phụ trách địa bàn phường Hàng Bồ, Hàng Gai còn cho biết, trước thời điểm thực hiện lương khoán quản tháng 12/2006, tổ chị đã yêu cầu lãnh đạo Xí nghiệp 2 phải cụ thể giá vật tư trong các mức khoán quản nhưng không được đáp ứng.

Thời điểm đó, lương cơ bản đã tăng nhưng trên thực tế công nhân nay bị trừ khoản này, mai bị bớt khoản kia nên thu nhập không những không tăng mà còn giảm.

Cuộc sống của công nhân Xí nghiệp 2 (gần 300 công nhân thu gom, quét rác; khoảng 80 lái xe rác và phụ xe) ngày càng trở nên khó khăn. Thế nhưng, khi các công nhân có kiến nghị thì lãnh đạo công ty, cụ thể là ông Giám đốc Xí nghiệp 2 Vũ Lương Đình đã có những hành xử thô bạo, không thể chấp nhận được.

Trở lại câu chuyện của Tổ 10. Sau khi có đơn kiến nghị, thay vì trả lời những thắc mắc chính đáng của người lao động, lãnh đạo Xí nghiệp 2 lại yêu cầu lần lượt từng công nhân lên tường trình với những câu hỏi vặn vẹo như vì sao lại có cuộc họp đó, ai là người đứng ra tổ chức cuộc họp...

Đặc biệt với chị Phạm Thị Hương, Ban lãnh đạo xí nghiệp đã “đề ra hẳn một phương án điều trị” riêng như đã nêu trên. Về lý, với vai trò Tổ trưởng Công đoàn Tổ 10, chị Hương hoàn toàn đủ tư cách thay mặt các công nhân gửi thắc mắc lên lãnh đạo xí nghiệp yêu cầu giải thích. Nhưng Ban lãnh đạo Xí nghiệp 2, người đứng đầu chính là ông Giám đốc Vũ Lương Đình, lại bỏ qua những vấn đề công nhân đề đạt?

Đặc biệt, ngày 26/10, ngay sau khi phóng viên ANTG đề nghị làm việc với ông, ông Đình đã ký ngay một quyết định tạm đình chỉ công việc đối với công nhân Phạm Thị Hương thời hạn 7 ngày (2 tuần giải trình trước đó của chị Hương là “chỉ đạo mồm”) và yêu cầu chị phải giải trình các nội dung hết sức vô lý như: Cuộc họp Tổ 10 ngày 26/9/2007 do ai triệu tập? Do ai chủ trì và ai làm thư ký cuộc họp? Cuộc họp có bao nhiêu người tham dự và bao nhiêu người vắng mặt (vắng mặt vì lý do gì?); Nội dung cuộc họp? Và ý kiến của từng thành viên tham dự cuộc họp đó?

Đọc qua những yêu cầu này có thể thấy điều mà ông Vũ Lương Đình quan tâm chính là xem ai “dám” chống đối lại ông ta chứ không phải quan tâm tới bức xúc của công nhân thế nào.

Những thắc mắc của cán bộ công nhân viên Xí nghiệp 2 không phải là không có căn cứ. Lương khoán quản, theo giải thích của các công nhân, là tổng thu nhập của công nhân trong tháng, bao gồm các loại tiền lương theo sản phẩm, phụ cấp và tiền thưởng xếp loại lao động... mà người lao động được hưởng.

Khoán quản, hiểu nôm na là việc xí nghiệp khoán cho các tổ một khối lượng công việc nhất định sau khi đã tính chi phí tương ứng phù hợp. Như vậy, lương khoán quản chính là lương tháng tính theo giá trị sản phẩm.

Về mặt logic, mức lương khoán quản, ngoài việc phải đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động theo quy định chung, sẽ tăng khi có ít lao động hơn trên cùng một khối lượng công việc. Thế nhưng, trên thực tế kết quả lại đi ngược lại hoàn toàn. Quá bức xúc, nhiều công nhân Xí nghiệp 2 đã không ký lương tháng 9/2007.--PageBreak--

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Thành khẳng định dù có tính kiểu gì, thì về nguyên tắc lương tháng của người lao động phải được tính bằng lương cơ bản nhân với hệ số lương theo cấp bậc của người lao động ấy cộng thêm các loại phụ cấp, nếu có.

Một khi mức lương cơ bản thay đổi thì lương tháng cũng phải thay đổi và cùng với đó là các khoản phụ cấp tính theo lương tối thiểu cũng phải thay đổi theo. Và điều quan trọng nhất, đã gọi là tối thiểu có nghĩa là không thể thấp hơn.

Tuy nhiên, khi nhìn vào bảng thanh toán lương mà Xí nghiệp 2 thực hiện cho các công nhân thì có vẻ như không phải vậy. Trước hết là về mức lương cơ bản. Cho đến thời điểm tháng 9/2007, trong bảng lương của Xí nghiệp 2 trả cho các công nhân vẫn áp dụng mức lương tối thiểu 350 nghìn đồng!?

Đến thời điểm này công nhân Xí nghiệp 2 vẫn nhận lương cơ bản 350 ngàn đồng.

Các công nhân Xí nghiệp 2 cho biết, việc trả lương theo mức 350 nghìn đồng đã diễn ra suốt 12 tháng qua. Và chỉ mới cuối tháng 9 vừa rồi, công nhân mới bắt đầu nhận được lương cấp phát bổ sung chênh lệch lương tối thiểu của quý IV năm 2006.

Thế nhưng, lương bổ sung cũng có nhiều điều phải bàn. Đơn cử như trường hợp của công nhân Đào Thanh Hương, Tổ trưởng Tổ 15. Chị Hương là thợ bậc 7, hưởng hệ số 4,4. Theo cách tính mà ông Thành đưa ra, thì việc thay đổi lương cơ bản từ 350 nghìn đồng lên 450 nghìn đồng phải đem lại mức tăng ít nhất cho chị Hương là 440 nghìn đồng/tháng.

Vậy mà số tiền chênh lệch chị Hương được nhận trong 3 tháng của quý IV năm 2006 chỉ là 1,071 triệu đồng, tức là chưa tới 358 nghìn đồng một tháng? Đó là chưa tính tới việc các loại tiền phụ cấp, tiền thưởng cũng sẽ phải tăng theo cùng mức lương tối thiểu và cả sự trượt giá... mà chị Hương và các công nhân phải gánh chịu hàng ngày.

Được biết khi chị Hương và các công nhân khác có kiến nghị về việc này, phía lãnh đạo xí nghiệp đã trả lời rằng do thành phố còn nợ công ty nên công ty không có tiền trả cho xí nghiệp, vì thế phải nợ lương công nhân. Về vấn đề này, qua trao đổi với ông Thành, thì cách “nợ” lương như vậy cũng là không được.

Bởi trên thực tế, việc nợ lương phải tính trên tổng lương, tức là ngay tại thời điểm điều chỉnh lương cơ bản, xí nghiệp đã phải tính tổng lương theo mặt bằng chung với lương cơ bản đã được điều chỉnh. Sau đó, thiếu bao nhiêu thì mới ghi nợ trên tổng số và phải tính lãi hàng tháng cho người lao động.

Với cách tính giữ nguyên mức lương tối thiểu 350 nghìn đồng trong suốt thời gian qua, rồi sau đó mới bù theo từng tháng như Xí nghiệp 2 đang làm hiện nay rõ ràng đã sai luật, “dù với bất cứ lý do gì”, ông Thành khẳng định.

Tiếp theo là việc tính tổng lương của các công nhân cũng thấy “có vấn đề”.

Chúng tôi lại lấy ví dụ trường hợp của công nhân Hoàng Thị Huệ. Tháng 9/2007, chị Huệ hưởng hệ số lương 4,4, thợ bậc 7. Nếu tính theo mức lương cơ bản 350 nghìn đồng thì lương của chị Huệ không thể thấp hơn 1 triệu 540 ngàn đồng/tháng.

Trong khi đó, tại bảng thanh toán lương của chị Huệ, với 22 ngày công, chị nhận được 1 triệu 542 nghìn (tháng 9 có 2 ngày nghỉ lễ, ngày mùng 2 trùng vào Chủ nhật, tính nghỉ bù vào ngày mùng 3 theo quy định chung). Vấn đề là ở chỗ, để có được khoản tiền 1 triệu 542 nghìn, chị Huệ phải cộng tất cả các lương thành phần bao gồm tổng tiền lương sản phẩm; lương thời gian; tiền độc hại; lương ca ba; tiền lao động A, B; tiền ăn giữa ca; tiền 50% công quản lý; tiền bảo hộ lao động; tiền vật tư.

Và cũng theo ông Thành, việc tính lương cho công nhân như vậy là có dấu hiệu không minh bạch. Những khoản như tiền độc hại, lương ca ba, tiền lao động A, B, tiền bảo hộ lao động, tiền vật tư... là dạng phụ cấp, phải được tính riêng ngoài lương.

Chưa hết, cho dù đã cộng đủ các khoản mà tổng số tiền chị Huệ nhận được chỉ nhiều hơn mức lương tối thiểu (của xí nghiệp đang áp dụng) có... 2 nghìn đồng!? Thật là một sự phi lý đối với một thợ bậc 7 với 37 năm thâm niên trong nghề như chị Huệ.

Đó là chưa kể, nếu tính theo lương tối thiểu 450 nghìn đồng tại thời điểm này (mà lẽ ra phải như vậy), thì tổng lương của chị Huệ đang nhận được còn thấp hơn lương tối thiểu tới 438 nghìn đồng. Một sự thật không thể tin nổi!

Với mong muốn đưa đến cho bạn đọc những thông tin đa chiều xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ và gặp được ông Vũ Lương Đình, Giám đốc Xí nghiệp 2 vào ngày 26/10 vừa qua. Tuy nhiên, cách cư xử của ông giám đốc đã khiến chúng tôi thất vọng hoàn toàn.

Thay vì giải đáp những thắc mắc, ông Đình yêu cầu chúng tôi phải cung cấp văn bản và đơn tố cáo của các công nhân thì mới trả lời. Tại thời điểm cuộc tiếp xúc diễn ra, ông Đình nói rằng xí nghiệp vẫn làm đúng mọi chủ trương, chính sách?

Khi chúng tôi cho biết sẽ gửi các thắc mắc của công nhân theo đường công văn theo yêu cầu của ông thì ông Đình lại nói không cần phải hỏi cũng biết những người công nhân đó là ai và quay sang xúc phạm, buộc tội nhà báo. “...Vừa rồi số công nhân này cũng đã lợi dụng bè bạn, thân quen, nhà báo đến viết bài... cuối cùng công ty tôi phải có ý kiến với tòa soạn bên ấy. Đúng đây là mục đích cá nhân. Thuê tiền. Thuê tiền nhà báo đến để viết một cái bài... Và số người này, tôi biết, người ta thường xuyên làm việc này...” (trích băng ghi âm).

Nhưng khi phóng viên ANTG đề nghị ông giám đốc đưa ra danh tính cũng như bằng chứng về việc “viết bài thuê” của “nhà báo” mà ông Đình nói thì ông lại không trả lời, đánh lảng sang chuyện khác.

Chúng tôi đề nghị ông Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2 làm rõ các nội dung ông đã nêu trong cuộc đối thoại nói trên, và đưa ra các bằng chứng về những lời nói của mình. Nếu không, cá nhân ông Vũ Lương Đình sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành vi vu khống và xúc phạm người khác.

Và ngay ngày hôm ấy, sau buổi làm việc với chúng tôi, ông Đình đã ra quyết định đình chỉ công việc của công nhân Phạm Thị Hương. Những người công nhân môi trường đô thị, vốn đã quá chơi vơi bởi đồng lương ít ỏi bị cắt xén đủ đường, nay bỗng dưng lại tiếp tục bị vùi dập chỉ vì đã “dám thắc mắc” cho quyền lợi của chính họ?

Việt Anh
.
.