Những đổi mới phù hợp với thực tiễn trong dự thảo Luật báo chí năm 2008

Thứ Hai, 25/08/2008, 11:00
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của các loại hình báo chí, Dự  thảo Luật Báo chí năm 2008 đang trong quá trình lấy ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân và sẽ được các cơ quan chức năng  hoàn thiện để đưa ra trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới. PV Chuyên đề ANTG đã phỏng vấn nhà báo Lê Quốc Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Phóng viên (PV): Theo quan điểm của ông, sau 12 lần được Bộ Thông tin - Truyền thông chỉnh sửa, Dự thảo Luật Báo chí lần này có những  đổi mới gì để phù hợp hơn với thực tiễn so với Luật Báo chí ngày 12/6/1999?

Nhà báo Lê Quốc Trung: Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của làng báo Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển rất mạnh, các loại hình báo chí cũng trở nên phong phú hơn trước rất nhiều.

Dự thảo Luật Báo chí bổ sung lần này bắt đầu đi vào đáp ứng sự phát triển ấy và đang trong quá trình biên soạn, sửa đổi dựa trên tinh thần nội dung cơ bản của Luật Báo chí hiện hành, nhưng làm rõ thêm và có một số điểm mới. Mặc dù trong Luật đang ứng dụng đã có quy định một số nét sơ bộ về loại hình báo chí điện tử nhưng để theo kịp tình hình thực tế, trong dự thảo Luật Báo chí mới có ghi chi tiết hơn về vấn đề này.

Dự thảo đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn về quyền, trách nhiệm của báo chí đáp ứng yêu cầu mới trong nhiệm vụ cung cấp thông tin, yêu cầu trách nhiệm của báo chí đối với xã hội và người làm báo trước yêu cầu thông tin của nhân dân. Dự thảo cũng quy định rõ hơn chính sách của Nhà nước đối với báo chí nhằm tạo điều kiện phát triển hỗ trợ cho báo chí phát triển lành mạnh và đúng định hướng.

Về  bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí  có ghi rõ: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng”.

Dự thảo Luật Báo chí cũng nhấn mạnh tới việc bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Công dân có quyền phát biểu ý kiến trên báo chí, góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đối với các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó theo quy định của pháp luật...

Trong mục “Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí” có ghi: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, về phí đối với cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu”.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí, dự thảo Luật Báo chí đã quy định rõ hơn về chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát triển báo chí: “Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí là tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cơ quan báo chí và các hoạt động phát triển  báo chí và được miễn thuế...”.

Đối với nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí: “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, Tổng biên tập, Phó tổng biên tập.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí và Tổng biên tập chỉ được quyết định sau khi có sự  thống nhất ý  kiến bằng văn bản của Bộ TT-TT.

Nói chung, tinh thần cơ bản của Luật Báo chí hiện hành vẫn được giữ trong Dự thảo. Cái mới chỉ là những quy định đầy đủ, cụ thể để làm rõ hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động thuận lợi, phù hợp hơn với thực tế.

PV:  Trong Dự thảo Luật Báo chí có đề cập tới việc các doanh nghiệp Nhà nước có thể có cơ quan báo chí của mình. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Nhà báo Lê Quốc Trung: Việc cho phép các doanh nghiệp Nhà nước có thể ra báo là một hướng mở trong công tác quản lý báo chí hiện nay. Tuy nhiên, về vấn đề này cũng đang có những ý kiến khác nhau. Nguyên tắc cơ bản của ta cho đến bây giờ là không có gì thay đổi cả, tức  là không có báo chí tư nhân.

Nhưng một khi đã cho phép doanh nghiệp Nhà nước xuất bản báo chí thì trong trường hợp các doanh nghiệp đó cổ phần hóa, phần vốn của Nhà nước sẽ không còn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của những doanh nghiệp này nữa thì khi ấy, những tờ báo của doanh nghiệp sẽ là cơ quan ngôn luận của ai?!

Câu trả lời dễ thấy: sẽ là của tư nhân! Vậy tờ báo tự nhiên trở thành không phải là tờ báo của Nhà nước nữa. Đây là câu chuyện người ta đang bàn bạc, tranh luận. Trong một lần phát biểu ý kiến tham gia đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí, tôi đã nhấn mạnh, phải ghi rất rõ rằng, chỉ có các doanh nghiệp do Chính phủ thành lập mới được ra báo.

Bởi lẽ, một khi doanh nghiệp do Chính phủ lập ra có cổ phần hóa cũng chỉ cổ phần hóa những doanh nghiệp trực thuộc nào đó thôi. Doanh nghiệp lớn, tổng công ty hay tập đoàn kinh tế vẫn do Nhà nước chỉ định, do Nhà nước bổ nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, bổ nhiệm tổng giám đốc. Và vẫn nghiễm nhiên là của Nhà nước rồi.

PV: Thưa ông, nếu Dự thảo Luật Báo chí đi vào cuộc sống, nhà báo được hưởng thêm quyền lợi  như thế nào hay hoạt động báo chí có bị thắt chặt thêm không?

Nhà báo Lê Quốc Trung: Nội dung cơ bản nhiệm vụ và quyền hạn của nhà báo so với cũ gần như không thay đổi gì vì gần như trong quy định Luật Báo chí hiện hành đã đầy đủ rồi. Cái chính là chúng ta thực hiện những quy định đó như thế nào.

Một số người cho rằng, trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này về cải chính trên báo: “Cơ quan báo chí phải cải chính xin lỗi trên  báo chí của mình vào đúng vị trí với cùng một kiểu cỡ chữ đúng chuyên mục đã phát sóng mà báo chí đã đăng, phát thông tin” sẽ thắt chặt hoạt động báo chí.

Nhưng thực chất không phải vậy, điều đó khiến chúng ta làm việc có trách nhiệm hơn, bảo đảm tính trung thực của ngòi bút và trách nhiệm của người làm báo được khẳng định rõ ràng. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí quy định chi tiết hơn để đảm bảo việc cải chính trên báo chí như thế nào để khắc phục tình trạng lâu nay điều mà luật đã quy định rồi nhưng thực hiện không nghiêm túc.

Hoàn toàn không có gì thắt chặt hơn bởi vì nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên, chỉ có thêm những quy định cho những điều trước đây được thực hiện một cách đầy đủ, bởi vì trong thời gian vừa qua thực tế cho thấy nhiều cơ quan báo chí đã vi phạm pháp luật nhưng chưa có chế tài để buộc cơ quan báo chí thực hiện một cách nghiêm túc những điều quy định.

PV: Hội Nhà báo Việt Nam khi nghiên cứu Luật Báo chí sửa đổi lần này có đóng góp ý kiến bổ sung gì thêm để đảm bảo quyền lợi tối ưu cho các nhà báo?

Nhà báo Lê Quốc Trung: Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan báo chí vì vậy nội dung liên quan đến nghĩa vụ quyền hạn thì chúng tôi rất quan tâm.

Ví dụ về vấn đề tài chính của báo chí thì Hội Nhà báo Việt Nam vẫn bảo vệ tinh thần làm thế nào để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thể tự chủ hơn về vấn đề tài chính của mình.

Các cơ quan báo chí được mở rộng dịch vụ để tăng thêm nguồn thu, bởi trên thực tế hầu hết cơ quan báo chí nếu chỉ bán báo không có dịch vụ quảng cáo là lỗ. Cho nên về điều kiện hoạt động báo chí được thuận lợi hơn.

Liên quan đến tài chính của báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn giữ quan điểm là cần phải ghi rõ trong luật về việc Nhà nước ưu đãi về thuế  thu nhập và phí cho báo chí.

Ví dụ: Có chính sách ưu đãi về thuế cho các cơ quan báo chí. Thế nhưng về thuế thu nhập doanh nghiệp thì người ta lại loại báo chí ra khỏi đối tượng được ưu đãi mặc dù đã có kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi muốn những quy định đó được quy định cụ thể ngay. Mà Luật càng chi tiết càng cụ thể bao nhiêu thì càng tốt. Nếu không thì đến khi vận dụng là có thể tùy tiện.

Trong luật mà không quy định chi tiết khi có luật khác ban hành liên quan đến những vấn đề ấy lại không đồng bộ với luật báo chí này thì khi ấy biết thực hiện thế nào. Luật và thực hiện điều luật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Mỗi khi ban hành chính sách, xây dựng luật mới liên quan đến hoạt động báo chí thì cần phải bám sát được báo chí.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự thảo LBC dự kiến trình Quốc hội khóa XII tại kỳ họp tháng 10-2008 tới đây với nội dung gồm 5 chương, 50 điều, trong đó có bổ sung mới 15 điều. Xin trích đăng Dự án Luật báo chí sửa đổi điều 15 (điều mới):

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được quy định tại Điều 4 và Điều 13 của Luật này.

Khi cơ quan, tổ chức nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân; tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát, người đứng đầu tổ chức phải thông báo cho cơ quan báo chí biết kết quả hoặc biện pháp giải quyết.

Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết  hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.