Những đóng góp bằng khả năng đặc biệt cần được tiếp tục làm sáng tỏ

Thứ Hai, 18/04/2011, 08:25

Trong lá thư gửi tới một hội nghị của Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người tháng 9/2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Mong các nhà khoa học ra sức nghiên cứu để ngày càng lý giải được khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm, để làm rõ sự nghiệp bảo vệ đất nước".

Nghiên cứu và kiểm chứng

Như đã nói trong bài trước, một trong những tiêu chí để đề cập đến những khả năng đặc biệt (nhà ngoại cảm) là phải được công nhận. Xin nhắc lại rằng tất cả những nhà ngoại cảm được nhắc đến trong loạt bài viết này đều nằm trong số 38 trường hợp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tặng bằng khen và thậm chí một vài trong số ấy còn đang được Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (Trung tâm) và Bộ môn Cận tâm lý đề nghị khen thưởng ở mức cao hơn.

Chẳng hạn như đối với tập thể Bộ môn Cận tâm lý đang được đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Cá nhân Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn và Đại tá Hàn Thụy Vũ, Phó chủ nhiệm Bộ môn cũng được xét đề nghị tăng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và lãnh đạo Bộ môn cũng như xây dựng Trung tâm.

Nhà giáo Quan Lệ Lan, Phó chủ nhiệm Thường trực Bộ môn được đề nghị tặng Bằng khen của Chính phủ. Các nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy,  Nguyễn Thị Nghi và Hoàng Thị Thiêm cũng được đề nghị mức khen thưởng Bằng khen của Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của Trung tâm trong việc tìm hài cốt liệt sĩ và nghiên cứu ứng dụng. Riêng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, mặc dù đã dừng tham gia hoạt động tìm mộ bằng ngoại cảm nhưng do đã có nhiều đóng góp nên vẫn được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Khai quật mộ liệt sĩ.

Đánh giá về hoạt động của Bộ môn, PGS. TS Bùi Tiến Quý, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Bộ môn Quản lý nhà nước về văn hóa - xã hội, Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng, cách tiếp cận nghiên cứu những hiện tượng đặc biệt của Bộ môn Cận tâm lý đang tiến hành là đáng tin cậy. Theo đó, các nhà khoa học thực hiện các đề tài đã lựa chọn bằng các phương pháp tiếp cận cụ thể như: Phương pháp đề xuất và kiểm chứng giả thuyết; Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và bằng phỏng vấn trực tiếp; Phương pháp quan sát tại hiện trường; Phương pháp tham vấn chuyên gia; Phương pháp so sánh, kiểm tra chéo; Phương pháp thống kê, phân tích và đánh giá kết quả.

Cũng theo PGS. TS Bùi Tiến Quý, các đề tài đã vận dụng tổng hợp các phương pháp và công cụ nghiên cứu có thể thực hiện được tùy theo từng đối tượng nghiên cứu và đã cho các kết quả khách quan, tin cậy. Nhờ đó mà những người có khả năng đặc biệt đích thực đã được ghi nhận và được tạo điều kiện thuận lợi để cống hiến khả năng của mình cho xã hội.

Về phương pháp so sánh, kiểm tra chéo, nhà giáo Quan Lệ Lan có lần đã nói với chúng tôi rằng không phải chỉ riêng Bộ môn, mà nhiều gia đình cũng từng thực hiện theo cách này khi đến với hoạt động tìm mộ bằng ngoại cảm. Một trong những nhà ngoại cảm thường được vời đến trong trường hợp này là nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương, được nhắc đến với tên "cô Phương" ở Hàm Rồng, Thanh Hóa. Lý do cho việc này liên quan đến khả năng được cho là có thể "gọi hồn" của bà Phương. Với cơ chế này, nhiều trường hợp gia đình sau khi tìm đến các nhà ngoại cảm qua cơ chế khác, quay trở lại chỗ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương đã "kể lại" rằng khi "hồn" hiện về đã nói ngay rằng hôm trước đi đến chỗ đấy, nhà ngoại cảm kia đã nói như thế là đúng (hoặc sai) đấy.

Còn trong các văn bản khảo sát số 23 và 24/TL-KS của Bộ môn ngày 23/2/2000 đã đánh giá rằng hoạt động của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương là "hoạt động tâm linh chân chính, không có màu sắc mê tín dị đoan”. Bởi theo đánh giá của đoàn khảo sát (theo văn bản có sự trao đổi với Ban Khoa giáo Trung ương ở thời điểm ấy) thì chính qua giao thức mà nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương sử dụng đã thể hiện điều ấy.

Không phải nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương gọi hồn theo yêu cầu của các gia đình mà chính vong của từng gia đình đi theo họ "nhập" vào bà Phương, rồi mới cho gọi người nhà vào nghe "vong" nói. Không ít trường hợp được ghi lại rằng có gia đình đến đăng ký, trong thời gian chờ đợi quá lâu nên tự ý bỏ về. Đến khi vong "về" thì người nhà đã đi mất, chẳng còn ai để gặp, "gọi hồn" thất bại.

Kết quả khảo sát còn cho thấy nhiều trường hợp vong "về" và nói nguyên nhân vì sao mình chết. Đây cũng là một yếu tố liên quan đến tính xác thực của thông tin bởi nhiều khi lý do chết của một người trong gia đình không phải ai trong họ cũng biết rõ, chưa kể những cái chết đặc biệt, ít gặp như chết đuối, chết do mắc bệnh hoang tưởng rồi treo cổ tự vẫn hoặc chết do bị kẻ gian bóp cổ cướp tiền... mà chính người trong gia đình còn ngại không muốn nói ra.

Tuy nhiên, như rất nhiều tài liệu nghiên cứu đã từng khẳng định, xác suất thành công của hoạt động ngoại cảm chỉ đạt 70%, và cho đến nay chưa có trường hợp ngoại lệ. Nhiều trường hợp gia đình có nhu cầu thông tin tìm đến các nhà ngoại cảm trong tư thế không thể chờ đợi được hoặc ở địa vị không muốn chờ đợi thì cũng sẽ rất dễ gây ra sự phân tâm nhất định đối với người được nhờ. Nhất là đối với giao thức gọi hồn như của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương, bắt buộc phải chờ “vong nhập” chứ không gọi vong về nhập để mà chủ động được thời gian chờ đợi lâu hay chóng.

Ngoài ra, hầu hết những người nghiên cứu về bộ môn này đều cho rằng khả năng của các nhà ngoại cảm không phải là vĩnh viễn. Nó có thể hao mòn qua quá trình sử dụng, qua cách thức sử dụng và qua cả mục đích sử dụng. "Nhiều khi chính cách đón tiếp không phù hợp dành cho gia đình các thân nhân cũng có thể là yếu tố gây ra suy giảm khả năng của chính nhà ngoại cảm", nhà giáo Quan Lệ Lan nói.

Được biết, hôm đón nhận Bằng khen của Bộ LĐ - TB&XH, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Phương đã bị nhầm ngày nên không có mặt trong buổi lễ. Khi bà giáo Lệ Lan điện thoại hỏi thăm, Phương mới ngớ người ra rằng "cháu nhầm ngày!". Sau đó Bộ môn đã phải nhờ người gửi Bằng khen về cho nhà ngoại cảm. Hóa ra ngoài khả năng đặc biệt được sử dụng trong những trường hợp cũng đặc biệt ra thì nhà ngoại cảm vẫn rất bình thường, cũng nhớ cũng... quên như ai!

Đề cao tính thực tiễn của hoạt động nghiên cứu

Trong đề tài "Giả thuyết, lý giải các hình thái biểu hiện của vong dưới góc độ khoa học" do Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm được nghiệm thu và đánh giá xếp loại xuất sắc tháng 12/2010, ông cho rằng một tình tiết, một hiện tượng (thông qua ngoại cảm) có thể lặp đi lặp lại nhiều lần đều cho kết quả trùng hợp (dù có chỗ chưa trùng khít), lại diễn ra trong hoàn cảnh, không gian, thời gian khác nhau thì những thông tin giữa âm và dương nhận được không dễ gì bác bỏ hay xuyên tạc.

Về cái tên của Bộ môn, theo Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, cũng có nguồn gốc của nó. Theo từ điển Tâm lý học của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, thì từ ngàn xưa đã có những người có thể biết người, biết việc trong điều kiện mà mọi người với giác quan thông thường không thể biết được. Họ có thể biết được ý nghĩ người khác, đoán trước sự việc sẽ xảy ra hoặc nói rõ những việc đã qua. Nổi tiếng nhất là Phòng thí nghiệm ở Đại học DUKE do J.B Rhine lập nên năm 1930 và môn học này gọi là Cận tâm lý (parapsychologie).

Và tiêu chí để một nhà ngoại cảm được xét đưa vào diện khen thưởng, theo Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, phải hội tụ đủ 4 tiêu chuẩn. Thứ nhất đó là phải có thời gian theo dõi hoạt động nhất định. Như bài báo trước chúng tôi đã đề cập, hoạt động tìm mộ liệt sĩ bằng năng lượng tinh thần đặc biệt đã diễn ra từ cách đây hơn 20 năm. Ngoài thế hệ các nhà ngoại cảm thứ 5 còn tương đối mới mẻ thì các thế hệ nhà ngoại cảm thứ 4 trở về trước cũng đã là đối tượng nghiên cứu của Bộ môn được hầu hết trên 5 năm.

Thứ hai, đó là tỉ lệ thành công trong hoạt động ngoại cảm phải đạt số lượng nhất định. Tiêu chí này rất quan trọng, tuy nhiên so với những tiêu chí còn lại thì nó chỉ có tính tương đối. Lý do là bởi theo Thiếu tướng Chu Phác, cũng có những nhà ngoại cảm hoạt động từ những ngày đầu, nhưng theo phương pháp cũ như "gọi hồn" hay "nói chuyện với người âm" nên kết quả không cao, cường độ chậm. Không phải lúc nào cũng "gọi" được "hồn", cũng như không phải tất cả những thông tin qua các cuộc "nói chuyện với người âm" đều được ghi lại chính xác cũng như tiếp nhận rõ ràng.

Theo thống kê của riêng Thiếu tướng Chu Phác, nếu như ở những thế hệ đầu, mỗi tháng các nhà ngoại cảm giúp tìm được từ 10 đến 15 trường hợp chính xác, thì hiện tại, với giao thức “áp vong” - là giao thức mới nhất cho đến bây giờ - mỗi tháng các nhà ngoại cảm giúp chỉ ra được từ vài chục cho đến cả trăm trường hợp.

Tiêu chí thứ ba là, phải trung thực - đúng lời của Thiếu tướng Chu Phác là phải "không được dối âm lừa dương"! Theo Thiếu tướng, một trong những hoàn cảnh dễ xảy ra trường hợp này nhất, đó là xác định danh tính mộ khuyết danh. Ngoài việc áp dụng phương pháp kiểm tra chéo đối với những trường hợp nghi ngờ, hiện nay một số người có trách nhiệm của Bộ môn đã cùng nhau xây dựng được một hệ thống thông tin tạm gọi là "ngân hàng cơ sở dữ liệu các đơn vị và các chiến trường".

Có nghĩa là nếu như anh nói đó là liệt sĩ X, ở đơn vị Y thì dựa vào "ngân hàng" sẽ tra cứu ngay ra được thời điểm ấy, đơn vị Y có tham gia chiến đấu tại địa bàn không. Nếu có thì mới tiếp tục. Còn như vào thời gian ấy đơn vị đóng quân ở Ninh Bình, mà "nhà ngoại cảm" lại nói liệt sĩ hy sinh ở Nghệ An (quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh), thì thông tin bị loại bỏ ngay tức thì, đỡ mất công đi tiếp.

Và tiêu chí cuối cùng là phải phục tùng tổ chức. Giải thích về tiêu chí này, Thiếu tướng Chu Phác khẳng định, Bộ môn không quản lý các nhà ngoại cảm. Thậm chí trong mọi trường hợp, Bộ môn xác định hỗ trợ tối đa các nhà ngoại cảm huy động khả năng đặc biệt của mình. Tuy nhiên, trong một cộng đồng, nhất là vì đang cùng nhau chung một mục đích cao đẹp, đó là hoạt động cùng nhau xoa dịu nỗi đau chiến tranh, thực thi nghĩa cử cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” nên việc tuân theo sự điều động của tổ chức là hết sức cần thiết.

Mỗi nhà ngoại cảm được đánh giá với một khả năng đặc biệt riêng, và đôi khi cần phải kết hợp những khả năng đó lại để công việc được hoàn thành. Và cho dù là có khả năng đặc biệt như thế nào, thì việc tìm được, tìm đúng nơi các liệt sĩ còn đang nằm lại rải rác trên các chiến trường được coi như mục đích cuối cùng bất di bất dịch.

Cho đến nay, theo nghiên cứu của Bộ môn, ngoài những khả năng đặc biệt từng nghe với nhiều người như "gọi hồn" hay "nói chuyện với người âm" thì đã xuất hiện những giao thức được cho là mới và đang trở thành mục tiêu nghiên cứu của Bộ môn.

Bên cạnh giao thức “áp vong” đã được nhắc đến thì đó còn là giao thức "bắt mạch Thái Tố vẽ hình liệt sĩ" của nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng - góp phần xác định danh tính 8 liệt sĩ thuộc Tiểu đội du kích Hồng Hà của Anh hùng Nguyễn Ngọc Nại ở bãi giữa sông Hồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hay đặc biệt hơn nữa như trường hợp của nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy với khả năng khai mở Luân xa 6, vẽ lại sơ đồ vị trí mộ cần tìm qua ghi nhận trên vỏ não người diện kiến... Khả năng đặc biệt và duy nhất hiện nay này của ông Nguyễn Khắc Bảy đã từng được một kênh truyền hình nước ngoài tổ chức ghi hình lại và phát sóng

Việt Ba
.
.