Những “hạt sạn” trên kệ sách

Thứ Hai, 07/05/2018, 16:07
Vừa qua, tiểu thuyết lịch sử đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải sách quốc gia 2018 là cuốn "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ nhận nhiều chỉ trích từ độc giả. Đoạn tả cảnh ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy bị coi là suồng sã, dung tục và không phải là văn học.

Đây không phải lần đầu tiên, một cuốn sách bị coi là có vấn đề về nội dung qua mặt nhiều vòng kiểm duyệt, thậm chí là lọt qua "con mắt xanh" của Ban Giám khảo để đoạt các giải thưởng văn học... Vậy, từ khâu nào trong quá trình xuất bản mà những cuốn sách bị coi là chưa sạch đến với độc giả khắp mọi miền đất nước?

Không phải văn chương!

Cuốn "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ đã đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải Sách quốc gia lần thứ nhất tại Hà Nội. Hội đồng chấm giải gồm 22 thành viên, trong đó có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành...

Theo thông tin, trước khi được giải C hạng mục sách hay, cuốn tiểu thuyết lịch sử này cũng đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về nhân vật chính Phạm Ngũ Lão, người xuất thân nông dân trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết còn khắc họa chân dung của Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Trong hơn 300 trang sách, có đoạn mô tả cảnh quan hệ ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).

Đoạn tả cảnh quan hệ này bị nhiều độc giả phản ứng, cho rằng tác phẩm đã dùng nhiều từ ngữ dung tục, suồng sã... Có nhiều phụ huynh thậm chí còn cho rằng, nó "bẩn", trần trụi và lo ngại đến việc nếu con cái họ chẳng may đọc được cuốn sách này sẽ bị ảnh hưởng xấu và mong muốn cuốn sách sẽ bị thu hồi, tước giải thưởng và thậm chí là cấm ra các nhà sách...

Vậy vì sao, một cuốn sách bị hầu hết độc giả phản ứng, tẩy chay dữ dội như thế lại lọt qua những vị ở ban giám khảo là các nhà văn lớn, những người thẩm định có uy tín để lọt qua hết giải này đến giải khác mà không ai phát hiện ra những yếu tố sex thô thiển và không mang tính văn học như đã nói ở trên? Liệu có những sơ suất nào từ các khâu kiểm duyệt khiến sách văn học nói riêng và những cuốn sách còn chưa sạch đến tay người đọc?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý, biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, chia sẻ rằng, anh làm nghề biên tập sách 11 năm nay và anh chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận một bản thảo viết thô và ít văn như thế, chưa nói đến đoạn sex, đọc nó như là một sự cố gắng để thêm vào của tác giả, để gây sốc cho cuốn sách. Nhà văn Nguyễn Trương Quý tự nhận mình là một người khá kỹ tính trong việc làm nghề và chắc chắn anh sẽ không nhận một bản thảo tương tự như trên để đưa vào quy trình sản xuất.

Ông Chu Văn Hòa, Cục Trưởng Cục xuất bản.

Đối với một biên tập viên, "lăng kính" để duyệt một tác phẩm, đôi khi không phải là từ mối quan hệ thân tín, bằng hữu, mà trên hết phải là tác phẩm. Tác phẩm hay thì công chúng sẽ đón nhận và chính vì thế, uy tín của người biên tập, của một nhà xuất bản cũng sẽ được nâng lên. Ngày nay, có thể các biên tập viên có khi vì nhiều lý do mà người ta sẽ tặc lưỡi để nhận một bản thảo chưa thực sự như mong muốn của mình, chưa thực sự cần cho độc giả, chưa thực sự tâm huyết hoặc được nhìn với một "con mắt xanh" của người biên tập.

Người ta nói, đôi khi, người biên tập giỏi là một bà đỡ mát tay cho tác phẩm. Ngược lại, nếu chọn một tác phẩm dở thì nó sẽ trở thành một vết sẹo khó lành trong cuộc đời làm nghề của biên tập viên.

“Liên kết xuất bản”

Còn nhớ vài năm trước, Cục Xuất bản quyết định xử phạt hành chính NXB Thời đại 30 triệu đồng với những sai phạm trong việc phát hành cuốn sách "Văn hóa tộc người Việt Nam", tác giả Nguyễn Từ Chi, NXB Thời đại và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ấn hành năm 2013, một cuốn sách đã đoạt giải sách hay cho hạng mục sách viết, lĩnh vực nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục IRED thực hiện trao giải, đã trở thành một vấn đề được bàn luận gay gắt trên các ấn phẩm báo chí.

Nhiều người trong giới nghiên cứu, học thuật cũng như báo chí phản ánh rằng, đây là cuốn sách tái bản cẩu thả, nội dung kém, đáng bị xem là thảm họa so với tác phẩm gốc, khác nhiều so với bản in lần đầu tiên của sách mang tên "Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người" (NXB Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật in năm 1996).

Cũng ở NXB Thời đại, là cuốn sách "Văn hóa Việt Nam" của GS. Trần Quốc Vượng, phát hành năm 2013. Cuốn sách này phát hành không có bản quyền, tự ý đổi tên tác phẩm bởi ai cũng biết tác phẩm gốc của GS. Trần Quốc Vượng in lần đầu có tên là "Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm". Cuốn sách tái bản mắc nhiều lỗi biên tập, thậm chí là biên tập cẩu thả, thêm bớt, cắt xén vô lối.

Trước những sự việc này, Cục Xuất bản đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với những sai phạm của NXB Thời đại, trong đó có "hành vi không nộp lưu chiểu ấn phẩm xuất bản", "không xuất trình được văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả"...

Được biết, hiện nay, sự phát triển của ngành xuất bản kéo theo nhiều vấn đề bất cập trong vấn đề liên kết xuất bản. Hầu hết những cuốn sách này đều được thực hiện dưới hình thức liên kết khi chưa có sự kiểm soát nghiêm ngặt, nên đã khiến có nhiều sách bị lỗi về kiến thức, bị sai phạm về quy trình cũng như bị thu hồi do vi phạm các quy định của pháp luật như các cuốn sách sai về sự kiện lịch sử. Không chỉ sách văn học, sách nghiên cứu sai phạm, mà sách giáo dục phổ thông cũng đang có nhiều sai phạm từ vấn nạn "liên kết xuất bản".

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học.

Vậy vấn đề kiểm duyệt xuất bản đã thực sự nghiêm ngặt để không "lọt lưới" những cuốn sách có nội dung phản cảm, trần trụi không hợp thuần phong mỹ thục hoặc những sai phạm nghiêm trọng khác hay chưa? Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng, hiện nay có nhiều NXB đang bị "cầm đằng lưỡi". Họ đang đánh mất thương hiệu, đánh mất quy trình, buông lỏng quản lý.

Nguyên nhân sâu xa là bởi vì đời sống ngành xuất bản khó khăn nên hầu hết vấn đề liên kết xuất bản được nhân rộng. Các NXB muốn lo cho đời sống của anh em, của cán bộ công nhân viên nên họ phải "xuống nước". Cũng có thể nhiều biên tập viên chưa đủ trình độ trong vấn đề biên tập nên Cục Xuất bản thời gian qua tổ chức các lớp học, thi cấp chứng chỉ về các quy định cho biên tập viên để nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm đối với người biên tập để tránh tối đa các sai phạm xảy ra trong quy trình xuất bản, cố gắng lấp đầy các lỗ hổng trong xuất bản.

Để có những cuốn sách không còn “sạn”

Trở lại với cuốn sách của nhà văn Bùi Việt Sỹ, có lẽ, ngay từ khâu biên tập, phía NXB nếu có "con mắt xanh" thì có lẽ sẽ loại bỏ được một "hạt sạn" không đáng có và nếu các cấp kiểm duyệt xuất bản sẽ đọc kỹ hơn, lọc kỹ hơn thì cũng sẽ không vấp phải luồng dư luận sục sôi phản ánh trong thời gian qua.

Còn về phía trao giải thưởng cuốn sách, nhà văn Nguyễn Phan Hách, Trưởng Tiểu ban sách văn học của Giải thưởng sách quốc gia 2018, cho rằng, trong vấn đề này, ông cũng nhận lỗi một phần vì theo quan điểm của ông, trên thế giới, việc viết về sex không còn là điều mới mẻ, nhưng xét về phong tục người Việt với văn hóa Á Đông thì điều này gây phản cảm.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, không vì thế mà tước giải thưởng hay thu hồi cuốn sách vì cuốn sách không vi phạm pháp luật, chỉ là gặp phải phản ứng của dư luận bởi mấy dòng viết về cảnh sex trong chưa đầy một trang sách.

Bìa và phần giới thiệu cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt".

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, một cái nôi xuất bản những cuốn sách văn học xưa nay, khi được hỏi về tiêu chí của NXB Văn học trong quá trình nhận sách để cấp phép, ông cho rằng, NXB Văn học luôn lấy tiêu chí đã là sách văn chương thì phải hay. Lẽ dĩ nhiên, nhà văn luôn có cái tôi cá nhân rất lớn nên trong vấn đề in ấn những điều phản cảm hoặc nhạy cảm, thì ông cũng như các biên tập viên của mình sẽ biết cách thuyết phục tác giả hoặc là viết lại hoặc cho gọn ghẽ, hay hơn hoặc là bỏ hẳn những chi tiết thừa thãi không cần thiết.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, nếu một cuốn sách đã hay, đã xuất sắc rồi không cần phải tả quá kỹ lưỡng một chi tiết phụ mới làm cho sách nổi bật hơn mà không có nó thì cũng không làm cho cuốn sách giảm đi giá trị. Điều này sẽ dung hòa cả hai bên, vừa là được cho cả nhà văn, vừa là vì độc giả ở mọi lứa tuổi.

Thực tế cho thấy, cuốn sách của nhà văn Bùi Việt Sỹ đã được xuất bản năm 2016, trước đó đã được giải thưởng của Hội Nhà văn, và cho đến nay, cuốn sách vẫn tồn tại trên thị trường sách cho đến khi cuốn sách đoạt giải C hạng mục sách hay thì mới có những ý kiến trái chiều xung quanh nội dung và câu chữ cuốn sách?

Thiết nghĩ công việc của người làm công tác xuất bản, ngay từ khâu biên tập, đọc tác phẩm, kiểm duyệt cấp phép, nộp lưu chiểu cần phải được kiểm duyệt một cách gắt gao. Đây là một quá trình khá dài, song vẫn để lọt những tác phẩm không nhận được sự ủng hộ của công chúng, như vậy cần lắm một quy trình chuẩn chỉ từ thấp đến cao cũng như một đội ngũ các biên tập viên sắc bén, có trình độ và có đủ năng lực sàng lọc tác phẩm, biết mạnh dạn cắt bỏ những phần nội dung phản cảm, dung tục, để mang tới cho độc giả lớn nhỏ những cuốn sách "sạch nước cản" để không tạo nên những hệ lụy không đáng có trong ngành xuất bản...

Phương Nhi
.
.