Những kỷ lục trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Thứ Sáu, 08/10/2010, 17:20
Nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại diện các cá nhân, đơn vị khắp 3 miền đất nước cũng đã thực hiện những tặng phẩm, tác phẩm nghệ thuật dâng tặng thủ đô 1000 năm tuổi, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận và chính thức công bố 19 kỷ lục Việt Nam, Chuyên đề ANTG xin giới thiệu một số kỷ lục độc đáo được xác lập tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này...

Tác phẩm mô phỏng đôi rồng thời Lý ghép bằng gốm dài nhất

Đôi rồng thời Lý bằng gốm Bát Tràng, mỗi con dài 15m (nếu tính theo đường uốn khúc dài 35m), cao 8,2m (kể cả bệ), đường kính 90cm (nơi phần thân lớn nhất), được nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cùng 25 người thợ làng gốm Bát Tràng thực hiện từ ngày 15/6 và hoàn chỉnh vào ngày 16/9/2010, chào mừng lễ hội "Làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội" (từ 16 đến 21/9/2010), một trong những hoạt động trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phần khung sườn rồng được chế tác bằng bê tông cốt thép có kết cấu đảm bảo độ bền vững, đặc biệt không bị sai lệch hoặc nhầm sang mẫu rồng của triều đại khác. Phần trang trí bên ngoài dùng chất liệu gốm sản xuất tại làng nghề Bát Tràng, thể hiện trên màu men ngọc có tên men celadon, được nghiên cứu từ một bài men có từ đầu đời Lý dùng để sản xuất gốm sứ.

Bức trấn phong Chiếu dời đô lớn nhất

Bức trấn phong Chiếu dời đô được thể hiện trên 2 mặt, mặt trước là nội dung Chiếu dời đô chữ Hán được thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp, mặt sau là phần phiên âm ra tiếng Việt và tiếng Anh. Phần họa tiết hoa văn trang trí linh vật rồng, phượng, nghê thời Lý cùng 4 mùa trong năm, mang ý nghĩa trường tồn cùng thời gian của tinh thần bất diệt mà Chiếu dời đô để lại.

Bức Chiếu dời đô có kích thước phủ bì dài 4,58m, cao 3,85m, kích thước phần thể hiện chữ rộng 3,6m, cao 2m, nặng gần 5,5 tấn. Phần khung Chiếu dời đô được làm bằng gỗ tự nhiên nhóm 1 (nhóm gỗ  quý hiếm), chữ đồng mạ vàng 9999, gò bằng tay, chiều cao chữ 10cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật trên 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Phần thiết kế mẫu do nhà điêu khắc - họa sĩ Trần Tuy và nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý đảm nhiệm, phần viết chữ Hán do lương y, nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách (87 tuổi) thực hiện, phần gò đồng chữ Hán do nhà giáo nghỉ hưu, nghệ nhân Thế Long làm, phần khung và bệ gỗ được các nghệ nhân của Công ty Đồ gỗ Hưng Long thiết kế và thể hiện.

Cặp áo dài "Ngàn năm hội tụ"

Cặp áo dài có tên "Ngàn năm hội tụ" do nhà thiết kế Lan Hương (Hà Nội) lên bản vẽ, dưới 100 đôi bàn tay thêu khéo léo của thợ thêu làng nghề Quất Động, theo kỹ thuật thêu gia truyền của cố nghệ nhân Triệu Văn Mão.

Cặp áo gồm áo nam thêu hình 1.000 rồng, áo nữ thêu hình 1.000 phượng, mỗi tà áo sau dài 10m, ngang 0,83m, được làm từ 200m lụa tơ tằm Vạn Phúc. Tổng cộng có đến 1.000 công thêu khác nhau nhưng hình ảnh và thần thái rồng phượng trên thân áo vẫn theo tinh thần nhất quán tưởng như chỉ được làm ra từ một đôi tay duy nhất.

Đây là món quà độc đáo mà nhà thiết kế Lan Hương cùng những người thợ dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đôi rồng thời Lý ghép bằng gốm, cặp áo dài được công nhận kỷ lục: cặp áo dài thêu rồng phượng nhiều nhất Việt Nam...

Làng làm tò he duy nhất ở Việt Nam

Làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, nơi từ hàng trăm năm nay đã gìn giữ và lưu truyền nghề nặn tò he, nét văn hóa truyền thống độc đáo chỉ ở đây mới có. Bước chân vào làng, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già cao tuổi, những em nhỏ thơ ngây say sưa ngồi nặn những hình thù ngộ nghĩnh. Đó chính là những con tò he đủ màu sắc sặc sỡ bằng bột màu hình các con vật, đồ chơi, hình người, được làm từ bột gạo nếp dẻo quánh cùng những sắc nhuộm tươi rói của phẩm màu.

Hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng nghề tò he Xuân La đã thực hiện tác phẩm mô phỏng rồng thời Lý dài hơn 2m, nặng khoảng 100kg, trưng bày tại lễ hội Làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội.

Đèn kéo quân lớn nhất (phá kỷ lục Việt Nam)

Cao 11m, đường kính đáy 9,6m, nặng 2,5 tấn, được Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố Thanh Hóa thực hiện trong dịp Trung thu 2010 và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chất liệu chính của đèn kéo quân là khung sắt, bên ngoài phủ vải bạt, bên trong sử dụng mô tơ, biến tần và áp dụng công thức lực hướng tâm, đảm bảo vận hành như chiếc đèn kéo quân truyền thống.

Ở 6 mặt đèn kéo quân trang trí hình ảnh quen thuộc của tết Trung thu như chú Cuội, chị Hằng, thiếu nhi rước đèn ông sao. Ngoài ra còn các cảnh lao động sản xuất, anh bộ đội, cùng một số hình ảnh mang tính khái quát, tái hiện lịch sử phát triển của đất nước qua 1.000 năm. Thời gian thực hiện đèn kéo quân trong vòng 1 tháng bởi 60 nhân công.

Chiếc đèn kéo quân này phá kỷ lục đèn kéo quân thực hiện năm 2008, cao 7,5m. Tối 22/9 vừa qua, trong lễ rước đèn trung thu diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa), đại diện Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng giấy xác lập cho đèn kéo quân phá kỷ lục này.

Chiếc áo dài nhiều tà nhất

"Hội trùng dương" là tên gọi chiếc ái dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung thực hiện trong vòng 4 năm (2007-2010). Đây là kiểu áo dài truyền thống, thân áo được làm từ lãnh Mỹ A, thêu 9 rồng uốn lượn tượng trưng cho 9 nhánh đồng bằng sông Cửu Long.

9 tà áo còn lại, mỗi tà dài hơn 100m, được làm từ lụa truyền thống và hiện đại của 3 miền đất nước: Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Đà Nẵng, Lâm Đồng, Tân Châu (An Giang), Phước Thịnh (TP HCM). Tổng chiều dài các tà áo cộng lại 1.000m, đúng số năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhìn vào áo dài "Hội trùng dương", người xem sẽ thấy Thăng Long qua dáng rồng bay, sông Cửu Long qua dáng rồng ẩn trong sông nước, vì vậy "Hội trùng dương" còn có ý nghĩa hội tụ những gì đã qua trong lịch sử dân tộc.

Cây sanh có thế “Cửu long tranh châu”

Nhiều năm trước, sau khi mua cây sanh kiểng, ông Bùi Quang Thái (Hà Nội) đã trồng trong chiếc chậu (dài 4,8m, rộng 3m, cao 0,5m) và chăm sóc, uốn nắn theo nghệ thuật bonsai, cây cảnh cổ. Do nhận thấy cây sanh có thế tiềm ẩn của 9 rồng đang tranh viên ngọc nên ông Thái quyết định tạo dáng "Cửu long tranh châu", chăm chút tỉ mỉ, chu đáo.

Bộ rễ của cây sanh gây ấn tượng với mọi người không chỉ lớn mà còn lắc lỉu với những hòn đá như được ôm dưới thân cây. Tính về chu vi bộ rễ đo được 9,1m, dài 3,7m, ngang 2m và cao 1,9m. Chiều cao bộ rễ 0,55m. Đến nay cây có chiều cao 3,2m, tính cả chậu chiều cao lên đến 3,7m. Theo kết quả giám định của bộ môn Dược liệu Trường đại học Dược Hà Nội, xét theo mẫu vật lấy tại cành cây sanh này cho số tuổi khoảng 152 năm tuổi, như thế tuổi của cây còn phải nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, ông Bùi Quang Thái còn sở hữu cây sanh có thế "mộc thạch nghênh phong". Cây sanh này cao 3m trồng trong một chiếc chậu có kích thước: dài 3m, rộng 2,2m, cao 0,5m. Bộ rễ ôm đá của cây dài đến 2,15m, ngang 1m, cao 2,15m. Chu vi của cả bộ rễ ôm đá này lên đến 5,5m.

Theo xác định của bộ môn Dược liệu, Trường đại học Dược Hà Nội, xét theo mẫu vật lấy tại cành nhánh của cây sanh này cho số tuổi khoảng 165 năm tuổi. Dự kiến hai cây sanh nói trên sẽ được công bố kỷ lục vào ngày 8/10/2010 tại Festival cây cảnh toàn quốc ở Bảo tàng Hà Nội.

Lọ lộc bình bằng gốm Bát Tràng cao nhất

Nghệ nhân Lê Minh Ngọc cũng sở hữu kỷ lục Chiếc chóe men rạn lớn nhất Việt Nam. Nếu lọ độc bình mang những hoa văn họa tiết về cảnh chùa chiền, làng mạc, thì ở chiếc chóe men rạn, anh Ngọc lại khắc họa những tích chuyện thời xưa với hình ảnh vinh quy bái tổ của các sĩ tử, nhằm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với tấm lòng kính nhớ tổ tiên, bái tạ người thầy đã dạy dỗ mình nên người và tri ân quê hương nơi chôn nhau cắt rốn.

Chiếc chóe gồm hai bộ phận: thân và nắp chóe được các người thợ làng nghề làm theo dạng men rạn giả cổ. Kích thước của chiếc chóe cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg.

Ngày 9/10 tới đây, trong khuôn khổ chương trình Triển lãm "Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại", lọ lộc bình và chóe men rạn chính thức được trao tặng kỷ lục Việt Nam.

Dàn trống đồng phục vụ đại hợp xướng “Nổi trống Lạc Hồng – Hào khí Thăng Long” nhiều nhất

Tác phẩm do anh Lê Minh Ngọc, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) thực hiện, chào mừng thủ đô 1000 năm tuổi. Về hình dáng, lọ lộc bình cao 3,4m, đường kính thân lọ 0,98m, nặng 220kg.

Sau 365 ngày nhào đất, lập khuôn, nổi lửa nấu đồng, ngày 29/8/2010, Liên chi hội Di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh - Hội Cổ vật Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã làm lễ bàn giao 100 trống đồng cho Ban tổ chức chương trình "Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long", phục vụ đại hợp xướng nói trên trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đây là 100 trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn, mô phỏng hoa văn 4 loại trống đồng tiêu biểu được phát hiện ở Việt Nam, bản gốc lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đó là trống Ngọc Lũ, trống Sông Đà, trống Hoàng Hạ, trống Quảng Xương.

Mỗi trống có đường kính mặt trống 60cm, cao 48cm, bằng chất liệu đồng đỏ nguyên chất. Thân trống khắc họa logo Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hình ảnh Khuê Văn Các và 2 rồng thời Lý, được 40 các nghệ nhân của Chi hội Bảo tồn và phục hồi nghề truyền thống Đông Sơn và Trung tâm Phục hồi trống đồng và bảo tồn văn hóa Việt thực hiện.

Được biết, Đại hợp xướng "Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long" sẽ diễn ra khoảng 10 phút vào tối 10/10 trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

T.N.
.
.