Những kỷ vật hiến tặng cho nhà tù Hỏa Lò của gia đình một cố phi công Mỹ

Thứ Ba, 23/08/2016, 10:45
Một trong những lá thư cuối cùng mà Trung tá phi công Hải quân Mỹ Walter Eugence Wilber viết mừng sinh nhật lần thứ 13 của cậu con trai của mình là khi ông đang có mặt trên một chiến hạm, đề ngày 15-6-1968. Đúng một ngày sau đó, chiếc máy bay ông điều khiển để ném bom bắn phá miền Bắc bị quân ta bắn hạ tại bầu trời huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Trung tá Walter bị bắt sống và được đưa về tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Và ngày 15-8-2016, tròn 48 năm sau, người con trai của cố Trung tá phi công đã mang lá thư này và những kỷ vật khác mà gia đình anh đã gìn giữ gần 50 năm qua sang Việt Nam để hiến tặng cho di tích nhà tù Hỏa Lò.

Ông Thomas Eugene Wilber trao tặng kỷ vật của cha mình cho đại diện BQL di tích nhà tù Hỏa Lò.

Ký ức về người cha phi công

Chiến tranh đã đi qua nhiều thập kỷ, nhưng những câu chuyện của thời chiến vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với những thế hệ hậu sinh. Trải qua gần 120 năm tồn tại và được sử dụng với nhiều chức năng, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (nằm trên phố Hỏa Lò, Hà Nội) vẫn luôn ẩn chứa trong mình những thông điệp, những câu chuyện nhân văn đầy bất ngờ.

Sáng ngày 15-8, ông Thomas Eugene Wilber, người con trai thứ hai của cố Trung tá phi công Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber đã đích thân đến di tích nhà tù Hỏa Lò để hiến tặng những kỷ vật trong thời gian gần 5 năm bố ông bị giam giữ tại đây (1968 -1973).

Trước khi buổi lễ bắt đầu, ông đã đi ra đài tưởng niệm (nằm trong khuôn viên của di tích nhà tù Hỏa Lò) để thành kính thắp nén hương, bày tỏ tình cảm của cá nhân mình đối với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt, tù đầy và hi sinh tại đây. Giây phút thiêng liêng, xúc động ấy đã khiến nhiều người có mặt không cầm nổi nước mắt.

Ông Thomas Eugene Wilber cho biết: “Cha tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Ông ấy có mơ ước lái máy bay từ nhỏ. Vì vậy mà từ năm 18 tuổi, ông đã gia nhập Hải quân Hoa Kỳ và sau này trở thành một sĩ quan không quân Hải quân, lái thành thạo nhiều loại máy bay khác nhau”.

Toàn bộ các kỷ vật mà ông Thomas Eugene Wilber trao tặng BQL di tích nhà tù Hỏa Lò.

“Đúng sinh nhật lần thứ 13 của tôi, tôi có nhận được một lá thư chúc mừng của cha. Ông nói, ông viết lá thư đó ông khi đang trên một chiến hạm của Hải quân Mỹ và đề ngày 15-6-1968. Lúc đó, cả tôi và ông đều không thể hình dung ra nổi, chỉ ngay ngày hôm sau thôi, tức là ngày 16-6-1968, máy bay do cha tôi điều khiển thực hiện việc ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam bị bắn hạ tại tỉnh Nghệ An. Một đồng đội của cha tôi ngồi cùng máy bay bị thiệt mạng, nhưng cha tôi may mắn nhảy được dù an toàn” - Ông Thomas Eugene Wilber kể lại.

Trong những năm từ 1964 đến 1973, một phần của Di tích nhà tù Hỏa Lò đã được dùng để tạm giam tù binh phi công Mỹ. Chính tại “Hilton Hà Nội” (theo cách gọi của phi công Mỹ), những tù binh Mỹ đã hiểu sâu sắc hơn về cuộc chiến mà họ tham gia tại Việt Nam và chính sách nhân đạo của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Ngay khi Trung tá Walter bị bắt, ông đã được chuyển ra tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Và tại đây, ông đã thực sự nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh do đất nước ông tiến hành, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành động của chính bản thân ông.

Trong suốt thời gian gần 5 năm bị tạm giam tại Hỏa Lò, Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan dung từ những cán bộ, chiến sỹ quản lý trại giam. Từ đó, ông có những hành động tích cực nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà quân đội Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn của một số nhà báo quốc tế đối với tù binh phi công Mỹ đang bị giam giữ tại Hỏa Lò, Walter Eugence Wilber cho biết: “Việc rất nhiều tổ chức chống chiến tranh Việt Nam và hàng triệu công dân yêu chuộng hòa bình đang đấu tranh để kết thúc sớm cuộc chiến tranh này đã mang lại cho tôi niềm vui sướng vô cùng”.

“Cha tôi kể lại, trong thời gian ở Hỏa Lò, ông và các đồng đội của mình đã được đối xử rất tốt. Hàng ngày, các ông được nhận thức ăn đầy đủ,  được phát quần áo, chăm sóc sức khỏe, y tế khi có yêu cầu, mặc dù tôi biết rằng, ở giai đoạn chiến tranh đó, đất nước Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thomas Eugene Wilber chia sẻ.

Một trong các kỷ vật là lá thư và bao thư ông Thomas Eugene Wilber lúc ấy tự làm và gửi sang Việt Nam cho cha mình – cố phi công Hải quân bị tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Những kỷ vật ở một đất nước nhân đạo

Ngày 12-2-1973, Walter Eugence Wilber đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, theo tinh thần của Hiệp định Paris. Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò cũng được ông mang về Mỹ như để nhắc nhớ về một thời không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Và cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác từng tham chiến tại Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại trong lòng ông một vết thương luôn nhói đau, day dứt.

Gần 50 năm qua, ông vẫn đau đáu nỗi khát khao được trở lại Việt Nam, gặp lại những ân nhân của mình. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe mà Walter Eugence Wilber đã không thực hiện được điều đó khi ông mới qua đời vào năm 2015.

Tuy cách xa nửa vòng trái đất nhưng tình cảm gia đình luôn là điều thiêng liêng nhất đối với cố Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber. Bất cứ đồ vật nào liên quan hay gợi nhớ về gia đình của mình cũng được ông giữ lại và nâng niu, thậm chí, dù đó chỉ là những tờ giấy dùng gói quà được gia đình gửi sang Việt Nam.

Những kỷ vật mà cố Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber và gia đình đã luôn giữ bên mình trong suốt gần nửa thế kỷ qua, có thể kể đến như: lá thư chúc mừng sinh nhật mà Walter Eugene Wilber đã tranh thủ thời gian làm nhiệm vụ viết gửi cho người con trai thứ 2 của mình Thomas Eugene Wilber khi ông đang trên một chiến hạm; là những dòng thư viết vội gửi về quê nhà động viên vợ và những người con thân yêu trong thời gian ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Lá thư mà ông Thomas Eugene Wilber gửi sang Việt Nam cho cha.

Ngày trở về quê hương của Walter Eugene Wilber là sự kiện được hàng loạt các tờ báo đưa tin. Bố, mẹ, người vợ thân yêu và các con đã vỡ oà trong niềm hạnh phúc khi gặp lại người con, người chồng, người cha thân yêu của mình. Tất cả những bài báo đó đều được gia đình ông gìn giữ, để rồi đến ngày nay chúng trở thành những kỷ vật vô giá.

Hiểu được tâm nguyện cháy bỏng của cha, người con trai thứ 2 của ông - Thomas Eugence Wilber đã thay cha thực hiện ước nguyện. Thomas đã đến Việt Nam nhiều lần, mỗi chuyến đi đã để lại trong Thomas nhiều điều thú vị về đất nước và con người Việt Nam. Trải qua 8 lần đến Việt Nam để tìm lại những ký ức về người cha đã khuất của mình, ông Thomas Eugene Wilber đã có cuộc gặp gỡ “đầy nhân duyên” với Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Sau khi trở về Mỹ, Thomas Eugene Wilber và gia đình đã quyết định dành một số kỷ vật mà cha ông đã gìn giữ, đưa về từ trại tạm giam Hỏa Lò và một số tài liệu mà gia đình ông đã sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua, bàn giao lại cho BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, phục vụ công tác nghiên cứu, giới thiệu tới công chúng.

Và trong lần thứ 9 quay trở lại Việt Nam, nhưng mới là lần thứ hai đến với Di tích lịch sử Hỏa Lò, ông Thomas Eugene Wilber đã tiến hành trao tặng những kỷ vật vô giá này của người cha thân yêu mà ông cùng gia đình đã lưu giữ suốt gần nửa thế kỷ qua, chỉ với một mong muốn cháy bỏng: “Góp phần chứng minh những thông điệp mà người cha của ông đã cảm nhận về chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với tù binh phi công Mỹ, trong thời gian họ bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò” - ông Thomas khẳng định.

Gần nửa thế kỷ đã qua đi, cách nửa vòng trái đất, hôm nay, những kỷ vật của cố Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber đã được đại diện gia đình ông bàn giao lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò. “Tôi và gia đình tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử rất nhân đạo đối với cha tôi trong thời gian ông ở đây. Vì vậy dù trải qua thời gian gần 5 năm ở Hỏa Lò, cha tôi vẫn có được một sức khỏe rất tốt khi trở về nhà” – ông Thomas xúc động nói.

Với những tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim, ông Thomas Eugene Wilber là người kết nối để Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò có thêm được nhiều những tư liệu, hiện vật quý hơn nữa của những cựu tù binh phi công Mỹ và thân nhân gia đình họ. Điều đó sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại di tích và khẳng định “Tù binh phi công Mỹ được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chính phủ Việt Nam”.

Và điều đó cũng góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Hoa Kỳ. “Tôi hi vọng với những kỷ vật hiến tặng này của bố tôi, mọi người sẽ hiểu hơn về Việt Nam, về con người và tinh thần nhân đạo của đất nước các bạn” - ông Thomas Eugene Wilber cho biết.

8 kỷ vật ông Thomas Eugene Wilber và gia đình hiến tặng cho di tích nhà tù Hỏa Lò

1. Đầu tiên là lá thư của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, phi công Mỹ tham chiến tại Việt Nam viết gửi cho con trai là Thomas Eugene Wilber, ngày 15-6-1968, 1 ngày trước khi máy bay của ông bị bắn rơi.

2. Lá thư của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber viết gửi gia đình ở Mỹ trong thời gian bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, ngày 23-6-1970 (Mẫu thư do trại giam phi công Mỹ bị bắt tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định).

3. Lá thư của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber viết và nhờ 2 nhà báo Thụy Điển gửi gia đình ở Mỹ trong thời gian bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, ngày 31-7-1970.

4. Thư từ Bộ Quốc phòng Mỹ gửi gia đình Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber thông báo về kết quả phân tích 02 bức thư viết tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội gửi về gia đình ở Mỹ, ngày 23-10-1970.

5. Giấy gói quà, ông Thomas Eugene Wilber sử dụng để gói quà gửi cho cha là ông Walter Eugene Wilber, phi công Mỹ bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, năm 1972.

6. Băng ghi âm, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, phi công Mỹ bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, ngày 3-11-1971.

7. 10 tờ báo viết về Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber.

8. 3 bài báo viết về Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber.

Cảnh Vũ
.
.