Những ngày khó khăn trên du thuyền Diamond Princess

Thứ Năm, 20/02/2020, 21:28
Khi chiếc du thuyền Diamond Princess với 3.700 người - kể cả hành khách lẫn thủy thủ đoàn - rời cảng Yokohama, Nhật Bản ngày 20-1 để thực hiện chuyến du lịch đến Hong Kong, Việt Nam, Đài Loan trong một hành trình kéo dài 16 ngày, chẳng ai ngờ rằng nhiều người sẽ phải trải qua những ngày cách ly căng thẳng như thế.

Khi Diamond Princess quay lại Yokohama ngày 3-2, một trong số du khách được xác định là đã nhiễm Covid-19.

Khởi đầu của một bi kịch

Những ngày đầu tiên của chuyến du hành, không khí trên tàu Diamond Princess lúc nào cũng náo nhiệt, kể cả đó là nửa đêm. Jessica, nữ du khách người Mỹ 21 tuổi trả lời Tạp chí Người du lịch - Traveller Magazine - qua điện thoại: “Những bữa ăn ngon, những buổi trình diễn văn nghệ hấp dẫn, các shop, nhà hàng sushi, phòng tắm kiểu Nhật... đầy ắp du khách. Những vùng đất, cảnh vật, con người mới lạ mỗi khi tàu ghé vào đã lôi cuốn chúng tôi. Ai cũng nghĩ rằng đây là một chuyến đi xứng đáng...”.

Tuy nhiên, chuyến đi xứng đáng đã trở thành bi kịch khi tàu Diamond Princess quay lại cảng Yokohama ngày 3-2. Vẫn là Jessica trả lời tờ Traveller: “Lúc còn ở trên tàu, chúng tôi đã nghe nói đến dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nay là Covid-19) gây ra nhưng ai cũng nghĩ nó chẳng liên quan đến mình. Chỉ đến khi tàu cập cảng và qua kiểm tra thân nhiệt, mới hay có một cụ ông 80 tuổi bị nghi ngờ là đã nhiễm bệnh vì khi ghé Hong Kong, cụ lên bờ, đi chơi một số nơi, tiếp xúc nhiều người...”.

Nhiều du khách phải tự giặt quần áo vì không gặp được nhân viên phục vụ.

Lập tức, lệnh cách ly được phía Nhật Bản ban hành. Tất cả không được phép rời tàu cho đến khi xác định ai đã nhiễm, ai không. Du khách Kent Frasure cho biết nhân viên y tế Nhật Bản trong bộ quần áo bảo hộ kín mít lên tàu, đến cabin của cụ ông 80 tuổi rồi tìm hiểu xem trong suốt thời gian kể từ khi chiếc Diamond Princess nhổ neo khỏi Hong Kong, cụ đã tiếp xúc với những người nào.

Kent Frasure nói: “Làm sao mà nhớ nổi. Trên tàu có gần 3.000 du khách, trong phạm vi vài trăm mét vuông ở phòng ăn, sân khấu ca nhạc, shop, nhà hàng... thì việc gặp gỡ hầu như xảy ra thường xuyên...”.

Ngày 5-2, 300 người được xác định là đã từng tiếp xúc trực tiếp với cụ ông 80 tuổi được làm xét nghiệm. Ngày 6-2, Nhật Bản công bố 61 người dương tính với Covid-19 rồi những ngày sau, số người nhiễm tiếp tục tăng lên, trong đó có vợ của du khách Kent Frasure.

Vừa thành hôn xong, vợ chồng Kent Frasure chọn tàu Diamond Princess làm nơi hưởng tuần trăng mật. Thế nhưng định mệnh oái oăm đã khiến vợ anh nhiễm Covid-19. Trả lời Kênh truyền hình CNBC, Kent Frasure ngậm ngùi: “Vợ tôi bị buộc lên bờ chữa trị còn tôi phải ở lại tàu để cách ly. Chúng tôi tạm biệt nhau nhưng không dám hôn nhau. Nhìn vợ tôi đi xuống cầu tàu, tôi chỉ muốn khóc”.

Valentine ảm đạm

Với chiều dài 260m, tàu Diamond Princess có 2.000 cabin dành cho du khách. Những cabin giá tiền trung bình chỉ được kê một chiếc giường đôi và một bộ bàn ghế cùng tủ đựng tư trang, quần áo. Cabin rẻ nhất cũng được trang bị tương tự nhưng không có cửa sổ còn cabin hạng nhất rộng khoảng 20 mét vuông, có ban công nhìn thẳng ra biển.

Stella, nữ du khách người Mỹ cho biết khi tiến hành cách ly, các cabin nằm liền kề nhau ở ban công đều bị ngăn bởi những tấm vách bằng nhựa nhằm tránh mọi sự tiếp xúc trực tiếp. Với những du khách ở trong những cabin không có ban công, họ được phép lên boong tàu 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để thay đổi không khí với điều kiện người này phải đi cách người kia 2 mét.

Mặc dù vẫn được ăn uống đầy đủ nhưng tất cả du khách đều có chung tâm trạng chán nản, lo âu, nhất là khi số bị nhiễm đã lên đến hàng trăm và những người bị nhiễm phải rời tàu để vào bệnh viện. Bianca D'Silva, người Australia, 20 tuổi, sinh viên luật nói với kênh truyền hình Nine Network: “Sau khi xét nghiệm, tôi và mẹ tôi được thông báo là đã dương tính với Covid-19 với biểu hiện chỉ hơi nhức đầu và sốt nhẹ. Lúc xuống tàu, họ đưa tôi lên một chiếc xe lăn rồi đẩy tôi vào xe cứu thương. Mẹ tôi cũng vậy...”.

Nữ du khách Jessica cho biết ngoại trừ những lúc ra ngoài phơi nắng, hầu như mọi người đều ở trong phòng, mắt dán vào màn hình điện thoại để cập nhật tin tức về dịch viêm đường hô hấp cấp, cũng như các thông tin liên quan đến số phận họ. Nhiều người phải tự giặt quần áo trong phòng vì không liên hệ được với nhân viên phục vụ. Jessica nói: “Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là chờ đợi”.

Xe bus chờ sẵn để đưa du khách Mỹ về nước.

Với các nhân viên phục vụ, họ cũng hoảng sợ chẳng kém gì du khách. Trong một đoạn video đăng trên Twitter, một nhóm đàn ông Ấn Độ mặc áo khoác có in huy hiệu của tàu Diamond Princess bên ngoài bộ đồng phục nhà bếp nói lớn: “Chúng tôi rất sợ. Chúng tôi khẩn cầu Chính phủ Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc nhanh chóng cứu giúp chúng tôi”. Một trong số những đầu bếp này là Binay Kumar Sarkar nói thêm: “Tôi muốn được đoàn tụ với gia đình mình trước khi quá muộn”.

Cũng trên Twitter, một nhân viên phục vụ phòng cho biết ông đã bị cô lập trong cabin của mình ở tầng thấp nhất, gần mặt nước biển trong 2 ngày khi ông báo cáo mình bị đau họng. Ông nói với kênh truyền hình CNBC: “Tất cả mọi người trên tàu đều rất sợ hãi. Nhiều người bị nhiễm bệnh, kể cả thủy thủ đoàn”. Tuy nhiên, ông từ chối nêu tên thật của mình vì đã được lệnh không cung cấp bất cứ điều gì về tình hình trên tàu với các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngày Tình nhân 14-2 - Valentine Day - trên tàu Diamond Princess diễn ra trong không khí ảm đạm. Để khích lệ tinh thần du khách, Natalie, phụ trách lĩnh vực giải trí trên tàu, trong bộ váy áo màu đỏ, tóc cài nơ, cố gắng cười thật tươi: “Đây không phải là bộ trang phục mà tôi vẫn thường mặc kể từ khi chúng ta khởi hành. Đây là bộ váy áo dành cho Ngày Tình nhân. Tôi chỉ muốn cùng mọi người chụp ảnh và cùng nói "chúng tôi đều ổn, chúng tôi đang vượt qua khó khăn và đang sống với nhau như một gia đình lớn”.

Cũng với mục đích nâng cao tinh thần du khách, những người phải ở lại tàu để cách ly, ngay trong ngày 14-2 Chính phủ Nhật đã gửi 2.000 chiếc điện thoại iPhone cho 2.000 phòng trên tàu với ứng dụng cài sẵn để giúp du khách có thể cập nhật thông tin y tế chính thức, cũng như liên hệ với bác sĩ khi cần.

Sáng 14-2, du khách trên tàu Diamond Princess được mời dùng bữa điểm tâm đặc biệt. Gọi là “đặc biệt” bởi lẽ thay vì bữa tự chọn (buffet) như thường lệ, nhà bếp dọn cho họ trứng luộc chín, xúc xích và nấm áp chảo. Một số du khách nghi ngờ thực phẩm dự trữ trên tàu đã hết nhưng họ lập tức được trấn an, rằng phía Nhật Bản không bao giờ bỏ rơi bất cứ người nào.

Riêng thực đơn bữa tối ngày 14-2 xem ra khá thịnh soạn: Quả bơ nghiền ăn kèm với trái ô liu đen, gọi là “Thần Tình yêu - Cupid” và xà lách tôm được chọn làm món khai vị. Tiếp đến là tôm Valentine nấu theo kiểu Nhật cùng cơm với rau. Món chính là gà sốt rượu vang Coq au Vin, Pháp, còn món tráng miệng được giữ bí mật để dành sự bất ngờ cho du khách.

Hai máy bay đưa du khách Mỹ về nước ở sân bay Haneda, Nhật Bản, tối 16-2.

Theo ông Shane, đầu bếp trên tàu Diamond Princess, hầu hết du khách đều cảm thấy vui vẻ hoặc cố làm ra vẻ vui vẻ trong Ngày Tình nhân mặc dù chưa biết hôm nào họ mới được lên bờ vì số người nhiễm Covid-19 mỗi ngày mỗi tăng.

Nữ du khách Yardley Wong viết trên mạng Twitter: “Coq au Vin! Vâng, cảm ơn bữa ăn đặc biệt trong ngày Valentine, một chai rượu vang đỏ”. Bà cũng đăng bức tranh do đứa con trai 6 tuổi vẽ với chú thích “Mạnh mẽ lên, chúng tôi luôn sát cánh cùng Diamond Princess”.

Với nữ hành khách Cathrine, 18 tuổi, cô cắt các mẩu giấy hình trái tim, treo ngoài cửa sổ cabin để các thủy thủ đọc được dòng chữ: “Cảm ơn các anh vì đã chăm lo cho chúng tôi trong một nỗ lực rất đáng khâm phục”. Matt Smith, 57 tuổi, cùng vợ là Katherine Codekas đón ngày 14-2 trong một cabin ở khoang hạng nhất. Ông cho biết thoạt đầu vợ chồng ông không tính đi du lịch bằng tàu Diamond Princess vì theo ông: “Sau 21 năm chung sống, chúng tôi chẳng muốn tổ chức rầm rộ mà thường tôi chỉ tặng Katherine một tấm bưu thiếp nhưng năm nay, tôi chiều theo ý vợ. Tôi biết vợ tôi đang thất vọng với hoàn cảnh hiện tại...”.

Riêng Jessica, trả lời tờ Traveller qua điện thoại, cô nói: “Tôi không biết bao giờ bi kịch này mới chấm dứt. Tôi chỉ muốn về nhà. Nghe nói Chính phủ Mỹ đang thảo luận với Chính phủ Nhật Bản để họ cho phép chúng tôi lên bờ. Lẽ ra giờ này tôi đang cùng bạn trai đi mua sắm cho Ngày Tình nhân, thế mà lại bị cách ly ở đây...”.

Tuy vậy, vẫn có những du khách lạc quan. Cặp vợ chồng Cheryl và Paul Molesky quê ở New York sáng nào cũng khoác lên mình bộ quần áo tắm sang trọng, đứng trên ban công, mắt hướng về phía vịnh Tokyo lấp lánh ánh mặt trời. Ông Molesky, 78 tuổi, nói: “Chúng tôi cố giữ cho tinh thần ổn định bằng cách tận hưởng những gì đang có. Thảm họa nào rồi cũng phải kết thúc. Điều vui nhất là chưa bao giờ chúng tôi nhận được sự quan tâm từ những người thân ở nhà như lúc này”.

Trở về nhưng chưa phải là tất cả

Đến sáng 18-2, số người bị nhiễm Covid-19 trên tàu Diamond Princess đã lên đến 454. Trước đó, tối Chủ nhật 16-2, hai máy bay thương mại Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Haneda để đưa 400 du khách quốc tịch Mỹ về nước nhưng tất cả sẽ phải chịu cách ly thêm 14 ngày tại căn cứ không quân Travis gần thành phố Sacramento, bang California và căn cứ không quân Lackland, bang Texas.

Những người “chưa muốn về” có thể sẽ phải "không được trở về trong một khoảng thời gian", còn “khoảng thời gian” ấy là bao nhiêu lâu thì tùy thuộc vào quyết định của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Theo Jessica, nữ du khách Mỹ trên tàu Diamond Princess: “Sau 28 ngày ảm đạm thì đó là một tin tốt, Nếu phải cách ly nữa nhưng cách ly gần nhà thì vẫn hơn...”. Karey Mansicalco, người sở hữu một công ty bất động sản ở bang Utah, Mỹ, nói với kênh truyền hình CNN: “Chúng tôi đã chịu sự cách ly 14 ngày rồi, bây giờ họ lại giữ chúng tôi làm con tin thêm 14 ngày nữa”.

Mansicalco cho biết 2 tuần cách ly đã khiến cô thiệt hại 50.000 USD: “Đó là sự tàn phá về tài chính. Tôi đã khóc khi nhận được tin phải tiếp tục cách ly mà không có lời giải thích rõ ràng. Bây giờ tôi rất tức giận”. Du khách Kent Rrasure ngậm ngùi: “Vợ tôi đã phải vào bệnh viện ở Tokyo để điều trị. Tôi trở về mà không có cô ấy”.

Riêng luật sư Matthew Smith và vợ là bà Katherine, mặc dù các xét nghiệm cho thấy họ đều âm tính với Covid-19 nhưng họ vẫn từ chối lên máy bay về Mỹ vì theo Matthew Smith, vợ chồng ông cảm thấy an toàn hơn khi ở trên tàu. Một số du khách khác nói rằng họ đã mất niềm tin vào cách xử lý khủng hoảng của phía Nhật Bản bởi lẽ khi đã phát hiện có người dương tính với Covid-19 nhưng hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn vẫn làm chung, ăn chung, ngủ chung trong các cabin và đó là nguồn lây nhiễm “tiềm năng” nhất!

Vẫn trong ngày Chủ nhật 16-2, Chính phủ Canada, Italy, Hàn Quốc cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, có du khách trên tàu Diamond Princess đã lên kế hoạch đưa công dân mình về nước. Yose Yerex, công dân Canada nói lời chia tay cay đắng với những người bạn mới quen của cô trong chuyến du hành: “Nó thực sự cho thấy sự khác biệt giữa hai quốc gia. Vì vậy, xin chúc mừng các bạn người Mỹ. Các bạn đang được chính phủ của các bạn trợ giúp, còn chúng tôi bây giờ thì không...”.

Vũ Cao (theo Traveller Magazine)
.
.