Những nghi án trốn thuế trong CLB Barcelona

Thứ Năm, 16/04/2015, 23:35
Sau cáo buộc trốn thuế nhằm vào "siêu cầu thủ" Lionel Messi, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Tây Ban Nha Barcelona lại một phen điêu đứng khi tiền vệ số 1 Xavi Hernandez bị đưa vào diện điều tra do nghi trốn gần 4 triệu Euro tiền thuế. Đây là trường hợp thứ 5 tại CLB Barcelona bị điều tra vì trốn thuế trong 2 năm qua và đó không phải là điều hiếm có trong làng bóng đá thế giới. Những ngôi sao hàng đầu thế giới như David Beckham, Madonna, Ronney… bên cạnh việc đá bóng giỏi cũng rất biết cách lách luật để trốn thuế.

Cuộc truy đuổi của cơ quan thuế vụ

Theo tin từ Hãng Soccer Laduma, từ giữa năm 2014 đến nay, hơn 10 cầu thủ nổi tiếng tại các CLB bóng đá ở Tây Ban Nha đã bị "sờ gáy" vì lý do trốn thuế trong đó có nhiều siêu sao như Lionel Messi, Iker Casillas, Sergio Ramos, Andres Iniesta, Carles Puyol, Xabi Alonso, Gerard Pique… Các cầu thủ này ở 7 CLB bóng đá khác nhau trong đó, CLB Barcelona "nổi nhất" với 5 cầu thủ bị "nhúng chàm".

Mới đây nhất, vào đầu tháng 4 vừa qua, tiền vệ Xavi Hernandez đã bị Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha điều tra vì trốn thuế. Tờ La Vanguardia cho biết, Xavi Hernandez bị cho là đang nợ khoản thuế bản quyền hình ảnh lên tới 4 triệu euro.

Đại diện Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha cho biết, nếu không giải quyết xong sớm việc này, nhiều khả năng cầu thủ này sẽ không được tới Qatar để thi đấu.

Chiểu theo Luật thuế thu nhập cá nhân ở Tây Ban Nha ban hành vào năm 1996, các CLB có thể trả lương cho cầu thủ làm 2 phần: 85% trả trực tiếp vào tài khoản sẽ bị đánh thuế thu thập cá nhân bình thường; 15% còn lại được gọi là bản quyền hình ảnh sẽ trả cho công ty của cầu thủ.

Bằng cách này, khoản tiền bản quyền hình ảnh sẽ biến từ thu thập cá nhân thành thu nhập doanh nghiệp với mức thuế là 30%, ít hơn nhiều so với mức thuế thu nhập cá nhân là 52%.

Nhưng, Cơ quan Thuế Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng, tiền vệ Xavi Hernandez đã lợi dụng điều khoản này để dựng lên công ty hình ảnh nhằm che mờ sự kiểm soát về thuế.

Cụ thể, công ty sở hữu bản quyền hình ảnh của Xavi Hernandez không hoạt động, không có nhân viên và không có chức năng quản lý những vấn đề liên quan đến cầu thủ này.

Xavi Hernandez bị đưa vào diện điều tra do nghi trốn gần 4 triệu Euro tiền thuế.

Nhân viên thuế vụ Cristobal Montoro khẳng định ông có đủ bằng chứng để chứng minh những sai phạm của Xavi Hernandez. Đồng thời, Cristobal Montoro còn nêu rõ rằng, Ban lãnh đạo CLB Barcelona biết thừa chuyện này và họ thậm chí còn "cổ xúy" cho hành động trốn thuế của các CLB.

Các nhà phân tích nhận định, vụ việc liên quan đến pháp luật này có thể khiến hình ảnh Xavi Hernandez xấu đi và ảnh hưởng đến việc anh chuyển sang thi đấu cho CLB Al Saad ở Qatar vào cuối mùa giải này. Hiện Xavi Hernandez vẫn đang im lặng và người ta đồn đoán rằng, nhiều khả năng anh sẽ phải nộp phạt để yên chuyện.

Cũng phải nói thêm rằng, trước Xavi Hernandez, có nhiều cầu thủ ở CLB Barcelona bị nhân viên thuế vụ Cristobal Montoro phanh phui việc trốn thuế như Xabi Alonso; Gerard Pique với khoản nợ thuế 2,5 triệu USD trong 3 năm 2009, 2010 và 2011…

Chưa hết, từ cuộc điều tra của nhân viên thuế vụ này, hồi tháng 2 năm 2014, một tòa án ở Tây Ban Nha cũng đã kết tội CLB Barcelona vi phạm những quy định về thuế liên quan đến vụ chuyển nhượng Neymar từ CLB Santos hè năm 2013.

Trước đó, cựu Chủ tịch CLB này là ông Sandro Rosell cũng phải chịu điều tra cá nhân về tội tham ô tiền chuyển nhượng liên quan đến Neymar.

Iker Casillas chi 2 triệu Euro để khỏi phải ngồi tù vì tội trốn thuế.

Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch CLB Barcelona Josep Bartomeu bị lôi vào cuộc điều tra với cáo buộc trốn thuế. Các công tố viên Tây Ban Nha còn đề nghị mức án 2 năm dành cho ông này cùng mức nộp phạt cho CLB là 24 triệu USD vì tội gian lận sổ sách để trốn thuế vào các năm 2011, 2013 và 2014.

Đi tù hay nộp phạt?

Được biết, cuộc điều tra của Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha bắt nguồn từ một số bài báo được đăng tải trên tờ El Mundo. Những bài báo này nói rằng, trong 4 năm qua, CLB Barcelona và Real Madrid đã dùng thủ đoạn trắng trợn là thành lập "các công ty ma" để lách luật, trốn thuế.

Qua một thời gian điều tra, Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha phát hiện ra rằng các công ty quản lý bản quyền hình ảnh của các cầu thủ không hề hoạt động như đã khai báo và cũng không liên quan đến các sự kiện thực tế… Điều này khiến cho Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha bị thất thu từ 20-26% thu nhập của các cầu thủ (khoảng vài chục triệu euro).

Luật pháp của Tây Ban Nha quy định rằng, bất cứ cá nhân nào trốn thuế quá 600.000 euro sẽ bị phạt tù 6 năm. Nếu không muốn vào nhà đá, họ phải nộp phạt số tiền gấp 6 lần số tiền thuế không nộp. Vì vậy, trong trường hợp của tiền vệ Xavi Hernandez, nếu không muốn ngồi tù, anh này sẽ phải nộp khoản tiền phạt ít nhất là 24 triệu euro.

Wayne Rooney bị "sờ gáy" năm 2012 vì có những hoạt động đầu tư không rõ ràng vào công tác phúc lợi nhằm trốn tránh khoản thuế thu nhập lên tới 45%.

Một điều đáng lưu ý là đồng đội của Xavi Hernandez đã có nhiều người chấp nhận phương án này để tiếp tục được thi đấu. Như Lionel Messi chẳng hạn. Năm 2013, khi Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha khẳng định anh trốn thuế về bản quyền hình ảnh, bao gồm cả hợp đồng quảng cáo năm 2011, 2012 và 2013 bằng cách sử dụng các công ty ở Belize và Uruguay, Thụy Sĩ và Anh để bán bản quyền hình ảnh, Lionel Messi đành phải đem 56 triệu euro đến nộp. Nhưng thế vẫn chưa đủ.

Một năm sau ngày trở thành một trong những cá nhân có "đóng góp" nhiều nhất cho ngân khố của xứ sở bò tót, siêu sao bóng đá này tiếp tục bị sờ gáy. Cầu thủ này cùng cha ruột là ông Jorge Messi bị buộc tội khai man hồ sơ thuế nhằm tránh không phải đóng số tiền thuế lên tới 4 triệu euro trong khoảng thời gian từ năm 2007-2009. Gần đây nhất, Lionel Messi còn bị Cơ quan Chống ma túy của Mỹ (DEA) điều tra vì nghi ngờ có quan hệ với một số trùm ma túy ở Mexico, Colombia…

Trong khi đó, một đồng đội của Lionel Messi là David Villa cũng phải chấp nhận đóng 2,43 triệu euro tiền trốn thuế để được sang Mỹ sống và thi đấu một cách yên lành.

Hay như thủ thành số 1 của CLB Rayal Madrid và đội tuyển Tây Ban Nha Iker Casillas, ngay sau khi bị tình nghi trốn thuế, cầu thủ này đã tự động nộp phạt 2 triệu euro vào kho bạc nhà nước.

Còn Xabi Alonso thì phải cắn răng chi ra số tiền 6 triệu euro bao gồm nợ thuế 3,35 triệu euro; 2,25 triệu euro tiền phạt và 0,4 triệu euro tiền lãi do thanh toán chậm nếu không sẽ phải hầu tòa.           

Và chiêu lách luật của các siêu sao thế giới

Cho đến nay, chuyện trốn thuế không còn là hiếm ở làng bóng đá thế giới. Năm ngoái, Chủ tịch Bayern Munich Uli Hoeness đã bị kết án 3,5 tù giam do trốn thuế. Số nợ thuế ban đầu của Hoeness được xác định là 3,5 triệu euro nhưng tăng dần lên 18,5 triệu euro và sau cùng, tòa xác định ông chủ tịch nổi tiếng này nợ cơ quan thuế của Đức số tiền lên tới 27,2 triệu euro.

Các điều tra viên cho biết, ông Uli Hoeness đã cất giấu lượng tiền lớn tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ. Và đây chỉ là một trong nhiều mánh trốn thuế được các cầu thủ nổi tiếng thế giới sử dụng. Nhiều cầu thủ khác thì lựa chọn cách đưa tiền ra nước ngoài, nhất là ở những nơi có tỷ suất thuế nhẹ nhàng. Ví dụ như cầu thủ Samuel Eto'o của Cameroon. Anh chàng này đã mở một công ty ở Hungary, nơi có mức thuế rẻ nhất châu Âu (từ 10-19% để trốn 3,5 triệu euro tiền thuế.

David Beckham từng bị điều tra "rửa tiền" để trốn thuế.

Một số cầu thủ khác thì lại lựa chọn cách "rửa tiền" qua hoạt động kinh doanh hoặc quỹ từ thiện. Cầu thủ Wayne Rooney của Anh là một trong số những người như vậy. Tiền đạo của Manchester United đã đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau như bất động sản, nhà hàng, khách sạn và đặc biệt là các công trình phúc lợi.

Việc kinh doanh mang lại lợi ích chung cho xã hội rất được khuyến khích tại Anh và được giảm trừ rất nhiều thuế. Nhưng đến năm 2012, Cục Điều tra thuế Hoàng gia Anh vẫn điều tra Wayne Rooney và cầu thủ Gerrard cùng huấn luyện viên Redknapp vì cho rằng họ đã có những hoạt động đầu tư không rõ ràng vào công tác phúc lợi nhằm trốn tránh khoản thuế thu nhập lên tới 45%.

Hay như Lionel Messi với việc thành lập quỹ từ thiện Leo Mess Foundation chuyên tổ chức các trận đấu từ thiện mang tên "Messi và những người bạn" đang bị Cơ quan Thuế vụ Tây Ban Nha và DEA của Mỹ điều tra.

David Beckham, tuyển thủ một thời từng làm mê đắm bao thiếu nữ trên thế giới cũng từng bị tố có hành vi "rửa tiền" để trốn thuế. Khi đó, vụ việc nhằm vào đợt anh nhận được khoản tiền lương trong 5 tháng thi đấu cho một quỹ từ thiện tại Pháp trị giá gần 4 triệu euro…

Nhưng có lẽ, người giữ kỷ lục nổi tiếng nhất về trốn thuế trong lịch sử bóng đá hiện đại là huyền thoại bóng đá Argentina - Diego Maradona. Trong thời gian 7 năm thi đấu cho CLB Napoli, Maradona đã kiên quyết không thanh toán số tiền thuế lên tới 37,2 triệu euro dựa trên thu nhập của mình và nói rằng đó là khoản tiền mà CLB tại Napoli, Italia phải trả cho những cống hiến của ông. Đến năm 2009, khi trở lại Italia, "cậu bé vàng" đã bị cảnh sát nước này thu giữ một khuyên tai kim cương để trừ vào số tiền nợ thuế.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.