Những nghiên cứu khó khăn nhất trong khoa học

Thứ Tư, 22/08/2007, 10:00

Nhà vật lý học người Mỹ Wiliam Wid đã thu thập ý kiến của hơn 1.000 nhà khoa học và trên cơ sở những ý kiến của họ đã lập một danh sách những chuyên môn khó chịu nhất trong lĩnh vực khoa học.

Các cuộc nghiên cứu khoa học thường buộc các nhà nghiên cứu phải mạo hiểm. Gương của các bác sĩ chủ động gây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm cho chính mình đã trở thành kinh điển. Họ làm vậy nhằm ghi nhận các triệu chứng của bệnh và thử nghiệm các phương pháp mới trong việc chữa trị.

Thí nghiệm phân tích phân của các bệnh nhân bị bệnh kiết lị

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học ở Trường đại học Công nghệ Virginia (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu các vi khuẩn gây bệnh kiết lị. Để phục vụ việc này họ phải nghiên cứu hàng chục ngàn mẫu phân của những người bị kiết lị.

Họ đã thành lập Hãng Techlab chuyên sản xuất thiết bị để thực hiện các xét nghiệm thích hợp và phân tích những mẫu do các bác sĩ gửi đến. 30 nhân viên của hãng này hoàn toàn chỉ làm một việc là mở các hộp đựng phân, xem xét màu, mùi, độ chặt và tiến hành phân tích vi sinh.

Làm sạch các bộ xương

Các nhà khoa học và chuyên gia làm hình nhồi thường phải làm việc với các bộ xương, mà trước tiên cần làm sạch thịt và máu trên những xương đó.

Để làm việc này, người ta sử dụng phương pháp luộc xương, hoặc đem xương bỏ ra ngoài trời để côn trùng “lo việc dọn dẹp”. Trong cả 2 trường hợp các nhà khoa học phải chịu đựng mùi khủng khiếp.

Thí nghiệm phân tích tinh dịch của động vật

Những nghiên cứu như vậy được tiến hành trong các phòng thí nghiệm sinh học, động vật học và di truyền. Mặc dù các thí nghiệm viên được trang bị nhiều thiết bị điện tử chuyên dụng, phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là dùng tay kích thích để gây xuất tinh.

Đối với một số cuộc thử nghiệm, cần làm sao để động vật không ở tình trạng bị gây ngủ hay gây mê. Những nhà khoa học phải làm việc với các động vật lớn như voi, bò và sư tử là vất vả nhất.

Nghiên cứu muỗi

Những nhà nghiên cứu các phương pháp chống bệnh sốt rét trong điều kiện thực tế thường phải trả giá cho kiến thức bằng chính máu mình. Họ để lộ các phần cơ thể mình và cho muỗi anofel (truyền bệnh sốt rét) đốt.

Nhà nghiên cứu khoa học người Mỹ, bà Helge Ziler, trong vòng 20 năm đã tiến hành các nghiên cứu như vậy tại Brazil. Bà tính ra là với điều kiện ở hiện trường, trong một phút, bà có thể bắt được (hay đập chết) 17 con muỗi. 

Nghiên cứu các vi khuẩn gây bệnh

Các mẫu vi khuẩn có khả năng gây bệnh nguy hiểm chết người, thường được giữ trong không gian cách ly đặc biệt. Các nhà nghiên cứu thường kỳ phải bước vào khu vực đó. Tình huống đặc biệt nguy hiểm nếu các vi khuẩn ở dạng lơ lửng trong không khí.

Thử nghiệm các không gian kín

Những chuyên gia như vậy làm việc ở các cơ quan hàng không vũ trụ – nơi chế tạo và kiểm tra các thiết bị vũ trụ mà các phi hành gia sẽ sống và làm việc trong đó.

Các kỹ sư và kỹ thuật viên khi chế tạo các tàu vũ trụ vẫn kiểm tra độ kín, mức độ bảo vệ và thuận tiện của tàu đối với bản thân mình. Để làm việc đó họ phải sống trong khoang tàu hàng tuần, không hề bước ra ngoài, nghĩa là có một cuộc sống như các phi hành gia trên quỹ đạo.

Giết nhái

Tại nhiều khoa y - sinh học và nhiều phòng thí nghiệm người ta vẫn tiến hành thí nghiệm trên ếch nhái. Ví dụ người ta nghiên cứu phản xạ của chúng và các đặc điểm của hệ thần kinh.

Các nhân viên của những phòng thí nghiệm như vậy buộc phải gánh lấy nhiệm vụ không lấy gì làm dễ chịu là thường xuyên phải giết hàng trăm, hàng ngàn con ếch, nhái để phục vụ cho công việc thí nghiệm.

Người đếm cá

Một trong những nhiệm vụ khó nhất của người nghiên cứu cá là việc đếm cá. Thực hiện việc này nặng hơn cả vào mùa cá đẻ: hàng chục ngàn con cá bơi trong nước, qua mắt người đếm, và nhà nghiên cứu, bên cạnh việc đếm, còn phải nhận ra cá thuộc loại nào.

Sau mùa cá đẻ, trong một thời gian dài các nhà nghiên cứu cá không sao thoát được hình ảnh cá vẫn tiếp tục nhảy nhót trước mắt họ.

Nghiên cứu dạng nhiên liệu mới

Nhân loại không thể sống thiếu năng lượng. Song nghiên cứu ra các dạng nhiên liệu mới là quá trình kéo dài và rất tốn công sức. Ví dụ, trong 50 năm qua ở Phòng thí nghiệm quốc gia Livermore người ta đã tiến hành các cuộc nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân mà về mặt lý thuyết có thể sẽ được sử dụng để chế tạo ra động cơ ôtô.

Các nhà khoa học dự kiến rằng việc nghiên cứu sẽ phải tiếp tục ít nhất 20 năm nữa. Họ so sánh mình với những người xây dựng các nhà thờ thời Trung cổ – khi một vài thế hệ thợ làm đá mới dựng nổi tường của các nhà thờ này

Hoàng Thương (theo Luận chứng & Sự kiện)
.
.