Những người “không họ” và tấm lòng từ mẫu ở BV TTTW 1

Thứ Bảy, 01/07/2017, 12:57
Mấy chục năm nay, cứ thi thoảng lại có những bệnh nhân “đặc biệt” nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (BV TTTW 1 - Thường Tín, Hà Nội). Nói đặc biệt là bởi tất cả những người này đều không có tên tuổi, quê quán, người nhà đi cùng lại càng không. Dù vậy, họ đều được các bác sỹ, y tá, hộ lý cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Được nghe những câu chuyện, được trò chuyện với những bệnh nhân này, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần, trách nhiệm cùng tấm lòng của những y bác sỹ nơi đây...

1. Tháng 3-2016, chúng tôi đã có mặt tại BV TTTW 1 để tham vấn các bác sỹ, chuyện trò tâm sự với bệnh nhân và người nhà của họ để cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề người tâm thần gây án.

Lúc tác nghiệp tại Khoa cấp tính nam (Khoa 2), chúng tôi rất ấn tượng với một trung niên. Anh ta mặc quần áo của bệnh nhân, khá to béo, khuôn mặt trắng nhưng cái nhìn thì ngây ngô, đôi lúc ẩn chứa điều gì đó bí hiểm!? Người này ngồi “canh” tại cổng ra vào tầng 1 của Khoa 2. Mỗi khi làm việc xong, tôi bước ra đều được anh ta mở cửa và nở một nụ cười tiễn khách khá là... dễ mến!

Tôi cũng chẳng để ý đến con người này, nếu như tháng 6-2017 chúng tôi có dịp lại quay lại bệnh viện. Người giữ cửa Khoa 2 vẫn là người trung niên với khuôn mặt ngây ngô. Hỏi bác sỹ Bạch Quốc Hà, trưởng khoa thì mới vỡ lẽ người đàn ông đó vừa là bệnh nhân, lại đồng thời cũng là... nhân viên của bệnh viện.

“Béo đen” và “Béo trắng” nghe bác sỹ phân công lịch trực.

“Anh ta ở đây dễ đến hơn 40 năm rồi. Chẳng ai biết họ tên, nguồn gốc lai lịch xuất xứ của anh ta cả. Mọi người cứ gọi là “Béo trắng” để phân biệt với anh “Béo đen” (đã mất năm 2014).

Hằng ngày, công việc chính của “Béo trắng” là đóng/mở cửa để các bác sỹ, bệnh nhân ra vào khoa. Vốn khoa có đặc thù là chuyên khám chữa, điều trị nội trú cho các bệnh nhân tâm thần nam. Họ thường xuyên có những hành động “không giống ai” như la hét, đập phá, bỏ trốn... khỏi bệnh viện nên phải có người canh phòng 24/24h.

Đặc biệt, cũng tại khoa còn điều trị bắt buộc cho nhiều bệnh nhân tâm thần phạm tội. Ở ngoài xã hội, họ từng là những kẻ giết người, cướp của. Nhiều người thậm chí còn sát hại cả cha mẹ, anh chị em, con cái trong nhà khi cơn bệnh bộc phát. Chính vì thế mà ngoài sự có mặt của các chiến sỹ công an, khoa và bệnh viện luôn phải cắt cử người trực. Có “Béo trắng” phụ giúp, các bác sỹ y tá cũng cảm thấy yên tâm hơn”.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi với bác sỹ Hà bị ngắt quãng, bởi có bệnh nhân và người nhà xin ra viện. Lặng lẽ ngắm bệnh nhân kỳ lạ của Khoa, chúng tôi có thể thấy anh ta vẫn còn rất nhanh nhẹn. “Béo trắng” nhớ được hết tên bác sỹ, y tá, điều dưỡng trong khoa, nên cần ai là anh ta lập tức có thể chạy đi gọi. Ai muốn vào khoa thì phải chờ có sự gật đầu của bác sỹ, “Béo trắng” mới mở cửa cho vào. Rồi anh ta khép cửa, chốt lại rất cẩn thận. Đồ nghề của “Béo trắng” chẳng có gì, ngoài một chiếc ghế nhựa kê ở sát cánh cửa để tiện cho công việc.

Mấy chục năm nay, “người không mang họ” “Béo trắng” cần mẫn làm công việc gác cổng ở Khoa 2 BVTTTW 1.

Đến bữa trưa, khi xe đẩy đồ ăn được đưa đến cổng khoa, “Béo trắng” nhanh nhẹn chạy ra đỡ rồi mang vào từng phòng.

Chờ lúc anh ta xong việc tôi mỉm cười lại gần “Béo trắng”, hỏi:

Anh tên là gì?

- Béo trắng!

Anh quê ở đâu?

- Ở đây!

Anh thích sống ở đây không?

- Có

...

Gần như “Béo trắng” chỉ nói được mấy từ ấy, còn đa phần các câu hỏi khác anh ta đều chỉ cười, gật gật.

“Bị bệnh thiểu năng từ nhỏ, nên để chỉ dạy cho “Béo đen”, “Béo trắng” có thể làm được những công việc này, thực sự các y bác sỹ nơi đây đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức. Và hai nhân viên này cũng tỏ ra rất mẫn cán, có trách nhiệm trong công việc. Tên của “Béo đen”, “Béo trắng” thậm chí còn được ghi lên bảng phân công lịch trực của khoa” - bác sỹ Hà chia sẻ thêm.

2. Cũng theo một bác sỹ kỳ cựu trong khoa, “Béo trắng” và “Béo đen” đã có mặt tại bệnh viện hơn 40 năm nay, từ khi họ là những đứa trẻ chỉ trạc 4-5 tuổi. “Một buổi sáng, các bác sỹ phát hiện có 2 đứa bé trai lang thang trước cổng bệnh viện đã nhiều ngày. Trông cả hai đều gầy gò, đen nhẻm. Chúng chuyên đi bới những đồ ăn thừa ở đống rác về ăn. Thương tình các bác sỹ đã đem chúng về nuôi tại bệnh viện”.

Lúc “nhập viện” cả hai đứa đều gầy vêu vao, nhưng chỉ vài tháng được các bác sỹ chăm sóc, đều béo lên trông thấy. Do tuổi sàn sàn nhau, nên bác sỹ phải đặt cho hai cậu là “Béo trắng” và “Béo đen” để dễ phân biệt. Các bác sỹ chẩn đoán “Béo trắng” và “Béo đen” bị mắc chứng thiểu năng, không còn nhớ một tý gì về gia đình, quê quán, cũng không hề biết những kỹ năng tối thiểu nhất của một đứa trẻ. Vậy là các bác sỹ trong bệnh viện phải làm thay cha mẹ chúng.

“Béo trắng”.

Ban đầu cả hai được đưa vào nuôi tại Khoa Nhi. Thời điểm đó đất nước đang trong nền kinh tế bao cấp, ngay như các bác sỹ có lương mà cuộc sống vẫn rất chật vật nên để có thêm hai suất ăn cho “Béo trắng”, “Béo đen” là điều không đơn giản chút nào. Các y, bác sỹ ngoài công việc hằng ngày, phải tranh thủ ngày nghỉ để đi tăng gia thêm. Nào nuôi lợn nuôi gà, rồi trồng rau, hoa màu. Hai đứa trẻ thiểu năng cũng thường được đưa đi tăng gia cùng. Cả hai cũng biết xách nước tưới cây, mang vác một số vật nặng. Và những bữa cơm chủ yếu độn ngô khoai song hai chàng lúc nào cũng đánh chén nhiệt tình.

Nhưng việc khó nhất đối với các bác sỹ là làm sao để hướng dẫn hai đứa trẻ này học được những kỹ năng đơn giản nhất để có thể tự chăm sóc bản thân. Chỉ riêng chuyện dạy chúng tắm thôi cũng là việc vô cùng vất vả. Lắm khi chúng hắt cả xô nước vào mặt bác sỹ. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, các bác sỹ đã khiến cho “Béo trắng”, “Béo đen” dần thay đổi được tâm tính. Chúng không quậy phá nhiều nữa mà đã biết nghe lời hơn.

“Hơn 40 năm qua, các bác sỹ nhân viên trong bệnh viện đều coi “Béo trắng”, “Béo đen” như người thân trong gia đình. Ai đi ăn cỗ về hay có đồ ăn ngon đều để phần hai thanh niên. Khi cả hai tầm khoảng trên 20 tuổi thì được các bác sỹ giao cho nhiệm vụ canh cổng của Khoa Cấp tính nam, và làm liên tục từ đó cho đến nay. Năm 2014, “Béo đen” mắc bệnh hiểm nghèo và mất. Bệnh viện đã đứng ra tổ chức tang lễ cho anh ta. Ngày giỗ hay lễ tết, các bác sỹ, y tá đều có mặt tại nghĩa trang của xã để hương khói cho anh ta” - bác sỹ Hà kể.

Một bác sỹ trong khoa kể thêm: “Cái hôm “Béo đen” mất, lần đầu tiên “Béo trắng” bỏ gác và cũng bỏ ăn luôn. Phải mấy ngày sau, các bác sỹ thay nhau an ủi thì “Béo trắng” mới quay trở lại làm việc. Và việc gác cửa lúc này được giao hẳn cho “Béo trắng”. Anh ta làm một cách chăm chỉ, cần mẫn và chưa bao giờ buông một lời than vãn nào.

Nhìn vậy thôi nhưng anh ta cũng rất tình cảm, và nhiều lúc khiến cho chúng tôi bất ngờ. Thi thoảng có các nữ y tá, hộ lý đi qua, anh em hay trêu “nháy” “Béo trắng” xem có ưng cô này cô kia không, cô nào nhan sắc kém là “Béo trắng” lắc đầu quầy quậy. Còn cô nào xinh xinh ưa nhìn là gật đầu cái rụp!”.

Ngoài ra, tại Khoa Tâm thần nữ nhi cũng có một bệnh nhân gắn bó với bệnh viện nhiều năm mà không thể tìm được người nhà. Vào viện đã được 5 năm, nhưng bệnh nhân tên Hạnh chẳng thể nhớ nổi quê quán hay thông tin gì về gia đình, chỉ nhớ được duy nhất tên của mình. Gắn bó với nơi này, chị quen với từng ngõ ngách, công việc của mỗi điều dưỡng. Giờ đây, khi tinh thần đã ổn định chị còn giúp đỡ được cho các bệnh nhân khác mới vào bằng việc cho ăn, mua đồ, quét dọn sân, phòng.

Chị Hạnh chia sẻ: “Em xin cảm ơn các bác sỹ đã giúp đỡ em, thời gian vừa qua em đã mất trí nhớ và em cứ lang thang ở ngoài đường không biết nhà cửa ở đâu. Em mong có một ngày bố mẹ em và các anh chị tìm thấy em...”.

Tên của “Béo đen” và “Béo trắng” thậm chí được ghi rõ trên bảng phân công công việc của Khoa.

3. Cũng tại bệnh viện chúng tôi đã được nghe về tấm lòng từ mẫu của bác sỹ Lại Xuân Hương và nhiều y bác sỹ trong Khoa Bệnh xã hội - khoa có nhiều bệnh nhân đặc biệt nhất. (Những bệnh nhân này hầu hết đã được bệnh viện chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội, sau khi đã điều trị ổn định - PV). Bác sỹ Hương đã nghỉ hưu được hơn chục năm, song nhắc tới ông nhiều y bác sỹ ở bệnh viện luôn kể với ông với lòng kính trọng.

Khi còn là Trưởng khoa Bệnh xã hội, bác sỹ Hương luôn coi người bệnh như người nhà của họ. Ông rất đau lòng khi thấy điều kiện sống nhếch nhác, khổ cực của họ. Thấy họ phải nằm chen chúc trong một căn phòng nhỏ, bác sỹ Hương đã “sai” anh em đem cái giường trưởng khoa cho bệnh nhân nằm. Ông còn trực tiếp vào nhà vệ sinh quét dọn. Chỗ nào họ phá, ông phải đi trộn vữa chít kín, quét vôi lại toàn bộ nhà cửa. Rét mướt, ông bắt cán bộ ra cánh đồng lấy rạ khô về đốt lửa cho bệnh nhân sưởi.

Có hôm, bác sỹ Hương gặp bệnh nhân của mình lững thững đi bên kia con mương nước lớn. Do đã nhớ mặt, nhớ tên từng người nên ông gọi tên họ, dỗ dành, rồi cho trẻ mục đồng mấy đồng tiền lẻ, "thuê" chúng cho ngồi lên lưng trâu, lội nước sang, đón về bờ bên này. Vừa đi, vừa dỗ dành: “Mày ngồi im về “bố” sẽ cho hai cái bánh mì và một bao thuốc lá” thì họ mới chịu.

Một trong những bệnh nhân đặc biệt của bác sỹ Hương là anh Bảy (người Việt Trì, Phú Thọ). Anh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị mất trí nhớ, cứ lang thang khắp nơi. Kiên trì chạy chữa nhiều tháng liền, dần dà bệnh tình của Bảy cũng thuyên giảm. Anh ta nhớ được quê quán, người thân và muốn về nhà. Nhưng khi đó Bảy lại chẳng có một xu nào trong ví. Bác sỹ Hương liền lấy tiền túi của mình để cho anh ta làm lộ phí.

Chẳng ngờ ít hôm sau, Bảy cùng người nhà, đem cả cục tiền xuống tận nhà, vừa khóc, vừa xin được tạ ơn ông. Kiên quyết không nhận tiền, bác sỹ Hương chỉ nhận một gói chè, vài bao thuốc cho toàn bộ các y bác sĩ trong khoa cùng sử dụng.

Yên Chi
.
.