Những nhà nghiên cứu xả thân vì khoa học

Thứ Ba, 09/10/2007, 04:30
Từ thời xa xưa, phương pháp sát hại người bằng chất độc là việc không hiếm. Song, lịch sử từng biết những trường hợp khi người ta uống thuốc độc một cách hoàn toàn tự nguyện, nhưng không phải để kết liễu cuộc đời mình, mà hoàn toàn vì thí nghiệm khoa học. Họ muốn kiểm tra xem có thể sử dụng chất độc nào đó vào các mục đích y học hay không. Từ đó, người ta kết luận rằng ngay cả những thuốc độc nguy hiểm nhất với con người, cũng có những lợi ích.

Một chất độc curare chiết xuất từ cây mà trước kia những người da đỏ ở Nam Mỹ sử dụng trong săn bắn, đã được ứng dụng rất thành công trong một số phẫu thuật. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, vị bác sĩ dũng cảm Smith của Trường Tổng hợp bang Utah (Mỹ) đã thử nghiệm độc tố này trên chính bản thân mình vào năm 1944.

Ông đề nghị một đồng nghiệp tiêm chất độc này cho ông, mặc dù vào thời điểm đó cả ông lẫn đồng nghiệp đều không ai dám khẳng định sau khi rút mũi tiêm ra kết cục sẽ ra sao và liệu ông có thể sống được không.

Bác sĩ này không chỉ vẫn sống mà sau đó còn mô tả những cảm giác trong thời gian diễn ra thí nghiệm: “Ban đầu, các cơ trong cổ họng bị tê liệt. Tôi không thể nuốt được và nghĩ rằng sẽ bị chết sặc vì chính nước bọt của mình. Tôi cũng không thể cử động chân tay và hiện tượng liệt tiến triển rất nhanh. Nó đã lan tới các cơ hô hấp và xương sườn”.

Mặc dù ban đầu chỉ cảm thấy hô hấp khó khăn, nhưng vị bác sĩ cảm nhận được rằng hiện tượng liệt toàn thân sắp đến và sẽ chết do ngạt thở. Chỉ có tim và não vẫn hoạt động một cách bình thường.

Các đồng nghiệp quan sát thấy Smith bắt đầu ngạt thở, tuy nhiên người ta quyết định không dừng thí nghiệm và tiếp tục quan sát điều gì sẽ xảy ra. Chỉ đến khi người ta hiểu rằng đã đến thời điểm mà người bác sĩ dũng cảm sẽ chết, họ mới cho dừng thí nghiệm.

Sau này, Smith đã nói rằng cảm giác của ông lúc đó như bị chôn sống. Thí nghiệm đã không vô ích bởi vì nhờ nó mà người ta biết rằng có thể đưa vào cơ thể người chất độc curare với liều lượng bao nhiêu mà không gây nguy hiểm.

Nói chung hầu hết các độc tố đều đã được các bác sĩ thử nghiệm trên chính bản thân họ. Đặc biệt trong lĩnh vực này có bác sĩ Anton fon Shterk không chỉ thử nghiệm với một mà là một loạt các chất độc. Shterk nghiên cứu chủ yếu về các dược thảo độc.

Ông làm nước sắc từ các dược thảo đó và uống. Mỗi lần thí nghiệm ông đều mô tả tỉ mỉ cảm giác của mình. Noi gương ông, một số bác sĩ khác cũng đã tiến hành thí nghiệm trên chính bản thân mình với các chất độc từ dược thảo, khoáng chất, dung dịch... Trong số các nhà y khoa đó phải kể đến Ladzaro Spallansani, một trong những nhà thử nghiệm tự nhiên nổi tiếng và độc đáo nhất của thế kỷ XVIII.

Rất nhiều bác sĩ đã thí nghiệm với nicotin. Một lần 2 bác sĩ người Hungary là Dvorzak và Kheinrik đã uống hơn 2 mg nicotin trong lần đầu và gấp đôi ở lần 2 dưới sự giám sát của 2 bác sĩ khác. Họ đã suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình. Các bác sĩ còn tiến hành thí nghiệm trên bản thân họ với các khoáng chất độc cũng như rất nhiều dược phẩm khác.

Thí nghiệm về thạch tín cũng đã đuợc quan tâm đặc biệt. Trước đây một số người sử dụng thạch tín  để chữa bệnh còn một số khác lại sử dụng làm vũ khí giết người. Để kiểm tra trên chính bản thân mình tác dụng của độc tố này, trong vòng 2 giờ Giáo sư dược học Sigizmund Khermbshtein đã uống 40 gr dung dịch thạch tín trong cồn amoniac và đã suýt mất mạng.

Ngay sau khi uống, Giáo sư Khermbshtein cảm thấy đau bụng dữ dội, tay và chân run bắn, cảm giác sợ hãi xâm chiếm, môi tái nhợt và run rẩy, nhưng ông đã may mắn thoát chết.

Zan Ponto - bác sĩ người Thụy Sĩ, đồng thời là nhà động vật học đã phải chịu đựng những giây phút rất khó chịu khi thử nghiệm với rắn độc. Ông đã cho 3 con rắn lục đen cắn vào mình để thực hiện thí nghiệm khoa học trên bản thân.

Bác sĩ Ponto muốn tìm ra một loại thuốc có tác dụng phòng và ngăn ngừa rắn độc cắn. Bởi vậy sau khi đã chuẩn bị phòng ngừa trước, ông cho 3 con rắn độc cắn. Ponto kể lại rằng, khi bị  rắn cắn ông có cảm giác như bị người ta xử tử.

Nhiều loại côn trùng cũng rất độc và khi bị chúng cắn gây ra hậu quả khó chịu. Một lần, nhà nghiên cứu người Nga Pavlovski, chuyên gia giảng dạy môn giải phẫu học đồng thời nghiên cứu về các loài động vật có khả năng gây độc tại Học viện Quân y ở Leningrad biết được rằng ở miền Nam nước Nga một người lính đã chết vì bị một loài nhện độc cắn.

Khi đó ông cùng Giáo sư  Shtein quyết định phải nghiên cứu tính độc của loài nhện này. Thực tế là Pavlovski đã không tiến hành thí nghiệm trên bản thân mình. Ông đã tìm được một người tình nguyện là sinh viên y khoa. Con nhện được đặt trên ngực của người thí nghiệm.

Nhưng hóa ra là con nhện không thể cắn qua da người, nó chỉ có thể dùng hàm của mình để ngoạm một khoảng da không lớn và làm thương tổn bề mặt da. Phần bị thương tổn rất đau đớn mặc dù chỉ có lớp sừng của da bị đụng chạm.

Thí nghiệm này chứng tỏ rằng vết cắn của nhện không thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh nặng hoặc thậm chí gây ra cái chết cho con người. Dù sao đi nữa không loại trừ là có một số người phản ứng đặc biệt nhạy cảm với vết cắn của nhện.

Nói chung, chúng ta có thể tự hào thấy rằng, tên tuổi của những người hy sinh thân mình vì khoa học, khi họ tự thử nghiệm các chất độc và cho nhiều loài động vật độc cắn chính cơ thể mình, không bị quên lãng. Kỳ tích của những nhà khoa học đó là bất tử

Thương Hoàng (theo Utro - Nga)
.
.