Những nhà văn mang sắc phục Công an

Thứ Hai, 23/01/2012, 17:25

Trước thập niên 70 thế kỷ trước, Lực lượng Công an chưa có cơ quan truyền thông, văn nghệ nào hoạt động rộng rãi ngoài xã hội. Văn học về đề tài này càng hiếm. Sau Cách mạng tháng Tám, các nhà văn viết truyện trinh thám không còn hoạt động. Thưa thớt có vài nhà văn đã viết lại những vụ tình báo phản gián dựa trên chuyện thật như Tôi làm gián điệp, Bản án tử hình của Nguyễn Khắc Thứ, Chiếc cặp da đen của Nguyễn Khắc Chung…

Một số cán bộ Công an yêu văn nghệ tự tìm tòi sáng tác vì ngẫu hứng hoặc vì thực tế cuộc đấu tranh, công việc làm có nhiều cảm khái thúc giục cầm bút sáng tác. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp, một cán bộ công an, ngoài những phóng sự, truyện văn học có góc nhìn về an toàn xã hội như Thanh niên trụy lạc, Những vụ án tình… ông đã viết thẳng một vụ án gián điệp nổi tiếng Chiếc va li. Nhà văn Đặng Thanh viết Cất vó, Lần theo chuỗi hạt… Nhà văn Phạm Thanh Đàm viết Mũi tên 17, Tọa độ bí mật… Văn Phan viết Nhóm rắn lục v.v... Đặc biệt nhà văn Lê Tri Kỷ có nhiều truyện ngắn nổi tiếng với cách viết mới lạ về công việc làm và hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân đầy chất văn học hiện thực, như các truyện ngắn in trong các tập Phố vắng, Một người không nổi tiếng, Những tiếng nói thầm…

Một số kịch bản sân khấu, điện ảnh được công diễn rộng rãi tuy chưa được in thành sách - trừ Đất lạ, Thung lũng không tên, Biến động ngày hè, của Lê Tri Kỷ - như Bản danh sách điệp viên của Văn Báu, Kế hoạch An - pha của Vũ Tăng, Kiện hàng không số của Khánh Bồng, Hương Thiên Lý của Vũ Khải, Một ca cho máu, Chiều xuân biên giới của Tôn Ái Nhân, Cuộc chiến đấu đang tiếp diễn của Doãn Quế…

Khi Công an vũ trang sáp nhập Bộ Công an, một số cây bút từng có tác phẩm có tiếng, nhiều người biết, đã tăng cường cho đội ngũ viết trong Công an, cả về số và chất lượng. Đó là các nhà văn, nhà thơ Lương Sỹ Cầm, Trần Hữu Tòng, Đào Nguyên Bảo, Mai Thanh, Hữu Ước, Anh Linh, Trần Liêu, Trọng Bằng, Đào Quang Thép, Nguyễn Xuân Thái… Tuy nhiên, quen với đề tài quân đội, việc thâm nhập sáng tác đề tài an ninh trật tự với các cây bút này còn đòi hỏi một thời gian.

Toàn ngành Công an chỉ có 2 hội viên Hội Nhà văn là nhà văn Lê Tri Kỷ ở Công an nhân dân và nhà văn Lương Sỹ Cầm ở Công an vũ trang. Có khoảng hơn một chục anh em có sáng tác được cử đi học các lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn mở ở Quảng Bá, từ khóa 1 đến khóa 6. Số này rồi cũng chỉ có vài người tiếp tục làm công tác liên quan đến sáng tác văn học của Công an.

Đầu năm 1973, sau Hiệp định Paris, lần đầu tiên Lực lượng Công an mới có một đoàn cán bộ được đi chiến trường với nhiệm vụ là thâm nhập thực tế sáng tác. Đoàn gồm nhà văn Lê Tri Kỷ là trưởng đoàn, nhà văn Văn Phan, nhà báo Ngôn Vĩnh, hai nhà làm phim Châu Huế và Anh Sinh. Anh em được hoạt động ở vùng giải phóng, chủ yếu là tuyến giáp ranh Trị Thiên, trong đội hình Binh vận của Bộ. Anh em đã có những sáng tác kịp thời về an ninh giải phóng như các truyện ký trong tập Những tiếng nói thầm của Lê Tri Kỷ, Bông hoa lạ của Ngôn Vĩnh, tiểu thuyết Làng chốt của Văn Phan…

Đoàn đại biểu Chi hội nhà văn Công an tham dự Đại hội 6.

Ngay từ những ngày khởi đầu, trong suy nghĩ của những người viết văn, làm báo trong Lực lượng Công an đã khơi lên đậm nét một luồng ý thức mới, tầm nhìn mới về nghề nghiệp và hướng phát triển của đề tài phong phú rộng lớn này. Trong đó nổi lên là những suy nghĩ về khó khăn, thuận lợi và cách viết như thế nào?

Đây là một đề tài rộng lớn. Đối tượng được mô tả chính ở đề tài này dù cảm xúc suy nghĩ, tâm hồn, nhân cách tốt hay xấu đều mang đậm nét đặc trưng của con người xã hội. Vì vậy nhân vật thường có giá trị sâu sắc. Ở đây có rất nhiều tình huống để lột tả những điều bí ẩn, những nét nội tâm sâu sắc khi con người bị đặt trước những bước ngoặt khắc nghiệt giữa cái thiện và cái ác, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa anh hùng và tội đồ, và cao nhất là giữa cái sống và cái chết. Mỗi câu chuyện thường gắn bó một cách tất yếu với một cuộc khám phá điều tra. Tự nó nhiều khi đã hình thành một cốt truyện hấp dẫn. Rồi dần dà mỗi bước tiến triển lại phơi bày ra một điều mới lạ. Câu chuyện được dẫn dắt bằng các bước khám phá không hề giản đơn mà thường gay cấn, bất ngờ cả về thắt mở nút và tâm lý. Vì vậy nó có thể có sức hấp dẫn mãnh liệt, thu hút độc giả.

Đây sẽ là một lợi thế nếu tác giả nắm vững ý đồ nội dung chính của sách, thông qua các chi tiết phong phú đầy nét riêng biệt về chính trị, xã hội, chuyên môn được chọn lọc một cách đúng đắn để truyền tới người đọc những ý nghĩ sắc sảo thông minh, những rung động đậm đà lý thú sẽ nâng cao được chất lượng văn học của tác phẩm, cả về nội dung và giải trí.

Đáng tiếc là, ngược lại, còn có những người viết và nhất là người buôn sách đã tận dụng khai thác cường điệu tính hấp dẫn của loại đề tài này theo hướng giật gân, máu lửa, đẩy nó thành hàng hóa thị trường vì mục đích lợi nhuận. Những loại sách này đã làm cho không ít người đọc bị lừa phỉnh, lầm lạc, bị đầu độc! Không ít người vì thế đã thành kiến coi đây là sách có hại, văn học loại hai.

Là những người cầm bút có lương tri thực ra không mấy ai phải chùn bước bởi những rào cản định kiến đó. Nhất là những người cầm bút trong lực lượng Công an. Họ viết với ý thức vững vàng là sáng tác vì lý tưởng thẩm mỹ của con người, vì cái đẹp, để cái thiện thắng cái ác, để chính nghĩa thắng bạo tàn. Viết để cổ vũ những chiến sĩ và nhân dân đang hàng ngày hàng giờ chiến đấu không ngại hy sinh gian khổ vì bình an của Tổ quốc, của nhân dân. Rút cục, suy nghĩ chính của các nhà văn là làm sao để viết được nhiều tác phẩm hay. Một thực tế sừng sững là trên thế giới có rất nhiều tác phẩm văn học để đời và có không ít nhà văn trở thành vĩ đại, vì đã gắn bó, đã sống với đề tài này.

Do không có cơ quan công cụ nên thời kỳ này Phòng Tuyên truyền, văn nghệ của Bộ khi cần thực hiện nhiệm vụ, phải in sách văn nghệ như Bác Hồ với Công an, các tập chuyện cảnh giác… thì phải làm thủ tục xin xuất bản nhất thời. Dịp tết lễ, ngày kỷ niệm, truyền thống muốn có bài in các báo, Phòng Văn nghệ, sáng tác phải chuẩn bị bài vở chu đáo để "xin"các báo làm số đặc biệt về đề tài Công an. Nhưng các báo cũng có yêu cầu của họ, nên có khi họ chỉ cho in được vài bài. Dịp nào được Báo Văn nghệ dành cho một trang thì anh em mừng lắm. Với tạp chí thì anh em có thể góp bài đến một phần tư, và nhận phát hành trong nội bộ một số lượng kha khá. Nhà văn Lê Tri Kỷ và anh em lúc đó thường mong có được một tờ báo văn nghệ cho Công an!

Năm 1972, Phòng Sáng tác được thành lập, ít lâu sau thêm chức năng văn nghệ (làm văn hóa quần chúng), các hoạt động sáng tác được chú ý hơn. Một số anh em ở các đơn vị trong ngành, một số học sinh tốt nghiệp đại học có năng khiếu sáng tác  được điều về.

Theo sự chỉ đạo của nhà văn Lê Tri Kỷ, một số anh em được tỏa đi các địa phương, đơn vị để sưu tầm tài liệu viết lại những vụ việc, những chiến công nổi tiếng của Lực lượng Công an trong cách mạng và kháng chiến. Chỉ một thời gian ngắn, sau loạt truyện anh hùng chiến sĩ thi đua kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu của Công an và nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, một loạt sách văn học dày dặn truyện tư liệu, truyền thống ra đời. Đó là Trinh sát Hà Nội, của Tôn Ái Nhân, Đội Công an số sáu và Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D' Inville của Văn Phan, Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn và FULRO tập đoàn tội phạm của Ngôn Vĩnh, Câu lạc bộ chính khách của Lê Tri Kỷ, Lê Đình Chinh, Rừng biên giới của Lương Sỹ Cầm, Bên dòng Păng Pơi, Cọp núi của Trần Hữu Tòng… được xuất bản. Đây là một cột mốc đáng ghi nhớ của văn học viết về Công an.

Từ thập niên 80 thế kỷ XX, nhu cầu giáo dục, tuyên truyền của Lực lượng Công an phát triển và cởi mở hơn, ý thức về mối quan hệ và hiểu biết hỗ trợ giữa công an và nhân dân được chú trọng, việc cổ vũ truyền thống và hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân được đề cao hơn. Với tinh thần đổi mới, các cơ quan truyền thông của Lực lượng Công an lần lượt được ra hoạt động rộng rãi phục vụ nhân dân. Sau buổi Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc đến Nhà xuất bản Công an nhân dân, rồi Báo Công an TP HCM, báo Công an nhân dân.    

Ngày 26/6/1997, được sự đồng ý của Bộ Công an và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn Việt Nam trong Công an được thành lập với 11 hội viên. Bước tiến quan trọng này làm tăng tính chuyên nghiệp, tính hiện đại và lòng yêu nghề của lực lượng viết văn, làm báo trong Công an.

Cùng với việc ra đời các cơ quan, một số lớn những người viết văn làm báo có trình độ, có tay nghề được bổ sung cho công an. Nhiều nhà văn, nhà quản lý văn nghệ báo chí Công an trưởng thành trong thực tế. Bạn đọc trong và ngoài công an đã dần quen và mến mộ các cây bút đã nói trên và các anh chị Như Phong, Hồng Thanh Quang, Trần Diễn, Hồng Thái, Lưu Vinh, Phùng Thiên Tân, Thu Trang, Trần Thanh Hà, Hà Văn Thể, Minh Khanh, Từ Kế Tường, Trần Tử Văn, Phạm Văn Miên, Phạm Khải, Phan Quế… Còn có thể kể rất nhiều. Nổi bật hơn cả là nhà văn đa tài Hữu Ước. Ngoài những tác phẩm văn thơ, nhạc họa, kịch bản sân khấu điện ảnh nổi tiếng như Vòng vây cô đơn, Đêm giông, Chuyện tình thời sida, Người con gái Đất Đỏ, Quả báo, Vòng Đời, Người đàn bà uống rượu, Thơ chơi… anh còn là người có công cách tân phát triển báo chí, văn nghệ Công an và hiện thực được mơ ước của cả một thời là ra đời được tờ Văn nghệ công an. Mở rộng sân chơi cho các cây bút cả nước.

Để có thể nâng tầm hoạt động đáp ứng được nhiệm vụ, Chi hội Nhà văn Công an thường phối hợp với các cơ quan báo chí xuất bản tổ chức nhiều hoạt động nghề nghiệp để nâng cao trình độ. Đã có nhiều cuộc đi thực tế, nhiều trại sáng tác để các nhà văn trong và chủ yếu là ngoài Lực lượng, lấy tài liệu và sáng tác. Đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" có nhiều nội dung đã được nhiều cuộc hội thảo liên kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an trao đổi bàn bạc sâu rộng. Số nhà văn, nhà báo ngoài Công an tham gia, gắn bó với đề tài này ngày càng đông đảo.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an và trực tiếp là Tổng cục Xây dựng lực lượng, cùng sự năng nổ giàu nhiệt tình của các cán bộ quản lí trực tiếp ở cơ sở, Công an nhân dân đã có cả một tập đoàn truyền thông, văn nghệ, gồm 6 tờ báo cấp Bộ, trong đó có tờ Văn nghệ Công an, 2 tờ báo công an thành phố, một nhà xuất bản, một đài truyền hình, một hãng phim, một đoàn văn công chuyên nghiệp và các buổi phát thanh, truyền hình ở Trung ương và các địa phương… Đặc biệt, lực lượng viết văn trong công an đã có đội ngũ 32 nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra còn có đông đảo các cây bút trẻ đầy triển vọng được đào tạo bài bản và hàng trăm người tuy chưa vào Hội nhưng đã có từ 2 đến hàng chục đầu sách đã xuất bản, là lực lượng tiếp nối đầy hứa hẹn.

Sự phát triển hùng hậu cả về số lượng và chất lượng đó đã tạo cho văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" ngày càng thâm nhập sâu rộng trong nhân dân, trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của nhân dân, đáp ứng được nhu cầu phục vụ và góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

V.P.
.
.