Những nọc độc loài vật được sử dụng trong chữa bệnh

Thứ Hai, 29/11/2010, 07:30
Thú vật và côn trùng thường sử dụng nọc độc của chúng để giết chết con mồi và luôn là nỗi sợ hãi của con người. Tuy nhiên, một số loại nọc độc lại cực kỳ công hiệu về mặt sinh học và những hỗn hợp hóa chất này là nguồn tự nhiên to lớn giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu nhiều loại thuốc chữa bệnh.

Nọc độc bò cạp vàng điều trị ung thư não

Bò cạp vàng sống ở vùng Bắc Phi và Trung Đông. Nọc của chúng cực kỳ nguy hiểm đối với con người là loại độc tố thần kinh cực mạnh gây phù phổi đủ sức giết chết một đứa trẻ hay người lớn. Nhưng mới đây, trong một nghiên cứu được đăng trên nguyệt san ACS Nano, Tiến sĩ Miqin Zhang ở Đại học Washington (Mỹ) và nhóm nghiên cứu của ông mô tả cách sử dụng một thành phần trong nọc độc loài bò cạp vàng gọi là chlorotoxin (tuy có tên gọi là "độc tố diệp lục" nhưng nó thật ra không độc) giúp chữa trị ung thư não.

Trong liệu pháp gene, các bác sĩ tiêm một lượng nhỏ ADN khỏe mạnh được gắn vào các phân tử nano và sau đó những phân tử này sẽ di chuyển đến vị trí khối u để sửa chữa hay thay thế những đột biến gene gây ung thư. Với việc gắn chlorotoxin vào phân tử nano, Tiến sĩ Zhang và nhóm nghiên cứu của ông đã đưa hiệu quả các chuỗi ADN trị liệu đến các tế bào ung thư hơn là sự sử dụng các phân tử nano không có chlorotoxin.

Nọc ong chữa ung thư (ảnh 2)

Trong một thí nghiệm tương tự khác, nhà khoa học sinh học ở Đại học Y khoa Washington Samuel A. Wickline đã biến đổi một protein tìm thấy trong nọc ong - thường gây viêm sau khi chích đối tượng - gọi là melittin. Cũng giống như chlorotoxin, melittin có thể giúp giải phóng các hợp chất thuốc trị liệu đến các tế bào ung thư. Wickline nối kết hợp chất màng của các phân tử nano (mà không phá vỡ chức năng bình thường của thuốc) giúp nó đi đến mục tiêu một cách chính xác hơn.

Nọc độc nhện tarantula chữa chứng loạn dưỡng cơ (ảnh 3)

Frederick Sachs, nhà vật lý sinh học Đại học Buffalo (Mỹ) cùng nhóm nghiên cứu sau khi tìm hiểu nọc độc loài nhện taratula hồng của Chile - loài nhện tương đối vô hại thường được bày bán trong những cửa hiệu thú nuôi - đã tìm thấy một peptide mà họ gọi là GsMtx-4.

Prptide được chiết xuất này đã đóng thành công các kênh ion trong màng tế bào cơ (kênh đóng hoặc mở để kiểm soát các luồng ion natri, kali, canxi hoặc clorit trong dung dịch thẩm thấu qua màng tế bào) - một hiệu quả mà Sachs tin là có thể làm giảm được áp lực cho cơ. Áp lực thái quá lên cơ gọi là loạn dưỡng cơ, một chứng bệnh có thể gây liệt cho trẻ em. Khi tiêm loại peptide tổng hợp cho chuột bị chứng loạn dưỡng cơ trong phòng thí nghiệm, Sachs nhận thấy hoạt động cơ được cải thiện rõ rệt.

Hiện nay, Sachs và nhóm nghiên cứu của ông đang chờ đợi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiến hành những ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người.

Nọc độc bọ cạp Brazil giúp nghiên cứu chứng viêm tuyến tụy (ảnh 4)

Một hợp chất gọi là antarease, tương tự peptide được tìm thấy trong nọc độc của nhện taratula, được coi là công cụ y khoa hữu ích bởi vì tính hiệu quả của nó đối với các kênh ion. Nhà khoa học Fletcher ở Đại học Est Carolina (Mỹ) khám phá hợp chất trong nọc độc của loài bọ cạp vàng Brazil thường gây viêm tuyến tụy ở những nạn nhân bị chúng cắn phải.

Nhóm nghiên cứu của Fletcher phát hiện antarease có lẽ là nguyên nhân của chứng viêm - khi họ tiêm hợp chất đã tinh chế vào mô tụy, nó gây cản trở cho sự kiểm soát của tuyến tụy đối với các enzyme tiêu hóa của nó, insulin và các protein khác và gây viêm. Viêm tuyến tụy thường xảy ra do sỏi mật và lạm dụng rượu. Các nghiên cứu mới đây cho thấy chứng viêm có thể dẫn đến ung thư tuyến  tụy.

Nọc độc rắn hổ mang đối với chứng bệnh viêm khớp (ảnh 5)

Rắn hổ mang Ấn Độ là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất vùng Nam Á, và nọc rắn là nguyên nhân của khoảng 10.000 cái chết xảy ra mỗi năm ở Ấn Độ. Bất chấp nguy hiểm, hệ thống y khoa cổ truyền của Ấn Độ (ayurveda) đã sử dụng nọc rắn hổ mang để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau trong hàng ngàn năm qua. Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh tính hiệu lực của phép chữa bệnh cổ truyền với nọc rắn hổ mang của Ấn Độ.

Vào đầu năm 2010, nhà sinh lý học Antomy Gomes và nhóm nghiên cứu của ông ở Đại học Calcutta (Ấn Độ) cho công bố một bài báo trên tờ Toxicon chứng minh nọc rắn hổ mang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh viêm khớp. Trong nghiên cứu, những con chuột đực được gây bệnh viêm khớp và sau đó được tiêm nọc rắn hổ mang với những liều không gây nguy hiểm. Kết quả cho thấy các triệu chứng viêm khớp của số chuột thí nghiệm này được cải thiện đáng kể

An An (tổng hợp)
.
.