Những ông vua sân gỗ

Thứ Sáu, 06/07/2012, 23:25

Những người cầm cân nảy mực trong một cuộc thi thố thể thao và nghệ thuật thường được ví như những ông vua, bởi quyết định của họ cũng làm thay đổi cả một cuộc đời, một sự nghiệp khi trao vòng nguyệt quế cho người này, trái đắng cho người khác và nhiều khi những lùm xùm về sự không công tâm của họ khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Nếu trong bóng đá người ta gọi trọng tài là vua sân cỏ, thì trong sân khấu (SK) người ta gọi giám khảo là vua sân gỗ. Trong bài này chúng tôi muốn nói về những vị vua sân gỗ trong các cuộc liên hoan (LH), hội diễn SK.

"Săn" giám khảo - Chuyện thường ngày của các cuộc liên hoan

Để có được một Ban giám khảo (BGK) như ý vô cùng nan giải. Mời những người có tiếng tăm, đang hoạt động SK có hiệu quả, làm không hết việc để anh em bạn nghề nể phục thì trong cùng một đợt họ lại tham gia 3 hoặc 4 vở trong LH. Còn nếu mời những người không có vở dự thi để bảo đảm hệ số an toàn cao thì họ lại không thực sự được anh em bạn nghề "tâm phục khẩu phục". Cuối cùng thì phương án 1 thường được chọn với niềm tin  rằng họ là những người quá hiểu câu "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".

Nhưng rồi mọi người lại băn khoăn, dù quy chế chấm thi khen thưởng đề ra rằng giám khảo có tác phẩm tham gia thì sẽ không chấm tác phẩm của mình, nhưng liệu có khách quan được không khi hai ông giám khảo có tác phẩm dự thi cùng ngồi ở đó và ai dám khẳng định không có cái luật ngầm bất thành văn: anh đối xử tốt với tôi thì tôi sẽ đối xử tốt với anh!

Có một nghịch lý thường xảy ra trong giới SK rằng, không phải anh là tác giả giỏi thì kịch bản nào của anh cũng hay, cũng như không phải anh là đạo diễn ăn khách thì vở nào của anh cũng hấp dẫn. Bằng chứng là trong không ít LH có những đạo diễn "đắt show" đã "cống hiến" cho bạn nghề những vở diễn kém, thậm chí kém nhất LH. Thế nhưng tâm lý sính đạo diễn, tác giả Trung ương khiến các đoàn quyết tâm phải mời bằng được họ mỗi kỳ LH khiến họ phải dài cổ xếp hàng và chỉ  ra được vở ngay sát ngày khai mạc. Vậy là không một LH SK nào đạo diễn và tác giả không "đụng hàng" trong BGK.

Cho đến giờ anh em bạn nghề và giới truyền thông vẫn còn ồn ã chuyện ở LH SK chèo đề tài hiện đại tổ chức tại Thái Bình (11/2011), không hiểu ngẫu nhiên thế nào mà BGK có tới 3 thành viên là "người cũ" của Hà Nội (NSƯT Thanh Trầm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và đạo diễn NSƯT Quốc Chiêm) khiến người ta nghi ngờ về sự "vô tư" của BGK trong việc vở diễn “Quan lớn về làng” của Nhà hát chèo Hà Nội được giải Vàng với số phiếu áp đảo.

Có một thời, người ta kêu ca về sự già nua của BGK trong các LH SK. Nhưng già nua mà sức làm việc như đạo diễn Doãn Hoàng Giang thì nhiều người trẻ không theo kịp, già mà minh mẫn như GS.TS Đình Quang thì nhiều người trẻ hãy coi chừng, hay già mà mạch lạc như các nhà lý luận phê bình Trần Việt Ngữ, Hồ Thi thì người trẻ theo còn mệt… Thế nhưng những năm gần đây, dù có mời những người tinh tường như NSND Ngọc Phương, người uyên bác về chèo như GS. Hà Văn Cầu, GS. NSND Trần Bảng hay người có trình độ lý luận phê bình như Phó GS. Tất Thắng thì họ cũng không còn đủ sức khỏe để một ngày ngồi xem 2 vở và 2 - 3 ngày lại phải họp Hội đồng một lần để chấm điểm "cuốn chiếu".

Nhưng giới SK vốn ít phục nhau nên vai trò của người trẻ vẫn rất hiếm. Người ta vẫn chầu chực mời bằng được những nhà hoạt động SK tên tuổi ở Trung ương, vì vậy, cơ hội của những đạo diễn trẻ  được thử sức để khẳng định mình vẫn là một điều gì đó thật xa vời.

Cảnh trong vở chèo “Quan lớn về làng”.

Hậu trường những cuộc săn lùng giám khảo

Về lý thuyết, những vị vua sân gỗ là những người hoạt động nghề nghiệp hiệu quả và có nhân cách. Họ có quyền phán xét, ra quyết định và nhiều khi sinh mạng, tương lai của người đi thi phụ thuộc vào tài và tâm của họ.

Nhưng ở bất kỳ cuộc LH nào cũng có những cuộc đua ngầm săn lùng giám khảo. Ban đầu thì còn kín đáo, tế nhị, lâu dần có "bản lĩnh", thậm chí có một số trưởng các đơn vị nghệ thuật săn đón giám khảo quá lộ liễu khiến đồng nghiệp phải bức xúc.

Trong những ngày đầu tiên của một cuộc LH, các thành viên giám khảo luôn được chào đón niềm nở, vì đoàn nào đi thi cũng mang niềm tin vở của mình sẽ có giải nên đều tìm cách tranh thủ tình cảm của giám khảo, thậm chí không ít đơn vị còn mời bằng được "các vị vua" đi ăn nhậu với mình. Thật đáng tiếc là có không ít giám khảo đã chén tạc, chén thù cùng những người mình đang nắm vận mệnh nghệ thuật trong tay. Và chỉ ngay trong cuộc chấm điểm đầu tiên của BGK sau khi xem 3 vở diễn đầu tiên, số điểm đã lọt ngay ra ngoài.

Nhiều người nghi ngờ chuyện rò rỉ thông tin do thư ký của BGK, nhưng ông Chu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định rằng: điểm lộ ra ngoài không do thư ký. Rồi ông bảo, người có óc hình sự hóa mọi việc thì nghĩ rằng đó là do bọn xấu đặt máy ghi âm trong phòng họp của BGK, người có khiếu hài hước lại nói rằng chắc do vị giám khảo nào đó định gọi điện cho một vị giám khảo khác để trao đổi nhưng lại gọi nhầm vào số máy của trưởng đoàn nọ, diễn viên kia!

Có bao nhiêu cuộc LH là có bấy nhiêu lần lộ điểm, việc lộ điểm trước ngày kết thúc LH dường như đã là chuyện thường ngày. Có những người cả đời liêm chính, vậy mà khi ngồi ghế giám khảo lại bắt đầu bị mang tiếng vì những trò "đi đêm". Vật chất đôi khi đã làm biến chất nhân cách một con người. Thời đại công nghệ thông tin, những phương tiện hiện đại lại hại chính chủ nhân của nó. Vị giám khảo nọ được trưởng một đơn vị nghệ thuật nhắn tin nhờ quan tâm ưu ái, những tưởng sự bắt tay bí mật gửi lời nhắn lên không trung chẳng ai biết, nhưng đâu biết rằng, nhắn tin là một kiểu tống tiền, anh không thực hiện theo lời hứa thì bút lục còn đây.

Đương nhiên khi bắt tay ưu ái với đoàn này thì phải tìm cách dìm đoàn kia, rồi phải "khoe" công trạng với người chăm sóc mình. Điểm giám khảo lộ ra ngoài từ những vụ bắt tay như thế, thậm chí để đẹp lòng "bên A", có giám khảo còn tiết lộ cả vị giám khảo nọ cho đoàn này đoàn kia điểm thấp khiến vị này ra ngoài bị nhìn với những con mắt "mang hình viên đạn". Giới SK vẫn còn nhớ mãi câu chuyện từ lần LH những năm 80 tại một tỉnh phía Nam, nhà lý luận phê bình Hồ Thi đã bị hành hung vì chấm cho đoàn nọ điểm thấp.

Để ngăn chặn nạn đi đêm, có người bảo rằng, hãy để các vị giám khảo ở một nơi biệt lập, có xe đưa xe đón hàng ngày và không cho họ dùng điện thoại di động. Nhưng giời ạ, có ai giam hãm được thông tin giữa thời buổi công nghệ phát triển này, vì vậy chuyện lộ điểm vẫn là chuyện thường ngày của các cuộc LH.

Chính vì việc lộ điểm này nên nhiều buổi Lễ bế mạc LH chỉ có mặt những đơn vị, cá nhân được "mật báo" rằng được giải thưởng cao, còn những đơn vị, cá nhân bị kết quả kém đã không đến dự. Ấy thế nhưng đến LH sau đã lại thấy họ đăng ký tham gia. Thế mới biết  những người nghệ sĩ chân chính thật đáng trân trọng. Họ đã dám gạt đi sự giận hờn, tị hiềm từ những bất công đã từng gánh chịu "giữa làng"- để được thể hiện tình yêu nghề Tổ, để hàng đêm dưới ánh đèn sân khấu, mồ hôi, nước mắt của họ lại chảy ra, hòa trộn, đong đầy…

Cảnh trong vở “Mỹ nhân với anh hùng” - Huy chương vàng LH sân khấu kịch nói toàn quốc 2009.

Hậu liên hoan sân khấu

Nếu như chuyện "chăm sóc" giám khảo là chuyện thường ngày ở các cuộc LH SK thì chuyện làm đơn kiện về kết quả giải thưởng sau LH cũng là chuyện không hiếm. Hậu LH nhiều đơn kiện gửi về Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ít nhiều đều liên quan đến kết quả của giám khảo, không phải nặc danh mà ghi chính danh hẳn hoi. Vụ bê bối mới nhất là ở LH chèo đề tài hiện đại tổ chức tại Thái Bình (11/2011) mà sau LH, đoàn chèo Thanh Hóa đã làm đơn kiện, Nhà hát Chèo Hải Dương cũng lên tiếng phản đối và bên cạnh đó có rất nhiều thơ ca hò vè anh em gửi cho nhau nói về tư cách của các vị Giám khảo của LH. Buồn thay!

Ở bất kỳ cuộc thi nào cũng vậy, chỉ những kẻ bất tài, không tự tin mới lo đi chạy chọt, mong có được thành tích vượt khả năng của mình. Những cú điện thoại bí mật được gọi đến một vài giám khảo. Thế nhưng có điều nực cười là, người được mua chuộc đôi khi lại vạch áo cho người xem lưng, đi kể cho người khác, còn người hối lộ nhiều khi lại trở thành người tố cáo, bởi đồng tiền bỏ ra  là để đi mua thành tích, nhưng không đạt được điều đó thì sẵn sàng phản pháo. Ở đây thì nhân cách người đi thi và  người chấm thi đều có vấn đề. Hậu LH nào cũng có điều tiếng vì sự không công bằng bởi những trò bắt tay ngầm như vậy.

Nhưng nghệ thuật như bánh đúc bày sàng, hay dở hiển hiện ra đấy. Không phải cứ lắm tiền nhiều của thì vở hay, mà không có tiền thì vở dở. Bằng chứng là ở trong không ít LH, một số nhà hát dạng "anh cả đỏ", có lực lượng nghệ sĩ tài năng hùng hậu và kinh phí dành cho xây dựng tác phẩm tham gia LH rất xông xênh lại đưa đến LH những tác phẩm mà bạn nghề nhìn vào không khỏi thở dài ngao ngán, trong khi một đoàn ở địa phương như đoàn chèo Thanh Hóa với kinh phí khiêm tốn nhưng đã cống hiến cho Hội diễn Chèo chuyên nghiệp 2004 vở “Cà phê chín đỏ” tuyệt vời, được đồng nghiệp hết lời tán thưởng. Lẽ phải đôi khi thuộc về kẻ mạnh, nhưng tài năng không bao giờ thuộc về kẻ giàu (nếu không có thực tài). Có chăng là họ biết sử dụng sức mạnh của đồng tiền để đánh vào nhân cách của những kẻ tham tiền mà thôi. Nhưng trớ trêu thay, sau đó họ phải giấu cái giải thưởng cao (dùng tiền mua) đi, chứ không dám kiêu hãnh đội nó trên vai để mà hỉ hả với bạn nghề.

Hậu LH lại có cả chuyện có vị giám khảo trước khi bước vào cuộc LH thường hay "đánh đòn gió", chuyên nghiệp đến mức anh em xếp vị này thuộc hạng chân giày. Nhưng miệng lưỡi thế gian làm sao kín được, nhất là với những người làm nghề, bởi vì, kẻ đã biết hối lộ thì cũng rất thích tố cáo khi đồng tiền bỏ ra không đạt được điều mong muốn, họ sẵn sàng xả bức xúc trước bàn dân thiên hạ. Thế là những chuyện đoàn này đi giám khảo mất bao nhiêu, đoàn kia lo lót thế nào để được xếp lịch thi vào ngày mà họ muốn, kết quả cầm chắc trước khi thi… là điều chẳng còn trong vòng bí mật. Thậm chí có những nghệ sĩ còn huênh hoang với đồng nghiệp trước khi vào LH rằng đơn vị mình chắc chắn sẽ có Huy chương vàng vì giám đốc đã chạy hết rồi. Trớ trêu thay, đó là sự thật!.

Nghe đồn rằng, sau mỗi đợt LH, có những ông giám khảo thu về ít nhất một chiếc xe máy từ "chiếc ghế quyền lực" này. Kinh khủng hơn, theo thông tin rò rỉ hậu trường, có đoàn còn phải chạy giám khảo bằng…người!

Người ta vẫn nói giám khảo là linh hồn của LH. Không khí LH có hưng phấn hay không, các nghệ sĩ có hào hứng thể hiện hết mình hay không phụ thuộc rất lớn vào nhân cách giám khảo. Với nghệ sĩ, mỗi LH là một dịp để hội tụ, trao đổi học thuật, để thể hiện tài năng mà lại bị xử ép, thiếu công bằng, làm thui chột sáng tạo thì chuyện nghệ sĩ chán nản, phong trào SK không khởi sắc được là hệ quả tất yếu.

Theo nhà lý luận phê bình SK - Phó GS. Tất Thắng- người không ít lần được mời vào ngồi ghế "vua"  thì phải thay đổi tận gốc cách thức tổ chức LH. Theo ông, không nên tổ chức LH như lâu nay, bởi nó bất hợp lý và gây oan ức cho nhiều người mà chỉ nên tổ chức festival và trao giải cho từng khâu sáng tạo. Những cuộc festival như thế sẽ động viên được nghệ sĩ và là cách tốt nhất để trao đổi về nghề.

LH nên chấm điểm trực tiếp - đó là ý kiến đề xuất của nhà viết kịch Chu Thơm. Theo ông, tại sao SK không học tập cách làm của các game show trên truyền hình? Xem xong một vở diễn, giám khảo lên ngồi trên SK, công khai chấm điểm trực tiếp cho vở diễn và diễn viên.

Nói về những ông vua sân gỗ thời nay chả bao giờ hết chuyện. Âu cũng là muốn góp một tiếng nói, nhất là khi LH SK kịch nói toàn quốc tổ chức tại thành phố Huế đang đến rất gần (7/2012), vì rất có thể mỗi chúng ta, biết đâu sẽ được chọn làm vua sân gỗ.

Vĩ Thanh

Tố Lan
.
.