Những phương tiện vận tải trong tương lai

Thứ Năm, 07/10/2010, 10:35
Tàu hỏa – phi cơ
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Kohama, Viện Nghiên cứu chất cháy thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã nghiên cứu mẫu tàu hỏa - phi cơ bằng cách ứng dụng khí động lực tiếp đất (WIG), khiến cho chiếc tàu hỏa có thể bay cách mặt đất khoảng 10cm và đạt vận tốc bay lên tới 500km/giờ.

Một loại tàu hỏa - phi cơ khác đã sử dụng các tấm kính năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái của tàu hỏa, trong khi các tuốc-bin gió được gắn dọc 2 bên thân của tàu hỏa có tác dụng tạo ra điện năng liên tục khi tàu hỏa hoạt động.

Tàu hỏa - phi cơ này hoạt động bằng 2 nguồn điện trực tiếp là điện mặt trời và điện gió. Tàu hỏa được chia thành một số khoang, mỗi khoang chứa tối đa 6 hành khách và đạt vận tốc bay khoảng 350km/giờ.

Xe điện không gian

Một công ty Mỹ tên là UniModal Transport Solutions (UMTS) đã nghiên cứu và chế tạo ra một mạng lưới giao thông tốc độ cao (PRT). Theo đó hệ thống xe điện không gian gồm có 2 tầng chở khách riêng biệt, chúng treo lơ lửng bằng một hệ thống đường ray trên không và có cơ chế tự đẩy.

Xe điện không gian không có tuyến đường hay lịch trình chạy cụ thể, người sử dụng chỉ đơn giản tiến tới bất kỳ cửa khởi hành của hệ thống, xếp hàng và chọn địa điểm mà mình muốn đến rồi bước lên xe điện. Sau khi ngồi vào trong khoang tàu điện, con tàu điện sẽ chạy vào làn đường gia tốc và di chuyển với tốc độ như đã lập trình trước. 

Mỗi chiếc xe điện không gian có khả năng chạy với tốc độ hơn 160km/giờ trong phạm vi thành phố hoặc 240km/giờ giữa các thành phố. Khoảng cách giữa 2 tàu điện không gian trong lúc di chuyển là 25m.

Xe hơi bay

Đây là sản phẩm độc đáo của công ty Mỹ Haynes-Aero. Bản thân xe hơi bay Skyblazer được trang bị một khoang chứa các cánh máy bay nằm giấu bên trong xe hơi. Theo Hãng Haynes-Aero, khi xe hơi chạy bình thường trên đường trường, nó có khả năng bung cánh để bay lên trời cùng lúc.

Với khoảng cách cất cánh chỉ 405m, xe hơi bay Skyblazer có thể cất cánh ở mọi dạng sân bay nào khác trên thế giới. Sau khi bay lên trời lập tức 4 bánh xe hơi sẽ được giấu kín vào trong bụng xe. Cabin máy bay được thiết kế không khác xe hơi là mấy.

Vận tải nhẹ trong nội đô

Một hệ thống giao thông khác được gọi là ULTra (Vận tải nhẹ trong nội đô) do một công ty Anh là Advanced Transport Systems (ATS) sáng tạo ra. Hệ thống giao thông này bao gồm những chiếc xe điện không người lái, chạy trên một mạng lưới trên cao hoặc trên mặt đất. Hệ thống ULTra đầu tiên đang được xây dựng tại sân bay quốc tế Heathrow ở London (Anh), và đã đưa vào hoạt động vào năm 2008.

Gần đây nhất, một công ty Hà Lan đã đưa vào hoạt động một mẫu ULTra tại Hà Lan và Bỉ. Mẫu ULTra hoạt động tầm thấp chứa tối đa 4 người, một số mẫu ULTra lại có cả phòng đứng hoặc không gian cho người đi xe lăn. Mặc dù chỉ chạy tối đa là 40km/giờ, nhưng dịch vụ vận tải này chạy nhanh gấp 2 đến 3 lần so với các phương tiện giao thông công cộng khác.

Jetpod: Taxi bay

 Một công ty Anh tên là Avcen là đơn vị đã chế tạo ra Jetpod bằng kỹ thuật VQSTOL mới nhất (dịch nghĩa là Cất và hạ cánh nhanh chóng). Taxi hàng không T-100 có thể hoạt động hơn 50 lần bay/ngày. 75 chiếc taxi bay Jetpod có thể hoạt động trong một vùng có diện tích bằng thủ đô London với công suất bằng 37.000 lượt vận tải hành khách bằng xe hơi thông thường trong một ngày.

Ưu điểm khác là Jetpod không cần bãi đỗ đặc biệt, nó có thể đậu trên bãi cỏ, trên đất đầy đá sỏi... Jetpod được ứng dụng bởi những công nghệ mới nhất giúp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải môi trường và tiếng ồn.

Siêu xe buýt

Trường đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) hiện đang phát triển một thế hệ xe buýt siêu hiện đại có thể hoạt động trên các bề mặt đường sá khác nhau. Siêu xe buýt có thể chạy với tốc độ hơn 250km/giờ.

Với chiều dài khoảng 15m và chiều rộng là 2,5m, siêu xe buýt có kích thước tương tự xe buýt bình thường nhưng chiều cao của xe buýt này chỉ 1,7m. Xe buýt trượt trên bề mặt đường bằng hệ thống khí động lực học. Siêu xe buýt hoạt động trên 3 trục với 6 bánh xe chạy bằng điện.

Nhằm đem lại sự tiện nghi, thoải mái cho khách hàng, hệ thống giảm xóc trên xe buýt có thể giúp nó nhận dạng và tương tác lại với các chướng ngại vật mà nó va chạm trên mặt đường. Hệ thống radar đặt trước đầu xe có khả năng nhận diện các chướng ngại vật cách xe hàng trăm mét, xe sẽ từ từ đi chậm lại hoặc điều khiển xe tự bẻ lái mà không gây ra sự va đụng nào. Siêu xe buýt được điều khiển trực tiếp bằng điện thoại di động hay mạng Internet.

Dự án Siêu xe buýt do Chính phủ Hà Lan thực nghiệm nghiên cứu và cấu trúc các chức năng của nó đã được hoàn thiện vào năm 2008

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.