Những rắc rối pháp lý mới của Huawei

Thứ Năm, 24/01/2019, 19:08
Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei đang trải qua nhiều tai ương pháp lý hơn sau khi các thành viên cao cấp liên tục bị Canada, Ba Lan bắt vì tội lừa đảo, trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế và nghi ngờ làm gián điệp.

Chưa hết, hiện Huawei còn đang phải đối mặt với một cuộc điều tra cấp liên bang ở Mỹ về các cáo buộc trộm cắp sở hữu trí tuệ, ăn cắp bí mật thương mại.

Cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại

Hãng tin CNN cho hay, các công tố viên liên bang Mỹ đang gấp rút điều tra hoạt động của Huawei. Mục tiêu chính mà họ nhắm tới là xem xem liệu có phải Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại từ các đối tác kinh doanh của Mỹ hay không?

Tạp chí The Wall Street Journal ngay lập tức bình luận: "Cuộc điều tra được dự đoán sẽ làm phức tạp thêm và làm giảm đi các nỗ lực của Washington - Bắc Kinh trong việc đạt được thỏa thuận chấm dứt hoặc "đình chiến" cuộc chiến thương mại gây chấn động thị trường tài chính trên toàn cầu. Trộm cắp sở hữu trí tuệ hay bí mật thương mại là một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc tranh chấp giữa hai siêu cường kinh tế này. Và Huawei đã, đang phải chịu áp lực từ Chính phủ Mỹ trên nhiều mặt trận khác".

Cũng theo thông tin mà The Wall Street Journal đăng tải, cuộc điều tra lần này nhằm vào Huawei được thúc đẩy một phần bởi vụ kiện dân sự giữa Công ty sản xuất điện thoại và các thiết bị viễn thông khác của Huawei và T-Mobile. T-Mobile (TMUS) đã cáo buộc Huawei ăn cắp thông tin liên quan đến robot được sử dụng để thử nghiệm, chế tạo điện thoại thông minh (smartphone) trong một phòng thí nghiệm ở Bellevue, Washington (Mỹ).

Cụ thể, công nghệ bị đánh cắp khi nhân viên Huawei chụp ảnh con robot có tên Tappy và tìm cách tháo một bộ phận của robot để mang đi. Đáng chú ý là cách đây 5 năm, T-Mobile từng gửi một đơn kiện dân sự Huawei lên tòa án ở Mỹ với cáo buộc tương tự. Tháng 5-2017, một thẩm phán Mỹ đã ra phán quyết buộc Huawei phải bồi thường cho T-Mobile số tiền 4,8 tỷ USD.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, cuộc điều tra mới nhất của Mỹ nhằm vào Huawei cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Washington đối với "đại gia" công nghệ Trung Quốc này.

Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đã đăng đàn bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào Tập đoàn.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ mở rộng cuộc chiến chống lại việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, trợ cấp bất hợp pháp cho các công ty nhà nước và cản trở các công ty Mỹ gia nhập thị trường Trung Quốc...

Và những lệnh cấm hoạt động

Chưa hết, các nhà lập pháp Mỹ còn thể hiện sự nghi ngờ đối với các hoạt động của Huawei khi tiếp tục đưa ra luật mới nhằm thắt chặt quy định đối với các công ty viễn thông Trung Quốc. Luật này được biết dưới tên gọi "Đạo luật thực thi lệnh từ chối viễn thông" do một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng bao gồm Thượng nghị sĩ Tom Cotton ở bang Arkansas, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của bang Maryland, 2 nghị sĩ Mike Gallagher và Ruben Gallego xây dựng nhằm mục đích ngăn chặn các hình phạt được rút cho đến khi các Công ty viễn thông, công nghệ của Trung Quốc bị nghi vấn, thể hiện sự tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của Mỹ và hợp tác với các cuộc điều tra của Mỹ trong khoảng thời gian một năm.

Đạo luật này cũng cấm bán các công ty bộ phận của tập đoàn viễn thông hay công nghệ lớn nào của Mỹ cho bất kỳ tập đoàn viễn thông hay công nghệ nào của Trung Quốc nếu tập đoàn đó bị xác nhận  vi phạm luật pháp hoặc lệnh trừng phạt xuất khẩu của Mỹ.

Năm 2018, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm này đối với ZTE (ZTCOF) - một công ty công nghệ của Trung Quốc nhưng là đối thủ nhỏ hơn của Huawei. Lệnh cấm được áp đặt vài tháng và sau đó được dỡ bỏ khi Tổng thống Donald Trump can thiệp. Ông Donald Trump đã mô tả động thái này là "một ân huệ" đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói: "Huawei thực sự là một cánh tay thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc. Điều bắt buộc là chúng tôi phải có hành động quyết định để bảo vệ lợi ích của Mỹ và thực thi luật pháp của chúng ta".

Còn Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen thì nhấn mạnh: "Huawei và ZTE là hai mặt của một đồng tiền. Cả hai công ty đã liên tục vi phạm luật pháp Mỹ, gây ra rủi ro đáng kể cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và cần phải chịu trách nhiệm về những hành động đó. Tiến về phía trước, chúng ta phải chống lại hành vi trộm cắp công nghệ tiên tiến vi phạm luật pháp của Trung Quốc".

Theo nguồn tin thân cận với vụ việc được Bloomberg trích đăng, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp dụng quy định hạn chế hoạt động của các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ với quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia. Quy định cấm này cho đến nay chưa được trình lên Tổng thống Mỹ và cũng không đề cập cụ thể tên công ty, tập đoàn như Huawei hay ZTE.

Thị trường chứng khoán thế giới có nhiều biến động sau khi Washington có những động thái mới nhằm vào Huawei.

Tuy nhiên, những đề xuất được đưa ra sẽ giúp cho các quan chức trong Bộ Thương mại Mỹ có quyền hạn lớn hơn trong việc xem xét sản phẩm và hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài liên quan đến một số nước, trong đó có Trung Quốc. Huawei đang dần tiến đến việc đứng đầu thế giới về công nghệ 5G, nhưng nhiều quan chức Mỹ nghi ngờ sản phẩm của hãng này có thể được sử dụng bởi chính quyền Bắc Kinh để do thám hoạt động của chính phủ và doanh nghiệp các nước phương Tây.

Cả Huawei và ZTE đều bị Mỹ chỉ trích vì nghi vấn né tránh quy định trừng phạt của Mỹ chống Iran. Đặc biệt, không chỉ gặp khó khăn ở Mỹ, Huawei còn đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn ở châu Âu và nhiều thị trường quan trọng khác do lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị Huawei cho mục đích gián điệp. Thời gian qua, Mỹ đã thuyết phục hàng loạt quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị Huawei trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Hồi đầu tháng 1, một giám đốc bán hàng của Huawei bị bắt ở Ba Lan vì nghi án gián điệp. Trước đó, vào tháng 12-2018, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ vì bị nghi liên quan đến các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Bà Mạnh, con gái cả của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, hiện đã được tại ngoại ở Canada nhưng đứng trước khả năng bị dẫn độ về Mỹ.

Cho đến nay, các nhà điều hành Huawei vẫn liên tục bác bỏ thông tin rằng Tập đoàn thuộc kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc và rằng Huawei có liên quan đến hành vi gián điệp. Về các rắc rối pháp lý của mình, đại diện Huawei cho biết rằng, tranh chấp với T-Mobile đã được giải quyết vào năm 2017 "sau phán quyết của bồi thẩm đoàn không tìm thấy thiệt hại, làm giàu bất chính cũng không có hành vi cố ý và độc hại cho yêu sách bí mật thương mại của T-Mobile".

Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đồng thời phủ nhận cáo buộc từ chính quyền và các cơ quan tình báo Mỹ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị Huawei để rình mò người Mỹ. Tập đoàn này hiện đã bị ngăn cung cấp thiết bị 5G thế hệ tiếp theo cho Australia và New Zealand.

Ngọc Khuê (theo CNN, The Shift, The Wall Street Journal)
.
.