Những sản phẩm nghệ thuật bị “cầm nhầm”!

Thứ Ba, 20/10/2015, 21:20
Những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ bị dùng chùa, hay bị đánh cắp, có vẻ như đang có xu hướng ngày càng nhiều, từ địa hạt văn học, điện ảnh, đến âm nhạc, hội họa, sân khấu…

1. Hiện tượng đang nóng lửa trên các diễn đàn giới trẻ vào những ngày giữa tháng 10 này là cái tên Phan Mạnh Quỳnh, với bài hát "Vợ người ta" ngay sau khi được đăng tải trên Youtube trở thành bản hit chỉ trong có 5 ngày đầu tiên đã lập kỉ lục có hơn 6 triệu lượt người nghe, đứng ở top đầu bảng xếp hạng còn vượt qua được cả hai chàng ca sĩ trẻ đang lên như diều gặp gió là Trung Quân Idol và Sơn Tùng M-TP.

Câu chuyện này sẽ không có gì đáng nói nếu như một bài hát của một nam ca sĩ mới ra mà hot để rồi vượt mặt của những "thần tượng âm nhạc" đang chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực âm nhạc giới trẻ cũng là một câu chuyện hết sức bình thường nhưng điều đáng nói ở đây lại là một câu chuyện khác - chuyện quỵt nợ?!

Phan Mạnh Quỳnh là một nhạc sĩ trẻ quê xứ Nghệ, anh là tác giả âm nhạc cho nhiều ca sĩ Hồ Quang Hiếu, Ưng Hoàng Phúc, Khởi Mi…Dù đã sáng tác bài hát nhiều năm nhưng cái tên Phan Mạnh Quỳnh chỉ thực sự được biết đến trong tuần lễ vừa qua và trở thành hiện tượng tỏa sáng và nổi bật nhất trong các diễn đàn giới trẻ khi tung ra MV - "Vợ người ta". Anh vừa là tác giả âm nhạc vừa là ca sĩ thể hiện.

Ca sĩ, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh với câu chuyện quỵt nợ.

"Vợ người ta" khi đăng tải trên diễn đàn Internet có hai phiên bản chính đều do Phan Mạnh Quỳnh thể hiện và nay thì có hàng chục các phiên bản khác nhau. Hai phiên bản chính thì một phiên bản được Phan Mạnh Quỳnh chính thức thông báo là phiên bản gốc, nhưng không được công chúng đón nhận nhiều, có lượng người nghe thấp hơn hẳn phiên bản thứ hai. Phiên bản thứ hai cũng do Phan Mạnh Quỳnh thể hiện nhưng khi tung ra hai ngày đầu đã có hơn 2 triệu lượt người nghe và hàng nghìn lượt người chia sẻ, được công chúng rầm rộ đón nhận và nhờ phiên bản hai này mà Phan Mạnh Quỳnh đã vượt qua các ngôi sao âm nhạc khác là Trung Quân Idol và Sơn Tùng M-TP.

Điều đáng nói, phiên bản thứ hai này lại không phải do Phan Mạnh Quỳnh đăng tải trên Youtube mà do một cậu quay phim phiên bản này đã đăng tải trên trang facebook cá nhân của mình vì tức giận khi bản thân mình và ê kíp thực hiện là đạo diễn và biên kịch, nhà sản xuất không nhận được cát-sê của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh như đã hứa.

Khi đăng tải MV - "Vợ người ta" nhà quay phim trẻ Ứng Duy Kiên, một cái tên quen thuộc quay clip đình đám cho nhiều ca sĩ và được trong giới nhận định là có nghề. Ứng Duy Kiên cùng với ê kíp thực hiện gồm đạo diễn Nhu Đặng, kịch bản Minh Kiên, sản xuất Ngô Đài Trang… sản xuất MV -  "Vợ người ta" theo đơn đặt hàng của Phan Mạnh Quỳnh. Phan Mạnh Quỳnh là ca sĩ, nhạc sĩ của ca khúc này.

Sau khi hoàn thành clip ca nhạc theo đơn đặt hàng của Phan Mạnh Quỳnh, thì chàng tác giả chê MV này là chất lượng không đạt yêu cầu và vì thế không trả tiền cho bên sản xuất. Vậy là cả nhóm người lao động nghệ thuật, từ khâu kịch bản, quay phim, biên kịch, sản xuất không nhận được thù lao như đã thỏa thuận.

Động vào lòng tự trọng của một nghệ sĩ, nhà quay phim Ứng Duy Kiên tung MV "Vợ người ta" lên trang facebook cá nhân kèm theo trang thái tự sự: "Một sản phẩm hình ảnh mà tôi ưng ý nhất trong năm nay, tiếc là bị khách hàng chê nên không thanh toán. Được cái là mình không cần tiền. Tầm này tiền không mua được nghệ thuật đâu". Và MV "Vợ người ta" đăng lên kèm theo dòng chữ bên cạnh là "Chưa thanh toán".

Khi được hỏi về điều này Phan Mạnh Quỳnh nói: "Trong câu chuyện lùm xùm đó tôi thấy bên mình không sai chút nào, chúng tôi đã vô cùng thất vọng khi nhận về một MV mà chất lượng quay như điện thoại di động, hoàn toàn chẳng xứng đáng với số tiền và công sức bỏ ra. Nhưng vì tiếc kịch bản nên định vẫn giữ lại chỉnh sửa và ra mắt sau MV chính thức. Tuy nhiên, phía êkíp thực hiện quá sốt sắng, hiểu nhầm… bị "quịt tiền" nên vội vã tung bản demo”.

MV “Vợ người ta” - (không trả tiền) bản demo lại dẫn đầu top hit MV ca nhạc.

Nhưng ngay khi bên quay phim Ứng Duy Kiên tung ra bản demo bị chính bên đặt hàng chê tơi tả này lại tạo cơn hot cực độ và vượt ra ngoài sức tưởng tượng dẫn đầu bản xếp hạng âm nhạc giới trẻ liên tục trong những ngày qua. Phan Mạnh Quỳnh thừa nhận: "Tôi không biết gọi nó là xui xẻo hay may mắn nữa… Hóa ra "đám cưới nhà quê" (do nhóm Ứng Duy Kiên thực hiện-pv) còn đắt khách hơn cả "đám cưới thành phố" (MV Phan Mạnh Quỳnh thực hiện với êkip thứ hai -pv)".

2. Một nhà thơ nữ nổi như cồn trên văn đàn và đã từng gặp phải lùm xùm với nghi án đạo văn vừa lắng xuống vài năm nay thì vừa qua nhà thơ này đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Đó là nhà thơ Phan Huyền Thư.

Trong tập thơ đoạt giải của chị có bài: "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" với câu mở đầu: “Nếu tôi chết/ hãy đem tôi ra biển”. Câu thơ hay, ý thơ rất hay, nhưng lại gần giống với câu thơ của Du Tử Lê. Nếu như Phan Huyền Thư viết “Nếu tôi chết/ hãy đem tôi ra biển” thì Du Tử Lê viết: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.

Câu thơ này cũng là nhan đề bài thơ cùng tên của Du Tử Lê. Nguyên văn hai câu đầu của bài thơ: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ”. Nghĩa là từ vựng ở hai câu thơ của hai nhà thơ chỉ khác chữ “Khi” được thay bằng chữ “Nếu”.

Ngoài hiện tượng "đạo" văn, thơ còn có cả hội họa. Trong làng Mỹ thuật còn nhớ về sự vụ của họa sĩ Văn Thơ khi đến một Gallery Viet Fine Art số 28 phố Tràng Tiền thấy bức tranh "Ông công nhân già" của ông bị sao chép trắng trợn.  Trước đây bức tranh thật của ông cũng đã được chính gallery này mua, nhưng bức tranh thực đã được bán trước đấy, còn đây là tranh chép. Ông đã tức giận lấy dao nhỏ rạch vào bức tranh giả mạo này và mời Công an vào để làm việc.

Nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ, vào mùa hè năm nay, hội viên Bùi Vy Vân (Bình Dương) cũng bị tố đạo ảnh. Bức ảnh "Ruminant" của ông đã cắt từ một bức ảnh "Sắc phục Chăm" của tác giả Đỗ Hữu Tuấn. Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của nhà nhiếp ảnh Đỗ Hữu Tuấn, hội đồng thẩm định được lập ra gồm 6 thành viên có uy tín trong nghề và kết luận hội viên Bùi Vy Vân đã đạo 100% bức ảnh của Đỗ Hữu Tuấn. Ngay sau đó ông này đã bị Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khai trừ khỏi hội vì lỗi đạo ảnh.

Bức ảnh đạo và chủ nhân của nó bị khai trừ ra khỏi Hội nhiếp ảnh Việt Nam.
Bức tranh thật của họa sĩ Văn Thơ và bức tranh nhái.

Lại là một kiểu ăn cắp khác, ngang nhiên và trắng trợn hơn, dùng chùa, xài chùa không trả tiền càng phổ biến hơn trong âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã lên tiếng: "Sản phẩm âm nhạc gồm công sức lao động của cả một ê kíp nghệ thuật khi chưa kịp bán ra thị trường thì trên các trang mạng tung ra, nghe chùa không mất tiền nên khán giả không mua MV".

Nhiều danh hài lo lắng vì sản phẩm đĩa lậu tung ra thị trường lấn át đĩa thật. Một nghệ sĩ đầu tư cả trăm triệu vào làm đĩa, nhưng những đơn vị sản xuất đĩa lậu đã lấy một đĩa thật có chất lượng in sang hàng trăm đĩa khác có chất lượng thấp hơn để bán với giá rẻ. Hoặc khi đĩa của nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ vừa mới phát hành được hôm trước thì ngay ngày hôm sau trên các trang mạng đã tràn lan, vậy thì ai còn muốn bỏ tiền ra mua đĩa. Như hiện nay các ca sĩ làm đĩa MV ca nhạc là để thỏa mãn cái tôi sáng tạo cá nhân, quảng bá tên tuổi chứ không phải để kiếm lời. Vì bài toán dùng chùa, xài chùa trên các trang mạng hoạt động công khai và các nghệ sĩ đành bó tay, bất lực.

Không chỉ có các trang mạng dùng chùa, xài chùa sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ bị đánh cắp công khai, mà ngay cả ở những chương trình ca nhạc chuyện này thường xảy ra như cơm bữa. Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả "Biển hát chiều nay", "Hoa sữa" nói: "Ca sĩ hạng sao họ đi hát một bài mấy chục triệu nhưng có nghĩ đến việc trả tiền bài hát cho nhạc sĩ đâu. Tất nhiên cũng có ca sĩ sống có tình nghĩa, nhưng có nhiều ca sĩ họ dùng bài hát của mình và không cần biết tác giả bài hát là ai?!"

Từ câu chuyện của nhạc sĩ Hồng Đăng kể, ta lại nhớ đến sự việc ồn ào của ca sĩ Uyên Linh VietNam Idol với bài hát "Đường cong" và tác giả của bài hát là nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Bài hát "Đường cong" của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong được bán độc quyền cho ca sĩ Thu Minh, Uyên Linh lúc đó là một thí sinh đi thi Việt Nam Idol và trong cuộc thi ngay lập tức cô trở thành cái tên nóng hôi hổi trên sân khấu ca nhạc truyền hình thực tế. Uyên Linh sử dụng ca khúc "Đường cong" trên sân khấu trong cuộc thi và đến khi kết thúc cuộc thi ca sĩ này còn sử dụng nhiều lần với mục đích hát kiếm tiền.

Uyên Linh với đường cong.

Trong lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết: "Cả Phong và Thu Minh đều cảm thấy bị vi phạm bản quyền. Phong không liên lạc được với Uyên Linh và Phong không nhất thiết phải liên lạc, vì người ta sử dụng ca khúc của mình thì người ta phải liên lạc với mình. Đó là hành xử giao tiếp thông thường chứ chưa nói đến bản quyền hay là cái gì to tát. Nhưng từ sau VietNam Idol thì Phong và Thu Minh không nhận được liên lạc hay một lời, một động thái nào từ phía Uyên Linh…".

Hiện tượng nhiễu loạn dùng chùa, xài chùa, những sản phẩm lao động nghệ thuật bị đánh cắp đang ngày càng len lỏi vào đời sống người nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật từ âm nhạc, điện ảnh, thi ca, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu…Hiện trạng này ngày càng ào ạt trong một xã hội phát triển intetnet, và "cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra" trước sau gì thì sự thật vẫn là sự thật nhưng hiện nay người ta chưa có cách gì để khắc chế nó!.

Mỹ Trân
.
.