Những tai họa khi “sống chung” với thú dữ

Thứ Năm, 01/10/2009, 19:25
Khi mà mối nguy hại từ đàn voi dữ thường xuyên về tấn công người và phá nát hoa màu ở khu vực thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai còn là nỗi quan tâm lớn của dư luận trong cả nước ở mỗi "mùa voi về", thì hôm 10/9 vừa qua, tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra khiến một người bị thương, một người chết tại chỗ. "Kẻ thủ ác" chính là... con hổ Đông Dương được nuôi trong khu du lịch này.

Chiều cùng ngày, khi đang trồng cây trong một chuồng hổ, một nhóm công nhân đang làm việc tại Khu du lịch Đại Nam thì bất ngờ bị một con hổ khác từ chuồng... kế bên nhảy sang và lao vào tấn công dữ dội. Cuộc tấn công bất ngờ của con hổ này đã khiến anh Nguyễn Công Danh chết tại chỗ và anh Nguyễn Thanh Giàu bị thương nặng. Cả anh Danh và Giàu là nhân viên làm việc tại vườn thú thuộc Khu du lịch Đại Nam.

Giám đốc Vườn thú Đại Nam cho biết là tất cả các vườn thú trong khu du lịch này đều được thiết kế với không gian mở nhằm tạo cho khách tham quan cảm giác thoải mái khi ngắm thú. Và để đảm bảo cho sự an toàn của khách, các chuồng thú đều được ngăn cách bởi ao nước rộng từ 7-8m, lắp đặt hệ thống xung điện để bảo vệ. Nhưng, hàng giữa hai chuồng thú có chiều cao chỉ là 2,5m. Mối nguy hại diễn ra bắt nguồn từ yếu tố rào giữa hai chuồng thú có chiều cao quá thấp này.

Trên thực tế, kiểu thiết kế của Vườn thú Khu du lịch Đại Nam là rất hiện đại. Nhiều nước trên thế giới cũng chọn cách thiết kế vườn thú theo không gian mở này, nhằm kích thích thị giác của khách tham quan. Ở Vườn thú Quốc gia Singapore, cũng được thiết kế với hào rộng, hệ thống bảo vệ nhưng lại không làm che khuất tầm nhìn của khách. Khiến du khách có cảm giác như mình được tận mắt thấy thú ngay giữa khu rừng. Thiết kế của Vườn thú ở Khu du lịch Đại Nam cũng vậy. Tuy nhiên, việc con hổ này tấn công nhân viên của khu du lịch nhiều khả năng là do hổ bị kích động bởi một nhóm công nhân khác đang dùng cần cẩu để đưa cây xanh vào chuồng. Tại thời điểm trên, khu nuôi hổ trong vườn thú đang tiến hành sửa chữa, trồng thêm cây xanh.

Vụ việc này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Thế nhưng, trên thực tế, việc thú dữ nuôi nhốt trong các khu du lịch hoặc vườn thú tấn công khách tham quan và nhân viên đang làm việc không phải là chuyện hiếm.

Đơn cử, gấu trắng Bắc Cực từng tấn công khách tham quan ở Sở thú Berlin (Đức) khi nữ du khách này cố gắng nhảy vào... hồ nuôi để làm quen với chúng, 3 con hổ trắng ở Vườn thú Singapore tấn công đến chết nhân viên quét dọn vườn thú vì anh này có động thái khiêu khích chúng, gấu trúc ở Vườn thú tại Trung Quốc tấn công nhân viên do người này cố gắng ôm ấp và vuốt ve chúng, hổ tấn công người nuôi ở vườn thú ở San Francico (Mỹ)... Rất nhiều thông tin loại này đã minh chứng cho sự nguy hại của thú dữ dẫu đã được nuôi nhốt và khiến mọi người có cảm giác an tâm.

Hổ trắng tại Khu du lịch Đại Nam.

Vụ việc hổ tấn công người tại Khu du lịch Đại Nam khiến chúng tôi liên tưởng đến hai vụ việc diễn ra cách đây khá lâu tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP HCM) và Khu du lịch Hòa Bình (Đồng Nai).

Một ngày vào giữa năm trước, nhiều người phát hiện một xác chết là nam giới đang nổi lên trong hồ cá sấu thuộc Khu du lịch văn hóa Suối Tiên. Qua xác minh, nạn nhân là nhân viên thuộc bộ phận chăm sóc vườn cá sấu của  khu du lịch này. Sau khi phát hiện thi thể nạn nhân, vụ việc đã được chuyển đến cơ quan chức năng và Ban Quản lý khu du lịch.

Theo như sự phản ánh của các du khách, thì nhân viên này tử nạn do khi đang làm việc trong hồ thì bị cá sấu tấn công chết. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu du lịch Suối Tiên đã không đưa ra bất cứ thông tin nào liên quan đến vấn đề này. Mọi chuyện chỉ là phỏng đoán, hồ cá sấu vẫn thành điểm tham quan được khách du lịch ưa thích với trò chơi... câu cá sấu.

Một vụ việc khác, liên quan đến chuyện một học sinh lớp 11 khi đang tham quan tại Khu du lịch Hòa Bình bị cá sấu tấn công. Đây là vụ việc khá đình đám bởi sau khi học sinh này bị tai nạn, gia đình nạn nhân đã liên tiếp khiếu kiện Ban Quản lý Khu du lịch Hòa Bình để yêu cầu bồi thường. Và vụ kiện "đòi bồi thường" đã kéo dài dai dẳng trong nhiều năm liền.

Nhân dịp Lễ Quốc khánh, em Trần Ngọc Lý đã cùng bạn đến tham quan Khu du lịch Hòa Bình. Mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu như học sinh này không thò tay xuống ao sen không có hàng rào bảo vệ, để hái sen thì bất ngờ bị một con cá sấu lớn lao lên ngoạm đứt và nuốt hẳn 1/3 cánh tay. Trước đây, tại khu du lịch này, cá sấu cũng từng tấn công một người tại hồ sen trên.

Nếu mọi vụ việc trên đều liên quan đến chuyện thú dữ tại các khu du lịch tấn công nhân viên vườn thú hoặc du khách, thì không hiểu từ đâu, phong trào nuôi thú dữ du nhập vào Việt Nam cũng đã để lại nhiều nỗi kinh hoàng cho cả người nuôi lẫn... hàng xóm. Đơn giản, không phải ai cũng có điều kiện nuôi thú dữ với kiểu chuồng trại chắc chắn như trang trại hổ tại Bình Dương của Công ty bia Pacific và một vài công ty khác.

Mở đầu cho chuyện nuôi thú trong nhà và bị thú tấn công phải kể đến chủ một tiệm cơm ở quận Thủ Đức (TP HCM). Trước đó, ông chủ tiệm cơm này có nuôi 2 con gấu lớn, đã được cấp phép và cán bộ thú y cũng đến chích ngừa, kiểm tra vệ sinh định kỳ. Bình thường, 2 con gấu được nuôi nhốt trong chuồng, không có dây xích. Cho đến một ngày, người nhà phát hiện ra xác của ông chủ tiệm cơm nằm ngay chuồng gấu với thân mình dập nát do bị gấu xé. Còn người cháu của ông, bị gấu tát nát một cánh tay. Sau khi sát hại chủ, một con gấu đã tìm cách thoát khỏi khu nuôi nhốt nhưng do tường cao nên đã bị bắn hạ bằng đạn gây mê.

Khi mà thông tin ông chủ tiệm cơm bị gấu nuôi sát hại chưa kịp nguôi, thì tại xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) một con gấu nuôi khác đã làm nhiều người dân sinh sống tại khu vực này phát hoảng vì sổng chuồng và tấn công người trong nhiều ngày liền.--PageBreak--

Theo lời ông Nguyễn Văn Lộc, chủ nhân của con gấu sổng chuồng, thì nhà ông nuôi 2 con gấu lớn, mỗi con nặng suýt soát 2 tạ. Vào ngày 17/6/2007, 1 trong 2 con gấu bỗng nhiên sổng chuồng chạy thoát thân về phía cánh rừng tre gần nhà. Ông Lộc đã không thông báo cho các cơ quan chức năng mà âm thầm đi nhờ một người bạn đang là bác sĩ thú y trợ giúp. Với nhiệm vụ, vị bác sĩ thú y này sẽ dùng súng bắn đạn gây mê để hạ gục con gấu trên. Sau vài ngày tìm kiếm, ông Lộc phát hiện con gấu đang ẩn nấp trong một bụi tre. Theo yêu cầu của bác sĩ thú y đi cùng, ông Lộc tiến tới nơi con gấu đang ẩn nấp và dùng gậy xua gấu chạy ra ngoài để vị bác sĩ tiện bề... hạ thủ. Ngờ đâu, gấu đã không chạy ra ngoài như dự tính của ông, nó nhanh chóng lao lên vồ liên tiếp vào người ông Lộc.

May mắn là trong lúc hoảng loạn, ông Lộc còn cố dùng tay móc mắt gấu khiến gấu bị đau và thôi tấn công. Buông ông Lộc ra, con gấu tiếp tục quay sang tấn công... bác sĩ thú y khi ông này tính nhảy vào "trợ chiến” cho ông Lộc. Rất may, vị bác sĩ thú y này chỉ bị gấu cào vào đùi và bắp chân gây thương tích nhẹ.

Thấy vụ việc trở nên phức tạp hơn ban đầu, thông tin gấu sổng chuồng đã được chuyển đến Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương. Và Ban giám đốc đã phải điều 12 chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát 113 tỉnh xuống địa bàn với nhiệm vụ phải bắn hạ con gấu sổng chuồng trên để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Mãi đến trưa ngày 22/6, các chiến sĩ Cảnh sát 113 Bình Dương mới phát hiện ra nơi ẩn nấp của con gấu. Và qua nửa giờ truy đuổi, con gấu sổng chuồng mới bị bắn hạ bởi... 8 phát đạn AK và một mũi thuốc mê.

Cuối tháng 7/2007, lại thêm chuyện hy hữu liên quan đến thú dữ xuất hiện tại huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Hàng trăm con cá sấu của một công ty tư nhân đang nuôi nhốt bị sổng chuồng do hệ thống bảo vệ đã không đủ sức "giữ chân" chúng khi trời mưa to. Người dân ở khu vực này một phen được "vui như tết" khi bỏ cả công việc chỉ để đi... săn cá sấu về bán lại cho công ty.

Cá sấu không hiền như người dân tưởng, khi một nông dân đang bơm nước vào đìa tôm thì bất thình lình bị cá sấu tấn công vào tay phải. Sau khi người dân bắt được "hàng đống" cá sấu, công ty này đã cử nhân viên xuống thương lượng để mua lại cá sấu với giá 90 nghìn/kg, nhưng người dân còn tiếc vì giá rẻ nên chưa bán. Tuy nhiên, mối nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó khi mà số cá sấu bắt lại được là quá ít so với số cá sấu bị sổng chuồng.

Một trang trại nuôi cá sấu.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải huy động cả lực lượng quân đội lẫn dân quân có sự hỗ trợ của cả  canô lẫn chó nghiệp vụ xuống địa bàn tìm cách bắt lại toàn bộ số cá sấu đã sổng chuồng này. Nhưng, cho đến giờ, vẫn chưa ai dám chắc là còn bao nhiêu con cá sấu đã theo kênh rạch thoát ra sinh sống trong tự nhiên và trở thành mối hiểm họa tiềm ẩn cho dân cư huyện Ninh Hòa này.

Ngay như tại TP HCM, theo đánh giá của Chi cục Thú y ở các cơ sở chăn nuôi cá sấu đã được đăng ký và cấp phép, thì mỗi khi triều cường lên khả năng cá sấu sổng chuồng là hoàn toàn có cơ sở. Chính vì vậy, trước mỗi đợt triều cường, Chi cục Thú y TP HCM đều phải tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi này. Cao điểm, Chi cục đã đề nghị một chủ cơ sở nuôi cá sấu di chuyển hơn 1.500 con cá sấu về nuôi tại Đồng Tháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực trên. Tại trang trại nuôi cá sấu này có con rạch nhỏ cách sông Sài Gòn chưa đến 1km.

Dẫu với những biện pháp quản lý chặt chẽ để không ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế của người dân, nhưng thỉnh thoảng các phương tiện truyền thông lại đưa tin "cá sấu bị sổng". Kiểu như có một phụ nữ, ẵm con ra mương thoát nước để cho bé đi vệ sinh, bất ngờ bị một con cá sấu nặng khoảng 100kg lao lên tấn công. Rất may, là cả hai mẹ con đều chạy thoát được và tri hô cho mọi người biết. Sau khi nghe tiếng kêu cứu, người dân sinh sống tại nơi này đã cùng nhau dùng mọi biện pháp trói chân được con cá sấu kia mang lên bờ. Cá sấu vừa lên đến bờ cũng là lúc, chủ nuôi cá sấu xuất hiện xin chuộc về trang trại với lý do: "Nó sổng chuồng lúc nào không biết". Câu chuyện này tôi được nghe các đồng nghiệp tại Cần Thơ kể lại khi đi công tác ở đây vào cuối năm trước.

Không chỉ cá sấu, gấu, hổ... được nuôi nhốt ở khu du lịch hoặc trang trại tư nhân sổng chuồng tấn công người, mà ngay cả loài động vật bò sát lâu nay được người ta coi thường và nuôi như... chó kiểng trong nhà là trăn cũng đã từng gây chết chủ nuôi.

Cách đây không lâu, một chủ nuôi trăn cũng đã bị trăn quấn đến chết khi ông cho chúng ăn. Theo người nhà nạn nhân, ông đã nuôi trăn hàng chục năm nay. Trong trang trại nhỏ, ông thường xuyên nuôi nhốt trên 20 con trăn, có tuổi đời từ 5-15 năm. Bình thường, chúng rất hiền lành, nên việc cho trăn ăn vẫn do một tay ông làm. Bất ngờ vào một ngày khi ông mở cửa chuồng cho trăn ăn, con trăn đẹp nhất đàn nặng hơn 20kg phóng lên nhằm cổ ông siết chặt. Nghe tiếng động bất thường do ông vùng vẫy chống trả, người thân trong nhà nhanh chóng ra ứng cứu, tuy nhiên do ngạt thở quá lâu, nên ông đã chết trên đường đi cấp cứu.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị trăn tấn công. Một chủ nuôi trăn ở quận Thủ Đức (TP HCM) trong lúc đùa với trăn cũng bất thình lình bị trăn tấn công, siết cổ suýt chết nếu như không có sự ứng cứu kịp thời của người nhà.

Khi mà các tranh luận về việc nuôi nhốt động vật hoang dã, thú quý hiếm còn chưa ngã ngũ, thì thi thoảng, dư luận lại được một phen sốt thông tin vì "ở đây chủ nuôi bị thú tấn công, ở kia nhân viên vườn thú mất mạng vì thú dữ". Tuy nhiên, xét cho cùng, những quy định của pháp luật về việc nuôi nhốt thú hoang dã cũng chỉ có thể bảo vệ được những người thực thi pháp lệnh đó một cách nghiêm túc, chứ không thể bảo vệ cả những người vốn dĩ... xem thú dữ như là thú nuôi.

Hơn nữa, bản thân thú dữ luôn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì thế, trên hết vẫn là sự trang bị cho chính mình bằng những hệ thống an toàn, những hiểu biết tối thiểu về đặc tính của thú hoang dã trước khi ai đó muốn bắt đầu "một cuộc chơi nguy hiểm"

Kinh Hữu
.
.