Những trang viết làm đổi thay số phận

Chủ Nhật, 21/12/2014, 12:15
Trong quãng thời gian làm phóng viên của chuyên đề ANTG - Báo CAND, tôi có may mắn được gặp gỡ những con người có số phận kỳ lạ. Họ phần lớn là những nhân vật nổi tiếng của lịch sử ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh, bị cái mòn mỏi của cuộc sống mưu sinh cực khổ che lấp, lẫn lớp bụi thời gian vô tình phủ mờ.

May mắn của tôi là được nghe, hiểu và cảm ơn cuộc đời cho tôi được gặp họ, những con người kỳ diệu với số phận độc đáo, đưa họ bước ra hãnh diện xuất hiện trong dòng chảy đời sống hiện đại hôm nay với một tinh thần tôn vinh nhất. Những trang viết của tôi về họ tôi không dám nói đã làm thay đổi số phận của họ nhưng ít ra, sau đó họ cũng đã nhận được những sẻ chia từ bạn đọc, những ơn huệ từ  lòng tốt ở đời. Để rồi cuộc sống của họ từ đó vơi bớt đi  nỗi mất mát, tủi phận của một người nổi tiếng bị lãng quên.

Trong số những nhân vật được thay đổi số phận nhờ những trang viết của mình, tôi đặc biệt nhớ đến một người. Đó là cuộc đời buồn bã của một ông già nghèo khổ hằng ngày kiếm sống bằng việc bán nước chè xanh nơi quán cóc ở ven Quốc lộ 1A ở thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cái quán nhỏ liêu xiêu phủ mờ bụi đất đỏ, hằng ngày nắng táp lửa, quán khô cong bụi đường rung bần bật sau mỗi chuyến xe tốc hành lao qua.

Khách vào quán nước uống bát nước chè váng bụi. Ông già bị hàng xóm láng giềng gắn cho cái biệt danh “lẩn thẩn” vẫn gò mình trên giường với tập giấy ố vàng, chiếc bút chì giắt tai và trên tay là những bản vẽ. Ai vào uống nước, hỏi ông đang làm gì đấy, ông lại ngừng công việc nói với họ ông đang nghiên cứu.

Kẻ ít học coi đó là sự điên. Người có chữ tò mò đọc các bản nghiên cứu về đập thủy lợi loại vừa nhỏ không trôi; Nâng cấp mặt cầu rộng bằng đường mà không phải làm lại cầu đỡ gây tai nạn; Nhà chống động đất không gây chết người; Phục hưng tháp Pisa ở Italia... thì lắc đầu thương hại ông và hoài nghi.

Không một ai ở thị trấn này, huyện Kỳ Anh này, hay tỉnh Hà Tĩnh, thậm chí những người đồng sự, đồng nghiệp cũ, thủ trưởng cũ ở Hà Nội còn nhớ, hay biết ông chính là người thanh niên Việt Nam đầu tiên được nhận Huy chương Lênin. Người kỹ sư tài hoa, thông minh xuất chúng đã làm nên những kỳ tích đóng góp lớn lao cho đất nước. Ông chính là kỹ sư Hoàng Hữu Hà, người nổi tiếng với ba công trình nghiên cứu xuất sắc đề xuất sửa đổi thành công thiết kế của các chuyên gia Liên Xô đang giúp Việt Nam thi công lắp đặt đường ống dẫn dầu vượt sông Hồng những năm 1970 (Những công trình tiếng tăm này đã đăng cụ thể trong bài báo về Người thanh niên Việt Nam đầu tiên được nhận Huy chương Lênin số 299, ra ngày 3/10/2002).

Bài báo này sau đó đoạt Giải Báo chí Toàn quốc năm 2002.  Cũng cần phải nói thêm, tại thời điểm đó, những năm 60-70, ở Việt Nam hầu như việc kiến thiết xây dựng các công trình lớn nhỏ của quốc gia đều cậy nhờ vào sự giúp đỡ của nước bạn Liên Xô. Trong khi ở Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo về đường ống nên trình độ của kỹ sư Việt Nam và Liên Xô rất chênh nhau.

Việc thi công đường ống qua lòng sông ngòi Việt Nam rất khác với sông ngòi của Liên Xô thế nên mới xảy ra những bất cập, những sự cố thiệt hại đáng tiếc. Sau những nghiên cứu cải tiến thiết kế thành công của Hoàng Hữu Hà, Đoàn chuyên gia Liên Xô cũng nhận quyết định trở về nước vì kỹ sư Việt Nam đã có thể đảm nhận được việc tự tham gia thiết kế thi công đường ống dẫn dầu vượt sông Hồng.

Thành công đưa tên tuổi của Hoàng Hữu Hà vang xa. Ông được Nhà nước tiếp tục giao cho việc nghiên cứu chỉ đạo thi công đường ống mới - đường ống thứ 3 (đường dự phòng) qua sông Hồng trong điều kiện tàu hút bùn đã bị hỏng hoàn toàn. Đây là một vấn đề hóc búa mà sau này khi nghiên cứu các sách chuyên ngành của Liên Xô Hoàng Hữu Hà mới biết Mỹ và Liên Xô nghiên cứu từ năm 1949-1972 vẫn chưa tìm ra lời giải. Công trình đã đưa ra việc thi công đường ống kết hợp hai giải pháp đặt đường ống dự phòng giữa hai đường ống sẵn có đồng thời với việc gia tải bằng rọ thép có bỏ đá hộc vào trong và vắt lên đường ống sau khi đã đặt đúng vị trí thiết kế.

Sáng kiến phát minh này mở ra một triển vọng mới cho ngành xây dựng đường ống ngầm vượt sông, vượt biển mà từ bao lâu nay vẫn chưa tìm ra giải pháp an toàn. Phát minh này phù hợp với điều kiện thời chiến ở Việt Nam. Với phát minh này, Bộ Vật tư xét thưởng hai đề tài và được xếp hạng A1.

Năm 1978, đề tài này được tham dự triển lãm sáng tạo khoa học kỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa ở Moskva và là đề tài tiêu biểu nhất trong 40 đề tài tham dự cuộc triển lãm và được vinh dự nhận Huy chương Lênin và giấy chứng nhận sáng chế của Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Trước những thành công đó, ông trở thành thần tượng của lớp trẻ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt được báo chí thời đó ca ngợi, tôn vinh. Ông là nhân vật trong loạt bài Báo Nhân dân đăng 2 số liền phát hành ngày 15/3 và ngày 29/8 năm 1978. Báo Tiền phong ra ngày 16 đến 23/6/1981 viết về ông với tựa đề: “Trước những thần tượng”. Thông tấn xã Việt Nam có bài “Hoàng Hữu Hà với những đường ống vượt sông Hồng”. Đài Tiếng nói Việt Nam có bài “Hoàng Hữu Hà 37 tuổi với 7 công trình khoa học”…

Thế nhưng khi mang tất cả những thông tin về Hoàng Hữu Hà đến đơn vị cũ, hầu như phần lớn đồng nghiệp đã xóa khỏi ký ức cái tên Hoàng Hữu Hà. Người thủ trưởng cũ vỗ trán thật lâu mới nhớ ra với loáng thoáng những ký ức vụn về một người cán bộ mình thông minh xuất chúng nhưng “gàn dở” và cuộc đời quá bất hạnh có hai con trai một bị bại não, một bị bại liệt cùng người vợ đau yếu nơi quê nhà.

Do cuộc sống những năm tháng bao cấp vừa gian khổ, vừa kỷ luật nghiệt ngã. Ông lại nặng gánh gia đình vợ đau, con tàn tật ở quê nên Hoàng Hữu Hà phải phân thân ba chốn bốn nơi. Xin cho vợ ra Hà Nội làm cấp dưỡng để tiện chạy chữa cho các con không được.

Chán vì những ứng xử của cấp trên đối với hoàn cảnh khốn khó của mình, Hoàng Hữu Hà xin về quê công tác để tiện chăm sóc vợ con. Về quê tiếp tục làm việc ở huyện nhà, rồi vì vô vàn lý do khác do bất cập trong công việc, do chán nản, do tinh giảm bộ máy biên chế, người kỹ sư xuất sắc năm xưa đành nhận chế độ một cục về nhà. Từ đó, ông trở thành ông già lẩn thẩn thất nghiệp, không có bất kỳ một kỷ vật gì lưu giữ những năm tháng vinh quang của đời mình.

Khi tôi gặp Hoàng Hữu Hà, gia cảnh ông quá cơ hàn. Hai con trai tàn tật, vợ đau yếu, chỉ có cô con gái là lành lặn. Ông dựng quán nước ven đường để mưu sinh qua ngày. Cơ duyên đưa tôi đến với ông là do một người bạn của ông ở Kỳ Anh từng biết về cuộc đời của ông đã kể cho tôi nghe và đưa cho tôi xem những công trình khoa học mà ông đang ngày đêm nghiên cứu trong cuộc sống túng quẫn mỏi mệt ấy.

Gặp ông bên quán nước, ông Hà kể về quá khứ như kể về một đoạn đời đẹp đẽ đã chết từ lâu trong ký ức của ông. Ông kể bình thản và giản đơn như một câu chuyện không có gì quan trọng mấy. Tôi hiểu ông đã cất nó vào sâu tận ký ức, đóng gói nó lại và buộc phải quên nó đi để đối mặt với gian khó hằng ngày. Nhưng tôi biết ông không thể nào và chưa bao giờ quên được ký ức ấy.

Bằng chứng là mỗi ngày, trên chiếc chõng tre nhàu bụi đỏ, trên cái bàn gỗ bán nước chè xanh cáu bẩn khô cong vì bụi đường, Hoàng Hữu Hà vẫn mơ về những công trình của mình được thực thi để giúp ích cho đất nước.

Sau bài báo của tôi viết về ông, cuộc đời của ông đã phần nào thay đổi. Ông được thị trấn huyện Kỳ Anh cấp cho 200m2 đất. Một nghĩa cử cao đẹp của huyện nhà đối với người kỹ sư từng có những đóng góp to lớn cho đất nước. Ông được các nhà hảo tâm là bạn đọc thân thuộc trên Báo ANTG gửi tặng hơn 50 triệu đồng để xây dựng được 2 gian nhà mái bằng trên đất mới cấp. Ông cũng được tặng máy tính, một món quà mà dù mơ ông cũng không dám nghĩ tới để thỏa những ước mơ nghiên cứu của mình. Một số công ty tận trong Sài Gòn ra mời ông đi làm việc.

Và quan trọng hơn hết thảy là sau bài báo, ông có được chế độ chất độc da cam cho hai con trai mỗi cháu 1,2 triệu/1 tháng đến trọn đời. Bản thân ông có chế độ chất độc da cam 2,5 triệu 1 tháng đủ rau cháo qua ngày. Có được chút tiền hỗ trợ 2,5 triệu hằng tháng, ông sung sướng và yên tâm không phải đi bán quán nước nữa và ông cũng không nhận lời mời đi làm việc xa vì tuổi cao sức yếu, hai con lại tàn tật cần bàn tay chăm sóc của ông.

Với Hoàng Hữu Hà đó là tất cả những điều kỳ diệu và hạnh phúc nhất mà ông nhận lại được từ cuộc đời đang trắng tay của mình. Cuộc đời của ông dẫu đã được thay đổi, số phận ông đã được nhiều người biết đến song bất hạnh cứ mãi đeo đẳng ông khi tháng 1/2003 chỉ sau bài báo của tôi viết về ông mấy tháng, cậu con trai bị bại liệt của ông bị tai nạn giao thông mất để lại người vợ trẻ và đứa con mới sinh.

Khi viết những dòng này, tôi nhấc máy điện thoại gọi cho con trai của ông để xin được gặp bố. Người kỹ sư vừa đi kiếm củi về để nấu bữa chiều. Mấy năm nay người vợ già bị ung thư nên yếu lắm, không còn cơm nước được. Nhận ra tiếng tôi, ông reo lên trong máy. Ông lại say sưa kể cho tôi nghe những công trình nghiên cứu mà ông đã gửi ra Hà Nội và đã nhận được hồi âm, Trung ương đã mời ông ra thuyết trình đề tài.

Niềm vui của ông chợt chùng xuống khi ông kể do không có điều kiện đi lại, không có tiền để nộp bảo vệ sở hữu trí tuệ cho công trình nghiên cứu của ông nên mấy năm sau thấy người khác đứng tên những nghiên cứu của mình. Tôi không biết độ xác thực của câu chuyện ông kể cho tôi nghe đến đâu vì tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng nghe ông nói, tôi cũng thấy chạnh lòng. Người kỹ sư già một đời không thoát khỏi được nỗi ám ảnh về khát vọng, về những đam mê và tận hiến cho công tác nghiên cứu khoa học.

Ông nhắc đi nhắc lại với tôi: “Như Bình ơi, bác cảm ơn cháu nhiều, nhờ cháu mà bác có nhà để ở, có tiền hỗ trợ cho con, bác không dám mơ gì hơn nữa. Số phận bác đã thay đổi và hạnh phúc hơn nhiều sau bài báo của cháu. Giờ cháu đừng viết về lương hay về cuộc sống của bác nữa nhé. Bác mãn nguyện rồi. Nếu có giúp bác thì cháu đăng giúp bác mấy công trình khoa học bác đã nghiên cứu xong, hoặc bằng cách nào cháu giúp bác liên lạc với Cục Sở hữu trí tuệ để nghe họ trả lời về các công trình của bác”.

Tôi đùa ông một câu mà cứ cay xè hết sống mũi: “Bác ơi, hôm nay bác mót được nhiều củi không”. Ông cười khà khà: “Đừng lo cho bác, bác kiếm củi để nấu đỡ tốn chứ không phải khó đến mức phải mót củi đi bán kiếm tiền đâu”. Tiếng cười hồn nhiên của ông vang trong điện thoại, cảm giác một nỗi thương nhớ dâng đầy…

Như Bình
.
.