Những tranh cãi đằng sau trận đấu gây rúng động của Từ Hiểu Đông

Thứ Năm, 11/05/2017, 15:38
Ngày 27-4, giới võ thuật Trung Quốc rúng động bởi trận đấu kéo dài... 10 giây giữa võ sĩ của môn võ tự do (MMA) Từ Hiểu Đông với võ sư Thái Cực quyền Ngụy Lôi, tại một câu lạc bộ võ thuật ở Thành Đô, dưới sự chứng kiến của khoảng 100 khán giả. Không có gì đặc biệt nếu như cả hai không phải là nạn nhân hoặc chủ nhân của những chiêu bài đánh bóng trên mạng xã hội và truyền thông chứ không phải một trận tỷ thí võ thuật thực sự.

Lời thách thức dành cho các cao thủ võ lâm

Các trang báo mạng khắp Trung Quốc trong tuần qua đang sục sôi với tin tức Từ Hiểu Đông, võ sĩ võ tự do (MMA) hạ gục Ngụy Lôi, võ sư Thái Cực quyền trong 10 giây, và tuyên bố "thách đấu toàn bộ võ lâm".

Dư âm “trận chiến” 10 giây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi sau chiến thắng chóng vánh, võ sĩ của môn võ tự do MMA Từ Hiểu Đông đã lên tiếng thách thức cả làng võ Trung Quốc, đồng thời cho rằng, võ cổ truyền với lịch sử hàng ngàn năm của Trung Hoa xưa nay chỉ là hữu danh, vô thực, nặng tính biểu diễn mà không có tính thực chiến như võ hiện đại MMA. Từ Hiểu Đông tuyên bố rất thẳng thắn rằng võ thuật cổ truyền Trung Quốc giờ đã lỗi thời và không còn tác dụng thực chiến.

Phát ngôn này của Hiểu Đông đã lập tức gây nên cơn phẫn nộ với đại đa số những môn đạo của tất cả các bang phái võ thuật lớn của Trung Quốc. Từ Hiểu Đông còn mạnh miệng tuyên bố những cao thủ như Thành Long, Lý Liên Kiệt hay thậm chí Lý Tiểu Long chỉ vẽ vời chứ không có thực lực.

"Trong các ngôi sao phim võ thuật, tôi chỉ muốn thách đấu Chung Tử Đơn. Anh ta là người đã trải qua khổ luyện và là một võ sĩ thật sự. Những người như Thành Long, Lý Liên Kiệt hay Lý Tiểu Long chỉ biểu diễn giả tạo và không có thực lực", Từ Hiểu Đông nói.

Không chỉ có vậy, lời thách đấu “giới võ lâm” đã “bay” ra khỏi Trung Quốc. Tay đấm Từ Hiểu Đông cho rằng nếu đấu tay không, võ sĩ MMA có thể dễ dàng hạ gục những đặc nhiệm giỏi nhất thuộc lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ. Xuất hiện trong chương trình talkshow "Thương thương tam nhân hành" của đài Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) với tư cách khách mời, anh này đã chia sẻ về màn hạ knock out võ sư Thái Cực quyền trong hơn 10 giây. Anh này cũng so sánh khả năng của các võ sĩ MMA với các đặc nhiệm thuộc lực lượng tinh nhuệ SEAL nổi tiếng thuộc Hải quân Mỹ.

Võ sĩ Từ Hiểu Đông tấn công Ngụy Lôi trong trận chiến đầy tranh cãi.

"Nếu tuyển thủ MMA tỷ thí với những đặc nhiệm giỏi nhất của lực lượng SEAL, những đặc nhiệm đó sẽ không cầm cự nổi quá 3 phút", Từ Hiểu Đông trò chuyện với người dẫn chương trình Đậu Văn Đào tối 5-5. Tuy nhiên, Từ cũng nói rõ rằng nhận định trên là nói về thi đấu tay không. "Nếu đặc nhiệm SEAL cầm dao cầm súng và võ sĩ MMA cũng cầm dao cầm súng, vậy thì võ sĩ MMA có thể không sống quá 1 giây".

Nạn nhân mạng xã hội hay chỉ là cách kiếm tiền

Chỉ là một võ sĩ MMA nghiệp dư, chưa có trận đấu nào đáng chú ý, tuy nhiên Từ Hiểu Đông đang nổi lên như một cao thủ bậc nhất của làng võ thuật hiện đại Trung Quốc sau vụ đánh bại võ sư Thái Cực quyền - Ngụy Lôi. Một trận đấu chỉ kéo dài 10 giây song tạo ra những dư âm kéo dài hàng chục ngày. Ở 10 giây ngắn ngủi đó cả nền võ thuật truyền thống đã bị người ta mang ra suy xét, niềm tự tôn bị đụng chạm dẫn tới những tranh cãi bùng nổ.

Người được hưởng lợi nhất qua vụ việc này chính là Từ Hiểu Đông, sau 1 trận đấu nhỏ anh bỗng chốc trở thành một tay đấm lớn ngang hàng với tất cả những "cao thủ võ lâm" Trung Hoa và tất nhiên trở thành trung tâm của sự chú ý.

Cái lợi đầu tiên của Từ Hiểu Đông tới từ mạng xã hội, nơi đem lại cho võ sĩ này rất nhiều tiền quảng cáo. "Tôi muốn nói cho các bạn biết, lượng fan của tôi đang tăng lên rất nhiều lần, với số lượng hàng chục ngàn lượt mỗi ngày. Hiện tại số người đang theo dõi tôi chắc chắn không dưới 350.000", Từ Hiểu Đông nói với BBC về số lượt người theo dõi anh trên Weibo (mạng xã hội Trung Quốc).

Trở thành kẻ thù với cả nền võ thuật, hẳn là lượng người theo dõi Từ Hiểu Đông vì sự hiếu kỳ và ghen ghét chiếm phần lớn. Cũng trong buổi phỏng vấn với BBC, võ sĩ họ Từ còn cho biết mỗi ngày anh nhận tới 2.000 cuộc gọi và hàng vạn tin nhắn điện thoại và qua email, nội dung chung đều là những lời de dọa thách thức.

Từ Hiểu Đông là người sáng lập kiêm võ sư tại trung tâm huấn luyện MMA Bắc Kinh. Từ Hiểu Đông sinh năm 1979, nặng 88kg và cao 1m77, sở trường gồm MMA (võ tự do/võ thuật tổng hợp), quyền kích và nhu thuật Brazil. Anh này bắt đầu học võ từ năm 1997 và làm quen với MMA từ năm 2001.

Tại Trung Quốc, Từ Hiểu Đông được coi là cao thủ trong giới MMA và anh cũng tự nhận mình là “vô địch MMA”. Tuy nhiên, Từ Hiểu Đông MMA từng có trận thua để đời trước võ sĩ Andy vào năm 2003.

Bảo vệ thanh danh võ thuật truyền thống

Lời thách thức của Từ Hiểu Đông khiến làng võ thuật Trung Quốc sôi sục. Có khá nhiều người đã gửi “chiến thư” đến võ sĩ này. Không những vậy, một số nhà tài phiệt giàu có cũng nhập cuộc khi tuyên bố sẵn sàng chi tiền thưởng nếu ai đó “dạy cho Từ Hiểu Đông một bài học”.

Mới nhất, Chủ tịch Tập đoàn Quảng Đông Thiên Địa, ông Trần Sinh, đã treo thưởng 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 33 tỷ VNĐ) cho bất cứ ai hạ gục võ sĩ này. Theo cập nhật trên địa chỉ Weibo của Trần Sinh, hiện đã có 6 người báo danh, bao gồm các đại diện của các môn phái Lục Hợp quyền, Không Động, Vịnh Xuân, Võ Đang, Bát Cực quyền.

Bình luận về thái độ của Từ Hiểu Đông, nhiều ngôi sao võ thuật đã lên tiếng về những tuyên bố đầy ngạo mạn của Từ Hiểu Đông. Sau một thời gian ẩn dật, Lý Liên Kiệt bất ngờ đăng một đoạn clip ngắn trên trang cá nhân.

Trong clip này, “Hoàng Phi Hồng” - Lý Liên Kiệt cho biết ông có đủ sức khỏe để vượt qua bạo bệnh phần lớn là nhờ chăm chỉ luyện Thái Cực quyền. Qua đó, tài tử kêu gọi mọi người ủng hộ Thái Cực quyền, không vì một trận đấu 10 giây mà có cái nhìn phiến diện.

Chung Tử Đơn đang vô cùng phẫn nộ với Từ Hiểu Đông. Anh cho rằng võ sĩ họ Từ làm vậy chỉ nhằm kiếm chác, muốn có danh vọng và tiền bạc chứ không hề có tinh thần võ thuật. Lữ Hàng, Chủ tịch Hiệp hội Thái Cực Hải Nam phát biểu: "Từ Hiểu Đông hết sức thiếu tôn trọng các bậc tiền bối. Những lời lẽ của anh ta không chỉ khiêu khích, miệt thị, hạ nhục Thái Cực quyền mà còn đụng chạm tới toàn bộ nền võ thuật truyền thống của dân tộc Trung Quốc".

Võ sư Vương Chiếm Hải - nhà vô địch Thái Cực quyền cũng tuyên bố thách đấu với Từ Hiểu Đông. Vương Chiếm Hải tuyên bố, để khẳng định về tính thực chiến của Thái Cực quyền, ông sẽ tham gia thách đấu, và nếu bị hạ nốc ao giống Ngụy Lôi, ông sẽ không xuất hiện trong giới võ thuật nữa.

Hôm 5-5, phản ứng về thất bại của võ sư Thái Cực quyền dưới tay Từ Hiểu Đông, ngôi sao Cung Lê diễn viên điện ảnh, võ sĩ lừng danh người Mỹ gốc Việt cũng có màn thách thức Từ Hiểu Đông trên trang cá nhân. Từ Hiểu Đông và Cung Lê đều xuất thân từ tán thủ, nếu quả thực hai người thượng đài, Cung Lê sẽ đấu với họ Từ trên tư cách đại diện tán thủ.

Tuy nhiên, đẳng cấp ngôi sao lừng lẫy một thời có lẽ không cho phép Cung Lê đấu với võ sĩ mới nổi nhờ scandal. Chỉ cần thành tích của Cung Lê cũng đủ khiến Từ Hiển Đông thấy e ngại. Trước khi đến với MMA, Cung Lê là võ sĩ bất khả chiến bại ở môn kickboxing với thành tích vô cùng ấn tượng: đấu 17 trận và toàn thắng, trong đó có 12 trận thắng knock-out.

Sau đó, võ sĩ gốc Việt còn giành chiến công vang dội ở đấu trường UFC khi đấu 12 trận, thắng tới 9 (8 trận thắng knock-out). Cung Lê không ngừng tiếp thu các môn võ khác nhau như đô vật, Brazilian Jiu-Jitsu, tán thủ, Muay Thái và trở thành võ sĩ chuyên nghiệp với hơn 35 giải thưởng võ thuật, 3 lần vô địch thế giới.

Cung Lê 3 lần vô địch giải US Open International Martial Arts Championships. Anh đã 3 lần làm đội trưởng của đội tuyển quốc gia Mỹ, tham gia giải vô địch Wushu thế giới.

Võ thuật cổ truyền Trung Quốc đang ở đâu?

Như phân tích ở trên, trận đấu của Ngụy Lôi và Hiểu Đông không thể coi là một sự kiện để đánh giá năng lực thật sự của võ học Trung Quốc, bởi nó không phải là một trận đấu đúng nghĩa. Hơn nữa, chính đôi bên cũng không khẳng định đây là cuộc tỷ thí công khai giữa MMA và Thái Cực quyền.

Võ thuật Trung Hoa đã tồn tại và được xây dựng thành một nét văn hóa của dân tộc này trong cả ngàn năm, vậy nên nó không thể bị coi nhẹ chỉ sau một trận "ẩu đả đường phố". Võ thuật Trung Quốc đã trải qua lịch sử hơn 2.000 năm, đóng góp vào nền văn hóa của nước này, trong đó có lĩnh vực văn học với những tiểu thuyết mô tả kỹ năng chiến đấu của các bậc anh hùng.

Lịch sử võ thuật Trung Quốc bắt đầu từ hàng trăm năm trước triều đại Tần Thủy Hoàng (221-207 trước Công nguyên), khi các gia đình dòng dõi thuê các sát thủ chuyên nghiệp bảo vệ tài sản và lãnh thổ của họ trước kẻ thù. Hàng nghìn năm qua, những võ đường mọc lên khắp các thành thị ở Trung Quốc với mục đích thương mại. Nhiều võ sinh xuống đường biểu diễn kiếm tiền và thách đấu với khán giả tới xem.

Rất đông người dân Trung Quốc theo học và tập luyện Thái Cực quyền với mục đích dưỡng sinh. Ảnh: dailymail.co.uk.

Dưới triều nhà Nguyên, việc sử dụng binh khí trong đấu võ bị cấm. Điều này đã khiến hình thức đấu võ tay không phổ biến khắp đất nước, đặc biệt dưới thời nhà Thanh (1644-1911). Đầu thế kỷ 20, nhà Thanh bị lật đổ, võ thuật Trung Quốc đạt vị thế mới như một môn thể thao hiện đại.

Qua thời gian, kungfu truyền thống của Trung Quốc bị mai một dần, một phần do các võ sư bảo vệ nghiêm ngặt bí kíp của môn phái mình và hạn chế truyền ra ngoài. Kungfu mất dần tầm ảnh hưởng vì mất quá nhiều thời gian và quá khó để học được thuần thục, từ đó chịu thua kém trước sự cạnh tranh của các bộ môn khác.

Các cuộc thi võ thuật bắt đầu chấm điểm thí sinh dựa trên màn trình diễn của họ hơn là sức mạnh tấn công. Trong thời gian này, nhiều cuộc thi võ thuật địa phương và quốc tế đã được tổ chức. Năm 1979, một loạt cuộc khảo sát của Ủy ban Thể thao quốc gia cho thấy tán thủ (sanshou) đã trở thành hình thức võ thuật đối kháng mới. Tán thủ kết hợp kungfu truyền thống và kỹ năng chiến đấu hiện đại nhưng cấm bất kỳ hành động gây chết người nào.

“Các cơ quan thể thao Trung Quốc từ lâu đã cố gắng để võ thuật trở thành một môn thể thao tại Thế vận hội nhưng điều kiện tiên quyết cho điều này là nó phải có tính đối kháng hơn là trình diễn. Cuộc tranh luận nổ ra từ trận đấu giữa một võ sư Thái Cực quyền và một võ sĩ MMA là cơ hội tốt để suy nghĩ về tính thực chiến của võ thuật Trung Quốc. Phong cách chiến đấu từng tồn tại trong võ thuật cổ truyền cần được hồi sinh”, Dung Chí một võ sư nhận định trên China News.

Bóc mẽ sự thật

Từ Hiểu Đông cũng phủ nhận việc cố ý đứng ở phía đối lập với võ thuật truyền thống Trung Quốc. “Tôi không phải là người chống lại truyền thống. Nhiều năm qua hiện tượng giả tạo trong võ thuật truyền thống ngày càng diễn ra ghê gớm. Tôi chỉ là người bình thường “đả giả” (trừng trị giả dối) nhắm đến các “đại sư” giả trong làng võ. Tôi thách thức sự lừa gạt; thách thức những kẻ lừa đảo võ thuật truyền thống Trung Quốc. Tôi chỉ đánh sự giả dối, lừa đảo trong làng võ truyền thống”.

Ban đầu, người ta tưởng rằng hành động ngông cuồng của Từ Hiểu Đông xuất phát từ một ý định “cao cả”, tuy nhiên, trong một video phỏng vấn sau đó, Từ Hiểu Đông tiết lộ, anh thách đấu Ngụy Lôi hoàn toàn là vì... mâu thuẫn cá nhân. Từ Hiểu Đông cho rằng, anh ghét những người giả dối và dùng võ thuật lừa bịp như Ngụy Lôi nên quyết định thách đấu để lật tẩy bộ mặt của ông Ngụy.

Về phần Ngụy Lôi - người bị Từ Hiểu Đông hạ gục trong vòng 10 giây trước kia từng được Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) đề cao, làm hẳn một chương trình chuyên đề, nhưng bị báo chí cho là tiết mục giả tạo. Đó là chương trình “Thể nghiệm kungfu thật” phát trên Kênh CCTV-4, có cảnh Ngụy Lôi phát công vào quả dưa hấu, bề ngoài dưa vẫn nguyên vẹn, nhưng bổ ra thì bên trong đã bị biến chất, có chỗ trở nên đen sì.

Ngụy Lôi còn biểu diễn tiết mục “Chim không bay”, dùng nội công khiến con bồ câu trong bàn tay ông ta không bay lên được. CCTV bình luận “Chim không bay là sự vận dụng cao của nội gia quyền Trung Quốc triệt tiêu khả năng bật lên của chân chim khiến nó không thể cất cánh”.

Từ Hiểu Đông nói sau đó ông đã liên hệ với người làm chương trình này thì được người này thú nhận: Dưa đã được làm hỏng từ trước, còn chim thì bị dùng băng keo trong suốt dính chân. Đó là chương trình của đơn vị liên kết đưa vào chứ không phải do CCTV sản xuất... Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến Từ Hiểu Đông thách thức Ngụy Lôi để bóc trần “tài năng” giả cùng những trò lừa đảo của ông ta, hạ bệ môn phái Lôi công Thái cực mà ông ta là chưởng môn.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương CCTV, Trương Ngọc Bình cho rằng "mục đích của Từ Hiểu Đông không phải đánh nhau mà chỉ là gây thị phi để trục lợi".

Hoa Huyền
.
.