Những trò chơi mạo hiểm mới du nhập vào giới trẻ: Rằng hay thì thật là hay…

Thứ Bảy, 03/09/2011, 17:15

Vài năm gần đây, rất nhiều trò chơi mạo hiểm hay còn được ưu ái gọi là bộ môn nghệ thuật đường phố du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng phát triển rất nhanh trong giới trẻ ở các đô thị lớn. Đó là những thú chơi không dành cho người yếu tim, kể cả đơn giản nhất là chỉ đứng làm khán giả.

Buổi chiều sau cơn mưa rào bất chợt tháng 8 vẫn chưa kịp ráo những bậc thềm đá hoa trơn nhẫy sân sau Trường đại học Bách khoa Hà Nội, những tiếng chân chạy huỳnh huỵch của lố nhố một nhóm trẻ cả nam và nữ thu hút sự tò mò của những người đi ngang qua. 4 chàng trai thoăn thoắt chạy từ ngoài sân rồi vắt ngang người nhảy phóc qua lan can vào hành lang, một cậu chạy sau cùng theo quán tính tốc độ chúi đầu chui tọt qua khe hẹp của rào sắt chắn gọn lỏn như một con sóc chui vào tổ. Chưa dừng lại ở đó, họ mất hút ở phía cuối hành lang nơi có cầu thang dẫn lên tầng 2 rồi lại bất ngờ xuất hiện lần lượt bay vọt từng người qua các ô thông gió ở chiếu nghỉ có độ cao không dưới 3 mét xuống dưới sân trường, tiếp đất trong tư thế cuộn tròn vô cùng chuyên nghiệp, tất cả diễn ra chớp nhoáng và diễn biến y hệt những pha hành động của diễn gạo cội Hongkong, Jackie Chan (Thành Long).

Đó chỉ là một trong những kỹ thuật không mấy phức tạp của trò chơi đường phố parkour xuất xứ từ nước Pháp xa xôi đã du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2007. Parkour bắt người thực hiện nó phải di chuyển một chuỗi hành động liên tục vô cùng nhanh và chuẩn xác vượt qua nhiều chướng ngại vật trên những địa hình khác nhau theo bước chạy. Những động tác cơ bản của parkour là những bước chân thoăn thoắt, nhào lộn trên không từ điểm cao, bật tường, nhảy vượt chướng ngại vật có thể là bốt điện, hàng rào, thùng rác, tường cao hay đôi khi là từ những ô cửa  tầng hai tiếp đất trong tình huống đầy bất trắc.

Nhiều nước trên thế giới coi parkour là môn nghệ thuật của sự di chuyển, còn trong mắt người Việt thường nhìn những "tiểu tử" chơi bộ môn này như đứa trẻ to xác hiếu động, nghịch dại. Đó cũng là lời mở đầu giới thiệu về nhóm của mình của một thành viên parkour Hà Nội, 17 tuổi, tên Tuấn trong nhóm tôi gặp tại sân Trường Bách khoa. Chàng trai đang tuổi lớn có cơ thể rất cường tráng mang nụ cười không giấu nổi vài khe hở vì sự thiếu hoàn chỉnh của hàm răng phía trước.

Tuấn dường như khá nhạy cảm về ánh nhìn của tôi vào "điểm yếu" đó nên ngay lập tức giải thích: "Khi mới bắt đầu tập parkour em ngã suốt, cái răng này bị gãy khi back-flip (nhảy lộn về phía sau) hồi năm kia bị ngã, ở Việt Nam không có thầy hướng dẫn nhưng em vẫn phải đóng học phí toàn bằng răng (cười), thế mới đen chứ. Bọn em chỉ có xem và tập theo những clip trên mạng Internet, rồi tự mày mò tự học, tự thực hành đến khi tròn động tác. Bị thế này là còn nhẹ, có đứa bạn em ngã còn gãy xương sườn chọc thủng phổi, nằm viện mấy tháng là nghỉ tập luôn, nhưng mà sứt như em thì lại xấu trai (cười)".

Trong lúc đứng nói chuyện thì hai cô bạn gái của Tuấn đã kịp vượt bức tường cao 4 mét bằng các động tác bật dích dắc giữa hai bức tường rộng khoảng 2 mét, thoắt cái thiếu nữ nọ đã đứng nghễu nghện trên đỉnh cao nhìn chúng bạn thứ tự theo sau như lính đặc công. Tuấn và nhóm bạn cho rằng tập parkour là một niềm đam mê lớn mỗi ngày, ngoài ra nó còn giúp những người bạn trẻ liều mạng thêm dẻo dai, tự tin và dũng cảm. Chốt lại sự tò mò của tôi, một bạn nữ cười, lập luận rằng: "Dù nó hơi nguy hiểm một tý nhưng mà vẫn lành mạnh hơn ngồi máy tính chat Internet suốt ngày đợi hoàng tử cứu net, nó giải thoát tâm lý vì phải học nhiều và thực sự mang đến cảm giác tự do".

Thành viên nhóm chơi xe máy địa hình mạo hiểm nhảy qua hố sâu.

Theo trang diễn đàn parkour, thì sân chơi này của giới trẻ Việt Nam đang ngày càng mở rộng với bằng chứng là số lượng thành viên tham gia luyện tập, giao lưu lên tới vài trăm người tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM... Dù còn nhiều khó khăn về chỗ chơi, tài liệu, kỹ thuật rồi cả chấn thương song theo Tuấn thì những thành viên parkour đều không chùn lòng và mong muốn parkour trở thành một môn chơi bổ ích cho người trẻ tuổi và có sự quản lý, hướng dẫn để phát triển lành mạnh. Đã có không ít tín đồ parkour vì thiếu chỗ chơi tự tìm đến những địa hình mới lạ như nóc nhà máy, xưởng sản xuất, nhà dân... để luyện tập và bị đuổi chạy "tóe khói" vì bảo vệ nghĩ rằng những kẻ liều mạng lơ lửng trên nóc nhà đó thuộc phường đạo chích.

Dường như những trò chơi mạo hiểm "dị bản" của giới trẻ đều thiếu đất chơi, dù muốn hay không họ đành "nhắm mắt" giao lưu, tập luyện tại những chốn công cộng, về khía cạnh nào đó thì nó cũng khá nguy hiểm cho người khác. Đây cũng là nỗi lo lắng thường trực của chàng trai trẻ Ngô Minh Tú ở Hà Nội, một tay chơi xe đạp trial (xe vượt địa hình phức tạp) được cho là có kỹ thuật đẳng cấp số 1 Việt Nam hiện nay. Khu vực tập  luyện của Tú và bạn bè cùng sở thích chỉ loanh quanh khu vực công viên Thống Nhất, sân sau tượng đài Lý Thái Tổ...

Cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự về người hướng dẫn như những người chơi parkour kể trên, Minh Tú và nhóm bạn cũng lấy Internet làm thầy và "học phí" về chấn thương cũng khá… nặng. Với chiếc xe đạp trial chuyên dụng trị giá vài chục triệu đồng, nặng chưa tới 12kg, không chỗ ngồi để thuận lợi cho các động tác kỹ thuật, lốp và phanh đặc chủng, những tay chơi xe đạp trial Hà Nội thoăn thoắt nhảy đi lên từng bậc thang bằng bánh sau, những đoạn nghỉ nhịp luôn trong trạng thái thăng bằng bánh sau. Vẫn bằng động tác thăng bằng, Minh Tú có thể dễ dàng nhảy lên những thềm cao xấp xỉ 1,2 mét song song với xe mà trong giới trial gọi là kỹ thuật hop-side. Tai nạn thường trực cho người chơi trong mỗi động tác tập với những chiếc xe đạp kỳ dị này.

Sau gần 3 năm luyện tập cần mẫn ở những nơi dành cho người dân đi thư giãn, hóng mát thì kỹ thuật đi xe đạp của Tú, vốn có gốc từ lúc trong đội tuyển xe đạp Hà Nội, càng thêm điêu luyện. Như để minh chứng, một cậu bé "fan" hâm mộ của nhóm chơi xe đạp trial tại sân sau tượng đài Lý Thái Tổ nằm bệt dang rộng hai chân hai tay ra đất để đội chơi trial biểu diễn không một chút nề hà, có lẽ cậu đã quá quen và hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật của những "nghệ sĩ" đường phố này. Minh Tú trèo lên chiếc xe kỳ dị đứng thăng bằng rồi bất ngờ bật bánh trước nhảy nhẹ qua ngực cậu "chuột bạch".

Ngô Minh Tú biểu diễn kỹ thuật xe đạp mạo hiểm trên người khán giả.

Chưa dừng lại ở đó, hai bánh chiếc xe đạp như khiêu vũ xung quanh người nằm dưới, động tác đan chéo nhau, bánh sau sát sạt mặt, "nghệ sĩ" cứ biểu diễn thoăn thoắt như vậy mặc kệ những tiếng ồ, á sợ hãi của những vị khán giả bất đắc dĩ đi ngang qua. Trial, bộ môn xe đạp vô cùng mạo hiểm và nguy hiểm nhất trong những môn "nghệ thuật" đường phố x-games. Và hiển nhiên trial có khả năng gây thương tích rất cao cho người chơi. Tôi nhìn vào chân tay đầy những thương tích, sẹo của nhóm Tú mà ái ngại.

Ngoài ra, cũng ngay tại Hà Nội thì còn một nhóm chơi xe máy vượt địa hình có quan hệ mật thiết với nhóm xe đạp trial do Minh Tú "cầm đầu". Môn này bội phần nguy hiểm so với xe đạp nên họ không dám xuất đầu lộ diện nơi công cộng vì tiếng động cơ và tốc độ. Một vài thành viên của "băng" xe máy trial cũng đã từng phải tham gia luyện kỹ thuật cơ bản cùng nhóm chơi xe đạp trước khi "lên đời" với thứ phương tiện đặc chủng mang động cơ siêu khỏe. Những "kẻ bạo gan" này âm thầm hoạt động tại những khu vực vắng người như gầm cầu Vĩnh Tuy hoặc những vùng đất trống rộng rãi ngoại thành. Trong một đoạn video clip, tôi được xem có những đoạn đứng tim với một tay chơi sử dụng kỹ thuật thăng bằng điều khiển chiếc xe máy địa hình mang dáng dấp kỳ quái đi chênh vênh trên mép bờ kè  đá Tam Đảo bề ngang rộng chừng 20cm và bên dưới thì sâu thăm thẳm. Hay có đoạn khác thì nhảy phóc qua miệng hố sâu có bề rộng xấp xỉ 3 mét, với chiều rộng đó thì ngay cả đối với một vận động viên nhảy xa cũng phải e ngại.

Trong những thú chơi mạo hiểm tự phát "nhập khẩu" của giới trẻ thì có lẽ môn duy nhất mới được đưa vào vòng "chính quy" tức là có tổ chức, hướng dẫn, đồ bảo hộ, sân bãi chuyên dụng là Paintball. Đây là một biến thể của trò chơi đánh trận giả bắn súng air-soft rất nguy hiểm của giới trẻ trước đây gây nhiều bức xúc cho người dân.

Nhiều năm trước các nhóm chơi air-soft chia làm hai phe, sử dụng những khẩu súng hơi "đồ chơi" bắn đạn nhựa có trọng lượng và hình dáng y hệt đồ thật, đạn có tầm sát thương khá mạnh. Người chơi thường tụ tập tại các biệt thự cũ trong phố hay tại một số nơi tại ngoại thành để "đánh trận" đạn nhựa bắn tung tóe, những thứ "đồ chơi" đó luôn là hàng cấm vì tính chất nguy hiểm của nó.

Và mới đây thôi, một số khu du lịch phía Nam như tại Cần Thơ, Lâm Đồng, Củ Chi... đã chính thức mở cửa sân chơi Paintball hợp pháp để "thay thế" cho môn air-soft đầy nguy hiểm. Hiển nhiên môn chơi bắn đạn sơn này là trò chơi không dành cho trẻ em. Hòa nhập vào trò chơi này, người tham gia sẽ có cảm nhận cơ bản về chiến trường với nhiều trận địa được người kinh doanh dàn dựng rất công phu. Đây cũng là nơi thử thách lòng can đảm và tư duy chiến thuật người chơi. Súng sử dụng bình nén khí chịu được áp lực lên tới 52 atm (xe hơi 4-7 chỗ thông thường có áp lực bánh xe chỉ vào khoảng 2,2 atm) nên đối với người chơi không trang bị đồ bảo hiểm mà dính đạn cũng vẫn bầm da rách thịt như thường. Đạn của súng paintball cũng rất sát nghĩa với từ gốc tiếng Anh chính là những viên bi nhựa bên trong chứa sơn màu, giá bán cho mỗi viên đạn sơn phổ biến ở mức giá là 1.500 đồng. Nhưng với một "trận chiến" thì cơ số đạn "vãi" vào nhau lên đến hàng nghìn đơn vị thì số tiền bỏ ra cho một buổi vui vẻ chắc chắn là không nhỏ. Dù sao về mặt nào đó, trò chơi đầy nguy hiểm air-soft tự phát trước đây cũng đã được "quy hoạch" mang lại sự an toàn cho người dân.

Trong sự phát triển, hòa nhập, giao lưu với thế giới, chắc chắn sẽ còn nhiều trò chơi mạo hiểm khác được giới trẻ yêu thích bằng con đường nào đó sẽ len lỏi vào Việt Nam như những thú chơi nổi bật được tóm tắt trong bài viết này. Sẽ vô cùng cần thiết những quy hoạch, quản lý cũng như định hướng giới trẻ thích cảm giác mạnh tìm được lối chơi lành mạnh, an toàn cho bản thân và cộng đồng với những "hành vi" mạo hiểm tích cực

Thu Trang
.
.