Những ước mơ tan biến dưới làn nước

Thứ Năm, 06/06/2019, 13:49
Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng 30 trẻ em từ 4 – 15 tuổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An tử vong do đuối nước. Cá biệt như 6 tháng đầu năm 2019, đã có 26 trẻ em bỏ mạng trước “thủy thần”.

Những con số thống kê này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước đối với trẻ em.

Xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngót một tuần sau thảm kịch 5 em học sinh lớp 8 bị đuối nước thương tâm, nỗi đau tang thương vẫn còn phủ kín từ đầu làng đến cuối xóm. Giọt nước mắt của những đấng sinh thành khi lá vàng phải khóc tiễn lá xanh rơi, cộng với nỗi hoang mang, đau đớn của những người bạn đồng môn, đồng trang lứa khiến cho ai cũng nghẹn ngào khi nhắc lại câu chuyện đau lòng vừa đột ngột ập đến làng quê nghèo chỉ trong một chiều định mệnh.

Truyền thông phòng chống tai nạn đuối nước.

Đuối nước, nỗi đau dai dẳng

Chuyện xảy ra vào trưa 30-5-2019, để chia tay một bạn cùng lớp sẽ chuyển trường vào đầu năm học tới, các bạn học sinh lớp 8A trường THCS xã Trung Thành đã tổ chức buổi dã ngoại tại khu vực đập Trại Xanh trên địa bàn xã Bắc Thành. Trong quá trình đó, một nhóm bạn khoảng 15 người ra khu vực gần chân đập này để tiếp tục chụp ảnh lưu niệm. Trong quá trình mải mê chụp ảnh, chẳng may một bạn nữ sảy chân xuống hồ nước.

Thấy vậy, 5 bạn đã cùng nhau lao xuống nước để cứu bạn và trong lúc quá hoảng loạn, nhóm bạn này đã bấu víu lấy nhau, cùng vật lộn giữa vùng nước sâu. Bạn trai đi cùng nhóm là em Phan Bá Hiệp đã lao xuống, cố gắng tách từng người ra để dìu vào bờ.

Khi đưa được bạn Phan Thị Bảo Châu đến khu vực an toàn, Hiệp tiếp tục quay trở lại cứu tiếp những bạn khác, song khi đưa được Trần Long Nhật vào bờ thì em này đã lịm dần, dù đã được các bạn cùng lớp hô hấp nhân tạo nhưng không qua khỏi.

Những người khác ở dưới nước, dù đã được người dân địa phương nhanh chóng hỗ trợ nhưng tất cả đã muộn. Cùng với Nhật, các nữ sinh xấu số còn lại là Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị  Giang, Nguyễn Thị Trang và Cao Thị Nương, tất cả đều chỉ mới 14 tuổi và cùng là học sinh lớp 8A trường THCS Trung Thành.

Cô giáo Hoàng Thị Đào, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A cho biết, cả 5 em đều là học sinh ngoan, học giỏi và là những nhân tố điển hình của lớp. Đến chiều ngày 31-5, gia đình các em đã tổ chức hậu sự, đưa các em về nơi yên nghỉ cuối cùng. Xóm nhỏ cùng lúc chứng kiến những đám tang, những tiếng khóc xé lòng bao trùm.

Ông Trần Thượng Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết, hoàn cảnh của các em học sinh xấu số nói trên rất thương tâm, phần lớn gia đình đều làm nông, đa số bố mẹ các em đều phải đi làm xa, làm thuê kiếm sống nên ít có thời gian chăm sóc con cái và dạy chúng kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước. Em Trần Long Nhật là anh cả, sau còn 2 đứa em nhỏ dại, nhà nghèo khó nên bố Nhật phải đi làm thuê trong miền Nam từ nhiều năm nay.

Cách đó một con ngõ là gia đình em Nguyễn Thị Giang, cũng sinh ra trong gia đình hộ cận nghèo, có 5 anh chị em nên từ nhỏ Giang đã rất vất vả. Dù vậy, em đã rất cố gắng trong quá trình học hành để nuôi giấc mộng trở thành bác sĩ. Tiếc là, giấc mơ ấy đã bị chôn vùi dưới con nước chỉ sau một buổi chiều tang thương phủ kín quê nghèo.

Câu chuyện về 5 em học sinh đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An không phải là hi hữu, bởi hằng năm, nhất là vào dịp nghỉ hè, số liệu thống kê bình quân cho thấy, có ít nhất từ 10- 5 trẻ em đuối nước.

Trước đó, vào chiều 29-4, nhóm 5 cháu nhỏ gồm Phan Thị Phương Nhung, Phan Thị Phương Vi và Phùng Thị Mai đều trú tại phường Long Sơn (TX. Thái Hòa) cùng với cháu Trần Thị Kim Xuyến và Trần Văn Luyện trú tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn rủ nhau ra sông Hiếu (đoạn sông chảy qua khối 4, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa) để tắm.

Quá trình bơi lội trên sông, 2 chị em ruột Trần Kim Xuyến (sinh năm 2006) và Trần Văn Luyện (sinh năm 2008) cùng với em họ là Phùng Thị Mai (sinh năm 2014) bị nước cuốn mất tích. Sau hơn 1 ngày huy động gần 100 người để tổ chức cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể các em để bàn giao cho địa phương và gia đình lo hậu sự.

Cách vụ việc trên 2 tuần, cũng trên địa bàn TX. Thái Hòa xảy ra một vụ đuối nước tại xã Nghĩa Thuận làm một người tử vong khi đang đi vớt bèo trong đập ngăn nước. Mới đây nhất, vào chiều ngày 1-6, hai cháu nhỏ là Moong Chiến Thắng và Moong Văn Dần, cùng sinh năm 2015, trú tại bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), rủ nhau xuống tắm ở khúc sông gần bản.

Cán bộ Công an tham gia cứu nạn trường hợp đuối nước trên địa bàn thị xã Thái Hòa (Nghệ An) xảy ra vào tháng 4-2019.

Do không biết bơi nên cháu Moong Chiến Thắng bị dòng nước cuốn trôi. Khi người đi đường phát hiện và hô hoán, người dân tổ chức vớt được cháu lên khỏi dòng nước nhưng cháu bé đã tử vong.

Những con số thống kê nói trên chỉ mới phản ánh được một phần nhỏ trước thực trạng đuối nước đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình ở Nghệ An nói chung và cả nước nói riêng, đặc biệt là trong dịp hè này. Thiếu sự giám sát của nhà trường, gia đình không thể quản lý các em, trong khi kỹ năng tự bảo vệ mình của phần lớn các em học sinh hiện nay hầu như rất kém, nên cứ mỗi kỳ nghỉ hè là thêm một nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh về thực trạng đuối nước.

Cần sự hành động của toàn xã hội

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước hằng năm vẫn xảy ra, theo bà Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, nguyên nhân khách quan là do Nghệ An có địa bàn hết sức phức tạp, nhiều sông suối ao hồ phân bổ hầu như rộng khắp, trong khi mùa hè ở đây thời tiết rất nắng nóng dẫn đến nhu cầu tìm đến sông suối để tắm mát như một phần tất yếu. Tuy vậy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đuối nước vẫn là do yếu tố con người.

Thực tế cho thấy, tại Nghệ An hiện nay đang thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích dành cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Từ gia đình cho đến nhà trường, công tác đào tạo, dạy bơi cho các em vẫn còn bị xem nhẹ.

Trong khi, sau 9 tháng được nhà trường quản lý, mùa hè là dịp để các em trải nghiệm thực tế bằng các hoạt động vui chơi, liên hoan chia tay cuối năm. Địa điểm được lựa chọn cuối cùng vẫn là những chuyến dã ngoại, nhất là các khu vực có sông suối, hồ đập mà không xin phép nhà trường cũng như gia đình để có sự quản lý trực tiếp.

Chị Phạm Thị Huyền Trang, Bí thư Huyện đoàn huyện Yên Thành (Nghệ An) băn khoăn, hằng năm cứ đến dịp hè là huyện đoàn lại “đau đầu” về các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống đuối nước cho đoàn viên trên địa bàn. Ngay từ đầu hè, nhiều hoạt động như tổ chức truyền thông phòng chống tai nạn đuối nước, tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng ứng phó xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao bởi theo chị Trang, những hoạt động này chỉ diễn ra cấp tốc trong một thời gian ngắn nên không thể giúp hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình của các em.

“Việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ phải được thực hiện trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, chứ không riêng dịp hè”, Bí thư Huyện đoàn huyện Yên Thành Phạm Thị Huyền Trang cho biết thêm.

Nói về trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An cho rằng, hằng năm để xảy ra tình trạng đuối nước trong độ tuổi thanh thiếu niên là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn là đơn vị đóng vai trò chủ đạo, mặc dù hằng năm, Sở GD&ĐT Nghệ An đều có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc phòng giáo dục và các nhà trường, có các biện pháp tăng cường chống đuối nước cho trẻ nhưng hệ lụy này vẫn xảy ra, thực sự là một nỗi đau của ngành giáo dục.

Để hạn chế tối đa tình trạng này, đầu tháng 5-2019, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành công văn giao trách nhiệm cho Phòng giáo dục, Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm các trường, nếu xảy ra đuối nước thì sẽ có những hình thức xử lý kỉ luật và đánh giá vào thi đua của ngành giáo dục huyện, thị đó.

Hiện trường nơi xảy ra vụ 5 học sinh đuối nước tại huyện Yên Thành.

Ngành giáo dục Nghệ An cũng đã có hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong từng tiết sinh hoạt chào cờ và tiết chủ nhiệm, để nói về cảnh báo chống đuối nước cho học sinh. Nhà trường cần có sự phối hợp nhịp nhàng với gia đình, các tổ chức đoàn, hội, các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương để triển khai thì công tác phòng, chống đuối nước mới thực sự mang lại hiệu quả.

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, các vụ đuối nước xảy ra trong thời gian gần đây, chủ yếu là do các em nhỏ tự ý rủ nhau đến các khu vực ao hồ, sông suối để dã ngoại, tắm mát mà không có sự giám sát của người lớn nên khi sự việc xảy ra không kịp thời ứng cứu. Một phần do sự quản lý lỏng lẻo của các phụ huynh để con, em của mình tự ý tắm tại ao, hồ, sông suối; phần nữa là do trong nhà trường ngành giáo dục chưa chú trọng mở các lớp dạy bơi cho trẻ, trau dồi các kỹ năng xử lý tình huống khi gặp người đuối nước và bị đuối nước.

Trong thời gian tới, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước cho trẻ em, UBND tỉnh Nghệ An sẽ quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lấy nòng cốt là ngành giáo dục, các tổ chức đoàn thể. Một mặt rà soát lại các điểm nguy hiểm để cắm các biển cảnh báo, mặt khác tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng bơi lội cho trẻ em để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.

Mặc dù vậy, hơn bao giờ hết thì các bậc phụ huynh là những người gần gũi với con cái của mình nhất là trong thời gian nghỉ hè, phải dành nhiều thời gian để quan tâm đến con cái, qua đó tự trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để ứng phó khi tiếp xúc với nước.

Đầu năm 2019 có 26 trẻ ở Nghệ An tử vong do đuối nước

Chỉ tính riêng trong thời gian 6 tháng đầu năm (từ ngày 1-1-2019 đến 31-5-2019), số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 20 vụ đuối nước, làm chết 26 trẻ có độ tuổi từ 2 đến 14 tuổi.

Những con số thống kê đầy thương tâm hằng năm, thậm chí năm sau cao hơn năm trước dường như vẫn chưa đủ sức nặng để cảnh báo.

Phát động toàn dân tập bơi, phòng chống đuối nước

Ngày 26-5-2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An về phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước trẻ em, tại huyện Yên Thành, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước cho 10 huyện, thành, thị đồng bằng.

Buổi lễ đã tuyên truyền, phổ biến một số kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, các trò chơi làm quen với nước, các phương pháp bơi, kỹ năng cứu đuối an toàn và sơ cấp cứu người bị đuối nước. Đây là hoạt động thiết thực, hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em trên từng địa bàn.

Thiên Thành
.
.