Những viên thuốc thông minh tích hợp microchip

Thứ Ba, 17/06/2014, 05:30

Mỗi buổi sáng vào khoảng 6 giờ, bà Mary Ellen Snodgrass nuốt một con chip máy tính. Con chip nhỏ chỉ bằng hạt cát được tích hợp bên trong một trong những viên thuốc của bà.  Sau khi được nuốt vào dạ dày, con chip sẽ truyền tín hiệu đến máy tính bảng của Snodgrass thông báo cơ thể bà đã hấp thu thuốc chữa bệnh tim và tuyến giáp thành công.

Bà Snodgrass, giáo viên về hưu đã 91 tuổi, sử dụng những viên thuốc thông minh theo yêu cầu của con trai là kỹ sư điện tử đang làm việc tại một công ty công nghệ. Bà Snodgrass là người tiên phong trong phương pháp trị bệnh được nhiều người dự đoán sẽ là cuộc cách mạng y học với việc sử dụng những thiết bị cực nhỏ như microchip, bộ cảm biến, camera và robot có khả năng tiếp cận, phân tích và “thao tác” bên trong cơ thể bệnh nhân.

Khi kích thước và giá thành của công nghệ chip sụt giảm đáng kể trong vài năm qua, hàng chục công ty công nghệ cũng như các đội nghiên cứu khoa học đồng loạt chạy đua thiết kế chế tạo những con chip cực nhỏ dùng để nuốt hoặc cấy giúp bệnh nhân nhằm theo dõi tình trạng cơ thể và thể hiện chi tiết ở mức độ chưa từng thấy trước đây.

Vài công nghệ đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn - bao gồm bộ tiếp sóng chứa đựng bệnh án cá nhân được tiêm dưới da, hay viên thuốc chứa camera có thể “sục sạo” trong ruột kết để tìm kiếm khối u và công nghệ của Proteus Digital mà bà Mary Ellen Snodgrass đang sử dụng.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu những nguyên mẫu tiên tiến hơn nữa. Ví dụ, các thiết bị cảm biến nano - chủ yếu là công cụ cảnh báo sớm bệnh tật - "thường trú" trong dòng máu bệnh nhân để gửi thông điệp đến smartphone của người này vào bất cứ khi nào chúng phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, cơn đau tim sắp xảy đến hay các vấn đề sức khỏe khác.

Nhiều đội quân robot cực nhỏ có chân, cánh quạt, camera và hệ thống dẫn đường không dây đang được các công ty công nghệ hàng đầu thế giới phát triển  giúp chẩn đoán bệnh, quản lý sử dụng thuốc có mục tiêu và thậm chí thực hiện phẫu thuật!

Tuy nhiên, ý tưởng đặt các "cỗ máy" siêu nhỏ vào bên trong cơ thể người cũng vấp phải một số vấn đề bất tiện liên quan đến đạo đức, pháp lý và khoa học cần được giải quyết. Ví dụ, người dùng sẽ nhận được những cảnh báo gì về nguy cơ của công nghệ chip cấy bên trong cơ thể? Các bệnh nhân có được bảo đảm rằng họ phải sử dụng những loại thuốc mà thật sự họ không muốn?

Liệu cơ quan thực thi pháp luật có sở hữu dữ liệu tiết lộ về hành vi lạm dụng thuốc hay bán thuốc ra chợ đen? Những viên thuốc thông minh có bị lợi dụng phục vụ cho chương trình nhận diện vi phạm quyền công dân của chính phủ?

Tuy nhiên, những người đề xướng công nghệ lập luận rằng, các thiết bị có thể giúp cứu sống vô số mạng người và tiết kiệm được hàng tỷ USD cho những hóa đơn thuốc không cần thiết.

Eric Topol - Giám đốc Viện Khoa học Tịnh tiến Scripps (STSI) ở thành phố La Jolla bang California nhận định: "Chiếc ôtô hoạt động với thiết bị cảm biến sẽ nhắc nhở chủ nhân những bất trắc. Vậy thì, tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ như thế bên trong cơ thể người? Bởi vì, nó có thể cảnh báo sớm cho chúng ta biết được những chuyện gì sẽ xảy đến trong vài tuần, vài tháng hay vài năm nữa".

Snodgrass mô tả những viên thuốc thông minh mà bà uống hàng ngày tương tác như thế nào với máy tính bảng.

Con chip trong viên thuốc thông minh nuốt được mà bà Mary Ellen Snodgrass đang sử dụng là viên thuốc thông minh đầu tiên được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn năm 2010 và FDA phê chuẩn năm 2012. Nó đang được một nhóm bác sĩ và bệnh viện thử nghiệm, trong khi công ty Proteus Digital vẫn tiếp tục cải tiến phần mềm cho nó.

Giới chức Proteus Digital cho biết, họ hy vọng viên thuốc tích hợp microchip sẽ được sử dụng rộng rãi hơn nữa trong tương lai gần. Bộ Y tế Anh cũng bắt đầu cho phép sử dụng công nghệ Proteus Digital đối với các bệnh nhân tim để thử xem nó có hoạt động chính xác như thuốc chỉ định thông thường hay không.

Công ty dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ Novartis thông báo họ đang chờ giấy phép FDA cho phép sử dụng các con chip Proteus cho các bệnh nhân chịu phẫu thuật cấy ghép cơ quan nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng loại thải. Được chế tạo hoàn toàn với các thành phần có thể tiêu hóa được, con microchip có một mặt bằng đồng và mặt khác bằng magnesium, sẽ hoạt động khi tiếp xúc với axít trong dạ dày. Con microchip được sử dụng liên kết với miếng dán bên ngoài cơ thể bệnh nhân.

Chỉ 5 phút sau khi được nuốt vào cơ thể, con chip bắt đầu gửi tín hiệu mã 16 con số đến miếng dán bên ngoài và từ đó chuyển luồng thông tin đến smartphone hay máy tính bảng để có thể chia sẻ dữ liệu qua Internet với những người thân trong gia đình. Miếng dán bên ngoài cơ thể cũng tích hợp thiết bị cảm biến bổ sung để theo dõi một số yếu tố khác như thân nhiệt, nhịp tim, cử động cơ thể (đứng, ngồi hay nằm) và tình trạng giấc ngủ

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.