Những vở diễn nghệ thuật sau ánh hào quang giải thưởng

Thứ Năm, 24/12/2020, 15:04
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân”, nhiều tác phẩm kịch bản của các đoàn nghệ thuật có sức lan tỏa và được giải thưởng cao. Để một tác phẩm kịch bản đến được công chúng là sự dày công lao động của cả một tập thể, huy động nguồn lực và tài lực.

Nhưng, nhiều người đặt câu hỏi: Những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đó sau hội diễn sẽ đi về đâu và các đoàn nghệ thuật sẽ ra sao, tưng bừng đi diễn hay đìu hiu, vắng lặng sau đợt hội diễn đó?

Điểm sáng của văn hóa Thủ đô

Nằm ngay trung tâm Hà Nội, tọa lạc ở 42 Tràng Tiền, nơi được coi là khu đất vàng của Thủ đô, Nhà hát Kịch Hà Nội có bề dày văn hóa đáng tự hào, nơi có những nghệ sĩ tên tuổi của mảnh đất Tràng An như: NSND Trần Hạnh, NSƯT Lê Mai (mẹ của 3 ái nữ Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi), NSND Thế Anh, NSND Hoàng Cúc, NSND Hoàng Dũng (ngay bây giờ ở tuổi về hưu, anh vẫn làm mưa làm gió với sê-ri phim truyền hình), NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, NSND Minh Hòa, NSND Công Lý, NSƯT Phú Thăng, NS Tiến Đạt, NS Tiến Hợi... Và dàn diễn viên trẻ: Thu Hường, Thiện Tùng, Thiện Nhân...

Hình ảnh trong một vở diễn của Nhà hát kịch Công an nhân dân gây xúc động mạnh.

Từ khi Hà Nội mở rộng, Đoàn kịch nói Hà Tây (mảnh đất xứ Đoài vô cùng phong phú về bề dày văn hóa) sáp nhập với Nhà hát Kịch Hà Nội tạo nên một pháo đài nghệ thuật lớn. Thế nhưng, từ nhiều năm nay Đoàn kịch Hà Nội thường dựng những vở mà theo cách gọi dân dã là mang tính chất “cúng cụ”. Nghĩa là kịch sẽ được ra mắt vào những đợt lễ lạt, kỉ niệm... Người ta nghi ngại rằng  những vở “cúng cụ” thì sẽ ngốn một số tiền không hề nhỏ nhưng rồi sau những ngày diễn mang tính chất kỉ niệm xong, vở diễn ấy sẽ đi về đâu? Đó là một bài toán cho ban lãnh đạo nhà hát. Nhưng, nếu ai đã có duyên xem vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội, hẳn sẽ không khỏi trầm trồ: Quả là một vở diễn rất đáng xem, được đầu tư kĩ lưỡng từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm thanh, ánh sáng... Ngoài ra, dàn diễn viên điệu nghệ, nhiều kinh nghiệm, khiến vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội luôn có sức hút.

Còn nhớ, trong một buổi tổng duyệt kịch “Hà Nội, mùa đông năm 46”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) phải thốt lên: “Đây là vở kịch  rất hay và xúc động”. Nhiều người cũng có chung suy nghĩ giống anh. Nhưng, nếu chỉ diễn có ít buổi mang tính chất “cúng cụ” thì phí quá. May thay, vở kịch đã diễn trong nhiều đợt và lần nào cũng nức lòng người hâm mộ. Mới đây nhất, Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, Nhà hát Kịch Hà Nội đoạt giải Bạc với vở “Kẻ trộm”, tác giả kịch bản: Lê Quý Hiền. Nhiều người cũng nghi ngại, liệu sau liên hoan, vở kịch hay này sẽ công diễn bao lâu nữa?

Nghệ sĩ Thiện Tùng đóng vai chính trong “Kẻ trộm”, đoạt Huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” vừa qua. Ông là Phó Trưởng đoàn Nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết: Năm nay ảnh hưởng đặc biệt của COVID-19 nên hoạt động nghệ thuật ít nhiều bị ảnh hưởng nhất là đợt đầu năm. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tạm lắng thì Nhà hát vẫn biểu diễn cho công chúng. Một mặt, vở diễn tâm lý xã hội chính kịch “Kẻ trộm” vẫn được diễn cho đông đảo công chúng. 

Mặt khác những nghệ sĩ trẻ vẫn tập luyện để hưởng ứng cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2020” (từ ngày 9 đến 18-12) do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (gồm Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) phát động, có 9 nghệ sĩ trẻ đoạt giải. Và, cũng vừa tháng trước, ngày 20-11 tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội tập trung nhân lực làm chương trình nghệ thuật đặc sắc kỉ niệm 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Với lợi thế vị trí đắc địa, Nhà hát Kịch Hà Nội toạ lạc trong tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, nên vào Thứ bảy, Chủ nhật, các nghệ sĩ ra diễn ở sân khấu ngoài trời phục vụ miễn phí công chúng Thủ đô. Vì đây là không gian ngoài trời nên những tiết mục thường ngắn gọn, hài hước, mang đến sự giải trí, sảng khoái cho khán giả. Ngoài địa chỉ 42 Tràng Tiền, Nhà hát Kịch Hà Nội còn có cơ sở 2 là sân khấu kịch Quảng Lạc nằm tại khu phố cổ, số 8B phố Tạ Hiện. Nơi đây không diễn những vở kịch tâm lý xã hội dài, phải huy động nhiều diễn viên hay cần có một đại cảnh hoành tráng, mà đây là một sân khấu dung dị, rất đời thường, mộc mạc. Nhiều nghệ sĩ trẻ được huy động tới sân khấu kịch Quảng Lạc chỉ để diễn những tiểu phẩm ngắn, những trích đoạn hay...

Nghệ sĩ Thiện Tùng - Phó Trưởng đoàn kịch Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết thêm: Cả hai địa điểm biểu diễn của Nhà hát đều nằm trong tuyến phố đi bộ nên Nhà hát đang có chiến lược, một mặt vẫn đầu tư công phu vào những vở diễn lớn, những kịch tâm lý xã hội dài ngốn nhiều kinh phí và thời gian chuẩn bị cho những khán giả đã từ lâu yêu mến “chất” kịch Hà Nội. Mặt khác, bắt nhịp đời sống đô thị hiện đại, cạnh tranh với các loại hình văn hóa giải trí khác, kịch mục của Nhà hát hướng đến nhu cầu giải trí của khán giả. Những tiết mục hài kịch dân gian, phục vụ khán giả du lịch dễ xem, dễ thích, vừa giới thiệu nét văn hóa kịch của người Hà Thành. 

Đây cũng là điểm nhấn văn hóa trên khu phố đi bộ của Thủ đô. Đặc biệt, vào ngày 30-12 tới, trước cửa rạp Công nhân, hài kịch ca nhạc đặc sắc của Nhà hát Kịch Hà Nội cùng với nhiều ca sĩ tên tuổi sẽ phục vụ đông đáo công chúng trước thềm năm mới.

Những chuyến lưu diễn sau ánh hào quang

Nhà hát Ca múa kịch CAND nằm sâu, nương mình trong con phố nhỏ Mai Anh Tuấn, không có một địa điểm biểu diễn như Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, hay Nhà hát Kịch Hà Nội... Ở đây, đúng nghĩa chỉ là nơi cho tập thể cán bộ chiến sĩ nghệ sĩ của nhà hát luyện tập. Tuy vậy, ở “mảnh đất này” rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ đã ra đời và trưởng thành, là gương mặt nằm lòng trong công chúng từ nhiều thập niên qua: NSND Trần Nhượng, NSND Công Bẩy, NSND Nguyễn Hải, NSND Thúy Hiền...

Dàn diễn viên trẻ tưng bừng trên sân khấu Quảng Lạc nằm trong tuyến phố đi bộ Hà Nội.

Nhiều người e ngại trong một không gian vô cùng tùng tiệm, khiêm tốn, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa kịch CAND sẽ chèo chống con thuyền này ra sao khi họ không có một sân khấu để biểu diễn cho đúng nghĩa. Dù vậy, các nghệ sĩ trong lực lượng CAND vẫn luôn hết mình trong từng vai diễn. Các nghệ sĩ không diễn cố định ở một sân khấu duy nhất cụ thể nào mà những tác phẩm sân khấu ấy được mang đi lưu diễn khắp ở mọi miền Tổ quốc.  Từ hải đảo xa xôi, đến địa đầu Tổ quốc, những vở diễn được các nghệ sĩ thể hiện hết mình tại các đơn vị trong và ngoài ngành. Hàng loạt vở kịch mang đậm tính chính luận và thi thoảng xen lẫn là những tiểu phẩm ngắn, kịch ngắn.

Gắn bó hàng chục năm trong nghề biểu diễn, nhiều nghệ sĩ sân khấu kịch CAND đã quen mặt, ở trong lòng với khán giả cả nước qua những thước phim truyền hình. NSND Nguyễn Hải, NSND Công Bẩy, NSND Trần Nhượng được coi là dàn diễn viên gạo cội của Nhà hát Ca múa kịch CAND đã góp mặt trên sê-ri phim truyền hình dài tập. Lợi thế ở trong đoàn kịch thuộc lực lượng vũ trang nên khi vào vai diễn mô tả về tội phạm cần có sự gai góc, quyết liệt, các nghệ sĩ đã luôn để lại dấu ấn cho khán giả. Mới đây, vở kịch “Chuyên án Z5” và “Vẫn sống” của Nhà hát Ca múa kịch CAND tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” đã để lại sự xúc động trong lòng khán giả.

NSND Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch CAND (thành viên Hội đồng Ban giám khảo Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”) bày tỏ: “Sau thời gian dài giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, anh chị em nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi phải xa sân khấu và thiếu vắng khán giả. Mặc dù vậy, mong muốn ra mắt một tác phẩm nhiều tâm huyết, sáng tạo và đi vào lòng người đã trở thành động lực, giúp các nghệ sĩ vượt qua tất cả để hăng say luyện tập. 

Một cảnh vở diễn của Nhà hát kịch Công an nhân dân.

“Liên hoan thật sự thành công với mục tiêu xây dựng trọn vẹn hình tượng người chiến sĩ CAND thông qua các vở diễn gây ấn tượng sâu sắc. Đối với công chúng, tôi cho rằng các tác phẩm lần này đã đem lại cái cảm xúc nghệ thuật mà bấy lâu nay sân khấu còn khá thiếu. Thế nhưng, đối với ban giám khảo, các tác phẩm dự liên hoan chắc chắn lại là một sự “khổ”, bởi thật khó để lựa chọn giữa một rừng “hương sắc” như thế”. Có thể nói, phần thưởng lớn nhất của các nghệ sĩ chính là những tràng pháo tay không dứt sau một phân đoạn hay kết thúc vở diễn và được diễn hết mình trong một nhà hát luôn kín người xem. “Khi chứng kiến sự đón nhận của khán giả và đồng nghiệp đối với vở diễn, anh chị em nghệ sĩ coi đó là hạnh phúc lớn nhất và niềm động viên khích lệ chúng tôi tiếp tục ra mắt nhiều hơn những tác phẩm chất lượng”.

NSND Thúy Hiền cho biết: Sau đợt Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, đoàn đã đi biểu diễn ở một số nơi, đều được đông đảo công chúng đón nhận. Vừa qua, nhà hát cũng mang vở đi biểu diễn ở Hưng Yên và Hà Nam. Chính sự tin yêu của khán giả làm động lực thúc đẩy tập thể nghệ sĩ hăng say sáng tạo ra những tác phẩm mới có chất lượng cao. Ngày 19-12 vừa qua, vở “Con đò của mẹ” tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng ra mắt tại rạp Hồng Hà (Hà Nội). Ngày 7-12 vở “Duyên định” được đoàn đem đi lưu diễn các tỉnh. Dự kiến vào tháng 1-2021, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa kịch CAND  sẽ đem vở đi biểu diễn ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, đoàn sẽ kết thúc chuyến lưu diễn với một đêm diễn vào tối 28 tết Nguyên đán tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội”. 

“Được diễn và cống hiến hết mình phục vụ quần chúng nhân dân là niềm vinh dự, tự hào của đông đảo các nghệ sĩ đúng như kim chỉ nam trong ngành: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, NSND Thúy Hiền nhấn mạnh.

Trần Mỹ Hiền
.
.