Nỗ lực hồi sinh nghệ thuật và điện ảnh đã mất do chiến tranh

Thứ Ba, 26/06/2018, 11:26
Trong suốt nhiều thập niên, Baghdad được coi là “thủ đô văn hóa của thế giới Arập”. Nhưng chiến tranh đã làm thay đổi điều đó. Hiện nay, các nghệ sĩ đang đấu tranh với hậu quả của cuộc xung đột và họ nhận định sự hồi sinh của nghệ thuật liên kết chặt chẽ với tương lai của đất nước Iraq.

Sau khi quân đội Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, lật đổ chế độ Tổng thống Saddam Hussein, kho phim ảnh cùng với tất cả các trang thiết bị làm phim của đất nước bị cướp phá tan hoang và về sau bạo lực sắc tộc khiến cho tài năng nghệ thuật bị cạn kiệt.

Nhưng, với nỗ lực phục hưng nền điện ảnh nước nhà, các nhà làm phim độc lập cũng đạt được một số thành công đáng kể - ví dụ, bộ phim “Đứa con của Babylon” của đạo diễn Mohamed Al-Daradji do tư nhân tài trợ nhận được nhiều giải thưởng quốc tế và được chọn là bộ phim chính thức của Iraq tham dự giải Oscar - giải thưởng hằng năm của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ - năm 2011.

Phục hồi nền nghệ thuật đã mất

Trong suốt thế kỷ 20, Iraq được coi là trung tâm nghệ thuật của thế giới Arập. Khi quân đội Mỹ tràn vào Iraq năm 2003, quang cảnh nghệ thuật vững chắc của Baghdad bị sụp đổ. Các nhà sưu tập nghệ thuật rời khỏi đất nước và các họa sĩ, nhà điêu khắc cũng đi theo họ. Qasim Sabti - họa sĩ và chủ nhân gallery Hewar có quan hệ mật thiết với phương Tây - thật sự là người có máu mặt trong giới nghệ sĩ tạo hình ở Iraq.

Trong những năm đầu của chiến tranh, Sabti nói nhiều nghệ sĩ địa phương vẫn có thể sống nhờ vào nghệ thuật của họ. Sabti cho biết: “Đầu tiên, nhân viên Liên Hiệp Quốc, nhà báo và cả lính Mỹ tìm đến gallery của tôi để mua tranh tượng”. Với giá cả dao động từ 800 USD đến 2.000 USD cho một bức tranh sơn dầu tinh tế, nhiều kẻ ngoại quốc này tìm thấy một chỗ trong con tim để chứa nghệ thuật Iraq. Rồi khủng bố xuất hiện và việc buôn bán trở nên ế ẩm. Sabti nói: “Như vào năm 2005, người nước ngoài không còn tự do đi lại được nữa. Kể từ đó, việc bán tranh chựng lại”.

Họa sĩ và chủ nhân gallery Qasim Sabti là người có máu mặt trong giới nghệ sĩ tạo hình ở Iraq.

Quở trách dân thường Iraq vì việc này, như Sabti đã làm, là điều không hợp lý. Nhưng sự thật đau buồn trơ ra đó: những người Iraq hiểu biết về văn hóa đã giảm đi nhiều trong những năm gần đây. “Baghdad có nguy cơ trở thành một thành phố không có bộ mặt”, nhà điêu khắc và nhà văn Ahmed Abdullah Fadaam buồn bã nói và ông nhận định những tượng đài công cộng và tác phẩm điêu khắc là hình ảnh của một quốc gia. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, Fadaam cố gắng cứu lấy những gì mà ông có thể.

Trong nhiều năm trời, bức tượng “Our Lady of the Marshes” của nhà điêu khắc nổi tiếng Khalid Al-Rahal sừng sững giữa quảng trường trung tâm thành phố Sadr, khu ngoại ô nghèo của Baghdad. Theo Fadaam, khi người Hồi giáo nắm quyền lực, họ cho tháo gỡ hình ảnh người phụ nữ “bởi vì người ta có thể trông thấy lờ mờ hai đầu núm vú của người đàn bà”. Fadaam và vài người cùng chí hướng đã rất khó khăn để thuyết phục những người Iraq khác không nấu chảy bức tượng đồng bởi lẽ nó là tác phẩm của một trong những nghệ sĩ Iraq nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.

Fadaam nói: “Hiện nay bức tượng nằm phủ bụi trong tầng hầm của Bộ Văn hóa”. Fadaam là nghệ sĩ nhạy cảm và thâm trầm. Những tác phẩm phản ánh đời sống Iraq của Fadaam, được Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đặt hàng, đã giành được vài giải thưởng quốc tế. Hiện thời, Fadaam quay sang viết phóng sự cho đài phát thanh và vẽ minh họa cho một nhà xuất bản truyện tranh. Chiến tranh tàn khốc đã khiến cho Fadaam không muốn cầm cây đục nữa. 

Một tác phẩm điêu khắc của Fadaam thể hiện hình ảnh những người vợ góa trong chiến tranh.

“Ngay khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã ngưng sáng tác điêu khắc”, Fadaam nói - bởi vì ông không muốn bất cứ ai phải đối mặt với sự ác nghiệt của chiến tranh trong một tác phẩm nghệ thuật to như thật. “Có gì là tốt đẹp nếu như tôi thể hiện sự kinh hoàng, sự sợ hãi của chính tôi trong điêu khắc? Rồi tôi chỉ sẽ mang đến cho người xem cùng nỗi tuyệt vọng như tôi mà thôi”.

Theo Fadaam, nghệ thuật hiện đại Iraq cũng giống như chính người dân Iraq: nạn nhân của chiến tranh. Đời sống hằng ngày cũng trơ trụi nghèo nàn như công việc sáng tác. “Những người còn cầm cọ vẽ sẽ chẳng bán được gì. Ai muốn treo một bức tranh mô tả xác chết bị phân thây ngay trên bàn ăn của mình?”.

Nhưng các họa sĩ không biết làm gì khác hơn ngoài sự tái tạo hiện thực tàn nhẫn và các nhà điêu khắc chỉ có thể phản ánh sự kinh khủng của chiến tranh. Fadaam muốn nói đến một bộ phận tốt đẹp nhất trong cộng đồng nghệ sĩ của Iraq - những người bị thúc ép phải sáng tác, những người có động lực thúc đẩy. Fadaam kỳ vọng vào thế hệ những người Iraq mới hiện đang học tập trong trường nghệ thuật.

Ông nói: “Có vài tài năng đang học tập ở đó”. Trong tương lai không xa, những tài năng mới này sẽ mang hơi thở mới đến cho nghệ thuật Iraq và đưa Baghdad trở lại vị trí trung tâm văn hóa như thời trước chiến tranh một lần nữa. Fadaam tin tưởng sự hồi sinh của nghệ thuật liên kết chặt chẽ với tương lai của đất nước Iraq. Fadaam kết luận: “Nếu lớp người trẻ tuổi có thể thể hiện tình yêu và hạnh phúc trong tác phẩm của họ thì điều đó không chỉ là tương lai sáng sủa cho nghệ thuật mà còn cho chính người dân Iraq”.

Vực dậy nền điện ảnh từ đống tro tàn

Âm thanh ầm ĩ của máy phát điện, những mớ dây điện giăng tứ tung và sự rối rắm của các chốt kiểm soát an ninh là bộ mặt của hoạt động điện ảnh ở Iraq hiện nay. Đó là chưa nói đến tình trạng thiếu không gian cho studio và “khan hiếm” đội ngũ chuyên gia làm phim. Nhưng, những nghệ sĩ như là Sudiq Abbas vẫn cảm thấy hạnh phúc khi quay lại làm việc. Chiến tranh đã làm cho phần lớn cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp - bao gồm ngành điện ảnh - rơi vào cảnh hoang tàn.

Trong gallery của Sabti trưng bày những tác phẩm hội họa.

Trong hoàn cảnh chiến tranh tàn phá, nền điện ảnh Iraq vẫn chưa được nhà nước ưu tiên tài trợ và bộ phim dài cuối cùng được hưởng đặc ân đó là vào năm 1990. Tuy nhiên, các nhà sản xuất phim độc lập vẫn cố gắng đấu tranh để tồn tại. Sau khi quân đội Mỹ rời khỏi Iraq, ngành công nghiệp dầu mỏ nước này phát triển đến mức cao nhất trong nhiều thập niên qua nhờ vào các hợp đồng hàng tỷ USD với các công ty nước ngoài. Cuộc sống thường ngày ở Iraq đã có những dấu hiệu cho thấy đang dần đi vào ổn định và chính phủ cho biết đã đến lúc có thể phục hồi tài trợ cho lĩnh vực nghệ thuật nước nhà.

Năm 2013, Bộ Văn hóa Iraq đã tranh thủ được khoản tiền 4,7 triệu USD đủ để tài trợ cho 21 bộ phim truyện dài và ngắn cũng như phim tài liệu đề cập đến các đề tài nhạy cảm như là sự đối đầu giữa hai phái Shiite và Sunni cũng như danh dự gia đình. Ismail al-Jubouri, một quan chức lãnh đạo của Bộ Văn hóa, lạc quan.

“Hy vọng chúng tôi có thể phát triển được, bởi vì trong lịch sử điện ảnh Iraq, chúng tôi chưa bao giờ sản xuất được 4 phim trong 1 năm”. Vào giai đoạn thập niên 50 thế kỷ trước, điện ảnh Iraq chỉ sản xuất được 2 phim trong 1 năm với vài phim tài liệu lẻ tẻ. Trong 25 năm cầm quyền của Tổng thống Saddam Hussein, kể từ năm 1979, điện ảnh Iraq - cũng như nghệ thuật, sân khấu và âm nhạc - chủ yếu là công cụ tuyên truyền cho đảng Baath cầm quyền.

Lúc đó, các bộ phim chủ yếu tập trung vào cuộc chiến tranh Iraq - Iran (1980-1988) mô tả Iraq là phe chiến thắng. Hay mô tả cuộc đời của Saddam Hussein như bộ phim “Những ngày dài”. Thập niên 70 thế kỷ trước được coi là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Iraq, khi mà chính quyền cho mở cửa rạp chiếu phim đầu tiên của nước này, tăng cường tài trợ cho các bộ phim dài và kêu gọi các nhà làm phim Arập giúp đỡ. “Cái đầu” là bộ phim màu đầu tiên của Iraq được sản xuất trong giai đoạn này. Faisal al-Yassiri, đạo diễn phim “Cái đầu”, là một trong những đạo diễn được hưởng tài trợ từ nhà nước.

Hiện nay, các đạo diễn Iraq rất phấn khởi trước quyết định tài trợ làm phim trở lại cho dù số tiền cung cấp không là bao so với tiêu chuẩn quốc tế. Theo chương trình tài trợ điện ảnh của Chính phủ Iraq, bộ phim dài sẽ nhận được nhiều nhất là 1,25 tỷ dinar (khoảng 1,07 triệu USD). Trong khi bộ phim ngắn - như là “Giọt nước mắt của người đàn ông” - nhận được số tiền ít hơn rất nhiều. Saad Abdullah, nhà sản xuất phim “Giọt nước mắt của người đàn ông”, đánh giá cao quyết định tài trợ phim ảnh của nhà nước. Ông phát biểu: “Tôi cảm thấy họ muốn giúp đỡ chúng tôi. Họ tài trợ không nhiều song chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình”. Tuy nhiên, không phải ai cũng phấn khích trước sự tài trợ điện ảnh của chính quyền Iraq. Kasim Abid, người trở về Iraq sau năm 2003 để đào tạo ngành sản xuất phim, cho biết sáng kiến tài trợ thể hiện quan điểm chính trị hơn là khích lệ các nhà làm phim trong nước.

Một cảnh trong bộ phim “Đứa con của Babylon” do đạo diễn Mohamed Al-Daradji dàn dựng.

Mufid al-Jazairi, chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Văn hóa độc lập của Iraq, cho rằng các nỗ lực của chính quyền phải dành cho mọi ngành nghệ thuật. Jazairi nói: “Khi mà khu vực tư nhân yếu kém, chỉ có nhà nước mới có thể đóng vai trò tài trợ. Chúng tôi cần sự hỗ trợ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật”. Mặt khác, cho dù điện ảnh Iraq có phát triển được thì việc chiếu phim cũng là vấn đề gay go. Bởi vì, bất chấp tình hình an ninh có cải thiện nhiều đi nữa thì người dân cũng rất dè dặt khi phải bước đến những nơi đông người.

Trong số 90 rạp chiếu phim ở Iraq, có 64 rạp tập trung ở thủ đô Baghdad, nay chỉ còn lại không hơn 5 rạp. Chính quyền Baghdad có kế hoạch xây dựng 3 rạp chiếu phim bên trong khuôn viên Nhà hát Quốc gia, trong đó gồm một sảnh 40 chỗ ngồi dành cho trẻ em với máy chiếu 3D.

Fawzi al-Atroushi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Iraq, cho biết cơ quan cũng có kế hoạch sửa chữa 90 rạp chiếu phim và 20 nhà hát mà phần lớn đã bị hủy hoại hay bỏ hoang trong nhiều năm qua do những cuộc tấn công khủng bố. Al-Astroushi cũng cho biết cùng với việc sửa chữa, các tụ điểm giải trí công cộng này cũng nhận được những trang thiết bị hiện đai.

Di An (tổng hợp)
.
.