Nở rộ trào lưu xăm hình

Thứ Năm, 14/08/2014, 14:25

Vài ba năm trở lại đây, trào lưu xăm mình trở nên rầm rộ tại Việt Nam và đến nay ngày càng phát triển. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng xăm là một cái gì đó rất… không ổn. Nhưng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng hàng đầu thế giới, những chân sút bóng cự phách của nhiều quốc gia... với những hình vẽ trên cơ thể  bởi đường nét tinh xảo, ý tưởng phong phú, bố cục gọn ghẽ đã khiến cho nhiều con tim mê mẩn và quan điểm đã thay đổi.

Xăm nghệ thuật, một thể loại vẽ trên cơ thể con người du nhập vào Việt Nam tưởng như chỉ dành cho giớ trẻ nhưng thực chất hiện nay trào lưu này đã dần mở rộng cho nhiều lứa tuổi và nhiều thành phần trong xã hội.

Ngày hè, đi qua phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, bắt gặp người phụ nữ mặc chiếc váy mềm mại. Mái tóc cắt ngắn để lộ ra bờ vai trắng mịn, phía sau gáy là hình xăm hoa hồng rất ấn tượng. Khi lại gần tôi nhận ra Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, em bé Hà Nội, chị vẫn trẻ trung và quyến rũ. Dường như thời gian đành bó tay, bất lực trước vẻ đẹp thanh nữ của chị.

Tôi khen: “Hình xăm của chị rất xinh”, Lan Hương cười tươi, chị bảo rằng, cố chịu đau một chút thì sẽ có hình xăm ưng ý. Đôi lúc tự ngắm mình trong gương, nhìn cái hình xăm be bé ấy chị cũng thấy hay hay và thấy mình còn trẻ lắm.

Trước kia rất ít người xăm hình nhưng hai, ba năm trở lại đây, người ta đi xăm hình ngày một nhiều. Ở cạnh nhà tôi, một hôm đi làm về thấy hai mẹ con mắt mũi đỏ hoe. Mẹ khóc, con khóc. Người mẹ nói: “Con gái gì nó. Có mà như giặc. Đang yên đang lành đi vẽ vời hình này, hình nọ lên đùi thế kia thì tắm bao nhiêu lần cho sạch, cho hết. Có mà chung thân với nó cả đời. Sau này yêu ai, lấy ai gia đình nhà người ta đánh giá…”.

Cô con gái cãi lại: “Con làm gì xấu nào?! Mẹ là lớp người cũ, quan điểm lạc hậu, cổ hủ rồi. Ai cũng nghĩ như mẹ thì những người xăm hình xấu hết cả à?!”. Người mẹ nổi đóa lên: “Xăm là xăm trên người chị, chị có thân chị giữ, cũng chả ai giữ được mãi cái thân của chị, chỉ sợ sau này chị lại ân hận vì không nghe mẹ…”. Cứ thế, hai mẹ con lời qua tiếng lại một hồi.

Tôi nhìn thấy có cái hình zích zắc chạy vòng qua đùi cô gái, ở trên cánh tay cô cũng chạy một đường như thế nữa. Để làm dịu tình hình, tôi xen vào: “Cũng không đến nỗi nào đâu chị”. “Ối giời! Cô lại còn nối giáo cho giặc”, người mẹ tỏ vẻ bực tức.

Khi về nhà, tôi vào ngay trang báo mạng. Đập ngay vào mắt là cơ man những nghệ sĩ thế giới xăm hình. Còn nghệ sĩ Việt Nam, nam ca sĩ Tuấn Hưng cũng chăng kín hình ở hai tay với nhiều hoa văn và màu sắc.

Diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới Angelina Jolie với hình xăm chữ nhỏ chạy nhiều hàng trên cánh tay trái đã làm điêu đứng bao người hâm mộ. Cả ngôi sao bóng đá Anh, David Beckham với hình xăm kín hai tay, một phần ngực và chữ chạy dọc cơ thể khiến cho người hâm mộ không thể rời mắt. 

Khu nhà tôi ở có nhiều cậu thanh niên xăm hình, một cậu sở hữu hình xăm kín bụng và ngực nói: “Thường thì không phải bố mẹ nào cũng nghĩ thông thoáng, nhiều người cứ nghĩ xăm là cái gì đó chán đời, thất tình... Quan điểm đấy cần phải thay đổi”.

Cậu kể, bố mẹ không cho xăm, nên cậu phải xăm lén, rồi phải tiết kiệm tiền để xăm hình, về nhà nắng nóng đến 40oC mà vẫn không dám cởi áo... Mỗi lần vào nhà tắm là phải chốt cửa chặt. Mỗi lần thay quần áo, cửa phòng phải khóa trái. Đến hơn một năm sau bố mẹ cậu mới biết.

Lần đầu đi xăm kín lưng, đến khi bố mẹ biết được thì bố la mắng, mẹ khóc mất mấy ngày liền. Đến lần thứ hai xăm kín bụng về bố tiếp tục mắng, còn mẹ lại khóc. Đến lần thứ ba xăm ở chân về, cậu cũng chuẩn bị tâm lý làm kẻ chịu trận. Nhưng lần này, bố không mắng và mẹ cũng không khóc nữa, chỉ buông đúng một câu gọn lỏn: “Lại xăm à?!”.

Xăm giờ đây chả còn xa lạ. Nếu bạn đi sang các nước trên thế giới từ phương Đông cho đến phương Tây thì xăm từ lâu đã trở thành một môn nghệ thuật được yêu chuộng. Tuy nhiên, ở mỗi một miền đất có cách thể hiện hình vẽ khác nhau do quan điểm nhận thức, tư duy và tôn giáo quyết định.

Thanh Hải, là sinh viên đang sở hữu hình xăm thuộc dạng khủng do nghệ sĩ Lâm, một thanh niên yêu thích bộ môn nghệ thuật này kiến tạo. Hải và Lâm đều lứa tuổi 9X. Lâm tóc buộc túm trông quá già so với tuổi lại quá say  người tình trăm năm - nghề xăm. Vì yêu thích nên Lâm đầu tư cả tỉ đồng vào việc sắm cho mình đủ máy xăm các loại, và những màu xăm bắt mắt. Hải, để có được bức tranh một mặt trên người ưng ý, đã phải lì đòn chịu đau khiến nhiều người bái phục. Mỗi buổi xăm liên tục 8 tiếng và cách nhau một tuần.

Thấy khách xăm kiên trì, nghệ sĩ xăm thì đầy nhiệt tình, để không làm đứt đoạn mạch cảm xúc đang lên nên có buổi họ cùng làm việc không ngưng nghỉ suốt 10 tiếng đồng hồ. Kiên trì ròng rã như vậy đến 3 tháng. Phải cách nhau một tuần vì sau khi xăm về da sẽ hơi nề lên rồi đợi cho da khô bong vẩy lớp da chết, lên một lớp da mới rồi mới tiếp tục xăm.

Tại “đại bản doanh” của Lâm, có những khách hàng càng xăm càng nghiện. Khách xăm có nhiều thành phần ngoài nam thanh nữ tú, còn có cả ông bà già cũng đến xăm. Họ thường xăm hình mặt Phật vào bắp tay hoặc hình hoa sen để tỏ lòng tôn kính với tín ngưỡng Phật giáo, và muốn Phật luôn hiện diện bên cạnh họ, che chở cho họ trong suốt cuộc đời. Nhiều cô gái vì cuồng yêu nên xăm cả tên người yêu lên ngực. Thế nhưng, tình yêu là thứ mong manh, nó có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Cho nên khi trở thành người xa lạ, chỉ còn lại nỗi đau và một cái tên không thể xóa mờ.

Hải sở hữu hình xăm vào loại khủng từ khi còn là cậu học sinh lớp 10. Còn Lâm khi đấy còn rất trẻ. Họ cùng nhau lên kế hoạch thực hiện công trình nghệ thuật của mình. Tôi nhìn hình xăm của Hải và thắc mắc liệu nó sẽ thế nào theo thời gian. Cậu bảo: Màu mực xăm hiện đại có chất lượng tốt có thể đi theo người xăm cả đời không phai màu. Màu xăm ở dưới lớp da 0,5mm chứ không phải nằm ở bề mặt. Hải kể cậu tự cảm thấy từ hồi có hình xăm Phật cậu trở nên ngoan hơn, chín chắn hơn. Hình như Phật đang hiện về đâu đây trong tâm thức của cậu (?).

Dụng cụ xăm.

Hải kể, nếu ai yêu thích và tìm hiểu về môn nghệ thuật này thì sẽ thấy thú vị, như Ana Hằng, Vi Phương là những thợ xăm nhưng hoạt động ở nước ngoài. Vi Phương là thợ xăm người Việt nổi tiếng ở Đức. Ở Việt Nam bây giờ cũng có nhiều nữ nghệ sĩ có tay nghề cao. Có người thực sự có tài, có năng khiếu vẽ chỉ cần học một hai năm là thành công. Giới yêu xăm không lạ lẫm với những thợ xăm sành sỏi: Tuấn Bờm ở Bà Triệu, Gấu Đen ở phố Huế, Nam Phong ở Phúc Xá, Quốc Hoàn ở hàng Vải…

Xem nghệ sĩ Lâm hì hụi xăm hình cho một thanh nữ vào cổ chân, một cậu bé chừng 10-11 tuổi mon men lại gần ra chừng thích thú. Tôi buột miệng bảo cậu nhỏ này mà chịu đau được gì chứ, chắc lên bàn xăm được 10 phút thì chạy ngay. Cậu bé bảo, vì trông nó yếu ớt giống con gái nên nếu xăm  thì trông có vẻ mạnh mẽ và nam tính hơn.

Nhóm bạn của Hải gồm 6 cậu thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn đều qua bàn tay điêu luyện của Lâm để có hình xăm thuộc dạng độc. Hiệp sở hữu hình xăm kín ở bên cánh tay và tới đây cậu sẽ xăm nốt tay còn lại. Long cũng cuồng xăm không kém, cậu tự mày mò học, tự mua mực, mua máy kì cạch hì hụi xăm lên chân mình.

Dân xăm phân biệt nhiều loại: xăm kín, xăm hở, xăm vui, xăm buồn, xăm vì hận tình, hận đời trong lúc chán đời thì tìm đến xăm. Người xăm vì chỉ đơn giản là yêu thích bộ môn nghệ thuật này và muốn mình thay đổi một cái gì đó, làm mới mình, để cho mình mạnh mẽ và tự tin hơn. Có một sự khác biệt rất lớn giữa xăm nghệ thuật và xăm tù tội.

Trước đây, học viên tại các trung tâm cai nghiện, trong nhà giam nhiều người xăm vì do chán đời họ xăm hình đầu lâu, mũi tên, đao kiếm, chữ sầu, chữ hận… Họ thường dùng một cây kim nhọn cuốn chỉ hở ra một tí ở đầu mũi nung qua lửa. Mực xăm được chế từ lốp xe hơ qua lửa thành than trộn với kem đánh răng.

Ngày nay, người ta chuộng xăm nghệ thuật vì màu sắc và hình dáng phong phú với đủ loại các ý tưởng và bố cục, kiểu dáng mặc sức chọn lựa. Người đời giờ đây cũng dần bớt khắt khe với môn nghệ thuật độc đáo này.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc Thẩm mỹ viện Hồng Anh:

Khi các bạn xăm hình nên đến những thợ xăm có uy tín và có thao tác chuyên nghiệp để hình xăm được đẹp và không hại cho sức khỏe.  Nếu thợ xăm không tuân thủ những điều luật cơ bản về vô trùng và khử trùng thì người đi xăm dễ bị nhiễm trùng.  Còn với những thợ xăm chuyên nghiệp, tôi thấy họ đều phải đeo găng tay, dùng kim mới riêng biệt, các loại thuốc khử trùng, khăn ướt và một số loại thuốc bôi để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người đến xăm đồng thời bảo quản hình xăm.

PGS - TS - Nhà Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái:

Tôi cho rằng đến bây giờ người Việt mới thích xăm mình thì cũng là tự nhiên thôi, vì hình xăm đang phổ biến và được coi là mốt ở phương Tây. Đặc biệt là một số minh tinh màn bạc Mỹ rất mê thích hình xăm. Và rồi hình xăm tràn vào Việt Nam theo kiểu “thuyền đua thì lái cũng đua”. Khá nhiều nghệ sĩ Việt đã thích xăm hình lên cơ thể. Tôi trộm nghĩ ai cũng có quyền riêng tư đối với thân thể của chính mình, như xăm hình chẳng hạn. Việc xăm hình cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới và cũng chẳng có luật pháp nào ở Việt Nam cấm cản. Nhưng xăm hình thế nào cho đẹp, dễ coi, dễ khoe mà không làm ảnh hưởng đến xung quanh bởi hình xăm của mình, làm xốn mắt người nhìn thấy, lại là việc có thể phải bàn.

Nếu như hình xăm  xuất hiện ồn ào trên thân thể một nghệ sĩ hát tình ca trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội chẳng hạn, với những con rồng xăm chi chít, uốn éo trên cổ ngực vai lưng chẳng hạn, khiến ai nghe hát cũng phải mở to/trợn tròn mắt để nhìn, chẳng còn lòng  nào nghe hát nữa, thì thật… phản thẩm mỹ. Hoặc trên sân khấu, diễn viên sắm vai một chiến sĩ công an hoặc một anh bộ đội Cụ Hồ, mà vẫn giữ nguyên hình xăm hoa hòe hoa sói hoặc chữ nghĩa lằng nhằng chi chít trên cánh tay, do ý thích riêng trong đời thường, chẳng ăn nhập gì với tính cách và ngoại hình vai diễn, thì đương nhiên sẽ gây cảm giác rất khó chịu cho cái nhìn thẩm mỹ của người xem.

Tôi thiển nghĩ bản thân hình xăm chả có tội tình gì, có điều, đừng nên phô phang nó một cách vô lối, nhất là trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu. Bởi trên sân khấu, các nghệ sĩ hát, múa hoặc diễn kịch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chí thẩm mỹ của nghệ thuật diễn xuất, không thể tùy tiện xăm hình theo ý thích cá nhân kiểu đua đòi sính ngoại, mà không mảy may đếm xỉa đến người xem Việt, vốn không/chưa thể quen mắt với những hình xăm phản cảm với chính bài hát, điệu múa, nhân vật mà nghệ sĩ phải trình diễn trên sân khấu.

Xem ra cái hình xăm trên thân người Việt tưởng dễ, vậy mà xử lý nó thế nào cho thuận mắt nhìn, cũng khó lắm thay?

Mỹ Trân
.
.