Nobel Văn học – Nhìn từ hai giải 2018 và 2019

Thứ Sáu, 18/10/2019, 14:29
Nobel Văn học từng không được trao 7 lần. 6 lần do chiến tranh (1914, 1918, 1940 - 1943); một lần năm 1935, do không có nhà văn nào xứng đáng. Và hoãn 2 lần. Năm 1949, Nobel Văn học bị hoãn đến 1950.

Lý do: cây bút Mỹ William Faulkner (1897-1962) đáng được tôn vinh nhưng năm 1949, chưa hội đủ phiếu bầu. Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan xét giải, quyết định tiếp tục các cuộc thảo luận. Các viện sĩ được tìm hiểu thêm, đánh giá cẩn thận giá trị của cây bút này.

Không hề có vận động, chạy chọt hay gây sức ép. Năm sau, Faulkner được 13/18 phiếu và nhận giải 1949 cùng với Bertrand Russell (1872-1970), nhà bác học Anh lừng lẫy, nhận giải 1950.

Năm 2018, Nobel Văn học lại bị hoãn vì Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan xét tặng, chỉ còn 10 người. 8 trong tổng 18 viện sĩ của Viện hoặc đã ngưng làm việc cho Viện nhiều năm (2 người) hoặc buộc phải từ chức (6 người, trong đó có nữ thư ký thường trực vĩnh viễn đầu tiên Sara Danius, từ 2015). Họ rút lui vì thấy Viện tỏ ra không còn đáng tôn trọng và tin cậy.

Hai tác giả Olga Tokarczuk và Peter Handke.

Chính quyền Thụy Điển vốn nổi tiếng liêm chính và minh bạch, đặc biệt về công quỹ. Cơ quan văn hóa càng phải mẫu mực hơn. Thế mà, Viện đã bị thao túng về tài chính (các hỗ trợ đáng ngờ) và thông tin (liên quan tới quá trình xét giải, được giữ kín nửa thế kỷ), bởi một một người thân cận của Viện.

Đó là Jean-Claude Arnault, 72 tuổi, gốc Pháp, chồng của nữ nhà thơ, viện sĩ Katarina Frostenson. Cùng vợ thành lập một trung tâm văn hóa, người này khôn khéo lợi dụng Viện Hàn lâm Thụy Điển để trục lợi. Cuối năm 2017, báo chí Thụy Điển phanh phui việc y xâm hại 18 phụ nữ. Y đã bị tòa án Thụy Điển xử phạt 2,5 năm tù... Theo thông lệ, phải có ít nhất 12 viện sĩ bỏ phiếu, kết quả bình chọn Nobel Văn chương mới hợp lệ.

Việc bổ sung viện sĩ được tiến hành ngay từ giữa năm ngoái. Đến tháng 4-2019, đã đủ. Cuối tháng 4, Giáo sư văn học Mats Malm, 54 tuổi, được Viện bầu làm thư ký vĩnh viễn mới của Viện. Vua Thụy Điển, người đỡ đầu Viện chấp nhận một vài thay đổi. Ví như, viện sĩ không nên là viện sĩ suốt đời như bấy nay. Rồi, bên cạnh 5 thành viên của Ủy ban Giải Nobel, Viện mời thêm 5 người bên ngoài để cùng làm việc, đạt hiệu quả cao nhất. Năm người này giúp Ủy ban Nobel 3 mùa giải, 2018, 2019 và 2020.

Trình tự xét giải không thay đổi: mùa thu hằng năm, Ủy ban Nobel gửi thư tới khoảng 700 địa chỉ ở Thụy Điển và thế giới, đề nghị các cá nhân và hội đoàn văn học và ngôn ngữ uy tín đề cử các tên tuổi cho Nobel Văn học. Đầu tháng 1 năm sau, chốt lại khoảng 350 người. Tham khảo các chuyên gia để giữ lại chừng 20. Rồi tiếp tục sàng lọc, đến đầu tháng 5, chọn 5 người vào chung kết.

Ba nữ đại thụ: Margaret Atwood, Marysse Condé, Joyce Carol Oates.

Từ đó, các viện sĩ đọc tác phẩm của các cây bút này. Viện tổ chức những cuộc trao đổi nội bộ. Đầu tháng 10, toàn Viện bỏ phiếu kín, cây bút nào đạt quá bán sẽ được đội vương miện Nobel. Trong 50 năm, những việc đó được giữ bí mật. Quy chế như vậy xem chừng là khoa học và hoàn hảo. Như thông lệ, ngày 10-10-2019, tức tuần thứ hai của tháng, thư ký vĩnh viễn mới của Viện đã công bố 2 người trúng giải.

Giải 2018 được trao cho cây bút nữ Ba Lan Olga Tokarczuk, 57 tuổi. Bà tốt nghiệp khoa Tâm lý học, từng là bác sĩ tâm lý trị liệu, trước khi hiến mình cho văn học năm 1997. Với 12 tác phẩm đã in, bà được coi là nghệ sĩ ngôn từ Ba Lan xuất sắc nhất thế hệ bà. Sách của bà đã được dịch sang hơn 25 thứ tiếng. Năm 2008, bà được trao Nike, giải thưởng quan trọng nhất của Ba Lan, với tiểu thuyết “Những người lang thang bất tận”. Năm 2018, cũng với tác phẩm đó, bà đã giành Man Booker Prize.

Tiểu thuyết lịch sử của bà, “Những cuốn sách của Jakob”, 2014, một ngàn trang, là sách bán chạy nhất ở Ba Lan. Với sức tưởng tượng mạnh mẽ trong tự sự, với say mê hiểu biết bách khoa toàn thư, bà không nhìn nhận thực tế như cái gì nhất thành bất biến, mà luôn luôn căng thẳng, giữa các xung đột: văn hóa và tự nhiên, lý trí và rồ dại, đàn ông và phụ nữ, yên ấm gia đình và nô bộc lệ thuộc. Đặc biệt, bà lên án sự lừa đảo bằng các tín ngưỡng ngụy tạo, ca ngợi việc vượt qua các biên giới như một lối sống đáng thèm.

Lioudmila Oulitskaia.

Nobel Văn chương 2019 được trao cho nhà văn Áo Peter Handke, 77 tuổi. Bước vào văn đàn từ năm 1976, đến nay, ông đã công bố hơn 80 tác phẩm đủ loại, chủ yếu là tiểu thuyết và kịch. Hoạt động với tư cách nhà văn, tác giả sân khấu, đạo diễn, ông thành công ở tất cả các lĩnh vực đó.

Hiện giờ, ông là một trong những cây bút tiếng Đức được đọc và diễn nhiều nhất toàn cầu. Ngôn ngữ cực kì giản dị và trong sáng, ông hiện ra sừng sững như một nhà hiện thực cổ điển tái sinh. Ấn tượng hơn cả là việc ông phơi bày một cách độc đáo đến bất ngờ những thống khổ và nỗi bất khả “thông hiểu và giao hòa” của con người trong xã hội hiện đại...

Có điều, ông có những ứng xử khác thường, nếu không muốn nói là kỳ quặc. Trước đây, ông từng nói về Nobel Văn chương rằng: “Sau cùng, nhất định phải vứt bỏ nó. Nó là một sự phong thánh giả hiệu, chẳng mang lại gì cho bạn đọc”. Vậy nhưng, khi được báo qua điện thoại về chuyện được giải ấy vinh danh, ông không giấu được hoan hỉ và cam kết sẽ tới Thụy Điển nhận giải. Ông là người đến dự đám tang cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic (1941-2006).

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Viện cho qua các vấn đề khác, chỉ chú trọng vào giá trị tác phẩm của Peter Handke và tác động của nó tới đời sống nhân loại. Hẳn đây là thay đổi lớn trong quan niệm về văn học của Viện.

Xin nhớ lại, các giải Nobel ra đời từ di chúc của Alfred Nobel (1833-1896), nhà bác học kiệt xuất hàng đầu của nhân loại. Về Nobel Văn học, di chúc viết rằng giải này “trao tặng một nhà văn có những đóng góp lớn lao cho loài người, nhờ một tác phẩm văn chương mang lý tưởng mạnh mẽ”. Hơn một trăm năm qua, các viện sĩ hàn lâm Thụy Điển, đặc biệt là các thư ký vĩnh viễn, đã hiểu mấu chốt là ở “lý tưởng mạnh mẽ”.

Như vậy, hồn cốt cõi người là tốt đẹp. Nhờ thế, cõi đời mới tồn tại và phát triển. Nhà văn phải là chiến sĩ chủ động, lạc quan, dũng cảm, bảo vệ hồn cốt đó. Ngôn ngữ, vũ khí của họ, phải sắc bén hơn người. Đòi hỏi của A. Nobel - nhà văn phải dấn thân, tác phẩm phải tích cực - thực ra là rất chuẩn.

Doris Lessing (1019-2013), Nobel văn học 2007, ở tuổi 88, cao tuổi thứ hai trong Ngôi đền Nobel.

Từ nhìn nhận ấy, Nobel Văn học không đến với những ông khổng lồ, như L.Tolstoi, E.Zola, A.Tchekhov hay M.Proust, H.James, J. Joyce mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá là bi quan. Viện không thích những cây bút bài Do Thái hoặc gần gũi với các lãnh tụ chẳng hạn. Viện ưa hơn những cây bút lưu vong hay đi đày biệt xứ. Những Maxim Gorki, Louis Borge, Louis-Ferdinand Céline không được xét tặng, trong khi những A.Soljenitsyne, P.Neruda được tung hô ngất trời.

Thậm chí Viện đã sai khi công kênh một số nhân vật không phải là người viết văn chuyên nghiệp? Đấy ví như nhà sử học Đức T. Mommsen (1817-1903) - Nobel Văn học 1902; nhà triết học Pháp Henri Bergson (1859-1941) - giải năm 1927; Thủ tướng Anh W.Churchill (1874-1965) - giải năm 1953; ca sĩ Mỹ Bob Dylan (sinh năm 1941) - giải năm 2016.

Các hồ sơ lần lượt mở, cho thấy họ đều dấn thân thực sự và chất văn trong tác phẩm của họ là đáng gờm. Không thể chối cãi, cứ là nhà văn chuyên nghiệp, chất văn đã ngồn ngộn. Chất văn của họ được ghi nhận ở dụng công trong cấu trúc văn bản, dùng từ... gây ấn tượng mãnh liệt nhất. Nhân tiện, đơn cử trường hợp Bob Dylan. Suốt đời, nhạc sĩ kiêm ca sĩ này hết mình cho ca nhạc.

Sáng tác và trình diễn liên tục, ông trở thành thần tượng của đông đảo công chúng không chỉ ở Mỹ. Nhận được tin trúng Nobel Văn học, ông không vui rộn lên như người ta tưởng. Thậm chí, ông định khước từ. Cuối tháng 11-2016, Tổng thống Barack Obama, một người hâm mộ ông đặc biệt, mời ông tới dự gặp mặt những công dân Mỹ được Nobel các loại được vinh danh tại Nhà Trắng. Ông đã vắng mặt.

Năm nay, Lobo Antunes, 77 tuổi, được coi là cây bút Bồ Đào Nha lớn nhất hiện thời, được gia nhập “Tủ sách 7 vì tinh tú” (Pléiade) của nhà xuất bản Pháp Gallimard. Tủ sách “khởi sự” từ năm 1931, tinh tuyển những tác giả hay nhất của văn học nhân loại. Không hề dễ dàng được lọt vào tủ sách được suy tôn là tinh hoa của văn chương nhân loại.

Ông tự hào tuyên bố: Tủ sách này giá trị hơn Nobel Văn học. Nhiều tên tuổi “trật” Nobel xuất hiện ở đây. Đồng thời, không hiếm tác giả Nobel vắng bóng nơi này. Số rất ít có mặt ở cả hai.

Suy cho cùng, tủ sách cũng là một lối đánh giá văn học. Nobel và nó đều quý báu cho văn chương và công chúng. Từ đó, ta dễ không choáng trước những chuyện tưởng lạ lùng. Nobel Văn học 1985 Claude Simon (1913-2005), Pháp, từ lâu được khâm phục là một trong những cây bút sáng giá nhất của văn học thế giới hiện đại. Nobel này vẫn được khẳng định là khép lại một thế kỷ văn học.

Thế nhưng, năm 2017, một tác phẩm chưa in của ông, do một người hâm mộ vô cùng yêu thích nó, lần lượt gửi tới 19 nhà xuất bản Pháp. 7 nhà xuất bản không hồi âm. 12 nhà xuất bản lắc đầu. Chỉ với một lý giải: hay nhưng câu văn quá dài, khó hiểu, những tác phẩm như loại này giờ không thích hợp nữa!

Viện Hàn lâm Thụy Điển nới lỏng “thái độ chính trị”, chú trọng tới nữ giới, sau #MeToo của thế giới và của chính mình... Trước đây, một nhà văn như Peter Handke bị Viện gạt ngay không thương tiếc. Tuy nhiên, thực tế đời sống văn chương cho thấy vẫn có những cây bút thánh thiện mà tư tưởng “có vấn đề”.

Đại văn hào Pháp Balzac (1799-1850) là một thí dụ. Dĩ nhiên định hướng văn học của A.Nobel được Viện Hàn lâm Thụy Điển thể hiện lâu nay qua bình chọn các tác giả để vinh danh vẫn là đáng trân trọng. Văn chương cần luôn luôn cho công chúng nhận rõ: thế giới này tốt đẹp là căn bản. Những tác phẩm trong đó, cái tốt được nhấn mạnh, tựa như “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (1802-1885) vẫn đáng quý hơn cả...

Như mọi lần, công chúng khắp nơi sôi nổi dự đoán chủ nhân của hai giải 2018 và 2019 trên nhiều trang mạng qua nhiều kiểu hội hè hay đen đỏ. Họ đoán đúng một điều quan trọng: chủ nhân 2018 là một nhà văn phái đẹp. Dư âm cuộc “phản pháo” lạm dụng tình dục “rung chuyển hành tinh” và Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa dứt, an ủi, suy tôn và tri ân phái yếu là quá đúng rồi. Trong 114 cây bút được đội vương miện Nobel Văn học, chỉ có 14 nữ (chưa kể người trúng giải 2018)...

Bên cạnh các trang nam nhi quen thuộc, như Adonis, Milan Kundera, Haruki Murakami... là những “lệnh bà” từ lâu vẫn trong tầm ngắm của độc giả toàn cầu: Joyce Carlol Oates, 81 tuổi, “Balzac của Mỹ”; Margaret Atwood, 80 tuổi và Anne Carson, 69 tuổi, đều Canada; Maryse Condé, 82 tuổi, Pháp - đoạt Nobel Văn học bổ khuyết 2018; Olga Tokarczuk, 57 tuổi, Ba Lan; Lioudmila Oulitskaia, 76 tuổi, Nga... Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn mang tiếng thiên vị: chủ nhân các giải đa phần người Âu - Mỹ; các châu lục khác, nữ, thơ, rất ít.

Với những dấu hiệu đổi mới đáng mừng như nêu trên, công chúng hi vọng Viện sẽ khắc phục những điều chưa được. Làm thế là tuân theo mệnh lệnh của cõi đời. Cõi đời mà mỗi mùa Nobel là một lần văn chương toàn thế giới bày tỏ lòng cung kính gan ruột (lời ông Mats Malm, thư ký vĩnh viễn của Viện). Dù văn chương muôn đời vẫn là cốt tử. Dù sứ mệnh của nó ngày càng gian lao và cao cả...

Trần Bích Nga
.
.