Giá dầu thế giới tăng kỷ lục, trên 100USD/thùng:

Nỗi lo của nhiều quốc gia

Thứ Sáu, 29/02/2008, 16:13
Những ngày gần đây, tại một số điểm giao dịch dầu mỏ của thế giới như London, Biển Đen, New York, giá dầu giao dịch trong quý 1 năm 2008 đã dao động ở mức kỷ lục, trên 100 USD/thùng.

Nguyên nhân của giá dầu tăng một phần là do đồng USD mất giá, Venezuela đe dọa trừng phạt Hoa Kỳ bằng giá dầu,  sự quan ngại của cuộc chiến Mỹ - Iran xảy ra, tâm lý lo khan hiếm dầu tại nhiều quốc gia tăng trưởng "nóng" sau khi một số thành viên của Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuyên bố sẽ cắt giảm một lượng lớn dầu thô, kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm trong khi nhiều quốc gia ở bắc bán cầu giá lạnh vẫn đang đeo bám, nhu cầu cần năng lượng sưởi ấm gia tăng.

Tâm lý tạo ra cơn sốt giá hay là do khan hiếm thực sự?

Ngay sau khi Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), một thành viên của OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác 600.000 thùng/ngày vào tháng 11/2007 với lý do bảo trì ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ cùng với việc an ninh tại một số nơi trên thế giới không được đảm bảo đã khiến giá dầu thế giới leo thang ở mức không thể tưởng tượng nổi.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi của Arập Xêút, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất của OPEC, giá dầu thời gian qua tăng cao kỷ lục một phần là do nhu cầu của Trung Quốc tăng, tâm lý lo khan hiếm dầu do cắt giảm cũng như ngưng vận chuyển loại nhiên liệu này do e ngại khủng bố tấn công... đã đẩy nguồn vàng đen  lên cao.

Tại cuộc họp báo mới đây, ông “vua không ngai” của thế giới đã thừa nhận, giá tăng ngất ngưởng trong khi nguồn cung vẫn dồi dào không gây ra tình trạng khan hiếm dầu là một yếu tố vô lý: "Chúng tôi đang lo ngại giá dầu sẽ giảm, hiện giờ giá tăng quá cao thì chúng tôi  không thể giải thích được nhiều hơn”.

Ngoài ra, ông Ali al-Naimi cũng đã có lập luận rằng, giá dầu tăng ngất ngưởng là nằm ngoài khả năng của OPEC, nó mang yếu tố chính trị hơn là thị trường. Một số chuyên gia của OPEC thì lại xoay quanh luận điểm rằng, giá dầu ngất ngưởng hiện nay  cũng một phần là do những tác động xấu ở Iraq, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới hiện nay.

Nhiều chuyên gia của OPEC cũng cho rằng, không tăng sản lượng, thậm chí cắt giảm sớm tránh để giá dầu thế giới lặp lại sự trượt dốc như năm 1998. Còn hiện nay, giá dầu tăng cao là do sự trượt giá của đồng USD, những lo ngại rằng, Mỹ có thể sẽ tấn công Iran gây xáo trộn sự cung cấp dầu mỏ ở Trung Đông.

Phản bác lại lập luận của Ali al-Naimi và Bộ trưởng Các nước xuất khẩu dầu mỏ, Cơ quan Nghiên cứu năng lượng thế giới SG mới đây đã khuyến cáo rằng: "OPEC đang đánh mất niềm tin với khách hàng toàn cầu, việc cố tình không tăng sản lượng của họ trong thời gian tới là một việc làm vô trách nhiệm, vì theo quy luật, giá giảm thì mới cắt giảm sản lượng để tăng giá, nhưng giá vẫn đang tăng rất cao trong khi họ nhắm mắt cắt giảm chứng tỏ là khối này không sẵn lòng hợp tác để đưa giá dầu thế giới xuống mức hợp lý, 22-28USD/thùng như mong muốn của thế giới”.

Ủy ban Thương mại về các sản phẩm hàng hóa của Mỹ đã thông báo rằng, với mức giá như hiện nay, trong vòng hơn 4 năm tới, giá dầu thế giới vẫn còn cao ở mức chót vót. Các chuyên gia  thì dự báo, giá dầu tăng trong thời điểm hiện nay sẽ làm cho các nơi kinh doanh dầu lửa lợi thêm hàng chục USD/thùng.

Lo ngại nhiều ngành sản xuất bị đình đốn

Nước chịu thiệt hại nhiều nhất do giá dầu tăng không ai khác là Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong hoàn cảnh giá dầu cao như hiện nay, mức thiệt hại của quốc gia này càng lớn, vì mùa đông kéo dài, nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm và phục vụ xe ca ngày càng cao. Quốc gia thiệt hại tiếp theo đó là Trung Quốc, nước hiện có nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích năng lượng của thế giới, việc kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản... đang phục hồi, nhu cầu nhiên liệu tăng cao, việc giá dầu leo thang chẳng khác nào cú ngáng đường “có tổ chức” để làm giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Ông William Edwards, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm năng lượng toàn cầu cho rằng, giá dầu thô tăng như hiện nay thì vào mùa hè tới, giá xăng tại Mỹ sẽ tăng ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua. Do nhu cầu chạy xe hơi nhiều, giá xăng thế giới sẽ đồng loạt tăng ở mức 5USD/ gallon.

Khi nâng giá lên ở mức hiện nay, rõ ràng OPEC đã lợi rất nhiều. Bộ trưởng Ngân khố Mỹ mới đây đã có nhận định rằng, giá dầu cao, các nhà sản xuất và người tiêu dùng vô hình trung phải đóng thêm một khoản thuế mới và lĩnh vực thiệt hại đầu tiên là hàng không. --PageBreak--

Tại nhiều lĩnh vực khác cần nhiều dầu mỏ như giao thông, sản xuất điện cũng gặp khó khăn do chi phí bị đẩy lên. Giá dầu tăng cao cũng đã làm nhiều quốc gia khác bối rối. Ngay cả những nước công nghiệp hàng đầu thế giới thì hiện nay cũng thực sự không có những biện pháp hiệu quả để chặn sự leo thang giá dầu.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của Pháp mới đây cho biết, ông sẽ đưa ra sáng kiến tăng cường khả năng dự trữ và lọc dầu đồng thời giúp cho ngành sản xuất dầu lửa có đủ khả năng chống lại những thủ đoạn đầu cơ.

Thế nhưng, ngay cả bản thân các nước phát triển nhất thế giới cũng chưa hạn chế mức tiêu thụ dầu lửa thì khó có thể tránh khỏi được nạn đầu cơ. Theo tính toán của OPEC, hiện thế giới tiêu thụ mỗi ngày trên 85 triệu thùng dầu, mà hơn nửa là thuộc về các nước trong nhóm G7.

Do vậy, theo các chuyên gia, nếu họ muốn đưa ra được những biện pháp hiệu quả đối với thế giới, trước tiên phải nhìn lại mức tiêu thụ dầu lửa của chính nước mình. Mới đây,  kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ đã giảm 500.000 thùng trong những ngày qua.

Jeff Kleintop, chuyên gia phân tích về vốn và đầu tư của Tập đoàn Tài chính PNC đã cho hay, giá dầu tăng cao, nhu cầu cắt giảm chi phí lớn, các doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm nhiều nhân công và bị giải thể, doanh nghiệp lớn cũng giảm nhân công và sẽ phải giới hạn phạm vi kinh doanh.

Chuyên gia năng lượng McCarthy thì thừa nhận rằng, giá dầu trong thời điểm hiện nay còn đáng lo ngại hơn  cuộc khủng hoảng năng lượng của năm 1970, khi đó các hoạt động sản xuất bị đình đốn, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và nhiều lĩnh vực cần nhiều năng lượng khác.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn

Trước việc giá dầu tăng, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại rằng, không chỉ các ngành kinh tế sử dụng nhiều dầu mỏ thiệt thòi mà tầng lớp chịu cảnh bần hàn  từ việc giá dầu tăng là những người dân, đặc biệt là những người dân nghèo thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Nhờ giá dầu tăng mà trong thời gian qua các quốc gia xuất khẩu dầu lửa đã sinh ra nhiều tỉ phú mới thì người dân tại các quốc gia đang phát triển, kể cả quốc gia xuất khẩu dầu lửa đang bị nghèo đi, vì phải dành nhiều tiền hơn cho các khoản chi phí tiêu dùng và năng lượng trong khi thu nhập của họ lại không tăng.

Việc giá dầu tăng cao cũng gây khó khăn cho chính phủ nhiều nước trong nỗ lực giảm nghèo đã được định hướng từ trước. Chính điều này khiến cho khoảng cách giàu nghèo của thế giới ngày càng lớn. Các chuyên gia kinh tế của WB thì cho rằng, giá dầu tăng đẩy lạm phát cao, chiếc bánh tăng trưởng của nền kinh tế thế giới không được chia đều, không chỉ ở chính các nước phát triển mà còn giữa các nước phát triển với các nước nghèo.

Tuy nhiên, giá dầu tăng cũng giúp nhiều quốc gia xuất khẩu dầu leo lên thứ hạng mới trong thang bậc kinh tế của thế giới như Venezuela, Iran, Mexico... và giúp nhiều nước thoát khỏi tình trạng nợ kéo dài như Nigeria...

Văn Nguyễn
.
.