Nỗi niềm mang tên Hạ Thái

Thứ Sáu, 04/09/2015, 16:45
Ngày nay, không gia đình nào không có một đồ thờ, mang dáng dấp của mặt hàng sơn Hạ Thái; một làng nghề sơn son thếp vàng ở xã Duyên Thái, Thanh Trì, Hà Nội, gìn giữ tới hơn 200 năm và phát triển. Đó là một kỳ tích trước sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường hiện nay.

Đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, không ít doanh nghiệp trong làng đã bị choáng váng và có nhiều nguy cơ chết lịm, nhưng lại có những công ty vẫn quyết giữ lấy nghề của làng và chờ cơ hội bứt phá.

Một thuở làng tranh

Nghe tiếng nghệ nhân Đỗ Văn Thuân từ hơn 10 năm nay, đặc biệt ông có tài phân tích những vấn đề nổi cộm và gay go nhất trước những khó khăn của làng nghề, và đều có cách tháo gỡ một cách nhanh chóng. Chính nhờ khả năng xoay chuyển linh hoạt, Công ty Mỹ Thái do ông làm giám đốc và các  xí nghiệp của 5 người con ông, hiện vẫn có những hợp đồng làm hàng. Khi gặp ông, tôi mới hay nghệ nhân này thể hiện niềm tự hào qua câu chuyện trong làng nghệ thuật.

Ông kể, người ta không thể quên bức tranh sơn mài đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Gia Trí  là "Thiếu nữ bên Hồ Gươm" lại bắt đầu từ chuyến về làng Hạ Thái, một nơi mà ông học những bài đầu tiên như pha sơn, bó vóc, mài sơn, phơi tranh... Và, người thầy đầu tiên của ông cũng như của những họa sĩ khác, dưới mái trường Mỹ thuật Đông Dương vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước, không ai khác chính là nghệ nhân Đinh Văn Thành, ở làng Hạ Thái, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Bức tranh “Đêm hội Long Trì” của họa sĩ Nguyễn Tường Linh.

Biết bao ký ức ùa về. Đó là những ngày ông còn bé, mải mê theo chân những người thợ làng học nghề, nhưng phải mất tới mấy năm chỉ pha trà, châm điếu cho những người thợ cả, và không hề được một đồng tiền công của hợp tác xã. Ngày tiếp ngày, cậu bé Thuân chỉ nhìn thợ làm, ai sai gì làm nấy. Nhưng bằng sự cảm quan và ghi nhớ từng việc nhỏ như cách căng vải màn làm vóc, hay cách ngồi để mài sơn thế nào cho đỡ mỏi, cho đến việc lớn như pha sơn, hay cách vẽ mang chất thủy mặc bay bổng, gợi cảm rồi kể cả cách phơi tranh ra sao, vào thời điểm nào...

Thế rồi, cậu bé Thuân âm thầm tập vẽ trong những đêm trăng, và chìm đắm với những giấc mơ về chim muông hoa lá. Rồi có lần tình cờ vẽ trên mẫu tranh thử việc, Thuân đã làm các thầy nghề ngạc nhiên, qua những hình vẽ không những đẹp và còn có tình nữa. Thế là từ đó Thuân được nhấc lên thành thợ vẽ, vừa học vừa làm, và bắt đầu nhận đồng lương đầu tiên.

Mấy năm sau, Thuân còn được cử đi học vẽ tại Trường Công nghệ tỉnh Hà Tây trong một năm, và trở thành quản đốc của xưởng vẽ và hai phân xưởng kỹ thuật sơn, với hàng trăm thợ. Mọi công việc lúc đó phát triển như diều gặp gió vậy. Hàng làm không kịp đáp ứng cho khách. Nhất là những đơn hàng của nước ngoài đã làm nhịp độ sản xuất của hợp tác xã càng thêm sôi động.

Quản đốc Đỗ Văn Thuân lúc đó như một người chèo lái con tàu Hạ Thái băng băng thẳng tiến. Nhưng rồi, thịnh đấy mà suy đấy, thời kỳ khủng hoảng kinh tế Đông Âu từ 1984 đến 1990 đã làm hợp tác xã tan rã. Ông Thuân khi đó cũng như bao người thợ khác đều phải quay về làm ruộng... Mãi hàng chục năm sau cơ sở mới của ông mới nổi lên như một công ty có nhiều tiềm năng sản xuất tranh sơn mài của làng Hạ Thái.

Để tìm hiểu thêm tình trạng làng nghề hiện nay ở Hạ Thái tôi tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, hiện ở tại cụm công nghiệp sơn mài Hạ Thái, được xây dựng theo quy hoạch làng nghề, dọc con đường lớn. Chị là chủ nhân của cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ sơn mài Hồi Quyết. Chị nói muốn nâng cấp mặt hàng của mình lên có chất lượng nghệ thuật, không thể chỉ làm mãi theo phương pháp thủ công xưa, nhất là phần mẫu mã thiết kế cũng như họa tiết, màu sắc cần phải có sự đầu tư của nghệ thuật hội họa. Giờ đây tất cả phải đáp ứng được yêu cầu thị trường, hàng phải đẹp, lạ. Đó là một cuộc cạnh tranh thị phần của mỗi doanh nghiệp, chứ không như ngày xưa, chỉ làm những mặt hàng thủ công như sơn son thếp vàng cho đồ thờ cúng, ống hương, tượng Phật...

Bức tranh “Nhịp nắng” của họa sĩ Nguyễn Văn Nghĩa.

Chị nhớ sau khi hợp tác xã thủ công sơn mài của làng phải giải tán, vì khủng hoảng của thị trường vào đầu những năm 90. Chị cũng như nhiều người thợ rất tiếc cho cái nghề mà mình đã hàng chục năm học hành, rèn luyện tay nghề. Mất nghề đúng là mất nghiệp.

Lần hồi, bươn trải ngày lại ngày đã đến 10 năm dựng nghiệp. Chờ qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, nghề làm tranh sơn mài đã đến kỳ phát triển, theo con sóng của nền kinh tế thị trường. Người trong làng lại hồ hởi mở mang công việc. Những ngày hội lại bắt đầu, chị thuê đất thành lập xưởng sản xuất được như ngày nay, cũng đã được mươi năm phát đạt. Chị trở thành chủ tịch đầu tiên của Hiệp Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, thành lập năm 2003.

Chị nói làng bây giờ làm ăn rộn ràng lắm. Cơ sở của chị chẳng thấm vào đâu so với cơ ngơi của các nghệ nhân khác như Đỗ Văn Thuân, Nguyễn Thị Nhì, hay nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết Minh, hoặc của anh Đỗ Văn Thừa...

Riêng Công ty Minh Cảnh của nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết Minh còn thường xuyên mở lớp dạy nghề cho những người khuyết tật và những trẻ em nghèo khó. Đây là trung tâm dạy nghề tư thục từ thiện đầu tiên trong cả huyện Thanh Trì. Nói đầu tiên là vì trung tâm của Giám đốc Minh Cảnh không thu học phí, mà còn giúp đỡ tiền sinh hoạt và ăn ở cho những người ở xa đến học.

Nghệ nhân Thành Đạt.

Vẫn còn đó những thách thức

Nói về một tương lai tươi sáng cho một làng nghề đang được vực dậy sau hơn 10 năm qua, e còn nhiều điểm chưa mở được nút thắt. Âu cũng là do thị trường cùng với tâm lý của người sản xuất. Đặc biệt là chất liệu sơn để làm tranh đã trở thành một vấn đề khó khăn. Ai cũng rõ tranh sơn ta là một sản phẩm độc đáo của Việt Nam, nếu không nói đó là dòng tranh duy nhất ta có thể tự hào là chỉ có ở nước mình. Đó là vẻ đẹp huyền ảo của những lớp sơn ta phủ lên nhau sau khi mài.

Để hoàn thành một bức tranh nghệ thuật đúng với ý nghĩa của nó phải mất nhiều thời gian. Giá thành của nó khá đắt. Hàng bị tồn đọng khó bán. Nhất là sự làm ăn còn mang tính chất nhỏ lẻ, không có sự liên kết như hiện nay, tìm đầu ra quả là sự nan giải. Mạnh ai tìm con đường sống của riêng mình.

“Phố Hà Nội” của Lục Quốc Sĩ.

Xu thế nói chung hiện nay ở làng nghề sơn mài Hạ Thái là tìm con đường nhanh nhất trong việc mưu sinh nên hầu hết bỏ chất liệu sơn ta mà chuyển sang dùng chất liệu sơn Nhật, hay sơn ngoại nhập để sản xuất tranh cho nhanh. Chất liệu sơn ngoại có ưu điểm khô nhanh mài ít và có độ bóng, màu sắc khá bắt mắt. Mới đây khi gặp nghệ nhân Thành Đạt, ông nhỏ nhẹ tâm sự với chúng tôi, hiện các con cháu ông đều sản xuất khổ tranh nhỏ, bằng chất liệu sơn ngoại. Mau khô và độ bền lại cao.

Tranh của ông được ký gửi ở các cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hàng Bông và quanh các hàng tranh ở Hồ Gươm. Xem ra chuyện làm ăn khá thuận lợi. Còn chuyện về sơn ta ư? Vẫn có sự quan tâm nhất định, nhưng chỉ các con ông được học hành trường lớp, mới nghĩ đến sáng tác tranh bằng sơn ta. Tuy vậy tranh vẽ xong cũng chỉ để làm kỷ niệm mà thôi, bán khó lắm.

Về chuyện thị trường tranh sơn ta, tâm sự của nghệ nhân Đỗ Văn Thuân cũng có nhiều nỗi suy tư. Một dòng tranh sơn ta mới là truyền thống của làng và cũng là niềm khao khát trong ông. Nhưng nói về kinh tế thực dụng, quả là có vấn đề của dòng tranh sơn mài theo phương thức hành nghề truyền thống. Hơn nữa, hiện một nền công nghệ sơn mới, và đặc biệt sơn Nhật đang tấn công dữ dội vào thị trường, làm lung lay những hoài bão sáng tạo của nhiều họa sĩ, khi muốn theo đuổi dòng tranh này.

Một quá trình lao động "khổ sai" cho nghệ thuật tranh sơn mài theo đúng nghĩa, đòi hỏi một tình yêu nghề nghiêm túc và không vụ lợi. Nhưng mài hàng chục lớp sơn của các cụ xưa, thì phải mất vài tháng mới có thể hoàn thành một bức tranh khổ 80x80cm, nên giá thành rất cao.

Chính vì điều này, trước đòi hỏi của người tiêu dùng, nhất là với khách hàng phương Tây, công ty ông đã phải áp dụng công nghệ mới, với sự ứng dụng sơn Nhật. Hàng vẫn bóng đẹp, chóng khô, công mài ít và không biến dạng ở mọi thời tiết. Tranh sơn mài rởm tràn ngập khắp nơi là vì thế. Thị trường mà. Miếng cơm manh áo thật khó cưỡng với những cái gọi là "Nhanh-Nhiều-Tốt-Rẻ". Còn nghệ thuật ư? Vẫn là niềm hy vọng. Biết sao được...

Lưu luyến một dòng tranh dân gian

Vậy là điều khó đã xảy ra khi chính làng tranh sơn mài Hạ Thái đã làm mất đi bản sắc sơn mài truyền thống. Đó là điều cần gìn giữ và phát huy, nhưng mấp mé nguy cơ bị hao mòn và dẫn tới sự hủy diệt vì cơ chế thị trường. Ấy là chưa nói đến một dòng tranh dân gian trên chất liệu sơn ta cũng đã bị mất đi khi mọi nhà đều vẽ theo đơn đặt hàng chủ yếu cho du khách hoặc chiều theo thị hiếu hiện đại phương Tây, trừu tượng, hay ấn tượng bằng những nét chấm phá giản đơn, nông choèn. Với nguyên tắc làm sao bóng bẩy không có chiều sâu và thiếu sự lung linh, thăm thẳm vốn có của tranh sơn ta.

Họa sĩ vẽ tranh sơn mài.

Cùng với đó, sự ô nhiễm do nước mài tranh được thải ra, cũng là một chuyện đáng quan tâm. Xử lý ra sao cho an toàn với những chất liệu sơn ngoại được, sau khi mài lại ồ ạt đổ ra làm ảnh hưởng tới mạch nước ngầm sinh hoạt và sản xuất. Khu quy hoạch làng nghề đã được hình thành ở Hạ Thái, nhưng chưa được đồng bộ về môi trường.

Hơn nữa, còn không ít gia đình vẫn làm nghề ở trong thôn làng, ngõ xóm. Họ cũng không có sự chuẩn bị cho chuyện ứng xử với môi trường được thân thiện mà vẫn tự xả, tự tiêu và thiếu sự hợp tác.

Đi dạo trên đường làng hướng tới ngôi đình và đền thờ, bên đầm sen đỏ rực vào ngày hè tháng sáu, chúng tôi thấy cô gái đang chèo thuyền hái những bông hoa sen ngát hương. Tôi bất chợt nhớ đến bức tranh sơn mài "Thiếu nữ bên hồ sen" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Hương sen hay gương mặt trái xoan dịu hiền của cô gái níu bước chân tôi.

Dường như thời gian như ngừng lại. Gió cũng ngừng lại. Sóng hồ đứng lặng. Ánh nắng chan hòa tưới xuống đầm sen như một tấm lụa bồng bềnh. Chỉ có ánh mắt cô gái là long lanh ngước nhìn lên. Tôi sững người vì trước mắt chính là một bức tranh sơn mài thiên nhiên ngàn đời Hạ Thái.

 

Hồng Anh
.
.