Nỗi oan... rùa vàng: Khốn khổ vì lời đồn chữa ung thư

Thứ Tư, 15/08/2012, 13:40

Cuối tháng 7 vừa qua, từ tin báo của người dân, qua phối hợp với lực lượng CSGT, Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã chặn và kiểm tra xe tải BKS 54T-8185 đang lưu thông trên Quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn huyện Chơn Thành. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có 56 con kỳ đà, 4 con tê tê, 68 con rắn ráo trâu và 140 con rùa núi vàng. Đây là vụ vận chuyển mua bán động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay ở Bình Phước.

Trong số những "chiến lợi phẩm" mà cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước tịch thu kể trên, nổi bật là  con số 140 con rùa núi vàng. Đây là loài rùa nổi đình nổi đám trong nhiều năm qua. Vì tin rùa núi vàng là phương thuốc tăng lực, chữa bệnh nhiệm màu mà những người lắm tiền sẵn sàng trả cả trăm triệu đồng và thậm chí còn hơn thế nữa chỉ để có được một con hoàng quy xuất thân từ rừng núi!

Rùa vàng hay rùa núi vàng là cụm từ gây hót lâu nay. Phàm thứ gì liên quan đến vàng, người ta đều say như điếu đổ. Vì vàng, người ta băm rừng, hủy hoại sông suối, thanh trừng lẫn nhau, lừa đảo, đâm chém nhau không thương tiếc.

Ấy là nói về kim loại. Liên quan đến lĩnh vực cây cỏ, người ta cũng một thời tin sái cổ cây lược vàng là thần dược trị ung thư. Với niềm tin ấy, nhiều người bị ung thư thay vì đến Bệnh viện Ung bướu để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, điều trị thì lại đổ xô uống "thần dược" lược vàng.  Để rồi lẽ ra bệnh đã có thể chữa khỏi chỉ trong  một thời gian sau trở nên vô phương cứu chữa!

Mãi sau này, khi các nhà khoa học vào cuộc, những bí ẩn liên quan đến "thần dược" lược vàng mới được hé mở. Các chuyên gia nghiên cứu không phủ nhận một số tác dụng chữa kháng viêm, nâng cao thể lực, sức đề kháng… của cây thuốc này. Nhưng nếu khẳng định đó là "cây thần" chữa tùm lum bệnh, bệnh nào cũng chữa, nặng kiểu nào cũng hết… thì chẳng có chuyên gia nào dám quả quyết. Đơn giản bởi không có nhà khoa học, vị lương y nào dại dột "bán" danh dự, uy tín của mình cho tin đồn thái quá. Họ chỉ có thể nói cây lược vàng cũng như một số loài cây thuốc, có tác dụng phòng chống. Riêng cái vụ chữa trị thì… chưa có cơ sở!

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/24_kiem1185-450.jpg
Kiểm lâm Indonesia với tang vật rùa núi vàng tịch thu trong một chiến dịch.

Chuyện con rùa núi vàng cũng vậy. Chẳng biết căn nguyên từ đâu và từ ai nhưng bây giờ, hễ nhắc đến rùa núi vàng, nhiều người "mê như điếu đổ". Họ tin thứ gì liên quan đến con vật sống nơi rừng sâu núi thẳm "vàng từ đầu đến chân này" như máu, mật, móng, mai… đều có dược tính. Thậm chí có người còn tin phân của rùa núi vàng cũng là vị thuốc, bài thuốc thần hiệu hẳn hoi. "Rùa núi vàng khác các loài rùa núi khác ở chỗ nó sống ở nơi có khí trời, không gian thuần khiết. Với lại rùa núi vàng không ăn xác chết thối mà chỉ ăn những thảo dược siêu hạng. Vì những lẽ đó nói rùa núi vàng là kho thuốc di động quả không sai. Và phân của nó dùng ngâm rượu uống trị bệnh cũng không quá lời".

Hỏi đâu là cơ sở của thông tin ấy, bà Võ Bích, một Việt kiều ở Mỹ hiện ngụ tại quận 9, TP HCM đang đánh tiếng chi trăm triệu và nếu cần "chi đậm hơn" để có được con rùa núi vàng, tặc lưỡi bảo: "Bí mật!". Cái kiểu niềm tin nửa kín nửa hở này của bà Bích không khác gì cái thuở mà người ta tin phân voi, phân tê giác… là siêu biệt dược chữa một số căn bệnh nan y.

Có thời điểm người ta còn rộ lên tin đồn nước tiểu của bò tót chính là "thánh dược". Họ tin sái cổ nếu may mắn có được cái thứ thải ra của con bò cùng họ với con bò bị hạ gục ở sân bay Phú Bài (Huế) vừa rồi, ai đó đau ở đâu khi uống nước đái bò… dứt đến đấy. Thần hiệu như kiểu đất khô gặp mạch nước tuôn. Nước chảy đến đâu, đất khô mềm đến đấy! Quả là niềm tin ấu trĩ ngoài sức tưởng tượng!.

Quay trở lại tin đồn rùa vàng hay rùa núi vàng là siêu biệt dược. Vì bị quá nhiều lời đồn đãi bủa vây mà loài sơn quy này bị giới phường săn lẫn con bệnh truy lùng khốc liệt không kém gì sừng tê giác. Có điều thiên hạ giờ "khôn" rồi, qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ biết được tại Việt Nam, tê giác đã tuyệt chủng. Nên chuyện ai đó rao bán sừng tê thì không cần phải vồ vập tranh mua bởi sợ chậm tay kẻ khác "rinh" mất, mà cần phải xem lại bởi chắc gì đó là sừng thiệt. Nhiều khả năng cái sừng tê kia là sừng trâu, sừng bò được mài giũa, tạo dáng hay được đúc khuôn với  chất liệu là nhựa tổng hợp.

Vì gắn liền với quá  nhiều hiểm họa, lắm nguy cơ lọc lừa như thế nên giờ đây dẫu vẫn còn tin sái cổ về các tác dụng hóa giải bệnh nan y đến siêu phàm của sừng tê giác nhưng nhiều người không dám tìm mua vì sợ trở thành nạn nhân của bi kịch mất tiền và mất cả tính mạng vì cái sừng dỏm giá bạc tỉ.

Chẳng thể hy vọng vào sừng tê, vậy là người ta dồn sự kỳ vọng vào rùa núi vàng. Sự kỳ vọng này giúp nhiều người an tâm, vững tin vì suy nghĩ "không lo bị lừa, chẳng sợ mua trúng rùa vàng giả!”.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/24_thong1185-450.jpg
Thông tin đơm đặt về rùa núi vàng đã và đang gây sốt trong giới con bệnh và những kẻ phàm ăn.

"Sừng tê người ta có thể giả bằng cách này hay cách khác chứ với rùa núi vàng, giả làm sao đây. Hổng lẽ đem con rùa đen nhuộm vàng nó à? Có là phù thủy cũng hổng làm được vì đặc tính của rùa núi vàng là vàng từ A đến Z, vàng từ trong ra ngoài. Nếu nhuộm thì chỉ nhuộm được bên ngoài, còn bên trong thì… bó tay. Vả lại rùa núi vàng khác sừng tê ở chỗ nó là con vật sống nên khó giả được lắm. Nếu nó chết, nghĩa là nó không di chuyển được, mắt nhắm lại… thì chẳng ai muốn mua. Và vì như thế, cái chuyện phường gian muốn làm giả rùa núi vàng xem như là điệp vụ bất khả thi". Ấy là tâm sự của ông Bảy V., một người lắm tiền như bà Bích sẵn sàng tung cả trăm triệu đồng và khi cần thiết thì "bung" gấp đôi, thậm chí gấp 3 để có được con rùa núi vàng ưng ý.

"Giống rùa núi vàng có nhiều công dụng lắm" - ông Bảy sành điệu: "Máu của nó giải độc rất thần hiệu. Còn cái mật của nó nếu đem ngâm rượu thì khỏi phải nói, bổ thấu trời xanh luôn. Ví như mình đang say, chỉ cần làm ly quy đởm (rượu ngâm mật rùa vàng) thì đảm bảo tỉnh ngay tức khắc".

Bà Mỹ Dung, ngụ quận 1, có con trai bị bệnh tim to đang trên đường săn rùa vàng về chữa bệnh cho con, tin tưởng: "Rùa vàng đem chưng cách thủy với dây tơ hồng là bài thuốc dân gian chữa các chứng bệnh về tim. Áp dụng bài thuốc này chỉ vài lần thôi thì tim to sẽ nhỏ lại, van tim hở cũng sẽ khép ngay. Nói chung là nó chữa được các chứng bệnh về tim không thể chê vào đâu được, khỏi cần phẫu thuật, thuốc men hay đeo máy trợ tim… gì cả".

Nhà bà Mỹ Dung nằm ở mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai, trị giá hàng ngàn cây vàng. Hàng xóm nói bà giàu nứt đố đổ vách. Tiền nhiều quá nên cái chuyện bỏ vài tỉ để kiếm con rùa núi vàng về cắt cổ lấy máu, moi mật cho con uống-nuốt, rồi húp tinh chất từ toàn thân con rùa đem chưng cách thủy với dây tơ hồng với bà… hổng có gì phải bận tâm. "Vào bệnh viện chữa trị, tui sợ mấy ông bác sĩ khi phẫu thuật cắt bậy, cắt nhầm chắc chết thằng nhỏ. Thôi thì cho con nó dùng bài thuốc dân gian bí truyền kia cho chắc ăn. Chừng nào hổng ổn thì đi Tây y cũng chưa muộn!" - tâm sự này của bà Dung chúng tôi nghe qua lời kể của V., một con buôn đồ rừng có tiếng mà chỉ cần chịu chi thì bất kỳ nhu cầu đồ rừng nào của thượng đế đều được gã cam kết đáp ứng… "không đẹp không ăn tiền".

Vì có người tin rùa vàng chữa được tùm lum bệnh, rất hiệu quả với những bệnh nhân bị bác sĩ "chê", đặc biệt là các chứng bệnh về tim nên giá rùa núi vàng leo thang đến chóng mặt. "Khi cần gấp để cứu người thân, bao nhiêu mà người ta hổng mua. Tui từng làm mối mang cho một đại gia ở quận 12 mua con rùa núi vàng nặng gần 2 ký lô của một người dân tộc Chơro ở rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với giá gần 500 triệu đồng" - Thụ, chuyên kinh doanh động vật rừng tươi sống ở "phố thịt rừng" Phạm Viết Chánh, quận 1 bỏ nhỏ.

Chẳng biết Thụ có nói quá lời hay nói cho sướng miệng?! Nhưng điều mà ai cũng rõ là rùa núi vàng giá rất đắt, đắt như vàng. "Rùa vàng thì phải quý, phải đắt như vàng là chuyện hiển nhiên rồi" - Thụ tặc lưỡi!

Vấn đề là chuyện có đúng như lời Thụ nói, rùa vàng quý như vàng? Quý vì hiếm và đặc biệt vì cái biệt năng chữa đủ thứ bệnh mà dân nhà giàu lắm người tin sái cổ?!

Theo Sách đỏ Việt Nam, rùa núi vàng thuộc họ rùa cạn, chúng ăn thực vật và đẻ trứng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, mỗi lứa đẻ 4-5 trứng, có tập tính vùi trứng vào trong đất. Rùa núi vàng sống trong rừng, ở những lùm bụi, nơi có độ cao tương đối thấp. Tại Việt Nam, rùa núi vàng phân bố từ Cao Bằng đến Tây Ninh. Sách đỏ Việt Nam nhấn mạnh tình trạng của rùa núi vàng "hiện số lượng còn rất ít do bị săn bắt tích cực" dẫu rằng loài này chỉ "có giá trị thẩm mỹ".

Rùa vàng có tên trong Sách đỏ Việt Nam nên nói nó quý vì hiếm thì chẳng có gì để bàn cãi. Nhưng cái vụ nó quý vì toàn thân là "kho dược tính", chữa bệnh nan y siêu hạng thì liệu có đúng như lời đồn?

Trong cuốn “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc”, TS Võ Văn Chi ghi, rùa vàng hay rùa núi vàng thuộc họ rùa vàng có thân mình ngắn, đuôi ngắn, 4 chân hình trụ dài, ngón chân không có màng da, mai rùa vàng có màu vàng. Bộ phận dùng của rùa vàng là yếm rùa (còn gọi quy bản hay quy giáp), thường dùng để nấu cao (cao quy bản). Cao rùa được dùng chữa các chứng ho lâu, khí hư, chân tay lưng gối đau nhức, sốt rét lâu ngày, băng huyết, trẻ em gầy yếu... 

Danh y Tuệ Tĩnh viết trong “Nam dược thần hiệu”:  "Quy bản-yếm rùa tính bình, vị ngọt, không độc, thông kinh lạc, ích thận, trị tê bại trong bụng đóng máu cục, sốt rét và ho". Danh y Hải Thượng Lãn Ông viết về "quy giáp" trong “Dược phẩm vận yếu” như sau: "Chuyên bổ âm suy, đau bụng, nóng lạnh trong xương, sốt rét rừng, thương hàn vì làm lụng mệt nhọc mà tái phát cơ thể nóng rét muốn chết, đàn bà bị thấp ngứa lở âm hộ…".

Ấy đã rõ, về tác dụng chữa bệnh của rùa núi vàng. Nó chẳng phải quá thần hiệu như người ta lầm tưởng, ngộ nhận. Nó là chiêu đồn thổi nhằm tăng giá trị con vật của phường con buôn. Cũng có khi cái sự sốt rùa vàng đến từ đám đầu nậu là người Trung Quốc.

Họ phao tin chuyên gia đông y của đất nước mình chiết xuất nhiều tinh chất có hoạt tính chữa trị hiệu quả ung thư và sẵn sàng thu mua rùa vàng với giá lúc cao điểm lên đến 300 triệu đồng/kg, tất cả nhằm mục đích phá hoại nguồn gien quý liên quan đến loại rùa vàng" - anh Hồ Phương, một chuyên gia trong một tổ chức phi chính phủ chuyên về cứu hộ động vật hoang giả, nêu quan điểm và phân tích: "Bị hấp lực tiền bạc đó, người ta ùn ùn đổ xô lên rừng sục sạo khắp các hang hốc khe đá ven triền suối săn "vàng sống". Bây giờ thì núi rừng không còn rùa vàng nữa rồi. Mà nếu có thì phường con buôn cũng mua với giá rẻ bèo, cao lắm được hai ba chục triệu một con thôi. Đầu nậu thu gom rùa núi vàng với giá bèo nhưng khi đến tay người có nhu cầu thì nó đắt như vàng, nguyên nhân cũng bởi niềm tin thái quá, mù quáng của họ".

Từ tham khảo y văn xưa và nay, mới thấy không có tài liệu nào đề cập đến chuyện sử dụng máu, mật, phân của rùa núi vàng trong chữa trị ung thư hay các chứng bệnh tim. Và cũng không như dân gian đồn đãi, truyền ca rằng ai dùng rùa vàng "không bổ này cũng bổ nọ", trong “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc”, TS Võ Văn Chi ghi rất rõ: "Người hư hàn,  phân lỏng không được dùng. Người có thai dùng phải cận thận".

Phân tích cặn kẽ những điều trên để thấy rằng vì bị kẻ xấu đồn bậy mà rất nhiều người bệnh và những kẻ hám mạnh hám sung hiểu lầm rùa núi vàng là… siêu dược. Cũng từ đây, chúng liên tục bị săn lùng, bị "hốt" ra khỏi sông suối núi rừng, bị làm giá… Và sau cùng, rùa núi vàng chết thảm dưới niềm tin của những người tung số tiền khổng lồ để có được nó với niềm tin rùa núi vàng là "thần dược" phục vụ cho mục đích chữa bệnh nan y, tăng cường sinh lực của họ

N.T.Dũng
.
.