Nữ hoàng nhạc đồng quê Joan Baez đấu tranh chống bất công

Thứ Tư, 15/06/2011, 21:25

Vào tuổi 70, nữ hoàng nhạc đồng quê Joan Baez vẫn chưa “giã từ vũ khí”: bà vẫn cất cao giọng hát để truyền tải những thông điệp hòa bình và tự do đến những điểm nóng trên thế giới.

Bà hoàng nhạc đồng quê chuyên đấu tranh chống bất công xã hội này đã có thể an phận làm một huyền thoại sống, là lương tri của một thế hệ, là người phụ nữ kiên cường mà vào những năm 60 đã nổi dậy chống lại lá cờ sao bị nhăn nhúm vì sự kỳ thị, vì sự phân biệt, bất công và cả cuộc chiến tại Việt Nam. Vào tuổi 70, "bà mẹ của những người nghèo" vẫn tiếp tục cất cao giọng ca soprano nổi tiếng, trong như pha lê và xuyên suốt nhiều thế hệ của mình để chống lại án tử hình tại một số bang của Mỹ, để phát đi những thông điệp hòa bình và tự do tới mọi điểm nóng trên thế giới.

Mục sư Martin Luther King đã tiên báo rằng, cây đàn guitar là chiếc khiên của Joan Baez, còn giọng ca là vũ khí của bà. Dù ở tại Nam Phi của chế độ phân biệt chủng tộc, tại Bosnia đang xảy ra chiến tranh, và tại những vùng nóng bỏng của Trung Đông, bà vẫn chân thành, ngay thẳng và không bao giờ quên câu nói đó của Mục sư Luther King. Thành công của album thứ 24 và là album cuối cùng của bà "Day After Tomorrow" chứng minh điều đó và vẫn quyến rũ các thế hệ mới.

Trong phần mở đầu cho chuyến lưu diễn tại Pháp, Joan Baez tâm sự: "Tôi không nghĩ quá nhiều đến 52 năm sự nghiệp của tôi. Tôi vẫn tiếp tục vì những diễn biến toàn cầu, và việc tiếp xúc với mọi người luôn động viên tôi. Tôi chỉ ngưng hát khi không hát được nữa. Dù giọng ca của tôi giờ có yếu hơn vì tuổi tác, tôi vẫn cứ hát vì những gì đang xảy ra cho những con người bất hạnh trên khắp thế giới. Cho dù tổ chức Humanitas International nhằm bênh vực quyền con người của tôi không tồn tại nữa, tôi vẫn mở to mắt và căng rộng tai hướng về những vùng chiến sĩ của thế giới với hình ảnh của chiến sĩ Joan Baez hát vang ngoài đường phố.

Tôi vẫn tin rằng, vào những năm 60, sự im lặng trước những cảnh bất bình đẳng về chủng tộc, về xã hội, về văn hóa và về chính trị là điều đáng hổ thẹn. Và tôi thì không muốn điều đó. Chẳng hạn như khi thấy người dân chiến đấu để được dân chủ hơn trong nước mình, tôi đã quyết định đưa lên địa chỉ Internet của tôi một bản dịch bài "We Shall Overcome" (bài hát của bà đã trở thành hành khúc đòi quyền lợi dân sự cho người Mỹ gốc Phi). Tôi chẳng hề tạo cho mình ảo tưởng nào cả, tôi biết bản dịch này chỉ có một ít tác động lên nhiệt huyết của thế hệ trẻ khi chiến đấu chống lại chuyên chế và tham nhũng. Có lẽ nên thực hiện những bản dịch khác bằng tiếng Arập cho bản hành khúc này.

Cuộc chiến nhỏ bé của tôi hiện nay là cuộc tham chiến của Mỹ tại Afghanistan. Tôi đã được mời đến hát tại Nhà Trắng trước mặt Tổng thống Barack Obama, và tôi đã quyết định đổi phiên khúc thứ 3 của ca khúc We Shall Overcome. Ông Barack, bà Michelle cùng các quan chức có mặt tại đó đều hiểu rất rõ rằng, tôi đang nói về tình hình hiện nay. Theo cách trình diễn của tôi cùng với giọng ca, những bài hát của mình, tôi tiếp tục tỏ ý phẫn nộ và chiến đấu. Tôi hy vọng là ông Barack Obama vẫn còn khả năng làm lay chuyển nhiều điều, kể cả việc đối đầu với sự chống đối của tất cả những Sarah Palin cùng tất cả những kẻ bảo thủ điên cuồng đang vẫy vùng trong đảng Trà (Tea Party). Họ không chịu nổi cảnh một người da đen, hơn nữa, là một người của đảng Dân chủ, lại được bầu làm tổng thống.

Người ta quên rằng, khi chiến thắng dành cho quyền dân sự đã có được, thì chính hàng trăm ngàn người Mỹ vốn điên lên khi thấy người da đen có được cùng những quyền lợi như họ, cũng bị gạt ra rìa. Thế nhưng 40 năm sau, vẫn còn sự phân biệt chủng tộc tại Mỹ, cho dù sự phân biệt đó không được "gọi đích danh". Còn về ông Barack Obama, người mà tôi đã kêu gọi ứng cử cho giải Nobel Hòa bình - một sự kiện đầu tiên trong lịch sử, ông ta ngày nào cũng ăn trưa với giới chức quân sự. Lẽ ra, ông ta nên dành nhiều thời gian hơn cho các giải Nobel khác, bởi họ là những con người có đầu óc sáng suốt, với các công trình và những suy nghĩ của họ, họ có thể thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người và làm cho thế giới tiến bộ. Một bữa ăn trưa với họ, mỗi tháng 1 lần, có thể giúp tổng thống điều hành đất nước tốt hơn nhóm gây sức ép của quân đội. Đó chính là lời khuyên của tôi dành cho tổng thống.

Với tôi, nghệ thuật và thiện nguyện đi đôi với nhau. Nhưng hiện nay, việc thiện nguyện xem ra rất khó đối với giới trẻ. Tôi có ấn tượng là từ ngữ này thật sự không còn nằm trong vốn từ vựng của họ nữa. Tôi tin rằng thế hệ của tôi, thế hệ đã nổi dậy cùng với các bài ca phản kháng của mình để chống lại những bất công và chiến tranh. Những năm 60 là khoảng thời gian duy nhất của lương tri tập thể và chống đối diễn ra hầu như trên toàn cầu. Từ đó đến nay là 40 năm của ích kỷ, của thói chạy theo lợi nhuận và của sự tôn thờ cá nhân. Thời nay, việc có một lương tri toàn cầu càng khó khăn hơn. Người ta thấy điều đó qua âm nhạc, người ta tìm kiếm nghệ sĩ thiện nguyện. Nếu ngành công nghiệp đĩa hát có thành công thì cũng luôn chạy theo phong trào và tiền bạc, chẳng có sự đúng đắn nào được ghi dấu ấn cả. Và rồi Internet đã thay đổi cung cách làm việc. Các nhạc công chơi nhạc trong nhà xe của họ rồi đưa lên trang web cho mọi người biết, thế là đủ cho họ.

Hiện nay, ngay cả khi cần một nhân tố mới để tố cáo những cảnh bất công, thì những điều kiện cho một nghệ sĩ có tài năng và ảnh hưởng nổi bật cũng không hội đủ. Hơn nữa, tôi không biết liệu điều đó có ý nghĩa lớn lao hay không trong xã hội của chúng ta hiện nay. Tôi khá bi quan và đôi khi nản lòng về tình trạng của thế giới. Nhưng dù sao đi nữa, thật tâm tôi vẫn theo chủ nghĩa nhân đạo. Tôi tin rằng lời ca của bài “We Shall Overcome” (tạm dịch lời bài hát: Chúng ta sẽ đồng hành tay trong tay/từ sâu thẳm trong tim ta/ khát vọng của bình quyền) vẫn còn mang tính thời sự, và chất giải độc của sự thất vọng vẫn luôn hữu hiệu”

Minh Thu (theo Marianne)
.
.