Nước Anh đang bị bán dần...

Thứ Ba, 13/07/2010, 22:40
Với 1,5 tỉ bảng, ngôi nhà thương mại nổi tiếng Harrods từ nay vĩnh viễn thuộc về tổ hợp đầu tư khổng lồ QIA đến từ Vương quốc Qatar. Đó là một tòa lâu đài được xây dựng cách đây hơn 1,5 thế kỷ, chiếm hết cả dãy phố Brompton Road kề cổng Knightsbridge huyền thoại.

Một quần thể khổng lồ xây bằng gạch đỏ, tô điểm bởi những bức phù điêu mạ vàng, cùng đủ loại vương miện và đàn sư tử dũng mãnh - biểu tượng cho sự oanh liệt thuở trước.

"Vương quốc Anh là gì?" - hai thế kỷ trước, Huân tước W.Raspberry đã tự hỏi một cách tự mãn, rồi tự trả lời: "Đó là sự thống trị của chủng tộc người này đối với chủng tộc khác". Harrods từng là hiện thân của cái vương quốc "Mặt trời không bao giờ lặn" đó.

Ngay từ dạo giá dầu tăng gấp đôi, rồi gấp ba, kinh thành thủ cựu London đã học cách cư xử mới với dân Arập, gọi họ một cách trịnh trọng là những "vị khách đáng quý" hay những "người bạn đáng kính"... Nhưng khi mà người Anh không còn cười cợt được nữa, bởi đồng bảng lại xuống giá quá mức, liền gọi họ một cách xấc xược là "những kẻ chỉ biết cưỡi... lạc đà".

Bây giờ ở London thường xuyên đập vào mắt những cảnh mà hồi trước người ta cho là "không thể chấp nhận được":  cứ vào 9h sáng hàng ngày, khi khu trung tâm London City mở cửa, trước các ngân hàng Kuwait hay Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), các cỗ xe sang trọng nhất dừng lại. Lái xe là người London chính cống, với vẻ phục tùng vô điều kiện. Cứ mỗi xe là một người chít khăn rằn Arập đi ra, hướng về phía văn phòng của mình, những kẻ đại diện cho các vùng đất xa xôi đầy cát và dầu mỏ.

Khi xem biểu đồ của các nhà băng này trên các tờ The Economist hoặc Financial Times, giới kinh tế London buộc phải chấp nhận một sự thực, rằng dường như họ không phải đang sống vào thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba, mà là năm 1405 - khi xuất hiện nhà tiên tri Arập đầu tiên. Cành cọ, bướu lạc đà và thảm treo là các biểu tượng trang trí quảng cáo cố hữu cho các cơ sở ngân hàng, cũng như các chi nhánh hàng không Hồi giáo nhan nhản tại đây.

Quần thể Harrods giữa trung tâm London.

Khi mà trước đây hơn 70 năm, Hãng Aramco và các công ty thăm dò phương Tây khác phát hiện ra, rằng chỉ nửa thước dưới lòng đất ngay giữa các căn lều của người Arập là những "cái nấm khổng lồ đầy ứ dầu". Các nhà chính trị Anh hồi ấy từng giễu cợt: "Dân Arập và các tù trưởng của họ ngồi trên hàng núi tiền, mà cứ để nó mục ruỗng ra". Ngày hôm nay lượng tiền ấy chảy và tuôn trước hết về hướng London, nơi mà người Hồi giáo hiển nhiên đã dựng nên một "Đại đế phương Đông" hiện hữu.

Các tờ báo Anh đã đăng vô số lần, đồng thời thêm vào "tấm bản đồ của sự xâm lấn", trong đó cho thấy hàng chục ngàn căn hộ đã bị người Arập mua mất ở khu trung tâm thủ đô. Ngoài ra còn phải kể đến những pháo đài Scotland danh giá, những dinh thự sang trọng, các quần thể khách sạn thượng lưu... Đôi khi dân Anh theo dõi các số liệu trên với sự lãnh  đạm cố hữu, kèm thêm một chút mỉa mai; lần khác lại biểu thị bằng sự phẫn nộ công khai: "Số phận không dành lại cái gì cho vương quốc chúng ta nữa cả".

Có thể sau sự phẫn nộ của người Anh về vụ mua bán ngôi nhà Harrods, là nỗi buồn man mác về một thời huy hoàng đã qua. Không thì tại sao chẳng ai thèm bận tâm đến việc Kuwait đã mua một phần ven sông Thames, khoảng từ cầu London tới cổng Tower - nơi vốn là trung tâm của đế chế Anh suốt hàng trăm năm hay "bến đậu của mọi con tàu Anh đang ngao du khắp địa cầu"?

Trung tâm thương mại Fortnum & Mason tráng lệ.

Hay như tờ nhật báo phổ thông nhất Vương quốc Anh - The Times - đã lọt vào tay nhà tỉ phú truyền thông người Mỹ gốc Australia Rupert Murdoc; nhà bán đấu giá Sotheby's nổi tiếng toàn thế giới, được thành lập từ năm 1774 đã nằm trong vòng cương tỏa của một trùm tư bản Hoa kỳ; Công ty Thương mại Fortnum & Mason với bề dày lịch sử hơn 300 năm, đang thuộc quyền sở hữu của nhà tài phiệt Canada Gary Weston...

Khi một người Anh nào đó định đi xem hát hoặc đua ngựa, cũng là lúc đã giẫm chân lên "mảnh đất bị phản bội" rồi, không còn nằm dưới bóng lá cờ Anh nữa. Một nhà buôn Canada giàu sụ bởi hệ thống các cửa hàng và tiệm ăn nhanh, đã đạt được mong muốn có một tặng vật danh tiếng cho mình từ London - nhà hát huyền thoại "Tiếng vọng xưa"...

Sự càn quét từ phương Đông vẫn tiếp tục... London là lãnh thổ đã bị "xâm chiếm", và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta đọc thấy dòng tít chán nản đăng trên tờ The Observer mới đây: "Năm nay ai sẽ bảo vệ chúng ta khỏi tay người ngoại quốc?"

Thành Nhân (theo La Stampa)
.
.