Nước Mỹ với mối lo nợ công 22 nghìn tỷ USD

Thứ Năm, 21/02/2019, 18:26
Nợ công Mỹ hiện nay là hơn 22 nghìn tỷ USD - mức cao nhất từng có. Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra khi doanh thu thuế giảm và chi tiêu liên bang tiếp tục tăng. Mức nợ mới phản ánh mức tăng hơn 2 nghìn tỷ USD kể từ ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017.

“Cú vượt khổng lồ”

Nợ liên bang của Mỹ đã vượt qua mức 22 nghìn tỷ USD vào trung tuần tháng 1-2019, một kỷ lục mới xuất hiện mặc dù tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Tổng thống Donald Trump cho biết Tổng thống "quan ngại" về sự gia tăng của khoản nợ và chính quyền sẽ đề xuất giảm một số khoản chi tiêu liên bang trong ngân sách tiếp theo. Tuy nhiên, dường như đảng Cộng hoà và cả đảng Dân chủ lại không xem đây là vấn đề nghiêm trọng.

Trong hai năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, khoản nợ đã tăng hơn 2 nghìn tỷ USD, một phần là do cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD và tăng chi tiêu lớn mà Tổng thống đã ký thành luật. Đảng Dân chủ để lại vấn đề này và chưa đưa ra được giải pháp để xử lý. Trong khi đó, một số ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng thống trong cuộc chạy đua tới thì lại đề xuất tăng thuế nhưng theo các nhà kinh tế học, kế hoạch này là “thuốc giải độc” cho bất bình đẳng kinh tế, chứ không phải các biện pháp chủ yếu nhằm kiềm chế nợ.

Thiếu đi sự báo động từ những chuyên gia về nợ công của liên bang thể hiện một sự thay đổi mạnh mẽ trong đảng Dân chủ. Bởi lẽ trước đây, dưới thời Tổng thống Barack Obama, đảng Cộng hòa đã liên tục chỉ trích sự gia tăng các khoản chi tiêu liên bang, gọi đó là hành động không thể chấp nhận được và nguy hiểm. Thậm chí, có một số nghị sĩ đảng Dân chủ còn chỉ trích việc cắt giảm thuế từ thời Tổng thống George W. Bush vì những lý do cơ bản tương tự.

Các biểu đồ thống kê và dự báo về nợ công, thâm hụt ngân sách ở Mỹ qua từng năm.

Hãng CNN bình luận: “Những cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả của việc vay mượn liên bang đã được chứng minh rằng, cảnh báo sớm nhất là tốt nhất. Nhưng bối cảnh chính trị đã thay đổi. Đảng Cộng hòa đã chấp nhận chương trình nghị sự cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của ông Donald Trump, cho rằng nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảng Dân chủ đang tìm kiếm một loạt thay đổi rất khác nhau trong chính sách tài khóa, nhưng họ cũng cho rằng nợ liên bang không phải là vấn đề cấp bách”.

Và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell là một trong số ít các chính trị gia phát biểu công khai về mối lo ngại này. Trả lời Hãng CNBC khi phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế ở Washington, ông Jerome Powell nói: "Với vai trò của FED, chúng tôi đưa ra các quyết sách dựa trên việc xem xét độ dài của một chu kỳ kinh doanh. Đó là khung tham chiếu của chúng tôi. Sự thiếu bền vững về tài khóa trong dài hạn của Chính phủ liên bang Mỹ không phải là một vấn đề trung hạn có tác động đến các quyết định chính sách của chúng tôi… Nhưng đó là một vấn đề dài hạn mà chắc chắn chúng ta phải đối mặt, và xét cho cùng, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt".

Ông Jerome Powell cũng cho biết thêm rằng, thâm hụt ngân sách hàng năm của Mỹ lập đỉnh mới trên 1 nghìn tỷ USD. Đây là một ngưỡng thâm hụt mà nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại có thể đặt ra rắc rối cho các thế hệ tương lai. Tổng nợ của Mỹ hiện ở mức trên 22 nghìn tỷ USD, trong đó 16 nghìn tỷ USD là nợ của khu vực công. Do FED nâng lãi suất, tiền lãi phải trả cho khoản nợ khổng lồ đó ngày càng tăng lên.

Những cảnh báo sớm

Đồng quan điểm với ông Jerome Powell, Michael A. Peterson, Chủ tịch của Peter G. Peterson Foundation, một nhóm vận động hàng đầu để giảm nợ, đã ghi nhận cột mốc 22 nghìn tỷ USD với một tuyên bố rằng, nợ liên bang "đe dọa tương lai kinh tế của mỗi người Mỹ”. Theo ông Michael A.Peterson, việc vay của chính phủ có chi phí thực sự, đáng chú ý là cần phải trả lãi cho các nhà đầu tư. Những khoản thanh toán đó hiện vượt quá 1 tỷ USD/ ngày.

Nhiều chuyên gia đã kết luận rằng lực hấp dẫn và tính trực tiếp của bất kỳ mối đe dọa nào đối với nền kinh tế rộng lớn đã bị cường điệu hóa. Trong khi vay liên bang gây áp lực lên lãi suất, bằng cách tăng cạnh tranh cho các quỹ có sẵn, các lực lượng lớn hơn đã giữ lãi suất ở mức thấp, bao gồm cả sự háo hức của Trung Quốc và các quốc gia khác để cho Mỹ vay tiền. Các thống kê khác từ

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings được công bố hồi cuối tháng 1 cho thấy, ở thời điểm cuối năm 2018, nợ công toàn cầu đứng ở mức 66 nghìn tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2007 - thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Nợ chính phủ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng mạnh và hiện đã lên tới mức tương đương 80% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu.

Báo cáo của Fitch Ratings nhấn mạnh, nợ tại các quốc gia phát triển nói chung đã giữ ở mức tương đối ổn định, quanh 50 nghìn tỷ USD, kể từ 2012. Nhưng Mỹ lại là một ngoại lệ vì tổng nợ công đã tăng 44%, trong cùng khoảng thời gian. Cụ thể, trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống George W. Bush, nợ công của Mỹ tăng 85%, lên 10,6 nghìn tỷ USD.

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nợ công của nước này tăng 88%, lên 19,9 nghìn tỷ USD. Và trong hai năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, khối nợ công này tiếp tục đội thêm 10%.

James McCormack, Trưởng bộ phận đánh giá tín nhiệm toàn cầu của Fitch nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm trong số những người cảnh báo về hậu quả thảm khốc của gia tăng nợ công Mỹ. Vào tháng 2-2015, ông đã đăng một tweet về khả năng nợ công của Mỹ lên tới 21 nghìn tỷ USD. Tháng 3-2016, ông Donald Trump nói với tờ The Washington Post rằng ông có thể xóa nợ liên bang trong vòng 8 năm.

Vì thế, hôm 14-2 vừa qua, Nhà Trắng đã dự kiến đưa ra các chính sách để tạo sự tăng trưởng kinh tế, làm giảm mức thâm hụt hàng năm của liên bang và chậm lại sự gia tăng của nợ công. Ông Larry Kudlow chia sẻ: “Đó là chìa khóa - tăng trưởng kinh tế và hạn chế ngân sách. Tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng và hạn chế chi tiêu. Chúng tôi đang làm điều đó và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa”.

Cũng theo lời ông Larry Kudlow, chính quyền đã lên kế hoạch đề xuất một ngân sách chi tiêu rất khó khăn trong năm 2019, bao gồm cắt giảm ít nhất 5% trong chi tiêu tùy ý không cần thiết. Việc cắt giảm này bao gồm cả chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu y tế và thực thi pháp luật, tổng cộng khoảng 610 tỷ USD vào năm ngoái. Với mức cắt giảm 5% thì sẽ tiết kiệm được 30 tỷ USD - một phần nhỏ của thâm hụt hàng năm, dự kiến sẽ đạt gần 900 tỷ USD năm tài chính 2019.

Và mối lo về chủ nợ

Rõ ràng, Chính phủ Mỹ cũng không thể lơ là trước những dấu hiệu cảnh báo mới. “Chi phí đi vay tăng lên khi FED bắt đầu loại bỏ một số hỗ trợ kinh tế sau khủng hoảng, bao gồm cả việc tăng lãi suất. Lợi tức của trái phiếu kho bạc 10 năm điểm chuẩn, đạt mức thấp 1,375% trong tháng 7-2016, đã tăng gần gấp đôi kể từ đó.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán thanh toán lãi sẽ đạt 383 tỷ USD trong năm nay, 460 tỷ USD vào năm 2020 và các  khoản nợ sẽ tăng lên 93% sản lượng kinh tế trong thập kỷ tới, một mức độ chưa từng thấy kể từ những năm 1950”, ông Larry Kudlow cho biết thêm. Đáng chú ý, các chủ nợ Mỹ hiện nắm 70% nợ Chính phủ Mỹ, nhưng các chủ nợ nước ngoài lớn nhất như Trung Quốc và Nhật Bản cũng nắm một lượng không nhỏ.

Các biểu đồ thống kê và dự báo về nợ công, thâm hụt ngân sách ở Mỹ qua từng năm.

Trang Market Watch dẫn số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, khoảng 70% nợ công của nước này hiện nay nằm trong tay Chính phủ Mỹ, các nhà đầu tư tại Mỹ và FED. Các chủ nợ nước ngoài chỉ nắm chưa đầy 30% nợ Chính phủ Mỹ. Các định chế tài chính Mỹ, như các quỹ lương hưu nhà nước và tư nhân, và các nhà đầu tư cá nhân Mỹ chính là đối tượng đang nắm nhiều nợ Mỹ nhất. Nhóm này sở hữu 6,89 nghìn tỷ USD nợ Mỹ và hút khoảng 80% tổng số nợ mới mà Chính phủ Mỹ phát hành trong vòng 1 năm qua.

Nhưng người ta cũng không loại trừ khả năng số nợ quốc gia Mỹ mà Trung Quốc và Nhật nắm giữ còn nhiều hơn con số được công bố, bởi chính phủ và nhà đầu tư của hai nước này có thể mua nợ Mỹ thông qua các thực thể đặt tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác như Hong Kong, Luxembourg, hay Cayman Islands. Cả ba nền kinh tế này vốn đều là những "thiên đường thuế".

Riêng đối với Nga, thống kê mới đây của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, Nga đã ra khỏi danh sách các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Hiện Nga chỉ nắm giữ số trái phiếu chính phủ trị giá 14,9 tỷ USD và không còn nằm trong số 33 quốc gia hiện là chủ nợ hàng đầu của Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 48,7 tỷ USD trái phiếu mà Nga sở hữu hồi giữa năm 2018, khi nước này xếp thứ 22 trong danh sách. Thời kỳ đỉnh điểm, tổng số nợ mà Nga nắm giữ của Mỹ lên tới 96 tỷ USD.

Đó là với vấn đề chủ nợ, còn nguy cơ vỡ nợ thì sao? Có phải chính phủ liên bang Mỹ chưa bao giờ mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ? Thực tế không phải vậy. Sự kiện đáng nhớ nhất liên quan đến vấn đề này là vào tháng 4-1933, trong một nỗ lực nhằm giúp Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã công bố kế hoạch đưa Mỹ ra khỏi chế độ bản vị vàng và phá giá đồng USD. Nhưng hầu hết các hợp đồng nợ tại thời điểm đó bao gồm một “điều khoản vàng”, nói rằng con nợ phải trả bằng “đồng tiền vàng” hoặc “vàng tương đương".

Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết chung vào ngày 5-6-1933, bãi bỏ tất cả các điều khoản vàng trong các hợp đồng trong quá khứ và tương lai. Ngày 30-1-1934, đồng USD chính thức bị phá giá. Giá vàng tăng từ 20,67 USD/ounce - một mức giá có hiệu lực từ năm 1834 - lên 35 USD/ounce. Nhiều vụ kiện đã diễn ra, và bốn trong số đó đã được Tòa án tối cao thụ lý; vào tháng 1-1935, các thẩm phán đã nghe hai trường hợp đề cập đến các khoản nợ tư nhân, và hai trường hợp liên quan đến các nghĩa vụ của chính phủ.

Nhà kinh tế học Jason Furman của Trường Đại học Harvard nhận định: “Mỹ là nền kinh tế tiên tiến duy nhất có nợ công gia tăng song hành cùng GDP. Trong khi đó, nợ công của các nền kinh tế tiên tiến khác lại giảm. Việc nợ công gia tăng không ngừng chắc chắn là một vấn đề lớn, nó cho thấy sự không bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Lịch sử của suy thoái sẽ lặp lại nếu Mỹ không giải quyết ngay vấn đề này.

Không có quy định nào trong Hiến pháp Mỹ đảm bảo rằng chúng ta luôn hoàn trả được mọi khoản nợ. Nếu Mỹ vỡ nợ, chứng khoán thế giới sẽ lao dốc, nhiều tổ chức tài chính có nguy cơ sụp đổ và nguy cơ một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần”.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.