Di dời các di chỉ khảo cổ và di tích văn hoá - lịch sử vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La:

Nước đến chân có kịp nhảy?

Thứ Sáu, 28/08/2009, 16:35
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La không chỉ chứa đựng khối lượng khổng lồ văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều cộng đồng dân tộc cư trú lâu đời ở đây như Thái, Khơ Mú, Cống, Mảng, Si La, Kinh...; mà dưới lòng đất, trong các hang động nơi đây hiện đang lưu giữ một khối lượng di sản văn hóa to lớn, hết sức độc đáo, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu thời kỳ tiền sử và sơ sử Việt Nam.

Mặc dù dự án “Bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng lòng hồ và vùng tái định cư thủy điện Sơn La” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, không ít nơi dự án vẫn đang nằm trên giấy...

Kho báu dưới lòng hồ

Trước khi dự án công trình thủy điện Sơn La được khởi công, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc khu vực lòng hồ. Bằng chứng là vào tháng 5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo tiền khả thi: “Bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng lòng hồ và vùng tái định cư thủy điện Sơn La”, giao Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch VH-TT&DL) chủ trì thực hiện.

Năm 2008, Viện Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La triển khai Dự án Khai quật, di dời và xử lý 31 di chỉ khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Sơn La dưới cốt 215 mét. Các di tích này được Viện Khảo cổ học điều tra phát hiện năm 1998 trong Dự án Tiền khả thi và thẩm định lại năm 2007. 

Tại địa bàn tỉnh Sơn La, các nhà khảo cổ đã khai quật 15 di chỉ khảo cổ, tìm thấy nhiều công cụ lao động bằng đá, một số dụng cụ sinh hoạt bằng gốm của cư dân tiền sử. Trong địa bàn xã Mường Trai, huyện Mường La, các nhà khảo cổ đã khai quật di chỉ hang Lán Mỏ, tìm thấy vết tích cư trú liên tục của cư dân thời tiền sử, từ thời đại đá cũ, cách đây hàng vạn năm, đến thời đại đá mới cách đây vài nghìn năm.

Dọc thềm cổ sông Đà, trên đất huyện Quỳnh Nhai, các nhà khảo cổ đã khai quật một loạt các di tích ngoài trời như Mường Chiên, Pắc Ma, Pá Muội, Hua Lon, Văn Pán, thu được hàng nghìn công cụ lao động bằng đá, có vết ghè đẽo thô sơ, mang dấu ấn văn hóa hậu kỳ đá cũ Sơn Vi ở Trung du Bắc Bộ, niên đại cách nay khoảng 2 đến 3 vạn năm.

Cũng dọc sông Đà, các nhà khảo cổ học đã khai quật một số di tích khảo cổ hang động. Tại Hang Tọ 1 xã Chiềng Bằng, đã phát hiện hàng nghìn công cụ lao động bằng đá, minh chứng cho sự tụ cư của cư dân hậu kỳ đá cũ. Tại đây còn tìm thấy di tích mộ táng của các giai đoạn muộn sau đó.

Khai quật Hang Tọ 2 (hang trên), các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều mộ táng cổ. Phần lớn các ngôi mộ này còn di cốt người, có đồ tùy táng chôn theo. Căn cứ vào đặc điểm chôn cất và đồ tùy táng, các nhà khảo cổ cho rằng, chủ nhân các ngôi mộ này thuộc thời đại đồng thau, chôn theo đồ đồng và đồ gốm giống di vật thời đại đồng thau ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Những tư liệu khai quật được ở Sơn La, cho thấy vùng đất này chứa đựng di sản văn hóa cổ xưa hết sức đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu tiền sử và sơ sử Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung, khẳng định vùng đất này có lịch sử lâu đời, liên tục, từ thuở hồng hoang đến giai đoạn văn minh.

Trong suốt chiều dài lịch sử, miền Tây Bắc là một trong những cái nôi văn hóa tiêu biểu của đất nước, có quan hệ văn hóa mật thiết với vùng châu thổ sông Hồng và các vùng đất khác, tạo nên những sắc thái văn hóa hết sức đa dạng và đặc sắc.

Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Trưởng đoàn khai quật di dời các di tích khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, ngoài 15 di chỉ khảo cổ ở Sơn La, các nhà khảo cổ vừa kết thúc khai quật 4 di tích khảo cổ ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên và 4 di tích ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đây là những di tích thềm cổ sông Đà, có dấu tích văn hóa từ thời đồ đá, cách đây hàng vạn năm đến vết tích văn hóa đồng thau và sắt sớm, cách đây vài nghìn năm.

Bên cạnh đó còn có hàng chục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ nằm trong vùng ngập nước khi thủy điện Sơn La hoàn thành. Điển hình nhất là tấm bia đá khắc ghi bút tích của Vua Lê Lợi, nằm trên vách núi Pú Huổi Chỏ tả ngạn sông Đà, thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

Di tích dinh thự vua Đèo Văn Long giờ chỉ còn là phế tích

Tấm bia do Lê Lợi cho khắc vào năm 1431, sau khi dẹp tan giặc Đèo Cát Hãn và Kha Lại Ai Lao. Theo các nhà nghiên cứu, đây là tấm bia cổ chữ Nôm duy nhất ở Lai Châu, không những có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn mà còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền cương vực đất nước.

Liệu có kịp nhảy?        

Theo tính toán của các nhà khoa học, khi thủy điện Sơn La hoàn thành, một vùng rộng lớn hơn 200km2, trải dài 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La sẽ bị ngập chìm trong nước. Toàn bộ các di chỉ khảo cổ, các công trình di tích lịch sử ven sông Đà sẽ ngập trong nước thấp nhất là 5m, riêng bia Lê Lợi sẽ chìm sâu tới 10m. Cùng với việc di dời, ổn định nơi ăn chốn ở cho hàng trăm ngàn người dân, các dự án bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ giai đoạn từ năm 2006 đến 2010 đã được thiết lập, phê duyệt và từng bước triển khai.

Từ cuối năm 2008, các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT&DL phối hợp với địa phương tiến hành nhiều khảo sát, sưu tầm và nghiên cứu di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến nay, các nhà khoa học đã khai quật và hoàn thành 15 địa điểm di chỉ khảo cổ ở Sơn La, 4/10 địa điểm ở Lai Châu và 4/6 địa điểm ở Điện Biên.

Bên cạnh dự án khảo cổ, còn nhiều dự án khác liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, như: Dự án Nghiên cứu dân tộc học, Dự án Nghiên cứu văn hóa dân gian, các dự án di dời các di tích văn hóa lịch sử đã xếp hạng... Những dự án này do nhiều cơ quan chuyên ngành khác nhau thực hiện.

Riêng các dự án sưu tầm các hiện vật dân tộc học vùng lòng hồ như: nhà cửa, y phục, dụng cụ lao động, nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể... trên địa bàn tỉnh nào do tỉnh  ấy đảm nhiệm. Dự án này còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu chuyên gia, đặc biệt là thời gian quá gấp. Mặt khác, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt làm việc thiếu thốn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khảo sát, sưu tầm.

Bên cạnh đó, còn một cái khó và có lẽ là cái khó nhất đó là công tác bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa sau khi khai quật, sưu tầm thu về. Trong các dự án, các nhà kho bảo quản hiện vật lòng hồ do các tỉnh xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa xây xong.

Hàng vạn hiện vật khai quật về vẫn phải gửi tạm tại các bảo tàng địa phương. Đây là các kho tạm, không đủ về các yêu cầu kỹ thuật trong bảo tồn, lưu giữ hiện vật theo nguyên tắc nghiệp vụ. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, bà Mai Thu Hương, Giám đốc Sở VH-TT&DL Sơn La, cho biết, đến thời điểm này, Sở mới hoàn thành được gần 70% dự án thành phần do Sở làm chủ dự án....

Tiền không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm

Đáng lo nhất có lẽ là với tỉnh Lai Châu, vì tới thời điểm này các di tích lịch sử - văn hóa thuộc diện di dời của tỉnh này vẫn nằm trong dự án phê duyệt. Phương án mới là sẽ di chuyển bia lên cao hơn cách vị trí cũ vài trăm mét.

Các hạng mục của dự án bao gồm xây dựng một quần thể di tích mới có diện tích khoảng 500m2, ngoài nhà bia được xây dựng ở chính giữa còn có Nghi Môn, một ngôi đền, một nhà khách và sân lát gạch bát phục chế, xung quanh khuôn viên di tích trồng một số cây xanh lưu niệm. Trước mắt, có người đề xuất ý kiến làm một bản phục chế, đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra!?

Công trình di tích khu dinh thự vVa Đèo Văn Long (thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ) tuy dự trù kinh phí lên đến hơn 10 tỉ đồng, nhưng khó khăn đặt ra không phải nguồn vốn mà ở chỗ di tích này đã là phế tích từ quá lâu.

Được biết cách đây hơn 3 năm, UBND tỉnh Lai Châu đã có chủ trương phục chế dinh thự Đèo Văn Long, song vẫn còn gặp không ít khó khăn và phức tạp về nhiều mặt. Nhân chứng hiểu biết về dinh thự còn lại quá ít và thậm chí, có người tỏ ra rụt rè không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn (?).

Mới đây, có tin Sở VH-TT&DL Lai Châu sau nhiều nỗ lực, đã liên hệ được với một số hậu duệ của Đèo Văn Long đang định cư tại Pháp. Qua đó, cơ quan này đã nhận được một số hình ảnh và thông tin liên quan đến thân thế Đèo Văn Long và dinh thự họ Đèo.

Tháng 4/2009 dự án phục chế dinh thự Đèo Văn Long kết thúc giai đoạn 1, bao gồm khâu khảo sát và thu thập chứng cứ, hiện vật. Tuy nhiên, tại thời điểm này mà nói mọi cái còn đang ở phía trước.

Trước khi công trình thủy điện Sơn La chính thức phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2010, nhiều vùng ven sông Đà sẽ dần ngập chìm trong nước. Mục tiêu đặt ra của Dự án Khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ học lòng hồ thủy điện Sơn La, sẽ hoàn thành trong năm 2009. Thời gian không còn dài, nếu không khai quật, di dời kịp hoặc làm sơ sài, tắc trách các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá sẽ bị nhấn chìm vĩnh viễn.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử cho biết, ông mong muốn ngoài bảo tàng các tỉnh, Tập đoàn  Điện lực Việt Nam cũng cần xây dựng một bảo tàng lòng hồ, ở đó sẽ trưng bày các di sản văn hóa dân tộc do khai quật, sưu tầm được trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, cũng như thành tựu chinh phục sông Đà của ngành điện, đó là những vốn quý cần được gìn giữ, phát huy những giá trị của nó với hậu thế...

Thiết nghĩ, cho dù chúng ta có xây dựng thủy điện Sơn La tốt đến mức nào, cho dù chúng ta có làm tái định cư cho dân vùng lòng hồ chu đáo đến mức nào; nhưng sẽ là không hoàn thiện nếu chúng ta không làm tốt việc “tái định cư các di sản văn hóa”. Nếu chậm trễ hoặc tắc trách, rồi đây, dưới cốt nước 215m lòng hồ, e rằng sẽ có những tiếng kêu than vẳng lại từ muôn lớp thời gian...

Vũ Mạnh Hà
.
.