Nước mắt hải sâm

Thứ Sáu, 26/09/2008, 14:00
Trước sự săn bắt ráo riết nên số lượng hải sâm ở ngư trường trong nước ngày một khan hiếm dần. Thế nhưng không vì vậy mà sức hút thu lợi từ hải sâm đối với ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giảm đi, ngược lại khao khát “đổi đời” từ loại hải sản quý này càng bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thời gian gần đây, nhiều ngư dân Lý Sơn đã “xuất ngoại” sang nước láng giềng Malaysia để khai thác. Bên cạnh nguồn thu khá lớn là nhưng giọt nước mắt, thậm chí cả máu của ngư dân vùng đảo này…

Hải sâm - hy vọng đổi đời

Hải sâm ở vùng biển nước ta khá nhiều và phân bổ khắp nơi, nhưng chỉ sống tập trung ở những vùng biển mà đất cát không pha tạp chất, dưới độ sâu từ vài chục đến cả trăm mét; gần khu vực có đá ngầm, rạng san hô như quần đảo Trường Sa... Mùa khai thác hải sâm hàng năm của ngư dân Lý Sơn ở ngư trường trong nước thường bắt đầu từ tháng giêng và kéo dài đến tháng 10 âm lịch.

Tuy được xem là loại hải sản quý và việc khai thác hải sâm ở Lý Sơn đã diễn ra từ lâu đời, nhưng do thu nhập từ lặn bắt hải sâm thời đó không bằng các loại hải sản khác, lại nguy hiểm nên ngư dân trên đảo không "mặn mà" lắm.

Đến thời điểm cuối năm 1999, đầu năm 2000, khi hải sâm, nhất là con vú bắt đầu có giá, thì nghề lặn bắt hải sâm nơi đây đã dần dần tạo nên một "cơn sốt", lôi cuốn đông đảo ngư dân Lý Sơn tham gia.

Vú có hình dáng giống như con nhộng, chỉ khác phía dưới phần bụng có 2 hàng vú, với mỗi bên từ 3 đến 5 núm, vì thế ngư dân mới đặt tên cho nó là con vú. Trọng lượng của vú nàng từ 800gr đến 3kg/con. Theo ước tính của chính quyền huyện đảo Lý Sơn, hiện số ngư dân trên đảo chuyển sang lặn hải sâm đã lên đến hàng ngàn người.

Vú-Loại hải sản đang gây "sốt" cho ngư dân đào đất.

Ngư dân Hoàng Minh Trọng (37 tuổi), ở xã An Hải tâm sự: Hiện nay trên thị trường giá mỗi kilôgam vú trên dưới 500.000 đồng, còn các loại hải sâm khác giá thấp hơn từ vài chục đến hơn trăm ngàn đồng/kg, trong đó thấp nhất là loại da trăn, khoảng 10.000 đồng/kg.

Lặn hải sâm có thu nhập cao gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 5 lần so với đánh bắt hải sản khác. Bình quân mỗi thuyền đi lặn hải sâm có từ 10-14 người; thời gian mỗi chuyến ra khơi kéo dài 30-45 ngày, mỗi thợ lặn được chia khoảng 20-30 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó dụng cụ hành nghề lặn hải sâm khá đơn giản. Ngoài tàu thuyền, chỉ cần sắm 2-4 bộ đồ chuyên dụng, máy nén, dây dẫn hơi, kính lặn... với tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng; trong khi đó để sắm ngư cụ, như nghề lưới rút thì phải mất từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng...

Nhờ lặn hải sâm, nhiều ngư dân đất đảo Lý Sơn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Và từ hải sâm không ít gia đình ngư dân Lý Sơn trở nên sung túc, giàu có; góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống mọi mặt của vùng đất đảo.

Hải sâm - lặn ngụp xứ người

Huyện đảo Lý Sơn vào những ngày đầu tháng 9/2008, thông tin nửa hư nửa thực: Nhóm thằng Quang ở An Bình kiếm được gần 1 tỉ đồng. Trừ các khoản chi phí mỗi người được chia gần 50 triệu đồng.

Thấm gì, tàu của nhóm Bảy Phương ở An Hải thu hơn 1,5 tỉ đồng, bình quân mỗi người được trên 60 triệu đồng... càng làm cho đất đảo thêm "nóng". Số ngư dân đang chuẩn bị đi thì háo hức; số đang e ngại, chần chừ thì đứng ngồi không yên. Nhờ sự giới thiệu và lời hứa bảo đảm của anh Nguyễn Văn Tường (42 tuổi), ở xã An Hải, chúng tôi được mời tham gia cuộc nhậu với nhóm thợ lặn vừa trở về sau chuyến "xuất ngoại" đầu tiên.

Lẫn trong những câu chuyện bên hũ rượu vú, chúng tôi được biết chuyện ngư dân trên đảo "xuất ngoại" để lặn hải sâm cũng chỉ là sự tình cờ. Trong quá trình đi lặn ở ngư trường các tỉnh phía Nam, ngư dân Lý Sơn đã vô tình nghe được thông tin: Thời gian gần đây thông qua một số công ty địa phương, nhiều tàu thuyền ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang... đã làm các thủ tục và được phép sang khai thác hải sản ở nước bạn như Indonesia, Malaysia.

Với thợ lặn Lý Sơn thì ngư trường ở các nước này không xa lạ gì. Bởi lẽ với con mắt "nhà nghề" nên họ hiểu và nắm khá rõ về nguồn hải sâm ở khu vực biển các nước này. Vì vậy đối với cánh thợ lặn Lý Sơn, nhất là những người hành nghề lặn hải sâm thì vùng biển Indonesia, Malaysia... chẳng khác nào là miền đất hứa.

Thợ lặn Lý Sơn đang chuẩn bị hành nghề.

Từ những gì đã nắm bắt được, bắt đầu khoảng cuối tháng 1/2007, ông Dương Đức Thắng, thôn Tây, xã An Hải, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNg 6317 TS và là một trong những chủ thuyền có đội quân lặn hải sâm thiện chiến ở Lý Sơn đã cùng với một ngư dân khác là ông Trương Cúc tức tốc mua vé đi du lịch sang Indonesia tìm hiểu.

Trong thời gian lưu lại ở thủ đô nước này, 2 ngư dân Thắng - Cúc được một công ty nước sở tại cho biết chi phí và hướng dẫn các thủ tục. Tiếp đến vào khoảng tháng 11/2007, 2 ngư dân Lý Sơn khác cũng ở xã An Hải là ông Dương Minh Thạnh và Nguyễn Ngữ cũng vào TP HCM liên hệ với Công ty Khai thác thủy sản Thành Phát xin hợp đồng khai thác thủy sản tại Malaysia.

Tuy nhiên cũng như 2 ngư dân đi trước, do giá chi phí hợp đồng lên đến 18.000 USD/thuyền, cùng với một số nguyên nhân khác nên tất cả đành tạm gác giấc mơ "xuất ngoại". Đến khoảng đầu năm 2008, thông qua các chủ tàu tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang... nhiều thợ lặn ở Lý Sơn mới ký hợp đồng để sang khai thác hải sâm tại Malaysia.

Sau chút dè dặt ban đầu, anh Bùi Văn Khỏe, một nhóm trưởng và cũng là một trong số thợ lặn đầu tiên ở Lý Sơn vừa về từ Malaysia trở về kể: Sau khi cùng với một số chủ tàu khác trên đảo xin đưa phương tiện xuất ngoại để hành nghề lặn hải sâm bất thành, vào đầu tháng 4/2008, anh Khỏe đành neo phương tiện tại quê để cùng nhóm thợ lặn của mình gồm 11 người lên đường vào Tiền Giang.

Tại đây cả nhóm đã ký hợp đồng với một chủ tàu ở địa phương. Theo đó người chủ này sẽ chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục giấy tờ phương tiện của mình và cho nhóm thợ lặn của anh Khỏe theo yêu cầu của cơ quan chức năng 2 nước; cho mượn và nộp các khoản chi phí: tiền thế chân khoảng 15.000 USD/tàu, đóng thuế tài nguyên cho nước bạn là 1.500 USD/tháng/tàu...--PageBreak--

Trong các khoản chi phí trên, tiền mua nguyên liệu, thức ăn và thuế tài nguyên môi trường sẽ được trừ ra ngay sau khi bán sản phẩm khi tàu cập bến; số tiền thế chân sẽ được trích ra để trừ dần vào từng chuyến một. Khoảng 10 ngày sau, cả nhóm cùng phương tiện lên đường sang Malaysia.

Hơn 3 ngày đêm vượt sóng, tất cả đã cập bến an toàn tại cảng SARAWAK - Malaysia. Tại đây phương tiện và thuyền viên phải ở lại 2 ngày để cơ quan chức năng nước bạn kiểm tra và cấp phép ra khơi hoạt động. Theo quy định của nước bạn, mỗi tàu thuyền Việt Nam khi khai thác chỉ được lưu lại trên biển 30 ngày; sau đó muốn khai thác tiếp thì phải cho tàu quay vào cảng để gia hạn thêm.

Nếu quá thời gian cho phép trên 15 ngày thì chủ phương tiện và thuyền viên sẽ bị xử lý và chịu phạt. Với thợ lặn hải sâm Lý Sơn, việc sang đánh bắt ở ngư trường Malaysia có nhiều cái lợi hơn so với trong nước: Lượng hải sâm ở đây khá dồi dào, trong khi ngư dân nước bạn thì ngại khai thác vì sợ nguy hiểm.

So với ngư trường Việt Nam thì hải sâm ở nước bạn sống ở độ sâu từ 30-40m, chỉ hơn một nửa so với độ sâu ở ngư trường Việt Nam. Mặt khác, từ khu vực đậu tàu của Malaysia ra đến địa điểm khai thác chỉ khoảng 12 giờ chạy tàu; trong khi đó ở Việt Nam, từ Lý Sơn ngư dân phải đi mất 4-5 ngày đêm.

Với nhiều thuận lợi như vậy nên ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên (khoảng 30 ngày, ít hơn thời gian đi trong nước gần 15 ngày), nhóm thợ lặn của anh Khỏe đã thu về 1,3 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi thợ lặn được chia khoảng 55 triệu đồng/người, cao gấp 2-4 lần so với khai thác trong nước. Cá biệt có nhóm còn được chia trên 70 triệu đồng/người.

Hải sâm - bao giờ nước mắt ngừng rơi?

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện đảo Lý Sơn vào thời điểm tháng 7-2008, toàn huyện có 97 phương tiện khai thác hải sản, với trên 1.020 ngư dân, thì số hành nghề lặn chiếm đến khoảng 92%; trong đó số tham gia lặn hải sâm hiện ước chiếm trên 80%.

Tuy được mệnh danh là "rái biển" thế nhưng do hải sâm được phân bố và sống ở các khu vực gần các quần đảo, dãy đá ngầm ngoài khơi xa, dưới độ sâu từ 30-90m so với mặt nước biển; mặt khác để bắt hải sâm, ngư dân không thể dùng các ngư cụ thông thường như lưới, câu... mà phải lặn xuống và dùng tay để bắt, trong khi đó dụng cụ trang bị cho thợ lặn lại thiếu an toàn... cho nên từ trước đến nay, khai thác loại hải sản này luôn là một công việc vô cùng nguy hiểm.

Gần 50 năm hành nghề thợ lặn, lão ngư Bùi Tường (67 tuổi), ở xã An Hải trầm ngâm: Đối với những người hành nghề lặn, nhất là săn bắt hải sâm đất đảo, một khi đã bước xuống nước rồi thì không ai có thể biết mình sống chết lúc nào.

Máy nén (để cung cấp khí), dây dẫn hơi cho người lặn bị tắc, bể; một chút sơ sẩy, vội vàng, hay "non tay nghề" trong khi trở lên lại mặt nước mà cánh thợ lặn thường gọi là quá trình giảm áp không đúng... đều có thể tước đi mạng sống của họ.

Theo kinh nghiệm của thợ lặn thì: Ở độ sâu từ 30-80m, trước khi trồi lên mặt nước, thợ lặn phải dừng lại ít nhất là 3 lần ở 3 độ sâu khác nhau, với thời gian nghỉ tùy theo, từ 15 đến 60 phút để cơ thể thích nghi dần trở lại với áp lực bình thường. Nếu không cẩn thận, thiếu kinh nghiệm thì thợ lặn sẽ bị chết ngay lập tức, còn nếu nhẹ cũng bị bại, tê liệt.

Mặt khác, khi lặn xuống nếu phát hiện trong nước có hình giống các khoanh tròn, mà dân lặn còn gọi là "nước dầu" thì lập tức dừng lại và trở lên, vì đây là vùng "nước độc" rất nguy hiểm đến tính mạng của thợ lặn.

Nhiều rủi ro là vậy nhưng do giá trị kinh tế của hải sâm quá cao, mang lại thu nhập lớn cho nên dù dụng cụ hỗ trợ cho thợ lặn khá thô sơ... nhiều ngư dân vẫn bị hải sâm "hút hồn" để rồi phải bỏ mạng.

Ông Huỳnh Công Trí, chuyên viên Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn Lý Sơn cho biết: Từ năm 2002 đến nay, toàn huyện đã có 48 ngư dân bị tử nạn, 5 mất tích, 10 người bị thương và 36 trường hợp bị tê liệt.

Trong đó, những trường hợp chết và tê liệt do lặn hải sâm ước chiếm không dưới 50%. Ông Mai Tấn Tiêm, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã An Vĩnh cung cấp thêm: Riêng trên địa bàn xã, số chết và bị liệt do lặn hải sâm trên 20 trường hợp. Nhiều người chết khi tuổi đời còn rất trẻ, như anh Bùi Văn Danh, ở khu dân cư số 6, chết năm 2007, khi mới 21 tuổi.

Có gia đình trong vòng chưa đầy 5 năm đã chết đến 2 người và không tìm được xác, như gia đình ông Nguyễn Thanh, ở khu dân cư số 10, có 2 con trai là anh Nguyễn Cường (mất năm 2003) và anh Nguyễn Hồng Phú (mất năm 2005). Còn số bị bại liệt, ảnh hưởng do lặn hải sâm thì rất nhiều.

Sau lần lặn hải sâm vào khoảng năm 2006, anh Dương Hồng Miết, ở khu dân cư số 10 đã bị sức ép của nước dẫn đến tê liệt toàn thân. Dù nhà rất nghèo, nhưng gia đình vẫn cố chạy vạy khắp nơi để vay mượn gần 40 triệu đồng đưa anh đi chữa trị khắp nơi.

Thế nhưng tiền thì hết, nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Kiếp sống thực vật của anh Miết kéo dài đến khoảng giữa năm 2007 thì chấm dứt, bỏ lại cho người vợ trẻ 4 đứa con thơ dại. Một trường hợp thương tâm khác là anh Nguyễn Vui (27 tuổi)An Vĩnh.

Với vóc người cao to, gương mặt điển trai, Vui đã từng được rất nhiều cô gái đất đảo thầm thương, trộm nhớ. Vậy mà trong một lần đi lặn tại ngư trường Hải Phòng vào đầu 2007, Vui đã gặp sự cố và bị liệt nửa người. Tuy gia đình chẳng khá giả gì, nhưng anh em trong gia đình và người thân đã gom góp tiền để đưa Vui đi điều trị tại các bệnh viện lớn trong nước.

Người nhà anh Vui cho biết: Số tiền chạy chữa đã lên gần 200 triệu đồng, nhưng tình trạng bệnh tình của Vui vẫn không khá lên tí nào. Mọi sinh hoạt của Vui giờ đây đều trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân trong nhà. Không giấu nổi những giọt nước mắt cay đắng đang chảy dài trên má, Vui nghẹn ngào: “Đời em thế là hết. Nếu biết thế này, thì có lẽ...”.

Mặt trời khuất dần sau đỉnh Thới Lới, một ngày cũ sắp kết thúc để cho ngày mới bắt đầu. Nơi phía chân cầu cảng, ngư dân đất đảo vẫn tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi của mình. Nước mắt vẫn chưa thể ngừng rơi cho cuộc mưu sinh "may ít rủi nhiều" này!

Võ Thanh Việt
.
.