Nước mắt ở mỏ đá Kiện Khê

Thứ Năm, 09/10/2008, 10:00
Khu công nghiệp Kiện Khê là bãi khai thác đá lớn nhất của tỉnh Hà Nam không chỉ vì diện tích của nó trùm lên cả hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và thị xã Phủ Lý, nơi có nhà máy xi măng Bút Sơn mang nguồn thu cao nhất tỉnh, mà còn thu hút hàng vạn lao động  đến đây làm việc. Trong cuộc mưu sinh ấy, có không ít phụ nữ và trẻ em đang hàng ngày “chọi” với đá.  

Mồ hôi

Mới 4h sáng, trên các ngả dẫn tới bãi đá như đường Kiện Khê, đường 979, đoạn cầu Phủ Lý, cổng vào nhà máy xi măng Bút Sơn... đã nhốn nháo từng đoàn phụ nữ đón xe tìm việc.

Mặc dù đang vào vụ gặt, nhưng họ vẫn tụ tập ở đây vì đa phần họ là con em công nhân của các nhà máy khai thác đá nay đã giải thể, không có ruộng đồng nên cũng chẳng vướng bận đồng áng. Cũng rất nhiều người trong số họ là con nhà nông nhưng vì ruộng ít, làm chẳng đủ ăn nên từ lâu đã bám vào bãi đá.

Cứ 5-10 phút, một chiếc xe tải lớn dừng lại, tốp chị em 5-7 người vội vã leo lên. Mấy năm trở lại đây, các công đoạn khai thác đá đã được cơ giới hóa nhiều nhưng các chủ xe hay chủ thầu vẫn thuê những người phụ nữ  làm một số khâu thủ công mà máy móc không thể thay thế được, chính vì thế họ là một bộ phận lao động không thể thiếu của bãi đá.

 Một ngày làm việc bắt đầu. Những chiếc xe tải nặng nề bám theo những triền đá dốc đến chân núi rồi thả “quân” xuống vị trí của mình. Trước đó, vào quãng 2 đến 4 giờ sáng, khi chưa có lao động vào làm việc là giờ nổ mìn phá núi.

Những phiến đá lớn, những tảng đá hộc đang nằm ngổn ngang. Vừa xuống xe, những người phụ nữ túm lại, tay cầm xà beng hò nhau để bẩy những tảng đá to. Ở nhóm khác, các chị dùng búa tạ để đập đá hộc hay dùng cuốc để cào đá rồi ném lên xe ben... Cả bãi đá vang động tiếng ầm ì của động cơ máy khoan, máy xay, máy nghiền, tiếng đổ đá và tiếng xe tải chạy ra vào.

Vào đúng những ngày nắng nóng, nhiệt độ miền Bắc lên đến 380C. Nhưng ở bãi đá, không cây cối, hơi nóng của những dãy núi bị đánh mìn và các loại động cơ máy móc phả ra kèm theo bụi đá mù mịt khiến cả công trường ngột ngạt.

Vợ chồng anh Lê Văn Nhất bị tai nạn ở bãi đá và đứa con bị bại não.

Những người phụ nữ vẫn mải miết làm, găng tay, khẩu trang bịt mặt toàn là đồ dùng để chống nắng chứ không phải trang bị bảo hộ. Quần áo họ mặc cũng chỉ  là những bộ đồ cũ kỹ. Những khuôn mặt cháy đen vì nắng, vừa làm họ vừa luôn tay quệt mồ hôi.

Nhọc nhằn kiếm sống từ bãi đá, nhưng cuộc sống của những lao động nữ và gia đình họ vẫn như người đi bắt cua, bữa no, bữa đói là chuyện bình thường. Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi) thôn Nam Sơn, xã Châu Sơn, huyện Thanh Liêm có bố mẹ làm công nhân của Nhà máy khai thác đá vôi số 1 đã nghỉ hưu.

Vào lứa của Thu, nhà máy không tuyển dụng con em vào làm việc nữa nên chị trở thành lao động làm đá tự do đã 15 năm. Chị Thu cho biết, ngày nắng cũng như  mưa, công việc của chị là theo xe vào bãi để làm bất cứ công việc gì nếu được thuê như pha đá, sàng lọc đá, thu gom đá và xúc vào thúng rồi chuyển lên xe.

Chị làm theo kiểu khoán số lượng công việc trong ngày nên chẳng có hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, không được trang bị bảo hộ. Trung bình, một ngày, tốp của chị Thu “bám” được 3 xe, mỗi xe, chủ thầu chỉ trả ngót 50 ngàn đồng, chia cho 5 người thì mỗi chị em chỉ được khoảng 30 ngàn đồng. 

Với thu nhập không ổn định như vậy, cả gia đình chị Thu, kể cả những đứa trẻ đều phải bám vào bãi đá để kiếm sống. Nhiều năm trước, việc khai thác chưa phân rõ khu vực cho các công ty cổ phần, công ty nhà nước và công ty tư nhân, việc bọn trẻ hàng ngày theo mẹ lọt vào bãi đá để làm việc là chuyện bình thường.

Nhưng kể từ khi bị cấm, bọn chúng đã sớm tìm riêng một “lãnh địa” cho mình. Đó chính là khu lò vôi, cách bãi đá chỉ hai trăm mét là nơi  hàng ngày có hàng chục đứa trẻ tìm đến làm việc. Công việc của  chúng là bám vào các lò nung vôi. Đá ở bãi Kiện Khê được chuyển sang và cho vào các lò nung.

Khi ra lò, vôi cục trắng lớn sẽ được lọc ra để mang bán, số còn lại gồm xỉ than lẫn vôi cục nhỏ được đổ thành đống lớn. Ngay sau dỡ lò, mặc cho bụi vôi, bụi than còn  mù mịt và nồng nặc, lập tức bọn trẻ đã “bâu” vào để xúc thành từng làn nhỏ rồi khuân ra đâu đó để lọc.

Tại một nhóm, những đứa trẻ tên là Nguyễn Thị Thâu (10 tuổi), Hoàng Đình Công (12 tuổi) và Nguyễn Thị Hậu (15 tuổi) cùng sống ở thôn Nam Sơn, xã Châu Sơn, huyện Thanh Liêm đang cặm cụi nhặt vôi và xỉ tách riêng ra. Khuôn mặt của các em vốn đen nhẻm nhưng đứa nào cũng bị phủ thêm lớp bụi vôi.

Em Hậu cho biết, các em đến đây làm việc đều là con của những người làm đá tự do. Chúng đi học tại Trường tiểu học Châu Sơn và thị trấn Kiện Khê. Vào năm học, một buổi đến trường, một buổi chúng lại ra đây làm việc. Còn những ngày hè, như năm nay chẳng hạn, chúng chẳng biết đến kỳ nghỉ và làm việc cả ngày ở khu lò vôi.

Chúng nhặt vôi và xỉ. Với những cục vôi trắng nhỏ, chúng bán lại cho các chủ lò để họ tiếp tục đem bán lại với giá 5.000đ/rá. Còn xỉ chúng mang về để đun nấu. Số tiền làm được chúng nộp cho mẹ để đóng tiền học và đong gạo.--PageBreak--

Nước mắt

Thu nhập bấp bênh, công việc nặng nhọc, nhưng ở khu bãi đá, tai nạn có thể ập đến với những người lao động bất kỳ lúc nào. Cách đây 5 năm, tai nạn đá bắn vào mắt đã khiến chồng chị Thu bị mù. Cũng trong năm ấy, mẹ chồng chị cũng vào bãi để bốc đá thuê thì bị xe tải đổ vào người đè chết.

Chỉ trong một buổi chiều, chúng tôi không thể đến thăm hết những hoàn cảnh thương tâm từ tai nạn khai thác đá gây ra với gia đình những người lao động hiện đang sống tại khu tập thể nhà máy khai thác đá vôi Nam Sơn, xã Châu Sơn, thị xã Phủ Lý.

Đó là gia đình ông bà Nguyễn Văn Cáo (89 tuổi) và Mai Thị Thâm (80 tuổi) cuộc sống chưa yên ổn tuổi già vì nỗi ám ảnh 4 đứa con bị chết vì tai nạn ở bãi đá. Cách đây 6 năm, trong lúc làm việc, người con trai cả và người con gái út của ông bà bị đá rơi đè chết.

Khi ấy, người con gái tuổi mới đôi mươi, chưa lập gia đình còn người con trai cả đang phải nuôi 2 con nhỏ, đứa lớn mới 12 tháng tuổi, đứa nhỏ 3 tháng tuổi. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, hai đứa trẻ lại mồ côi cả mẹ khi cô con dâu của ông bà trên đường từ bãi đá về nhà bị ôtô tải cán chết.

Vài năm sau, người con trai còn lại của ông bà đã may mắt thoát chết sau một vụ tai nạn nổ mìn. Tuy nhiên, một bàn tay của anh đã bị cụt mất 3 ngón. Vậy mà, với 2 ngón còn lại, anh vẫn ngày ngày ra bãi đá kiếm sống. Hiện tại, ông bà Cáo - Thâm đang lần hồi nuôi hai cháu mồ côi bằng đồng lương công nhân khai thác đá nghỉ hưu.

Hoàn cảnh tương tự là gia đình bà Trần Thị Tình (75 tuổi) và ông Trần Đình Sự (80 tuổi) phải nuôi cháu vì các con bị chết do đi làm đá. Năm 2003, con dâu bà Tình trong lúc cào đá chẳng may ngã núi chết.

Một năm sau, con trai của ông bà đi nổ mìn bị đá đè chết khiến 2 cô con gái của họ trở thành trẻ mồ côi và nguồn sống chủ yếu của mấy bà cháu dựa vào lương hưu của ông. Cách đây vài tháng, ông Sự cũng khuất núi, khiến 3 bà cháu phải vất vả bữa cơm, bữa cháo.

Hiện tại, ngôi nhà cấp 4 của họ đã quá sập sệ, chẳng biết có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhưng dù cuộc sống khó khăn vất vả, 2 cháu gái của bà Tình là Trần Thị Quyên đang học lớp 9 và Trần Thị Hồng học lớp 7 ở Trường THCS thị trấn Kiện Khê, năm nào cũng đạt học sinh giỏi.

Cũng trong vụ tai nạn ôtô tải bị lật ở bãi đá từng làm mẹ chồng của chị Nguyễn Thị Thu chết còn gây ra cho anh Lê Văn Nhật (53 tuổi) chồng chị Ngô Thị Lam (53 tuổi) bị giập nát một chân. Anh Nhật buộc phải cưa chân, lắp chân giả và hầu như không làm được việc gì.

Cuộc sống gia đình vốn vất vả của họ tiếp tục dồn cho chị Lam. Đứa con gái lớn của anh chị không may bị di chứng não giờ đã 25 tuổi nhưng ăn không biết no, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người phục vụ và cứ khi vắng bố mẹ lại tự đập đầu vào tường. Chị Lam hiện giờ không có lúc nghỉ ngơi. Chị vừa vào bãi đá làm thuê, hết giờ lại đi quét chợ Nam Sơn, quét đường 979 và gánh hàng thuê để có thêm thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Nam Sơn, xã Châu Sơn, thị xã Phủ Lý nguyên Thường vụ BCH Công đoàn mỏ đá Phủ Lý, ở khu vực này, dân cư phần lớn làm việc ở các nhà máy khai thác đá vôi cũ nay đã giải thể. Không ruộng vườn, không nghề phụ nên công việc chính truyền từ thế hệ ông bà, cha mẹ đến con cháu đều làm khai thác đá.

Trước kia thì làm công nhân nhà nước, nay là người lao động tự do. Trong số họ, có gia đình đã dám vay vốn ngân hàng mua xe tải để chở đá thuê hoặc thành lập các công ty khai thác tư  nhân. Tuy nhiên, số này rất ít và chủ yếu các chủ thầu khai thác, các chủ vận tải hàng chục đầu xe đều ở các địa phương khác đến làm ăn, còn 90% dân địa phương vẫn cam chịu cảnh làm thuê, cuốc mướn.

Ông Tuấn cho biết, họ chủ yếu là lao động làm đá tự do, được chủ trả theo công việc nên dù công nhân khai thác đá được coi là nghề nguy hiểm độc hại (theo Bộ luật Lao động) thì họ cũng không có hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trang bị bảo hộ lao động.

Ông Tuấn nhớ, hàng năm, tai nạn lao động ở bãi đá Kiện Khê cũng tới hàng chục vụ như sau khi nổ mìn, đá bắn, đá rơi, đá kẹp, xe chẹt... nhẹ thì vỡ đầu, gãy chân tay... nặng thì tử vong.

Tuy nhiên, dù nặng, hay nhẹ, khi các chủ thầu có thỏa thuận và bồi hoàn với gia đình nạn nhân thì mọi việc đều êm xuôi. Hơn nữa, khi đã “chọi” với đá, người lao động nào cũng chặc lưỡi và phó thác tính mạng cho số phận.

Không chỉ vất vả ở bãi đá, môi trường sống của gia đình những người lao động  quanh mỏ đá Kiện Khê đang bị ô nhiễm nặng. Đó là tình trạng bụi đá, là nguồn nước bị nhiễm chất clanhke và thiếu nước sạch trong sinh hoạt. Ông Tuấn nhớ lại, khi còn đang làm việc, hàng năm số công nhân nữ ở khu bãi đá đi khám sức khỏe định kỳ nếu không bị bụi phổi, da liễu, phụ khoa... thì mới là chuyện lạ.

Còn con em họ, chủ yếu học hết cấp 1 hoặc cấp 2 là lại tiếp tục công việc của cha mẹ.

Làm thế nào để cho con em của những người khai thác có thể thay đổi được nghề nghiệp khi mà các công trường ngày càng hiện đại hóa và để chúng không vất vả như cha mẹ? Câu hỏi này đã được đông đảo bà con khu vực khai thác đá đề đạt lên các cấp chính quyền địa phương và từng ngày mong sớm được hồi âm

Mai Tâm
.
.