Nước nhiễm Asen: Chung sống với… tử thần

Thứ Bảy, 12/10/2013, 11:25

Khu vực đồng bằng sông Hồng và một số vùng khác của Việt Nam bị nhiễm độc asen (thường được biết đến với tên gọi "thạch tín") trong nước ngầm không phải là mới. Nhưng thạch tín từ đâu mà ra? Làm thế nào để nhận biết được mình đang sống trong khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm thạch tín và tìm cách hạn chế tốt nhất ô nhiễm thạch tín trong điều kiện hiện có lại là những băn khoăn chưa từng được giải đáp thỏa đáng.

Thạch tín ở ngay dưới chân

Trong một kết quả nghiên cứu từng được công bố, Hà Nội nằm trong số 10 địa phương có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen vượt mức cho phép. Trong số các địa phương này còn có Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp… Tại Hà Nội, Thanh Trì và Từ Liêm là hai nơi được đánh giá là bị nhiễm asen trong nước ngầm nặng nhất.

Còn theo một nghiên cứu khác, với thực trạng sử dụng nước như hiện nay, ước tính có khoảng 17 triệu người Việt Nam có nguy cơ bị nhiễm thạch tín do sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Thạch tín là một chất độc không màu, không mùi vị, không thể phát hiện được bằng giác quan, khi tích tụ trong cơ thể trong nhiều năm sẽ gây ra những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư các cơ quan nội tạng, bệnh tim mạch… cũng như một số bệnh về tâm trí. Các triệu chứng bên ngoài đầu tiên của người uống nước nhiễm asen là xuất hiện các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi xuất hiện các vùng sừng hóa trên bàn tay, bàn chân…

Cách đây ít lâu, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã lấy 1.640 mẫu nước từ các giếng khoan hộ gia đình, trường mầm non, trạm y tế và 187 trạm cấp nước tại 420 xã, thị trấn thuộc khu vực ngoại thành để làm xét nghiệm.

Qua phân tích, kết hợp với các tài liệu quan trắc cho thấy nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn ở nhiều nơi. Chẳng hạn như tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, có 123 mẫu nước ngầm được lấy để phân tích thì có 86 mẫu bị nhiễm bẩn với các kết quả khác nhau như có màu lạ, độ đục cao gấp 5 lần cho phép, hàm lượng amoni cao gấp nhiều lần cho phép, thậm chí có nhiều mẫu có chỉ số coliform, ecoli cao hơn cho phép nhiều lần. Sau đó là hàng trăm hộ dân thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm phát hiện nguồn nước sinh hoạt sử dụng trong nhiều năm nay bị nhiễm asen, có nơi vượt tới 43 lần mức cho phép…

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Vậy thì asen từ đâu ra? Lý giải được phần nào thắc mắc này sẽ giúp ích cho việc phòng tránh hiệu quả hơn nhiễm độc asen vào cơ thể người, cây trồng, vật nuôi.

Asen từ đâu đến?

GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu: "Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene" được quốc tế đánh giá cao. Được biết nhiều kết quả nghiên cứu trước đây của CETASD đã được sử dụng làm cơ sở khoa học góp phần tư vấn cho Chính phủ xây dựng "Chiến lược hành động quốc gia về nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm và giải pháp khắc phục", đồng thời góp phần giúp hoạch định chính sách về quản lý khai thác nước ngầm và định hướng khai thác nước mặt dần thay thế nước ngầm trên địa bàn Hà Nội.

Còn riêng về công trình đang nói đến, hợp tác cùng Trường đại học Colombia, Hoa Kỳ, việc nó được đăng tải trên Tạp chí Nature có thể coi như sự khẳng định về tầm quan trọng của vấn đề cũng như công sức và năng lực của các nhà khoa học trước thế giới. Mỗi năm, tạp chí này nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố. Và đây cũng mới là công trình thứ 5 của Việt Nam từ trước đến nay được công bố trên tạp chí này.

GS. TS Phạm Hùng Việt: lọc sắt chính là lọc asen, thông qua đồng kết tủa.

Khởi thủy của câu chuyện bắt đầu từ những năm 1997 - 1998. Khi ấy cũng đã có vài đơn vị nghiên cứu địa chất trong nước thông báo về kết quả tìm thấy asen trong các mẫu lấy từ khu vực sông Hồng, sông Mã và đồng bằng sông Cửu Long khá cao, tới 50 microgram/lít nước, trong khi ngưỡng cho phép chỉ là 10. Song, nó chỉ thực sự nóng lên khi các nhà khoa học của CETASD biết đến những trường hợp nhiễm độc asen trên người ở Bangladesh. Nhiều người dân nơi đây sau thời gian ủ bệnh đã phát sinh hiện tượng bị sừng hóa chân tay, người bỗng dưng nổi nhiều vết mẩn, đổi màu sắc tố da, sau đó trầm trọng hơn là hư hỏng cơ quan nội tạng như thận, bàng quang và tử vong. Tất cả đều do asen.

Có một chi tiết đáng lưu tâm là trước đó, người dân Bangladesh cũng có thói quen dùng nước mặt lấy trực tiếp từ sông hay giếng khơi giống như ở vùng đồng bằng Bắc bộ của Việt Nam. Bởi nguồn nước không đảm bảo nên rất nhiều trường hợp bị tiêu chảy hoặc bệnh ngoài da, ô nhiễm đường ruột. Những bệnh này thì thường phát bệnh ngay, và dấu hiệu cũng rõ. Sau đó, khi được các tổ chức quốc tế giúp cho việc khoan giếng để sử dụng nước ngầm, những bệnh này bớt hẳn. Tuy nhiên, sau vài năm thì những trường hợp nhiễm độc asen bắt đầu được ghi nhận. Nước giếng khoan nhiễm asen không khác gì nước không nhiễm asen, rất trong và mát. Và bản thân những dấu hiệu nhiễm độc asen qua nước ăn mất một thời gian ủ bệnh khá dài mới phát lộ…

Một nhóm nhà khoa học địa chất Anh lúc bấy giờ vào cuộc, và kết luận rằng nguồn ô nhiễm asen ở Bangladesh có nguồn gốc từ dãy Himalaya. Kết luận này đã khiến GS. TS Phạm Hùng Việt cùng các cộng sự của mình nảy ra băn khoăn rằng, liệu với cấu trúc địa chất thủy văn khá tương đồng, cộng với những dòng sông chính của của Việt Nam như sông Hồng và sông Cửu Long đều có nguồn gốc từ vành đai chân dãy Himalaya như dòng sông chính của Bangladesh có liên quan với những báo cáo của ngành địa chất trước đó? Và thế là một loạt các dự án khảo sát, nghiên cứu nước ngầm và ô nhiễm asen được tiến hành, với sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế, đầu tiên là từ Thụy Sĩ. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm asen ở các vùng châu thổ của Việt Nam rất cao.

Nghiên cứu về asen của CETASD kéo dài gần 15 năm.

Ngay thời điểm ấy, nhóm nghiên cứu của GS. TS Phạm Hùng Việt đã chỉ ra rằng, trong số 9 nhà máy nước trên địa bàn Hà Nội lúc bấy giờ, một nửa số đó nước lấy lên có ô nhiễm asen trên mức cho phép. Nặng hơn cả là nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân. Thời điểm ấy lên tới gần 100 microgram/lít nước. Chỉ duy nhất một nơi mà hàm lượng asen trong nước ngầm dưới mức tiêu chuẩn, đó là nhà máy nước Ngọc Hà.

Loạt các nghiên cứu được CETASD triển khai sau đó đã đạt được thành tựu, chẳng hạn như đánh giá mức độ ô nhiễm asen trong nước ngầm thông qua biểu đồ chỉ số phụ trợ đo nhanh ngoài hiện trường; nâng cấp năng lực xét nghiệm nước nhiễm asen cho các phòng thí nghiệm và đỉnh cao, chính là đề tài nghiên cứu "Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene", với kết luận mất 12 năm để ô nhiễm asen từ tầng nước nông (Holocene) xuống tầng nước sâu Pleistocene nếu không có biện pháp ngăn chặn buộc cả thế giới phải quan tâm…

Tuy nhiên, đấy là câu chuyện khoa học. Còn về mặt thực tế đời sống, đến đây lại nảy sinh thắc mắc rằng vậy thì cùng mức độ ô nhiễm như nhau, tại sao người dân Bangladesh có những biểu hiện nhiễm độc asen rõ như vậy, còn ở Việt Nam lại gần như không thấy? Chẳng lẽ do thể trạng người Việt Nam khác, thích nghi được hơn chăng, hay là vì lý do nào khác?

Cần biết để mà tránh

Những nghiên cứu cụ thể của CETASD hiển nhiên là có thể nhìn thấy ngay giá trị đối với đời sống. Bởi vì với kết quả khoanh vùng rất chi tiết về mức độ ô nhiễm asen trong nước ngầm sẽ giúp cho người dân khi chưa có nước máy sạch để dùng cần phải cảnh giác với nước ngầm, không sử dụng bừa bãi.

Có một điều mà chắc chắn không nhiều người biết, đó là asen cũng có dăm bảy loại. Asen vô cơ thì độc, còn asen hữu cơ thì không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong asen vô cơ, thì asen5 không độc bằng asen3. Và asen3 này chính là thạch tín. Sau một loạt các phân tích về cấu trúc phân tử, về cơ chế hấp thụ và giải phóng của Fe2 (sắt 2) và Fe3 (sắt 3) đối với asen, GS. TS Phạm Hùng Việt đi đến kết luận chính những chiếc bể lọc bằng cát mà ta vẫn hay dùng để lọc nước giếng khoan là tác nhân loại trừ tới 90% asen trong nước.

Rõ ràng mục đích ban đầu của những bể lọc bằng cát và than nhằm mục đích làm trong nước, giữ lại những cặn sắt xỉn vàng mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thì đó lại chính là động tác lọc asen thông qua hiện tượng đồng kết tủa tự nhiên giữa asen3 hòa tan trong nước với Fe2 cũng hòa tan trong nước. Bởi thế nên mới có chuyện ngược đời, rằng nơi nào nước giếng khoan đưa lên càng nhiều cặn sắt, mùi tanh, thì nước sau khi được lọc qua bể lại càng sạch asen bấy nhiêu! Ngay kể cả đối với các nhà máy nước, đều có công đoạn làm thoáng, lọc sắt và các loại quặng có hại trong nước cũng chính là lọc asen.

Ở những vùng vi sinh vật hoạt động mạnh, quặng sắt Fe3 không hòa tan trong nước biến đổi thành Fe2 hòa tan trong nước nhiều hơn, thì nước cũng ít bị ô nhiễm asen hơn. Theo GS. TS Phạm Hùng Việt, đó là khu vực phía bắc sông Hồng, cụ thể là cả một dải chạy dài từ Gia Lâm, qua khu Việt Hưng, lên đến tận Đông Anh… Câu chuyện này của ông Giám đốc CETASD làm tôi nhớ đến trong một cuộc hội thảo khoa học, đã có một nhà khoa học khuyên người dân đồng bằng sông Cửu Long cố gắng hạn chế tối đa dùng nước giếng khoan, bởi hàm lượng Fe2 hòa tan trong nước ở đây cực kỳ thấp, không đủ để lọc đi lượng asen tối thiểu…

Một thói quen nữa của người Việt, theo GS. TS Phạm Hùng Việt, cũng có thể là một tác nhân tích cực cho quá trình lọc asen khỏi nước uống, đó là thói quen không hay uống nước trắng. Nếu như việc đun sôi nước hoàn toàn không có tác dụng trong việc lọc asen trong nước thì chính thói quen uống trà, nước lá lại có thể là lần lọc asen thứ hai trước khi đưa nước vào cơ thể.

"Khi chúng ta chế một ấm trà, một cốc nước lá uống không ngon mà đổ đi, thì đó rất có thể là đã có một thành phần hóa học trong cây chè, nước lá đã phản ứng với thành phần của nước, asen chẳng hạn, khiến cho nước không ngon, hoặc thậm chí không uống được. Thói quen này của người Việt khác hẳn với nhiều quốc gia khác, thường chỉ uống nước lọc hoặc thậm chí, uống thẳng từ nguồn. Tuy nhiên, nếu để kết luận rằng nó là một yếu tố lọc asen, thì cần phải có nghiên cứu một cách nghiêm túc!"

Việt Ba
.
.