Ở chung cư càng cần biết phòng cháy

Thứ Sáu, 16/09/2011, 17:10

Hỏa hoạn là hai từ dễ gây hoảng loạn. Và nó càng khiến người ta kém tự chủ hơn khi bất thình lình bùng lên tại các địa điểm thường xuyên tụ tập nhiều người hay các tòa nhà chung cư đông đúc. Đáng tiếc thay, chính sự tắc trách của con người đã khiến cho những cuộc “viếng thăm” này trở nên… “rôm rả” hơn.

Kết quả của một cuộc kiểm tra cách đây ít lâu của liên ngành trên địa bàn Hà Nội cho kết quả có chừng hơn 1.300 thiếu sót, bất cập cần khắc phục liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các tòa chung cư trên địa bàn thành phố.

Câu chuyện từ một đám cháy

Nhưng cho dù thống kê kiểu gì thì cũng không thể kể ra hết được những bất cập hay thiếu sót ấy, bởi nhiều khi nó chỉ bắt đầu từ những sự vô ý thức một cách không thể ngờ tới. Cho đến nay, thông tin cuối cùng về nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại tòa chung cư SJC34 nằm trên phố Lê Văn Lương, Hà Nội là từ… một viên than tổ ong. Ai đó, một cách vô thức, đã ném viên than tổ ong mà họ cho là đã hết giá trị sử dụng vào đường ống xả rác chung của tòa nhà. Tàn lửa còn sót lại bên trong viên than gặp rác bắt cháy trong đường ống đã gây nên hỏa hoạn.

Mặc dù thiệt hại trực tiếp về tài sản do vụ cháy gây ra không phải quá lớn, nhưng chúng tôi vẫn muốn gọi đó là một vụ đặc biệt nghiêm trọng bởi thiệt hại về người đã xảy ra. Sau khi vụ cháy xảy ra, các chuyên gia thuộc Trường đại học PCCC - Bộ Công an đã tìm hiểu, đánh giá kỹ càng từng tình huống xảy ra tại tòa nhà nói trên và rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu. Giá như mẹ con chị - hai nạn nhân tử nạn duy nhất trong vụ hỏa hoạn nói trên - không quá hoảng loạn để nhận ra rằng ở tầng 18 chỉ có khói, không có lửa để xử lý bình tĩnh hơn… Giá như người mẹ ấy biết được mỗi khi có đám cháy xảy ra thì việc đầu tiên là người ta sẽ phải cắt điện tòa nhà, để không mất một khoảng thời gian đứng chờ thang máy mà hít phải quá nhiều khói độc bốc lên từ cửa xả rác gần đấy… Giá như người mẹ ấy có đủ bình tĩnh để nhớ ra rằng còn có một cầu thang bộ nữa ở đầu phía bên kia hành lang, không phải chen chúc tất cả về một phía cầu thang để rồi phải vượt qua lối cửa xả rác đang bốc khói độc lên ngùn ngụt như thế… Những cái "giá như" thật quá ư đau xót! Và xót xa hơn nữa là khi khám nghiệm hiện trường vào đến phòng của bé, mọi thứ gần như vẫn còn nguyên vẹn, chỉ ám chút khói bụi. Lại giá như…

Cũng trong vụ cháy ấy, câu chuyện về hai cha con người Hàn Quốc ở tầng 14 lại chưa hề được nhiều người biết tới. Với những kỹ năng tối thiểu được đào tạo một cách bài bản, hai người ấy đã vượt qua cơn hoạn nạn một cách bình tĩnh, hiệu quả. Khi phát hiện có cháy, người bố đã giữ cho con không hoảng loạn trong nhà, đồng thời bình tĩnh mở hé cửa ra hành lang quan sát tình hình. Khi biết lửa không có tại tầng của mình mà chỉ thấy khói bốc lên, ông đã quyết định cùng con trai không tìm cách thoát qua đường thang bộ, lúc này đã rất đông người đang ào xuống thoát thân, mà ở lại trong phòng, đóng kín các cửa thông ra phía hành lang. Sau đó, cả hai dùng khăn, giẻ tẩm đẫm nước bít kín các khe hở xung quanh cửa và lỗ thoát hơi để ngăn chặn tối đa khói bụi từ ngoài hành lang vào phòng.

Cuối cùng, cả hai kéo ra ngoài ban công, đóng cửa lại và dùng khăn, áo may ô trắng cầm ở tay phất liên hồi làm tín hiệu, thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hộ và được xe thang cứu thoát một cách an toàn. Theo đánh giá của các chuyên gia về PCCC, cách xử lý của hai người nước ngoài nói trên là cách xử lý đúng đắn nhất trong những đám cháy có diễn biến tương tự. Và ngay kể cả với những trường hợp cháy to hơn hay bị lửa bịt lối thoát, thì tìm cách đưa người ra ban công ở mức xa nhất có thể để chờ lực lượng chức năng đến giải thoát cũng là một cách tốt.

Cảnh sát PCCC Hà Nội dập tắt một đám cháy.

Chúng ta tự bịt đường sống của nhau

Cách đây ít lâu, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ trì và phối hợp với một số sở, ban, ngành liên quan tổ chức một cuộc tổng kiểm tra công tác an toàn PCCC, tập trung chủ yếu vào các tòa nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội. Sau gần 2 tháng, cuộc tổng kiểm tra thu một kết quả không mấy bất ngờ, nhưng thực sự đáng quan tâm. Có khoảng gần 400 tòa nhà chung cư nằm trong diện được kiểm tra, trong đó có 80 nhà cao từ 7 đến 9 tầng; gần 300 nhà cao từ 10 tầng trở lên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập hơn 300 biên bản kiểm tra và đưa ra gần 1.300 kiến nghị về những thiếu sót, tồn tại cần khắc phục trong công tác PCCC tại các chung cư cao tầng. Có 25 cơ sở đã bị lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền hơn 28 triệu đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy cho biết vi phạm quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ tại các chung cư và khu vực đông dân cư tập trung thường xuyên là khá phổ biến, và dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như trong cuộc kiểm tra nói trên, chỉ một phần ba nhà chung cư được kiểm tra có hệ thống thu rác, và cũng chỉ khoảng một nửa trong số đó có hệ thống thu rác đạt yêu cầu. Chỉ một phần tư số tòa nhà có bể nước xe chữa cháy có thể hút nước được. Có nhiều trường hợp, báo cáo của ban quản trị tòa nhà có thang máy thoát hiểm trong trường hợp nguy cấp, nhưng khi kiểm tra lại phát hiện ra nguồn điện cấp cho thang lại đấu chung với điện lưới của tòa nhà. Như vậy trong trường hợp khẩn cấp xảy ra, phải cắt điện tòa nhà thì thang thoát hiểm cũng chẳng có tác dụng.

Ngoài ra, tình trạng người dân cho thuê căn hộ làm văn phòng đã khiến mật độ người sinh hoạt trong tòa nhà gia tăng. Đó là chưa kể người dân tuy đã sống ở chung cư nhưng vẫn giữ thói quen sử dụng nguồn lửa không đảm bảo quy định an toàn PCCC như đun nấu tại khu vực hành lang, cầu thang, đốt vàng mã không đúng chỗ hay đổ than tổ ong, tro than đang cháy vào các cửa ống thu rác.

Lộm nhộm nhất là tại các khu nhà tái định cư, người dân còn để nhiều vật dụng, hàng hóa trong buồng thang thoát nạn. Có trường hợp ô cầu thang thoát nạn khẩn cấp được biến thành kho chứa đồ cũ hoặc là nơi gửi đồ của các hộ buôn bán nhỏ dưới sân xung quanh. Cũng theo các cán bộ của Phòng Hướng dẫn về phòng cháy, có những hành động tưởng chừng rất vô thức của dân cư trong tòa nhà, đó là thấy đường vào rộng thì để xe bịt cả đường vào cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thoát hiểm, cứu nạn một khi có hỏa hoạn xảy ra…

Luyện tập sẵn sàng chiến đấu là yêu cầu quan trọng đối với lực lượng PCCC.

Phải biết tự phòng cho mình trước

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn khẳng định với chúng tôi, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, với lực lượng và trang bị hiện có thì lực lượng PCCC thành phố chỉ có thể đảm đương giải quyết được các vụ cháy vừa và nhỏ. Còn đối với các vụ cháy lớn, Thượng tá đã dùng từ "hết sức khó khăn" để nói với chúng tôi! Trên thực tế, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ mới được chính thức thành lập từ đầu tháng 7 vừa rồi. Trên cơ sở của Phòng Cảnh sát PCCC cũ nâng lên được tổng cộng 17 phòng, trong đó thì mỗi một đội cứu hỏa trước đây được nâng lên thành phòng. Như vậy là mới thay đổi tên gọi là chính, về lực lượng chưa có gì thay đổi. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, mỗi đội chữa cháy trung tâm thì phạm vi hoạt động có bán kính 5km. Mỗi một đội khu vực hoạt động trong phạm vi bán kính 3km. Vậy mà toàn thành phố hiện nay, sau khi nâng cấp các đội lên thành phòng, cũng mới đang chỉ có 10 cơ sở đảm đương cả một địa bàn thành phố rộng lớn!

Ngay cả về hạ tầng dành cho PCCC cũng chưa được quan tâm đúng mức. Toàn Hà Nội hiện chỉ có 941 họng nước phục vụ PCCC. Trong khi theo số liệu đo đạc từ năm 2008 thì đã phải cần tới 6.000 họng nước như thế. Ngoài một vài vườn hoa ở trung tâm có bể nước sẵn, còn rất nhiều ao, hồ nước mặt có thể phục vụ nhu cầu lấy nước chữa cháy khẩn cấp nhưng điều kiện tiếp cận rất khó khăn, đường vào hồ thường xuyên bị lấn chiếm hoặc chưa được cải tạo, không vào được. Được biết, ngày 7/9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Sở Xây dựng là chủ đầu tư xây dựng, lắp đặt thêm 500 trụ, điểm lấy nước chữa cháy trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2011 - 2012. Như vậy là ít nhất trong vòng 1 năm nữa, số lượng trụ nước chữa cháy mới xây thêm cũng chỉ đáp ứng được chưa tới 1/10 số yêu cầu…

Bởi vậy, việc người dân tự có ý thức trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng cháy và phản ứng kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra là cực kỳ cần thiết trong điều kiện hiện nay. Thượng tá Nguyễn Văn Sơn khẳng định, đối với các hộ dân sống trong tòa nhà chung cư hoàn toàn được quyền yêu cầu ban quản trị tòa nhà báo cáo kiểm tra thiết bị PCCC trong tòa nhà mình đang ở để đảm bảo mình sống trong điều kiện an toàn. Trong trường hợp ban quản trị tòa nhà không hợp tác, có thể gửi đơn lên Sở PCCC Hà Nội yêu cầu được giúp đỡ.

Mặt khác, "người dân cũng cần phải thay đổi một số ngộ nhận từ trước đến nay có liên quan đến công tác PCCC", Thượng tá Nguyễn Văn Sơn nói. Việc hiểu rõ kết cấu của tòa nhà, vị trí của thang thoát hiểm khẩn cấp và công năng của nó cũng như những kiến thức sơ đẳng mỗi khi phải vượt qua đám khói bụi thoát thân để tránh tổn thất sẽ là những việc làm thiết thực nhất. Theo đúng quy định, thang thoát hiểm luôn đảm bảo xây bằng tường chống cháy trong thời gian 180 phút với đám cháy dữ dội; cửa tự sập chống cháy cũng phải chịu được ít nhất 40 phút trong điều kiện tương tự, bao gồm cả hệ thống điều áp chống ngạt cũng như ngăn không cho lửa liếm vào ô cầu thang. Như vậy, theo Thượng tá Sơn, đối với một tòa nhà 18 tầng, thì thời gian chạy bộ từ tầng cao nhất xuống mặt đất qua đường cầu thang thoát hiểm cũng chỉ mất có 15 phút - nghĩa là đã vào được cầu thang thì coi như thoát!

Tất nhiên còn phải tính đến yếu tố chủ đầu tư có tuân thủ những tiêu chuẩn ấy không? Giải thích về điều này, Thượng tá Sơn cho rằng đối với những chung cư cũ thì có bất cập, nhưng đa phần các chung cư xây mới hiện nay đều tuân thủ những quy định này, và đều qua kiểm duyệt, nghiệm thu. Chỉ có điều trong quá trình sử dụng, người dân có ý thức kiểm soát việc này để có phản hồi kịp thời với lực lượng chức năng để xử lý hay không lại là việc khác. "Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra bất kỳ và nghiệm thu khi công trình chuẩn bị đưa vào sử dụng. Lực lượng PCCC không thể đủ người để kiểm tra định kỳ hết tất cả các tòa nhà trong thành phố. ở nước nào cũng vậy thôi. Chính người dân phải có ý thức với việc này trước tiên!". Thượng tá Sơn nói.

Cũng không phải hiếm tình trạng, nhiều tòa chung cư cao cấp khi đưa vào sử dụng đáp ứng đủ các yêu cầu về hệ thống cảnh báo, thoát nạn. Nhưng qua thời gian sử dụng, người dân thiếu ý thức, hoặc mặc kệ cho con trẻ nghịch ngợm phá phách làm hỏng chuông báo cháy, mất búa chữa cháy. Chủ đầu tư hay ban quản trị tòa nhà thì chẳng… "hơi đâu?" Còn chính cư dân thì thờ ơ vì làm gì có cháy?

Lại có những nơi, ban quản trị tổ chức phổ biến cho các hộ dân nghe kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ và phản ứng khi có cháy nổ xảy ra, mời cả các chuyên gia PCCC đến hẳn hoi thì chủ hộ gia đình lại cử… người giúp việc đi nghe?

Nói tóm lại là có 1001 lý do khiến cho đám cháy có thể từ không nghiêm trọng đến cực kỳ nghiêm trọng. Và có một câu ngạn ngữ nước ngoài cực kỳ chuẩn xác đối với những hoàn cảnh như thế: "God helps those who help themselve" - Trời sẽ cứu những người tự biết cứu mình!

Việt Ba
.
.