Oan cho… trái bưởi Việt Nam

Thứ Năm, 06/09/2007, 11:00
Thời gian vừa qua, dư luận không ngớt xôn xao về chuyện phụ nữ ăn bưởi sẽ bị ung thư vú, được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng, đã khiến chẳng những người tiêu dùng e dè, dẫn tới bà con nhà vườn - nơi sản xuất ra các thương hiệu bưởi nổi tiếng, ... "lên bờ xuống ruộng!". Vậy thật sự ăn bưởi có bị ung thư không?

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm cơ quan báo chí, ban biên tập, phóng viên đã viết và đăng sai sự thật nêu trên.

Chuyện nghiên cứu ở Mỹ chưa khẳng định kết quả

Phát xuất từ những nghiên cứu của 2 trường đại học là Nam California (USC) và Hawaii, được công bố vào giữa tháng 7/2007, rồi được tờ báo Bristish Journal of Cancer đăng tải lại - cho biết 2 trường nêu trên, sau khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát trên 50 nghìn phụ nữ đã qua tuổi mãn kinh mà trong đó, có 1.657 người tiền sử bị ung thư vú, thì thấy rằng: Nếu ai thường xuyên ăn 1/4 quả bưởi mỗi ngày, sẽ có khả năng tăng 30% nguy cơ mắc ung thư vú so với người không ăn.

Đến cuối tháng 7, nhiều hãng thông tấn như BBC, CNN, Reuter cùng các tạp chí như Time, Sécurité Alimentaire, Daily Mail..., đồng loạt trích đăng.

Một số tờ báo trong nước, kể cả vài đài truyền hình cũng... sốt sắng không kém và đã khẳng định sai lệch là: “Ăn bưởi bị ung thư”, “Bưởi là nguồn gốc gây ra ung thư vú”, “Nguy cơ từ trái bưởi”...

Tại bến Bình Đông, quận 8, TP HCM, hàng chục chiếc ghe đưa bưởi từ miền Tây lên, cắm sào neo đậu, chủ ghe lặng lẽ nhìn những quả bưới héo dần, héo mòn.

Quốc lộ 1A đoạn qua khỏi thị xã Tân An, tỉnh Long An hoặc đoạn đường từ phà Rạch Miễu dẫn vào thị xã Bến Tre, mới chỉ vài hôm trước đây, xe cộ còn tấp nập dừng lại bên lề đường để khách du lịch thưởng thức miễn phí từng múi bưởi "Năm Roi", bưởi “Da xanh” trước khi quyết định mua về làm quà, thì nay đìu hiu gió thổi.

Còn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bưởi Biên Hòa cũng rớt giá thê thảm không kém. Mỗi quả bưởi chỉ còn trên dưới 1.000 đồng trong lúc bình thường, nếu trả giá 5.000 - 6.000 đồng, người bán không thèm nói một tiếng.

Bưởi ở Việt Nam - một loại quả nhiều tác dụng

Tại Việt Nam nói riêng và một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á nói chung, bưởi được trồng rất rộng rãi.  Loại bưởi ấy có tên khoa học là Citrus Grandis (và thường được gọi là pumelo hay shaddock), với đặc điểm trái to, đường kính thường trên 2 tấc, vỏ khá dày và hơi sần sùi.

Bưởi Việt Nam.
 Theo phân tích của Tây y, thành phần loại bưởi này ngoài nước, đường, chất xơ, thì còn có các chất khoáng như natri, calci, cùng vitamin C, axit citric, axit folic, các men amylaza, peroxydaza.

Điều đặc biệt là trong bưởi còn có chất pectin - một loại chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm sự hấp thu cholesteron trong thức ăn hàng ngày, từ đó dẫn đến cholesteron trong máu giảm, xơ vữa động mạch cũng giảm theo.

Bên cạnh đó, bưởi còn có lycopene - là chất có thể ức chế sự tăng sinh của các khối u, nhất là u tiền liệt tuyến. Riêng Đông y, thì bưởi có tác dụng thông khí, tiêu đàm, làm giảm một số chứng viêm nhiễm đường hô hấp và góp phần làm giảm cân cho người béo phì.

Loại bưởi  ở Mỹ được cho là có khả năng “gây ung thư vú”, thì đó là loại bưởi “chùm” - hay còn gọi là bưởi đắng, tên khoa học là Citrus Paradisi (pomelo hoặc grapefruit). Nó là loại quả được hình thành bởi sự lai tạo giữa cam và bưởi, xuất hiện lần đầu tiên ở vùng Caribê - Nam Mỹ khoảng cuối thế kỷ XVIII.

Bưởi chùm.

Loại bưởi này trái nhỏ, đặt gọn trong lòng bàn tay, khi cắt ngang sẽ nhìn thấy ruột nó rất đặc, màu đỏ hồng, các múi bưởi dính liền nhau (khác với bưởi ta các múi tách rời, tép bưởi mọng nước, xốp) và đặc biệt là vỏ bưởi rất láng. Được trồng nhiều ở Mỹ, Brazil, Argentina, Mexico, người phương Tây dùng nó bằng cách ép lấy nước uống, hay ăn tươi.

Vậy dựa trên cơ sở nào để 2 trường đại học USC và Hawaii đưa ra công bố ăn bưởi “chùm” sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú? Thật ra, nếu đọc toàn văn bản báo cáo này, ta sẽ thấy những điểm mà USC và Hawaii đưa ra vẫn còn khá mơ hồ.

Một là đối tượng USC, Hawaii nghiên cứu, chỉ bao gồm những phụ nữ đã mãn kinh chứ không phải là cộng đồng phụ nữ bởi lẽ rất nhiều phụ nữ đang ở trong độ tuổi sinh sản, vẫn bị ung thư vú như thường.

Hai là USC, Hawaii chỉ phỏng vấn những người đã ăn ít nhất 1/4 quả bưởi mỗi ngày, còn những người ăn nhiều hơn, hoặc vài ngày mới ăn một lần, hoặc ngày nào cũng ăn, nhưng chỉ ăn 1, 2 múi thì nguy cơ là bao nhiêu phần trăm?--PageBreak--

Cũng trong bản báo cáo, việc giải thích về sự gia tăng chất nội tiết estrogen với việc ăn bưởi “chùm” (là chất liên quan đến bệnh ung thư vú) chưa rõ ràng. Có lẽ vì thế, nhóm tác giả của bản báo cáo mới kết luận rằng đây chỉ là “những nhận định sơ bộ”, và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định sự liên quan giữa ung thư vú và bưởi “chùm”.

Từ những “nhận định sơ bộ” về loại bưởi ở Mỹ ấy, đã làm điêu đứng bà con nông dân ở nước ta. Lợi dụng thông tin này, một số thương lái đã ép giá thu mua bưởi của nhà vườn - thậm chí có thời điểm, 600 đồng một quả cũng phải bán.

Ông Thành, chủ vườn bưởi ở Vĩnh Long bức xúc: “Lẽ ra trong trường hợp ấy, các nhà y học, khoa học Việt Nam phải nhanh chóng lên tiếng, giải thích để người tiêu dùng an tâm, và chúng tôi hoặc tiếp tục trồng, hoặc phá bỏ để trồng loại khác nhưng tin tức loan ra cả tuần lễ, mà chẳng thấy ai nói năng gì”.

Chỉ đến khi báo chí gặp gỡ những chuyên gia về vấn đề này, và đăng tin cải chính, rằng bưởi Việt Nam không hề gây bệnh ung thư vú thì sự đã rồi bởi lẽ có nhà vườn, thiệt hại cả trăm triệu!

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên những thông tin loại này làm người nông dân phải khốn khổ mà trước kia, sự kiện “ăn cá trê phi bị... cùi”, hoặc “ăn chim cút bị suyễn” hay mới đây “nước mắm có... phân urê” đã khiến nhiều người suýt nữa thì tán gia bại sản.

Vì thế, một thông tin khoa học - nhất là thông tin ấy có liên quan mật thiết đến sức khỏe cộng đồng, thì nên được kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi phổ biến bởi lẽ trên thế giới, đã không ít lần các đề tài khoa học... tầm cỡ, sau một thời gian lại phải cải chính "kết quả nghiên cứu" với công bố ban đầu...

Cuối cùng, ngày 29/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông. Nội dung là vừa qua, một số tờ báo đưa tin thất thiệt, không đúng về chuyện "ăn bưởi có nguy cơ ung thư vú", đã làm thiệt hại lớn cho người trồng bưởi và gây tâm lý bất an trong xã hội

.
.