Ông thầy cúng và lớp học chữ cổ

Thứ Sáu, 22/06/2007, 15:00
Bên rìa đại ngàn, trên sườn Khe Quýt có một lớp học độc nhất Việt Nam: Dạy chữ Nôm Dao cổ. Thầy dạy không phải giáo sư, tiến sĩ hay một nhà khoa học nghiên cứu về chữ cổ mà là một... thầy cúng của bản người Dao Tuyển.

Chuyện ông thầy mo ngồi khóc bên rừng vì thế hệ trẻ quên hết bản sắc dân tộc rồi ông quyết biến ngôi nhà đơn sơ của mình thành lớp học chữ cổ miễn phí cho thanh niên trong bản trở thành một sự kiện khá độc đáo.

“Nhất tự thực thiên kim”

Nhà thầy cúng Hoàng Sĩ Lực nằm dưới tán cây mít to tướng cuối bản Mi (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), phía bên kia đỉnh núi rừng già âm u. Hai bên cửa vào nhà thầy và cũng là lớp học có dòng câu đối viết bằng chữ Nôm Dao mà đám học sinh sau khi đọc một hồi bằng tiếng Nôm Dao đã dịch cho tôi sang tiếng Hán - Việt: “Học đường thỉnh lai văn chương tử - Đắc kỷ phụng tọa độc thư lang” (có nghĩa là: Trường học mời đến đứa con văn chương - Ghế tựa mời trai tráng ngồi đọc sách).

Thầy cúng kiêm thầy giáo Hoàng Sĩ Lực bảo rằng, cách đây hàng trăm năm, trước lớp học chữ Nôm Dao của người Dao Tuyển đều có hai dòng chữ đó thể hiện việc học hành chữ nghĩa rất rộng mở. Nhưng cả trăm năm nay, không thấy có lớp học nào ngoài lớp học của ông.

Hôm tôi đến, đúng vào ngày chủ nhật và cũng là buổi học chính trong tuần. Ông Thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống, đầu quấn khăn đen, áo dài đến đầu gối, dáng khòng khòng, gầy còm, cặp kính trễ nải như thầy đồ thuở xưa, tay cầm thước chỉ lên những dòng chữ trên bảng và đám học sinh cong lưỡi đọc đồng thanh: “Đọc thủy thúy dạy i - Đặt ri dẹc tỉn trắm”.

Bắt đầu vào học, buổi nào cũng vậy, học sinh đều phải đọc hai câu đó như kiểu chào cờ trước buổi lễ long trọng, sau đó mới học gì thì học. Dòng chữ này dịch ra tiếng Hán - Việt là “Đọc thư tu hữu ý - Nhất tự thực thiên kim” (có nghĩa: Đọc sách nên có ý (ý chí) - Một chữ đáng nghìn vàng).

Học sinh đều thuộc nằm lòng câu đó và việc hàng ngày đọc đi đọc lại đã thấm nhuần vào tâm tưởng của học sinh khiến chúng miệt mài học chữ hơn. Rồi trên  xà nhà, góc mái, cột kèo... đâu đâu cũng thấy câu đối, những lời hay ý đẹp bằng chữ Nôm Dao.

Trong cái nóng như nung của những ngày hè trên đất Lào Cai, lớp học của thầy cúng Hoàng Sĩ Lực vẫn đông đủ 15 học sinh. Trong đó, học sinh nhỏ tuổi nhất là 16, cao nhất là 32 tuổi và 5 học sinh đã có vợ con.

Điều đặc biệt là lớp học không có cô gái nào. Đây cũng là điều buồn nhất của ông thầy cúng. Ông đã bỏ nhiều công sức đi vận động nhưng tuyệt nhiên không có cô gái nào đến lớp. Từ xưa đến nay, người Dao vẫn có quan niệm việc học chữ là của trai tráng.

Học chữ Nôm Dao ngoài việc để hiểu biết thì cái thú nhất là có vốn để... tán gái. Trong kho tàng chữ Nôm Dao cổ có hàng ngàn điệu hát dùng để tán gái. Chàng trai nào giỏi chữ nghĩa, thuộc nhiều bài hát dao duyên thì các cô gái sẽ chết mê chết mệt.

Ngoài ra, từ trước đến nay, đàn ông Dao Tuyển học chữ Nôm Dao còn để trở thành thầy cúng, phụ nữ không làm thầy cúng được thì cũng chỉ cần học vài điệu hát dao duyên, thuộc vẹt vài câu hát đối đủ để đi lấy chồng là xong.     

“Thi thư thiên tuế tải long ân”

Cũng như các dân tộc khác, người Dao luôn tự hào về chữ Nôm Dao của dân tộc mình. Tuy nhiên, sống ở vùng biên giới, chiến tranh loạn lạc liên miên khiến người Dao không có điều kiện học hành.

Rồi có một thời, người ta cho rằng, những văn bản bằng chữ Nôm Dao là những tài liệu mê tín dị đoan (vì rất nhiều cuốn sách có nội dung dạy cách cúng bái) nên đem đốt sạch và cấm học chữ Nôm Dao.

Nhưng dù không công khai, các cụ vẫn âm thầm nghiên cứu, học tập chữ nghĩa để bảo tồn cho con cháu, bởi vì nếu thế hệ con cháu không biết chữ, không đọc được sách thì lịch sử, nguồn gốc cha ông, tổ tiên cũng sẽ mất hết.

Do vậy, suốt cả trăm năm qua chữ Nôm Dao chỉ được dạy theo kiểu cha truyền con nối, cho nên nếu con không chịu học thì sẽ bị thất truyền và rồi số người biết chữ Nôm Dao cứ rơi rụng dần. Có chăng chỉ mấy ông thầy cúng là còn biết được ít chữ để đọc bài khấn.

Hồi đầu năm 2001, khi đi cúng ma cho một gia đình ở bản khác về, thầy cúng Hoàng Sĩ Lực gặp một đám thanh niên phì phèo thuốc lá xuống núi. Ông hỏi: “Các cháu đi đâu đấy?”. Đám thanh niên Dao bảo: “Xuống phố chát để kiếm vợ đây?”.

 “Thế sao không học hát mà đi tìm vợ?”. Đám thanh niên cười rũ rượi trước mặt ông già cổ lỗ sĩ, rồi kéo nhau xuống phố tìm quán chát chít. Xưa kia người Dao sống trong rừng, không biết tiếng phổ thông thì phải học chữ để làm người. Giờ biết hết tiếng Kinh thì tiếng Nôm Dao không học nữa, rồi thì cội nguồn văn hóa cứ rơi rụng dần.

Nghĩ đến chuyện đó, ông thầy cúng ngồi bên mép rừng khóc. “Xưa kia khó khăn là vậy mà các cụ vẫn âm thầm truyền lại chữ nghĩa cho con cháu, giờ đời mình không lưu giữ được cho con cháu thì mình có tội với tổ tiên”. Nghĩ vậy, ông thầy cúng Hoàng Sĩ Lực quyết định mở lớp học dạy miễn phí chữ Nôm Dao cho con em trong bản.

Tổ tiên của thầy cúng Hoàng Sĩ Lực rất giỏi chữ Nôm Dao. Họ đều là những thầy cúng, thầy mo, thầy giáo, thầy hát nổi tiếng trong vùng. Bố ông hồi 3 tuổi đã bị liệt cả hai chân, không đi được nhưng vẫn rất giỏi chữ Nôm Dao vì được ông nội truyền dạy.

Người Dao có phong tục “bán gái mua dâu”, nên rồi bố ông cũng lấy được vợ. Tức là ông nội đã bán con gái cho người ta làm giá, để người ta gả con gái cho con trai mình.

Trong số 7 anh chị em thì chỉ có mình cậu bé Hoàng Sĩ Lực ham học chữ. Nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút, Lực dùng than củi vẽ lên mình trâu, lên cánh tay, ống chân mình. Dù đi chăn trâu, đi lên nương hay làm bất cứ việc gì Lực cũng có thể học được. Gốc cây, tảng đá, tường nhà, vách bếp đều biến thành sách học của cậu. Cậu còn kỳ công dùng dao rọc lấy cật nứa rồi dùng than củi vẽ chữ lên đó như người Trung Hoa cổ.

17 tuổi, cha làm lễ cấp sắc thành người lớn. 19 tuổi lấy vợ. Bố vợ cũng là một thầy cúng rất giỏi chữ Nôm Dao, thành thử cả đời không đến lớp mà Hoàng Sĩ Lực có tới hai ông thầy truyền đạt. Chính vì thế, ngoài việc trở thành người rất giỏi chữ Nôm Dao, ông còn trở thành một thầy cúng có tiếng trong vùng.

Người Dao chỉ cần học hết cuốn sách "Tam thiên tự" (cuốn sách 3 ngàn chữ) là đã giỏi lắm rồi, đằng này, ông có thể đọc hầu hết các loại sách cổ, từ các loại sách cúng bái đến sách thơ ca, hò vè, hát đối, truyện cổ, sách khoa học dạy cách sống, cách làm người cho cả trẻ con và người lớn.

Đặc biệt giá trị là những cuốn sách chữa bệnh bằng thuốc nam rất quý hiếm. Tất cả mọi lĩnh vực Thiên - Địa - Nhân đều có đầy đủ trong những pho sách quý này. Nếu hiểu biết sâu sắc về tất cả các loại sách thì đẳng cấp của thầy cúng có thể so sánh với các triết gia.

Tuy nhiên, số người Dao hiện nay biết đọc chữ Nôm Dao trên cả nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay và tất cả họ đều là thầy cúng. Song số người giỏi và hiểu biết sâu sắc chữ Nôm Dao còn hiếm hơn nữa.

Chính vì thế, khi các cán bộ Sở VH-TT Lào Cai đi thực địa, phát hiện ra ông thầy cúng Hoàng Sĩ Lực rất giỏi chữ Nôm Dao, liền thu thập hồ sơ về ông gửi về Trung ương và ông lập tức được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian, một trong 25 nghệ nhân dân gian đầu tiên của cả nước và là người duy nhất là... thầy cúng.

Đối với văn hóa Dao Tuyển, ông thầy cúng như một pho sách cổ cực lớn, là một “thư viện” của người Dao. Các nhà nghiên cứu văn hóa muốn tìm hiểu gì cứ gặp những ông thầy mo như ông Lực là biết hết.       

Những ngày đầu mở lớp hết sức khó khăn. Ông phải lên danh sách xem trong bản có đứa nào thông minh, sáng dạ thì đến động viên, thuyết phục chúng đến học.

Ngày đầu tiên lớp học có 11 người. Ngày học sinh lên nương, tối thầy trò đèn dầu cặm cụi viết chữ, đọc sách cong cả lưỡi. Những đêm trời ẩm ướt, muỗi bay như vãi trấu, thầy trò cứ vừa học vừa đập muỗi đôm đốp.

Có những đêm tháng 5, tháng 6, thầy trò say mê học đến nỗi, khi gấp sách lại, trời đã tang tảng sáng. Cậu học trò Lý Văn Lượng, nhà ở cách chỗ thầy 6 km, phải cuốc bộ qua một ngọn núi, con suối, cánh rừng, nhưng tối nào cũng đến lớp rất đúng giờ. Học xong thì ngủ lại nhà thầy, sáng sớm thức dậy đi bộ về nhà hoặc lên nương làm việc luôn.

Chữ Nôm Dao giống chữ Trung Quốc nên học rất khó. Việc viết chữ đã khó rồi, lại phải đọc bằng tiếng Dao, rồi phiên âm ra Hán - Việt mới dịch được nghĩa. Do vậy, nhiều học sinh học không vào, chóng nản chí nên bỏ học. Vài tháng sau, lớp học 11 người chỉ còn lại nhõn 4 học sinh.

Niềm hạnh phúc lớn nhất là vào ngày 20/11 năm đó, 4 học sinh đã khiêng đến nhà thầy câu đối thế này: Bắn sáng péc nền rành bong hui - Rì thủi tển ti thai loòng ắn.

Dịch nghĩa: Văn chương trăm năm chắp cánh cho Phượng - Thư thơ ngàn đời ghi tạc ơn Rồng). Đối với người Dao, thầy giáo được coi như Rồng, những người chăm học được ví như Phượng. Rồng chính là ông thầy mo kỳ lạ này. Có thể nói, tinh thần tôn sư trọng đạo của người Dao Tuyển thật đáng khâm phục.

Đến mùa xuân nào cũng vậy, học trò đều làm lễ long trọng dâng câu đối chúc tụng thầy. Thầy cũng làm câu đối chúc tụng, răn dạy học trò. Những người học được nhiều chữ Nôm Dao, cứ mở miệng ra là thơ ca tràn trề như suối. Thậm chí, đi đường gặp nhau họ cũng chúc tụng bằng câu hát, câu đối và nói chuyện về mọi lĩnh vực đều có bài hát riêng.

Năm kia, khi điện về bản, để học sinh kéo đến học đông hơn, ông thầy mo đã bán con trâu rồi sắm chiếc tivi và dàn karaoke. Khi học sinh mệt mỏi, thầy trò cùng hát rất bốc lửa. Chính vì có cái dàn karaoke mà học sinh kéo đến mỗi ngày một đông hơn. Lúc cao điểm lớp học có đến 40 em, ngồi kín cả nhà.

Khổ nhất là vợ con ông. Ngày đi làm nương vất vả, tối đến lại không ngủ được. Nghe tiếng đọc sách và tiếng hát karaoke của thầy trò mà như tra tấn lỗ tai. Nhưng vì ông là Rồng của bọn học sinh nên bà cũng không dám ho he nhiều.   

Suốt 6 năm trời miệt mài đào tạo, đã có hơn 100 học trò tìm đến ông tầm sư học đạo, tuy nhiên, cho đến lúc này, chỉ còn lại 15 em sáng dạ, chăm chỉ nhất trụ lại được.

4 tháng trước, khi Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT Lào Cai phát hiện ra lớp học đặc biệt của thầy mo này, ông rất trân trọng và xúc động. Ông đã hỗ trợ tiền cho thầy mo Hoàng Sĩ Lực 1 triệu đồng/tháng để thầy mo chuyên tâm dạy học.

Toàn bộ tiền điện, tiền đóng bàn ghế ông Sơn cũng chu cấp đầy đủ. Ông còn trả tiền công... đi học cho 15 học sinh nên cả thầy và trò đều rất hào hứng. Điều trăn trở nhất đối với thầy mo Hoàng Sĩ Lực là không biết số học sinh này học giỏi chữ Nôm Dao rồi sẽ vận dụng vào việc gì.

Nếu không trở thành thầy cúng thì chữ nghĩa cũng lại vùi xuống gốc sắn, nương ngô cả. Không biết ông Tiến sĩ Trần Hữu Sơn có mục đích gì khác với đám học trò này khi chúng học hành giỏi giang không?

Phạm Ngọc Dương
.
.