Peru: Chiến dịch chống… văn hóa ăn thịt mèo

Thứ Ba, 23/10/2012, 22:35

Lễ hội ăn thịt mèo diễn ra vào ngày 21/9 hàng năm ở La Quebrada, thị trấn ở phía nam thủ đô Lima của Peru. Nhưng lễ hội năm nay gặp rắc rối do sự xuất hiện của các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật có những nỗ lực nhằm ngăn chặn “văn hóa ẩm thực” sử dụng thịt mèo làm các món khoái khẩu.

Vào một ngày cuối tuần tại Miraflores, khu ngoại ô của Lima, một đám đông người biểu tình tụ tập trước nhà thờ đang chuẩn bị hành lễ mass và hô to những khẩu hiệu bảo vệ quyền động vật. Phía trước mặt họ là hàng rào cảnh sát bảo vệ nhà thờ. Câu chuyện bắt đầu từ việc vào ngày hôm trước, những người biểu tình phát hiện một con mèo đi lạc bên trên nóc nhà thờ và họ tuyên bố vị linh mục không cho phép họ giải cứu con mèo.

Trong suốt nhiều năm, công viên trung tâm của Miraflores là nhà của hàng chục con mèo hoang. Vào thập niên 90 thế kỷ trước, chỉ có vài con mèo được nuôi để diệt chuột nhưng sau đó chúng sinh sôi đông đúc sau khi bị chủ nhân bỏ rơi ở khu công viên. Ngày nay, đám mèo hoang này được những người yêu động vật tình nguyện chăm sóc. Nhưng người dân ở Miraflores không ưa chúng.

Một số người cho rằng, đám mèo hoang mang mầm bệnh và vào những ngày oi ả, mùi nước tiểu của chúng lan trong không khí gây khó chịu cho mọi người. Cuộc biểu tình chỉ chấm dứt sau khi cảnh sát có hành động mạnh tay và cuối cùng con mèo đi lạc trên nóc nhà thờ được giải cứu đến nơi khác để nuôi nấng. Nhưng không phải "tiểu hổ" nào cũng gặp được may mắn như thế.

Vào mỗi tháng 9, bức tượng thánh Santa Efigenia được rước đi trên những con đường ở thị trấn La Quebrada giữa tiếng nhạc ầm ĩ và những điệu nhảy quay cuồng trong lễ hội ăn thịt mèo. Ngày hội ẩm thực kỳ quặc này ở Peru được cho là kỷ niệm khoảng thời gian ngày xưa dân nô lệ khai hoang sống sót được là nhờ ăn thịt mèo!

Dĩ nhiên, cả một đội quân mèo được nuôi lấy thịt nhằm phục vụ dịp lễ và lúc đó chúng được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo của người Peru. Ví dụ, thịt mèo được hầm hay nướng với thứ cây bạc hà màu đen, dân địa phương gọi là huacatay. Những người tham dự lễ hội cho biết thịt mèo ăn rất ngon, không khác gì thịt thỏ! Ở Peru, người ta tin thịt mèo là món ăn kích thích dục năng của đàn ông.

Những người tham gia lễ hội ăn thịt mèo ở Peru vào tháng 9 hàng năm.

Đến con đường Jiron Ayacucho ở trung tâm thành phố Lima, du khách dễ dàng bắt gặp những cửa hiệu bán mèo cũng như chim, khỉ và loài bò sát có nguồn gốc không rõ ràng. Chúng bị nhốt trong những chiếc hộp bìa cứng hay nhồi nhét trong những chiếc lồng sắt nhỏ han gỉ. Các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật chỉ trích điều kiện giam cầm thú nuôi như thế. Họ cũng mang sừng giả và tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở bên ngoài những khu vực sân đấu bò của Peru.

Tuy nhiên, trước quá nhiều vấn đề gây sức ép khác trong nước - như là tình trạng nghèo khổ, bất bình đẳng, tội phạm và tham nhũng - cho nên chính quyền Lima không coi việc bảo vệ quyền động vật là ưu tiên xử lý. Các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật luôn có những nỗ lực chống lại sự ngược đãi, lạm dụng và bỏ rơi thú vật ở Peru. Họ thậm chí muốn cải tạo hàng triệu người dân Peru thích ăn thịt động vật thành những người ăn chay!

Năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã có động thái chấm dứt thói quen ăn thịt mèo (và cả chó) đã có từ lâu đời ở quốc gia này, đồng thời một dự thảo luật được trình lên Quốc hội. Nếu luật được thông qua, thì đây sẽ là luật đầu tiên chống hành vi ngược đãi thú vật của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai ăn thịt mèo (hay chó) sẽ bị phạt tiền khoảng 5.000 nhân dân tệ và ngồi tù 15 ngày. Riêng các tổ chức liên quan đến hoạt động bán mèo (hay chó) để làm thịt có thể bị phạt tiền trong khoảng từ 10.000 đến 500.000 nhân dân tệ!

Người Trung Quốc tin rằng, da mèo có tác dụng chữa bệnh thấp khớp; và người Hàn Quốc cũng tin thịt mèo chữa được bệnh này. Ngày 7/5/1991, Hàn Quốc thông qua Luật Bảo vệ động vật và được coi là biện pháp ngăn chặn thói quen ăn thịt mèo và chó ở xứ sở này, song trên thực tế hiếm khi nào luật được thực thi.

Thịt mèo được bày bán công khai ở Trung Quốc.

Tháng 10/2002, giới chức chính quyền bang Victoria, miền Đông Australia, có lệnh cấm ăn thịt mèo và chó. Tuy nhiên, thổ dân Australia vẫn coi thịt mèo hoang là món ăn thuần túy của họ. Tháng 3/2003, báo chí ở Brazil đưa tin một ông già 70 tuổi tên là Elias Cassini của nước này bị bắt giữ vì nghi ngờ bắt mèo nhà của hàng xóm làm thịt! Theo người phát ngôn của cảnh sát Sao Paulo, một cú điện thoại nặc danh báo tin Cassini thường bắt những con mèo xung quanh nhà ông ta để làm thịt.

Tháng 6/2003, các nhóm bảo vệ quyền động vật ở Thụy Sĩ bày tỏ mối lo ngại về thói quen ăn thịt mèo và chó ở quốc gia này, đặc biệt tại những vùng thôn quê vì người ta tin rằng thịt và mỡ mèo hay chó có vị thuốc chữa bệnh! Thuỵ Sĩ có luật cấm mổ thịt thú nuôi song người ta dễ dàng mua được thịt mèo hay chó ở chợ đen. Tháng 5/2007, giới chức y tế ở Kuwait ra lệnh đóng cửa một nhà hàng bánh mỳ kẹp thịt sau khi có những khách hàng tố cáo nơi đây bán thịt mèo. Mèo, cùng với các động vật ăn thịt khác, là cấm kị đối với người Hồi giáo. Còn tại Italia, quốc gia có khoảng 8 triệu con mèo được nuôi trong gia đình, ăn thịt mèo được coi là bất hợp pháp và có thể bị giam 18 tháng tù.

Ở Ấn Độ, thịt mèo là món ăn của các bộ tộc người Gypsy như là bộ tộc Narikorvas ở miền Nam Ấn Độ và một thiểu số người bang Kerala, song không được ăn công khai. Cũng có thông tin cho rằng những người thuộc đẳng cấp thấp ở Ấn Độ chuộng thịt mèo

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.